Con cháu thế hệ Cách mạng: Thành viên của các phong trào đấu tranh mới ở Việt Nam - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Năm, 20 tháng 12, 2018

Con cháu thế hệ Cách mạng: Thành viên của các phong trào đấu tranh mới ở Việt Nam


Các lãnh đạo bảo thủ ở Hà Nội đang ngày càng bị ám ảnh bởi chính di sản của ông Hồ. Sự bùng nổ bất thường của làn sóng biểu tình trên khắp đất nước Việt Nam vào tháng 6/2018 thể hiện rõ nỗi bất an rộng khắp trong người dân Việt, rằng hiện tượng người Trung Quốc đổ xô đến Việt Nam đầu tư có thể làm xói mòn nền độc lập của quốc gia, đồng thời gây nguy hại cho chính di sản của người sáng lập chế độ là ông Hồ Chí Minh.


Người Việt Nam hô khẩu hiệu chống Trung Quốc trong một cuộc biểu tình ở Hà Nội, Việt Nam (ngày 14 tháng 3 năm 2016). Image Credit: AP Photo/Tran Van Minh

Trong một cuộc phỏng vấn với báo The Diplomat, bà Hương, một nhà vận động môi trường và cố vấn của một tổ chức phi chính phủ, nhận xét rằng “người Việt Nam từ lâu rất tự hào về nền độc lập của họ. Họ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ nó bằng bất cứ giá nào. Chúng tôi không thể chịu đựng viễn cảnh bị chiếm đóng hoặc bị áp bức bởi các thế lực nước ngoài”.

“Phong trào biểu tình chống đặc khu kinh tế (SEZ – special economic zones) chính là một sự kết nối liền mạch với quá khứ”. (Cô Hương – không phải tên thật – đã yêu cầu giấu tên để bảo đảm an toàn cho công việc của cô trong hoạt động xã hội dân sự).

Trong làn sóng biểu tình mùa hè vừa qua, hàng chục ngàn người đã xuống đường tuần hành ở TP HCM. Hàng ngàn người khác biểu tình tại sáu tỉnh trên toàn quốc vào tháng 6/2018 trong nỗ lực ngăn chặn một dự luật gây tranh cãi, trong đó dự kiến xây các các đặc khu kinh tế (SEZ) tại ba địa điểm chiến lược, với hợp đồng thuê đất kéo dài tới 99 năm. Các công ty Trung Quốc là những ứng cử viên hàng đầu để hưởng lợi từ các địa điểm này.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, Nguyễn Chí Dũng hy vọng rằng, các đặc khu, với vị trí đặc biệt và hoạt động dưới sự ưu đãi khác thường, sẽ trở thành nam châm thu hút các nhà đầu tư, từ đó kích thích sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Bất chấp xung đột vẫn tiếp diễn giữa Việt Nam và Trung Quốc xung quanh các đảo trong vùng tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông, cùng với làn sóng biểu tình phản đối đặc khu kinh tế vừa qua, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc mới đây vẫn cố gắng thuyết phục các nhà đầu tư Trung Quốc tại Hội chợ xuất nhập khẩu quốc tế tháng 11, tổ chức tại Thượng Hải. Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.

Nhà phân tích độc lập và là nhà văn Nguyễn Quang Dy, cựu quan chức Bộ Ngoại giao, lập luận rằng, sức mạnh mềm của Trung Quốc (bao gồm cả hoạt động đầu tư) là mối đe dọa bổ sung cho hoạt động quân sự hóa các đảo tranh chấp ở Biển Đông. “Các tập đoàn tư bản từ Trung Quốc sẽ tiếp quản các SEZ dưới hình thức một cuộc xâm lược mềm mà không cần tốn một viên đạn”, theo đúng tinh thần binh pháp Tôn Tử. Đối với các vị trí quan trọng trên đất liền mà Trung Quốc không thể chiếm giữ bằng vũ lực, họ sẽ tìm cách kiểm soát bằng việc đầu tư.


Nghịch lý của các đặc khu kinh tế




Một ca sĩ Việt Nam biểu diễn trước hình ảnh của Chủ tịch HCM, biểu tượng vĩnh cửu của tinh thần đấu tranh chống lại sự cai trị của các thế lực nước ngoài. Nguồn: Tom Fawthrop.

Cộng đồng các blogger trên mạng xã hội, cùng với phong trào biểu tình, đều kết tội các quan chức tham nhũng đã “bán rẻ đất đai, lãnh thổ Việt Nam trong các đặc khu cho các nhà đầu tư Trung Quốc”. Các nhà phê bình cho rằng, thiếu vắng sự quản trị công khai, minh bạch ở các đặc khu đã gây nguy hiểm cho chính nền độc lập mà cha ông họ phải rất vất vả mới có được.

Sau làn sóng biểu tình, các nhà lãnh đạo Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) Nguyễn Phú Trọng, đã có tuyên bố thừa nhận nỗi bất an của người dân Việt Nam. Ông Phúc nói với các phương tiện truyền thông rằng, chính phủ hoan nghênh “sự hồi đáp nhiệt thành” về dự luật hứa rằng sẽ có một số sửa đổi trong dự luật đặc khu.

Trong nội bộ lãnh đạo Việt Nam đã xuất hiện sự mất cân bằng bởi tinh thần biểu tình của người dân cùng với phản ứng thù địch của công chúng trước dự luật đặc khu và hiện đã trì hoãn việc bỏ phiếu của Quốc hội về dự luật này cho đến tháng 5/2019.

Làn sóng phản đối mới mẻ và bất định, nhắm đến thái độ phụ thuộc của chính quyền Việt Nam vào các đặc khu và nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc cho tăng trưởng kinh tế, đã vươn xa khỏi quy mô của các nhóm nhỏ bất đồng chính kiến. Trong số những gương mặt mới tham gia biểu tình còn có cả các cựu chiến binh, trí thức, thành viên phong trào xã hội dân sự và các cán bộ bất mãn trong Đảng Cộng sản, những người cảm thấy rằng “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” ở Việt Nam đã thất bại trong việc duy trì các nguyên tắc công bằng xã hội.

Ông Bùi Tín, cựu phó tổng biên tập báo Nhân Dân, nhật báo của Đảng Cộng sản, đã được cấp quyền tị nạn chính trị ở Pháp từ năm 1990 với tư cách là một nhà phê bình cánh tả thẳng thắn. Hồi năm 1997, trong một cuộc phỏng vấn ở Paris, ông đã giải thích với phóng viên rằng “Đảng Cộng sản giờ chỉ đầy những kẻ cơ hội và tìm kiếm đặc quyền. Đạo đức chẳng còn. Họ chỉ tìm kiếm đô la”.

Ông Bùi Tín không phải là người duy nhất có suy nghĩ như vậy. Ở Việt Nam ngày nay vẫn có nhiều người trân trọng những ý tưởng cách mạng của người sáng lập chế độ là ông Hồ Chí Minh, thứ tư tưởng được truyền cảm hứng chủ yếu bởi một tinh thần ái quốc sâu sắc chứ không phải sự trung thành đến mù quáng cho chủ nghĩa cộng sản.

Cựu cố vấn Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư nhiệm kỳ 2001 – 2006, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, đảng viên ĐCS, là một trong số nhiều trí thức đã tham gia ký tên vào một bản kiến ​​nghị gửi Quốc hội, kêu gọi hoãn dự luật đặc khu.

Trước đây, các nhóm bất đồng chính kiến ​​kêu gọi nhân quyền và thể chế dân chủ, đa nguyên đa đảng, được hỗ trợ bởi các cộng đồng người Việt tị nạn tại Hoa Kỳ và Pháp, chỉ có sức ảnh hưởng nhỏ đến công chúng.

Giờ đây, khuynh hướng biểu tình mới này, vốn đang thu hút sự đồng cảm của ngày càng nhiều người, có thể bắt nguồn từ một chiến dịch đấu tranh năm 2007 được khởi sự nhằm phản đối dự án đầu tư gây tranh cãi của Trung Quốc vào một mỏ bauxite ở vùng Cao nguyên Trung phần Việt Nam.

Đây là cuộc biểu tình quy mô lớn đầu tiên quy tụ nhiều nhà trí thức, nhà khoa học và cán bộ cộng sản nổi tiếng, cũng như các nhà hoạt động Công giáo và tu sĩ Phật giáo.

Phong trào này đã có được sự hỗ trợ lớn từ tướng Võ Nguyên Giáp, huyền thoại của quân đội Bắc Việt. 55 năm sau khi ông chỉ huy chiến dịch đánh bại quân đội thực dân Pháp ở Biên Điện Phủ, ở tuổi 98 nhưng không cam nguyện với cuộc đời hưu trí lặng lẽ, ông đã trở nhà vận động vì môi trường cao tuổi nhất thế giới.

Trong một bức thư ngỏ gửi Thủ tướng Việt Nam khi đó, ông Giáp kêu gọi rằng hợp đồng khai thác bauxite này phải được hủy bỏ trên cơ sở môi trường, đồng thời cảnh báo rủi ro từ bùn thải độc hại, cũng như thiệt hại mà nó sẽ gây ra cho người Thượng, dân tộc bản địa ở vùng Cao nguyên Trung phần.

Chịu áp lực trước công chúng, Thủ tướng đã mời các chuyên gia khoa học tư vấn cho chính phủ và hợp tác để giảm thiểu thiệt hại môi trường từ việc khai thác bauxite.


GS Võ Quý, một trong những người Việt Nam được quốc tế trao tặng giải thưởng về bảo vệ môi trường, cũng là một trong những nhà khoa học phản đối mạnh mẽ dự án bauxite.




TS Võ Quý, người Việt được trao giải thưởng quốc tế về môi trường, đã phản đối mạnh mẽ dự án bauxite từ Trung Quốc. Nguồn: Tom Fawthrop (2009).

Trong một hành động thách thức chính quyền, năm 2015, hàng trăm người đã tổ chức biểu tình hàng tuần tại Hà Nội để phản đối kế hoạch của chính phủ nhằm chặt hạ 6.700 cây xanh ở thủ đô, ở những đại lộ rợp bóng cây rất được trân quý. Các cuộc biểu tình gây áp lực mạnh khiến quan chức thành phố từ bỏ kế hoạch của họ và nguyện vọng của người dân Hà Nội để bảo tồn di sản độc đáo của họ đã giành chiến thắng.

Theo chuyên gia Đông Nam Á Anton Tsvetov, tầm quan trọng của di sản tư tưởng Hồ Chí Minh ngày nay là “câu chuyện về quá trình xây dựng quốc gia ở Việt Nam thực ra không quá chú trọng đến khái niệm ‘tư tưởng của Hồ Chí Minh’, mà nhấn mạnh cuộc chiến của người Việt chống lại sự áp đặt từ nước ngoài”.

Trong một bài viết cho Southeast Asia Globe, ông Tsvetov nói rằng,“đó chính là lực lượng đã đánh đuổi người Pháp và người Mỹ, rồi sau đó đẩy lùi cả cuộc xâm lược từ Trung Quốc vào năm 1979. Những người cộng sản Việt Nam tự coi mình là người kế thừa của một chuỗi các anh hùng và vua chúa được tôn kính vì đã bảo vệ giang sơn khỏi những kẻ xâm lược từ bên ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc”.

Những người biểu tình hiện nay tin rằng, nền độc lập của Việt Nam một lần nữa đang bị Trung Quốc đe dọa. Phong trào biểu tình lần này hội tụ nhiều nhóm khác nhau – gồm cả những người bất đồng chính kiến có khuynh hướng thân ​​phương Tây, cựu dân quân đã tham gia chiến tranh giành độc lập từ thời Hồ Chí Minh, cựu chiến binh và một thế hệ các nhà hoạt động xã hội dân sự mới.

Làn sóng giận dữ hiện nay nhắm vào Trung Quốc, cũng đồng thời nhắm vào tình trạng thiếu minh bạch và quản trị kinh tế yếu kém của chính quyền Việt Nam, là một khiếm khuyết đáng xấu hổ mà những nhà lãnh đạo Việt Nam còn lâu mới giải quyết được.

Học giả xã hội dân sự Nguyễn Trinh (không phải tên thật của ông) đã quan sát thấy rằng, trong nhiều luồng ý kiến khác nhau xuất hiện giữa phong trào đấu tranh ngày nay, có hai lộ trình chủ yếu: Cải cách chế độ hoặc thay đổi triệt để.

Ông Trinh giải thích: “Có ít nhất hai phong trào ở đây. Một phong trào được sắp đặt, kiểm soát, nhằm mục đích thương lượng để duy trì chế độ hiện tại. Những người đi theo con đường này có thể được yên bình về nhà sau khi biểu tình”, hoặc chỉ cần ký đơn thỉnh cầu.

Nhiều nhà phê bình hỗ trợ lộ trình cải cách chế độ đang tìm cách đưa Đảng Cộng sản Việt Nam trở lại với lý tưởng ban đầu là phấn đấu cho một xã hội bình đẳng hơn dựa trên công bằng xã hội.

Ông Trinh giải thích, nhưng một phần khác của phong trào, hướng đến mục tiêu thay đổi triệt để và chứa đầy những ý tưởng dân chủ, khiến họ phải chịu đựng những đòn trấn áp mạnh tay từ công an”. Các ý tưởng dân chủ bao gồm việc thiết lập một nền dân chủ đa đảng và sự kết thúc chế độ toàn trị độc đảng ở Việt Nam.

Chín thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ đã phải nhận những bản án rất khắc nghiệt do vai trò của họ trong các cuộc biểu tình hồi tháng 6/2018.

Cô Hương nói rõ về nỗ lực thay đổi: “Trong khi hầu hết những người được đào tạo ở nước ngoài muốn xây dựng một hệ thống đa đảng kiểu phương Tây, nhiều người Việt Nam vẫn có thể chấp nhận chế độ độc đảng. Điều mà hầu hết mọi người thực sự quan tâm là một hệ thống phù hợp với mọi người, [một hệ thống] ít tham nhũng hơn và có trách nhiệm hơn”.

Một điều rõ ràng nữa là, bất chấp sự bất cân xứng về quyền lực giữa nước láng giềng khổng lồ ở phương bắc và Việt Nam, phe đối lập yêu cầu một chính phủ có thái độ dứt khoát hơn với Trung Quốc, cũng như có sự cảnh giác cao hơn trong việc bảo vệ nền độc lập của quốc gia.

Như Hồ Chí Minh đã khẳng định, “không có gì quý hơn độc lập và tự do”.


Tác giả: Tom Fawthrop | The Diplomat
Dich giả: Châu Minh Dũng
VietStudies
Nguồn: Sons of Revolution: Vietnam’s New Protest Movement - Tom Fawthrop | The Diplomat
. The extraordinary eruption of nationwide protest in June 2018 highlighted widespread fears in the Vietnamese populace that growing Chinese investment in Vietnam could undermine the nation’s independence, and erode the legacy of founding father of the nation Ho Chi Minh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad