Tình trạng sạt lở ở Việt Nam, nguyên nhân và làm sao để hạn chế? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Chủ Nhật, 11 tháng 11, 2018

Tình trạng sạt lở ở Việt Nam, nguyên nhân và làm sao để hạn chế?


Tình trạng sạt lở bờ biển và bồi lấp cửa sông tại các tỉnh ven biển miền Trung ngày càng gia tăng nghiêm trọng thời gian gần đây. Các chuyên gia nói gì về hiện trạng này và đưa ra những giải pháp nào?

Bờ biển Cửa Đại, Hội An, bị xói lở nghiêm trọng.

Gia tăng bất thường


Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe
Tại cuộc họp về tình hình sạt lở bờ biển và bồi lấp cửa sông các tỉnh ven biển miền Trung tại trụ sở chính phủ hôm 7 tháng 11. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết tình trạng xói lở bờ biển và bồi lấp cửa sông tại các tỉnh ven biển miền Trung từ Nghệ An đến Bình Thuận diễn ra phức tạp với mức độ nhận định ngày càng gia tăng.

Từ Nghệ An đến Bình Thuận có 13 tỉnh, thành phố ven biển, với chiều dài bờ biển hơn 1.600 km cùng mạng lưới sông ngòi với 48 cửa sông đổ ra Biển Đông.

Tính đến tháng 7 năm 2018, toàn bộ bờ biển miền Trung có 88 điểm sạt lở với tổng chiều dài hơn 120 km. Khu vực sạt lở nghiêm trọng nằm ở các tỉnh Nghệ An, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận…

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn giảng dạy tại Đại học Cần Thơ đưa ra nhận định về vấn đề này:

Hoạt động con người, những chỗ xung yếu, chúng ta mất đi rừng bảo vệ, việc khai thác cát tràn lan, hoặc xây dựng công trình không chú ý việc thay đổi dòng chảy cũng làm khả năng sạt lở gia tăng.

-PGS. TS. Lê Anh Tuấn
“Thật ra thì sạt lở đã xảy ra lâu rồi, nhưng những năm gần đây nó gia tăng rất là rõ rệt. Các báo cáo về sạt lở từ miền bắc miền trung đến miền nam xảy ra ngày càng nghiêm trọng. Có rất nhiều cách để lý giải nguyên nhân sạt lở, thứ nhất là do thời tiết bất thường hơn, gió bão nhiều hơn, sóng mạnh hơn. Thứ hai là hoạt động con người, những chỗ xung yếu, chúng ta mất đi rừng bảo vệ, việc khai thác cát tràn lan, hoặc xây dựng công trình không chú ý việc thay đổi dòng chảy cũng làm khả năng sạt lở gia tăng. Tóm lại nguyên nhân gây sạt lở vừa là do con người và cũng do thiên nhiên.”

Theo Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, nguyên phó phòng Dự báo Đài Khí tượng thủy văn Nam bộ, tình trạng sạt sở không chỉ xảy ra ở bờ biển miền trung, miền bắc, mà còn xảy ra rất nhiều ở các sông đổ ra biển tại Việt Nam. Nguyên nhân theo bà là do biến đổi khí hậu, làm bầu khí quyển nóng lên, làm ảnh hưởng hoàn lưu khí quyển, tức làm các khối không khí gia tăng hoạt động gây mưa giông bão gió mùa ngày càng nhiều hơn và làm thay đổi các dòng chảy. Bà cho rằng, những xáo trộn khí hậu làm sạt lở ngày càng tăng lên, bà nói tiếp:

“Triều cường mỗi tháng hai lần ở Việt Nam, nhất là vùng ven biển miền trung cho đến Cà Mau là bán nhật triều, tức là ngày hai lần nước lớn và nước ròng, với biên độ triều biến động quá lớn và nhanh, tạo ra một cái lực tác động đến bờ biển Việt Nam, nhất là miền trung và miền nam do hai vùng này nằm gần xích đạo. Theo tôi,vì Việt Nam là kinh tế biển, nhất là ở miền trung, nên việc tác động đến bờ biển tương đối lớn. Ngoài ra do việc phát triển du lịch nên xây dựng ở khu vực bờ biển cũng ngày càng nhiều, mà đất ven biển thường yếu, nên nếu không nghiên cứu kỹ địa hình sẽ gây ảnh hưởng rất lớn.”

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn khẳng định, sạt lở tại Việt Nam hiện nay là vấn nạn quốc gia, vì rất nhiều nơi phải đối diện hiện trạng này. Chính phủ Việt Nam đã bỏ ra một số tiền rất là lớn để khắc phục việc sạt lở, nhưng theo ông có vẻ như chưa hiệu quả.

Bờ biển Cửa Đại bị sạt lở làm đổ cây. Courtesy quangnam.gov.vn
Tại cuộc họp về tình hình sạt lở bờ biển của chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhìn nhận, sạt lở bờ biển đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống người dân ở các khu vực như huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế, sạt lở bờ biển Cửa Đại ở Hội An, Tuy Hòa, Phú Yên…

Chúng tôi hỏi chuyện Anh Thành, sống làm việc tại khu vực biển Cửa Đại và Cù Lao Chàm, Hội An và được Anh cho biết tình hình sạt lở tại địa phương như sau:

“Đoạn đường từ biển Cửa Đại đến Vinpearl người ta đang xây dựng kè lại cho nó khỏi sạt lở. Việc sạt lở cũng lâu rồi, chính quyền cũng cho kè một số, và các resort thì doanh nghiệp họ cũng tự làm. Biển Cửa Đại thì không có nhà dân nhiều, chỉ có những quán bán, nhưng nhà nước cũng không có hỗ trợ gì cho các hộ đó. Chỗ đường từ biển Cửa Đại xuống bến cảng là sạt lở nghiêm trọng nhất, họ đang kè, nếu sạt lở nhiều sẽ mất luôn con đường xuống bến cảng. Ngoài ra, ở Cù Lao Chàm cũng bị nước biển xâm thực, mùa đông gió mạnh, nước biển vô cả nhà dân.”

Giải pháp

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn những giải pháp mà chính phủ đang thực hiện như xây dựng hệ thống bờ kè để bảo vệ hay quy hoạch những chỗ nguy cơ để di dời người dân đi chỗ khác, chỉ là những giải pháp tình thế, không giải quyết được toàn bộ vấn đề.

Cần phải có kế hoạch tổng thể trong việc xây dựng bờ kè, chứ không làm chắp vá, mạnh ai nấy làm. Muốn vậy cần phải có cơ quan ban ngành có trình độ khoa học kỹ thuật để nghiên cứu xây dựng.

-Lê Thị Xuân Lan
Trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 8 tháng 11, Tiến sĩ Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, Phó Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật biển Việt Nam, cũng đề nghị một số giải pháp:

“Trước mắt để giải quyết tình thế thì chỗ nào có sạt lở đe dọa cuộc sống thì nhà nước cần nghiên cứu phải pháp thích nghi hoặc giải pháp thích ứng. Thích nghi là nhà nước tập trung đầu tư một số công trình mềm, cứng để để giảm thiểu tác động ấy. Còn thích ứng là di dời người dân và cho chỗ đó phát triển tự nhiên như vậy. Còn lâu dài thì phải xem lại việc phát triển trong nội địa có gì bất cập, thí dụ như thủy điện, xây dựng đê điều có hợp lý chưa…”

Nếu muốn làm hiệu quả thì cần phải có sự phối hợp thật là chặt chẽ giữa người dân địa phương và chính quyền. Đó là nhận định của Bà Lê Thị Xuân Lan, Bà nói:

“Vì nếu một bên làm và một bên phá thì không được. Cái thứ hai là cần phải có kế hoạch tổng thể trong việc xây dựng bờ kè, chứ không làm chắp vá, mạnh ai nấy làm. Muốn vậy cần phải có cơ quan ban ngành có trình độ khoa học kỹ thuật để nghiên cứu xây dựng. Còn nếu mỗi địa phương nào cứ bị sạt lở thì mạnh ai nấy đắp thì sẽ bị hoài, mỗi năm sạt lở hoài.”

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn thì cho rằng trước mắt cần lập bản đồ các điểm sạt lở, bản đồ càng chi tiết càng tốt. Để phân biệt các điểm sạt lở, cái nào nguy cấp thì xử lý trước. Từ bản đồ sạt lở sẽ đưa ra các loại cảnh báo thích hợp cho tàu bè, người dân…


RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad