Cách mạng công nghiệp và giáo dục, đạo tạo, nghiên cứu khoa học - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Chủ Nhật, 2 tháng 12, 2018

Cách mạng công nghiệp và giáo dục, đạo tạo, nghiên cứu khoa học


Việc đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực là nhiệm vụ hết sức quan trọng, là sống còn đối với mọi quốc gia trong thời đại CMCN lần thứ tư.

Cách mạng công nghiệp và giáo dục, đạo tạo, nghiên cứu khoa học/Hình minh họa
Nhìn lại các cuộc cách mạng công nghiệp cho thấy vai trò mở đường của giáo dục, đào tạo, và nghiên cứu khoa học đối với CMCN và ngược lại CMCN tạo điều kiện cho đổi mới công tác đào tạo, và mở ra những lĩnh vực mới cho giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Trong bối cảnh mới của CMCN lần thứ tư và hội nhập quốc tế, đào tạo con người có tinh thần làm chủ, năng động, có tư duy độc lập, và sáng tạo, và Nhà nước có chiến lược, chính sách để vun đắp nguồn nhân lực quốc gia là hai yêu cầu bức thiết để đất nước đi lên trong một thế giới nhiều đột phá.

Quan hệ giữa các cuộc cách mạng công nghiệp với GD, ĐT và NCKH

Bảng trên đây được trích ra từ Bảng 1 trong một bài viết trước [1]. Đọc bảng trên đây chúng ta sẽ thấy một mối quan hệ kép hết sức thú vị: vai trò mở đường của giáo dục, đào tạo, và nghiên cứu khoa học đối với cách mạng công nghiệp (CMCN) và ngược lại, CMCN tạo điều kiện cho đổi mới công tác đào tạo, và mở ra những lĩnh vực mới cho giảng dạy và nghiên cứu khoa học.


Chính sự tương tác này đã thúc đẩy hai đối tác GD, ĐT NCKHCMCN cùng tiến rất nhanh kể từ cuộc CMCN lần thứ ba.

1. Quan hệ kép giữa GD, ĐT và NCKH với CMCN

Vào cuối thế kỷ XVII, Gottfried W. Leibniz (1646-1716), từ kết quả khảo sát với công cụ mà ông sáng tác, đã phát biểu:

Dấu hiệu là quan hệ: nó thiết lập một mối liên hệ giữa đối tượng và thế giới của thực nghiệm, thực hay ảo”, và “sự phổ cập hóa và đại chúng hóa tri thức cần đến các sơ đồ”.

Năm 1642, Blaise Pascal (1623-1662) tạo ra một hộp bánh răng cho phép ông đếm bằng số răng của một bánh xe, và đi xa hơn: khi mà bánh xe răng đã hoàn thành một vòng, nó giữ lại dấu vết và chuyển thông tin này đến bánh xe bên cạnh. Nói cách khác, B. Pascal là người đầu tiên đã vật chất hóa ký ức và truyền thông tin.

Có thể nói, Gottfried W. Leibniz và Blaise Pascal đã tạo ra những công cụ có tính khai phá của tư duy và cho xử lý thông tin thời bấy giờ

Thiết bị sáng tác của G.W.Leibniz
Hộp bánh xe răng của B. Pascal

George Boole (1815-1864) đã phát triển lôgic nhị nguyên và năm 1854 ra đời đại số Boole, một nền tảng của tin học một thế kỷ về sau.

Công trình của Boole đã mở đường cho các nghiên cứu tiếp theo của Alan Turing. Năm 1936 Alan Turing (1912-1954) cho rằng có thể giải bài toán về tính có thể quyết định (decidability) bằng một thuật toán (algorithm) chỉ dựa trên hai giá trị 0 và 1, và chứng minh điều này bằng máy Turing. Một máy Turing gồm có một chương trình thuật toán, một bộ nhớ, một bộ điều khiển, và các bộ phận đọc và viết. Máy Turing như vậy là tiền thân của máy tính điện tử ra đời lần đầu tiên vào khoảng 1947 – 1950.

Các thành tựu của A. Turing, cùng với điện tử, vi điện tử và tự động hóa là những động lực để CMCN lần thứ ba ra đời mà các đặc trưng chính là số hóa thông tin, máy tính điện tử, vi điện tử tốc độ xử lý thông tin ngày càng nhanh. Chúng mở ra một lĩnh vực nghiên cứu mới: truyền thông.


Claude Shannon (1916-2001) và một cộng sự, W. Weaver, có nhiệm vụ lọc nhiễu trong điện thoại. Ông đã thiết lập sơ đồ Shannon. Năm 1948 ông đã xuất bản “A Mathematical Theory of Communication” (Một lý thuyết toán về truyền thông), một tài liệu cơ bản về lý thuyết và thực hành về truyền thông cho tới hiện nay.

Hầu như cùng lúc, năm 1942, Norbert Wiener (1894-1964) đã lập nên một sơ đồ tương tự với sơ đồ Shannon có thêm vòng phản hồi (feedback) khi được giao nhiệm vụ “theo dõi đối tượng trên quỹ đạo bay của nó”. Chính vòng phản hồi đã cho phép Wiener đã đặt nền móng cho ngành điều khiển học (cybernetics), mở ra khả năng điều khiển và kết nối Người – Máy, đã được đề cập trong bài báo đã dẫn.


Điều khiển học và lý thuyết truyền thông là động lực chính dẫn đến CMCN lần thứ tư cùng với sự lan tỏa nhanh của số hóa thông tin, tiến bộ về độ phủ và tốc độ truyền số liệu.

Các đặc trưng chính của CMCN lần thứ tư là sự xóa mờ ranh giới giữa các khoa học, sự tích hợp (integration) hay hợp nhất (fusion) công nghệ, lưu trữ và xử lý “dữ liệu lớn” (big data) về các hệ thống điều tiết (regulatory systems).

Với những tri thức tích lũy được từ các cuộc CMCN trước, CMCN lần thứ tư chấp cánh cho toán học rời rạc (Discrete Mathematics), lý thuyết về mô phỏng số các hiện tượng vật lý ngày càng phức tạp, thực sự phát triển.

Tuy nhiên một thuật toán cho dù có tinh vi đến mấy, nhưng nếu số liệu đầu vào (input data) về điều kiện ban đầu, về điều kiện biên không chính xác, kết quả mô phỏng (output data) khó mà sát với thực tế và được chấp nhận.

Trong các bài toán từ thế giới tự nhiên chúng ta thiếu rất nhiều thông tin, mà nếu có cũng không thể “chính xác”. Những nghiên cứu trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, về biến đổi khí hậu là những ví dụ.

Vì vậy từ đầu thập kỷ của thế kỷ XXI, nhiều nhà khoa học tìm cách xây dựng các thuật toán trong điều kiện thông tin như thế, kết hợp lý thuyết về sự phức tạp [2] với thống kê học, những thuật toán mà họ gọi là thuật toán trong thế giới thiên nhiên (ecorithm) [3], [4]. Một ngành học mới, một lĩnh vực nghiên cứu mới ra đời.

Cybernetics (điều khiển học) là một ví dụ CMCN lần thứ tư làm mờ ranh giới giữa các khoa học, hình thành những môn học “xuyên ngành”. Lĩnh vực đào tạo mới này, cơ bản và các “chân rết” trong toán học, tin học, trong các ngành kỹ thuật, trong sinh học, trong khoa quản lý, tâm lý học, xã hội học, luật học, trong kiến trúc, và trong hệ thống khoa học về trái đấ [5].

Khả năng lưu trữ hầu như không có giới hạn, tốc độ truyền số liệu siêu nhanh, công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ trong các lĩnh vực internet, internet kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo, in 3D, … được đầu tư từ an ninh quốc phòng [6], từ các doanh nghiệp cạnh tranh nhau vì lợi nhuận, chắc chắn sẽ đưa đến nhiều đột phá … ít chờ đợi trong những năm tới đây.

2. Đổi mới công tác đào tạo trong bối cảnh mới

Các cuộc CMCN đều dẫn đến những thay đổi to lớn, nhiều mặt, lần sau nhiều hơn lần trước. Chính vì vậy, việc đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực là một nhiệm vụ hết sức quan trọng. Nó là sống còn đối với mọi quốc gia trong thời đại CMCN lần thứ tư.

Năm 1769 được xem là năm đánh dấu cuộc CMCN lần thứ nhất. Ba năm sau, 1772, tại trường Đại học Göttingen, Johann Beckmann bắt đầu giảng dạy môn “Technology” dành cho các nhà quản lý. Trong giáo trình này, technology được giảng là sự tổ hợp những quy trình kỹ thuật để cho ra một sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế. Ông còn định nghĩa technology là khoa học của thương mại.

Năm 1794, ở Pháp thành lập Conservatoire National des Arts et Métiers (CNAM) mà đối tượng học, ngoài sinh viên, còn có, và họ là phần lớn, những người đã đi làm muốn nâng cao trình độ hoặc học những môn học mới. CNAM hiện nay là một trường đào tạo đại học tới tiến sĩ đồng thời vẫn giữ là một trung tâm đào tạo liên tục cho những người đã đi làm.

Có những môn học mới cần được đưa vào giảng dạy. Nội dung của các môn học đã có cũng cần được thường xuyên cập nhật.

Với tiến bộ về CNTT, cách giảng dạy đã thay đổi nhiều. Ngay từ bậc tiểu học, các cháu được tập suy nghĩ độc lập, được khuyến khích nêu câu hỏi khi chưa hiểu hoặc muốn hiểu thêm, bởi lẽ hiểu bài quan trọng hơn thuộc bài. Suy cho cùng đây là chìa khóa của những “thành tựu Phần Lan”, “thần kỳ Nhật bản”, “kỳ tích sông Hàn”,

***

Phương thức đào tạo đa dạng hơn (học trên mạng, đào tạo xen kẽ giữa trường và doanh nghiệp, …). Người học được khuyến khích chủ động, có ý tưởng mới, làm việc theo nhóm, …

Vai trò của thầy cô càng quan trọng: giải thích những điều giáo trình trên mạng chưa nói hết, và tốt hơn nữa gợi ra cho người học sự cảm hứng đối với môn học, gợi mở những hướng nghiên cứu.

Để nhìn nhận toàn diện công tác đào tạo trong bối cảnh mới, cần “nhúng” công tác này vào môi trường của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mà các đặc trưng, như đã nói, có liên quan là sự xóa mờ ranh giới giữa các khoa học, là sự tích hợp công nghệ tốc độ, gia tốc của những đổi thay là lớn chưa từng thấy.

Trong bối cảnh mới, học tập suốt đời không chỉ là phương châm mà phải được áp dụng trước tiên đối với thầy cô để họ có thể làm tròn chức năng của mình.

Cũng cần “nhúng” công tác đào tạo vào môi trường hội nhập quốc tế mà các đặc trưng có liên quan là hợp tác đi đôi với cạnh tranh, là sự di chuyển lao động được quy định trong các hiệp định và điều ước quốc tế, mà hệ lụy là sự tranh giành tài năng giữa các quốc gia [7].

Liên hệ đến thực trạng, khoảng cách về chất lượng nguồn nhân lực của chúng ta là một thách thức lớn.

Nhận xét và Khuyến nghị

Trong bối cảnh mới, ở nước ta có nhiều việc rất cụ thể mà công tác đào tạo phải làm. Để làm tốt, cần được quy định trước tiên trong Luật giáo dục. Điều cốt lõi là sản phẩm của đào tạo là con người làm chủ, năng động, có khả năng thích ứng, sáng tạo, có tư duy độc lập. Thiết nghĩ, đó là nội hàm và yêu cầu cụ thể của “đổi mới giáo dục và đào tạo cơ bản và toàn diện” để đất nước đồng hành cùng CMCN lần thứ tư.

Đào tạo ra những con người như thế, còn phải biết sử dụng, phát huy và gìn giữ đi đôi với thu hút tài năng. Đây là những vấn đề thuộc về chính sách, chiến lược mà Nhà nước mọi quốc gia cần có.


GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân
Dân Việt

Chú thích:

[1] Nguyễn Ngọc Trân, Nhìn lại các cuộc cách mạng công nghiệp, Báo Đất Việt, ngày 26.11.2018, http://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc/nhin-lai-cac-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-3369843/

[2] Thuộc lĩnh vực tin học lý thuyết. Tham khảo từ khóa: Theory of complexity, Computational Complexity …

[3] Leslie Valiant, Probably Approximately Correct, 2013, Basic Books; bản dịch tiếng Pháp, Cassini 2018.

[4] Marc Bui, Michel Lamure, Ivan Lavallée, 2013, La machine α: Modèle générique pour les algorithmes naturels. (Thông báo riêng cho tác giả).

[5] Có thể tham khảo https://en.wikipedia.org/wiki/Cybernetics

[6] Cũng nên nói thêm rằng các phát minh của C.E. Shannon xuất phát từ đặt hàng của một doanh nghiệp điện thoại Hoa Kỳ, và của N. Wiener từ đặt hàng của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ.

[7] Nguyễn Ngọc Trân, Nguồn nhân lực, Hợp phần của cạnh tranh và sáng tạo, Đối tượng cạnh tranh toàn cầu

Báo Đại biểu nhân dân của Quốc hội, http://www.daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=76&NewsId=382277

GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Khoa học Kỹ thuật nhà nước, Đại biểu Quốc hội các khóa IX, X, XI, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Đối ngoại Quốc hộ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad