Truyên Ngắn - Minh Văn
Mấy bữa nay, sáng nào Việt cũng ngồi yên lặng trên chiếc ghế bành đặt cạnh cửa sổ để mà ngắm nhìn cảnh vật bên ngoài một lúc. Đôi mắt đen buồn rầu, như thể đang lơ đãng đếm từng giọt thời gian chầm chậm qua đây.
|
Suốt cả tuần, Việt và mấy người bạn của anh chỉ ở lì trong nhà như những gã tù nhân tại gia. Họ đốt lò sưởi và nấu ăn, rồi lại ngồi tán gẫu với nhau để mà giết thời gian. Năm người họ ở chung một nhà, và đều là những lao động nhập cư bất hợp pháp đến từ đất nước Việt Nam. Việt, Cường là người miền Bắc, còn Mạnh, Hoan, Châu lại sinh ra và lớn lên ở dải đất miền Trung nắng gió. Trời Tây đối với họ thật lạ lẫm, không có người quen biết, cũng chẳng thông thạo ngôn ngữ bản địa một chút nào. Sợ bị cảnh sát kiểm tra, lại phải đối mặt với tương lai bất định, vì vậy mà họ luôn sống trong tâm trạng thấp thỏm lo âu. Như những thân cây nương tựa vào nhau để sinh tồn trong giông bão, mấy người họ đối xử với nhau thân thiết như thể là anh em một nhà vậy. Việt lớn tuổi hơn, tính cách lại nghiêm nghị, cho nên được mấy người kia coi như anh cả. Trong tình cảnh chơ vơ ấy, điểm tựa và niềm hy vọng duy nhất của họ lúc này chính là anh chàng môi giới lao động. Thi thoảng lại thấy anh ta xuất hiện, mang đến ít đồ ăn nhanh, nói mấy câu trấn an chiếu lệ rồi lại lủi đi đâu mất. Hắn bảo họ là hãy chịu khó chờ đợi, và hứa khoảng vài tuần nữa thì sẽ có việc làm. Nơi đây vắng vẻ và yên bình đến độ lắm lúc cảm thấy buồn chán. Và rồi thời gian cứ thế trôi qua trong tẻ nhạt, cùng với cái rét buốt của mùa đông khắc nghiệt nơi xứ sở sương mù(1).
Rảnh rỗi, lại buồn chán và chẳng biết làm gì lúc này, bốn anh chàng kia bèn trãi tấm đệm ra giữa nhà để mà chơi trò đánh bài quỳ với nhau. Thi thoảng họ lại hứng chí mà hò reo một cách vô tư lự như hồi còn bé đi chăn trâu ở quê nhà vậy. Việt thì chẳng mấy khi tham gia trò chơi của họ, thay vào đó thì chiếc ghế bành đặt cạnh cửa sổ là nơi mà anh ưa thích nhất. Anh thường ngồi đó một mình để suy ngẫm, rồi hồi tưởng lại những tháng ngày đầy biến động đã qua đối với cuộc đời mình. Đôi lúc, dòng suy nghĩ như một cuốn phim vậy, cứ thế hiện ra trước mắt những hình ảnh vốn dĩ đã quen thuộc tự khi nào. Việt vốn là trụ cột trong một gia đình nông dân, nhưng bản thân anh lại không thể nuôi nổi vợ con vì ruộng vườn ít lại thu nhập kém cỏi. Mấy người ở đây cũng mỗi người một hoàn cảnh, nhưng tất cả đều lâm vào tình thế khốn cùng không lối thoát như anh. Bí thì phải làm liều, thế rồi họ đành phải mạo hiểm dấn thân vào giấc mộng đổi đời nơi trời Tây(2) xa xôi vô định. Cái nơi mà trước đây họ chỉ được biết qua phim ảnh và những bản tin thời sự vẫn thường trình chiếu trên màn hình ti vi.
Tranh thủ lúc đang chia bài, anh chàng Hoan bèn tiến đến chỗ bàn để rót nước uống. Thấy Việt vẫn ngồi chống cằm mà tư lự nhìn ra bên ngoài, anh ta liền tếu:
- Định làm thi sĩ hay sao mà mơ mộng vậy ông anh? Ngoài kia lạnh lẽo, có gì ngoài băng tuyết và con đường vắng đâu mà nhìn với chả ngắm chứ?
- Dù sao phong cảnh ở đây cũng khác xứ mình, thấy lạ thì ngắm thôi. Với lại cũng buồn, chẳng biết làm gì bây giờ!- Việt thủng thẳng đáp, vẫn ngồi yên mà chẳng buồn quay sang nhìn người đối thoại. Rồi anh thò tay vào túi áo lấy ra bao thuốc lá, rút một điếu và chậm rãi châm lửa hút.
- Vậy thì xuống chơi bài với bọn này! – Hoan lại gạ.
- Thôi tha cho tớ! Các cậu gào thét ầm ĩ như những thằng rồ ấy.
- Thì cũng như cậu thôi. Buồn chẳng biết làm gì cả mà – Hoan cười chống chế. Nghe thấy tiếng mấy anh chàng kia gọi, anh ta liền đặt vội chiếc cốc xuống bàn rồi nhanh nhảu quay trở lại với chiếu bài đang đợi sẵn.
Tính Hoan táo tợn và nóng nảy, lúc nào cũng ăn to nói lớn, chẳng hề biết kiêng dè ai cả. Bữa trước cũng chính anh ta cự cãi với tay môi giới xuất khẩu lao động. Anh dọa hắn rằng, nếu không đưa họ đi làm sớm, thì sẽ tố cáo hắn với cảnh sát về tội lừa đảo và buôn người. Dĩ nhiên là anh chàng chỉ dọa thế thôi, chứ bản thân họ là những người nhập cư bất hợp pháp, nếu đến trình báo cảnh sát thì chẳng khác nào tự thú để bị bắt cả. Ngẫm cũng buồn cười thật. Tuy nhiên những lời đe dọa của Hoan cũng khiến cho gã môi giới cuống lên vì sợ hãi, vì thế mà hắn phải hứa là sẽ đưa họ đi làm sớm hơn.
Cho đến giờ này, chuyến đi vừa qua vẫn còn là nổi ám ảnh khó phai trong ký ức Việt. Đầu năm 2008, anh được những kẻ môi giới lao động tổ chức đưa đi nước ngoài. Từ Việt Nam, họ mua vé để bay sang đất nước Hungary. Lúc đến nơi, chỉ được nghỉ ngơi vài hôm, họ lại phải vội vã lên đường đi sang Anh ngay. Tại đây, những người lao động như anh được người ta lùa vào một cái thùng xe tải kín bịt bùng. Có đến cả mấy chục người như vậy, bị nhét chặt như nêm trong cái thùng hình khối chữ nhật đáng nguyền rủa đó. Bên trong tối om, ngay cả mặt mũi của người bên cạnh cũng chẳng thể nào nhận ra được. Họ lại được dặn là phải im lặng để khỏi bị cảnh sát phát hiện. Cứ thế, tất cả đứng im bất động như những pho tượng đá được đặt cạnh nhau. Chẳng ai cảm nhận được gì, ngoài hơi thở nóng ấm và đều đặn của những người xung quanh. Có lẽ đó là thứ duy nhất khiến họ nhận ra mình vẫn đang tồn tại và biết tư duy. Đến đường hầm qua eo biển Manche, người ta lại đưa xe tải lên tàu để chở qua đầu bên kia. Có cảm giác lúc này, họ là một một món hàng bất động, không hơn không kém. Chắc chắn đó sẽ là một chuyến đi mà suốt đời này Việt chẳng thể nào quên được. Nó gợi lên trong anh một cảm giác vừa sợ hãi, vừa như là nhục nhã, đắng cay. Khi đến nước Anh, những người trên chiếc xe tải đó lại bị chia thành từng nhóm khác nhau. Riêng nhóm của Việt thì được người ta đưa đến đây, một vùng nông thôn hẻo lánh thuộc miền Nam nước Anh xa xôi này.
o0o
Hoan vung tay đánh mạnh quân bài, rồi xướng lên:
- Át cơ!
- Ăn con này!...Ù rồi! – Châu reo lên thích thú.
Cả nhóm liền vỗ tay đen đét và đồng thanh hô vang: “Quỳ lên! Quỳ lên!...”. Không khí lúc này vui nhộn chẳng khác nào trong một buổi cổ vũ bóng đá ngoài trời cả. Hoan mặt mày ỉu xìu, rồi trước sự hò hét nhiệt thành của đám bạn, anh chàng đành phải miễn cưỡng quỳ lên.
Chợt có tiếng gõ cửa dồn dập vang lên ở phía cửa chính. Tiếp đó là những tiếng hô gấp gáp:
- Open door!…Open door!...
Qua khung cửa kính mờ mờ, họ nhìn thấy lố nhố những cảnh sát mặc sắc phục đang đi lại bên ngoài. Tất cả lập tức im bặt và trố mắt nhìn nhau hoảng hốt. “Cảnh sát!” – Hoan thốt lên kinh hãi, rồi nhanh tay vơ vội bộ bài nhét vào túi áo của mình. Năm người nhìn trước ngó sau, nhưng chẳng thấy có chỗ nào kín đáo cả, cuối cùng đành phải bảo nhau nhanh chóng chui lên chiếc ống khói để ẩn nấp. Sở dĩ như vậy, vì phía trong ống khói có những đường gờ được người ta xây nhô ra, đủ để cho họ có thể leo lên và đứng trốn ở đó.
Bên ngoài, đám cảnh sát chờ một hồi lâu không thấy chủ nhà mở cửa, họ liền hè nhau phá ổ khóa để xông vào. Khi vào đến nơi, đến lượt mấy viên cảnh sát trố mắt ngạc nhiên, vì trước mắt họ lúc này chỉ là một căn phòng trống không. Cho rằng có người đang ẩn nấp ở đây, họ hăng hái lục lọi và tìm kiếm khắp mọi ngõ ngách, nhưng rốt cục vẫn chẳng thấy tăm hơi. Cuối cùng, mọi ánh mắt nghi vấn của họ đều đổ dồn về phía chiếc ống khói nơi góc nhà. Vì đó là chỗ duy nhất để có thể ẩn nấp trong căn phòng này. Một viên cảnh sát to béo chậm rãi tiến đến chỗ ống khói, anh ta cúi thấp người rồi căng mắt mà ngó lên phía trên. Trong đó tối đen như mực, khiến cho anh chẳng thể nhìn thấy được gì hết. Viên cảnh sát trưởng từ nãy đến giờ vẫn đứng yên quan sát, lúc này đành phải nhún vai bất lực: “No way!” (Không thể nào), rồi vẫy tay ra hiệu cho cả đội cùng rút lui. Họ có cảm giác như mình vừa mới đột nhập vào một ngôi nhà ma vậy. Thật quái lạ, rõ ràng là vừa nghe có tiếng người ồn ào phía trong, nhưng khi vào đến nơi thì lại chẳng có lấy một bóng người nào cả.
Một lúc không còn nghe thấy tiếng động phía dưới, áng chừng đám cảnh sát đã bỏ đi, những người lao động Việt Nam mới dám từ từ chui ra khỏi nơi ẩn nấp. Sau một hồi đứng im bất động trong ống khói chật hẹp, giờ đây tay chân của họ trở nên tê cứng vì bị chuột rút. Cả nhóm thở phào nhẹ nhõm, rồi ngơ ngác đứng nhìn căn phòng vừa mới bị người ta xới tung lên như một bãi chiến trường. Lại là anh chàng Hoan táo tợn, chẳng hiểu vì sao mà đột nhiên ôm bụng cười ngặt nghẽo, như thể là vừa nhìn thấy một điều gì đó ngộ nghĩnh lắm vậy.
Việt quay sang nhìn anh ta, cau mặt lên vì khó chịu:
- Vô duyên vừa thôi ông tướng! Suýt nữa thì bị cảnh sát tóm cổ cả lũ rồi. Như vậy mà cũng cười được nữa.
Mặc cho Việt cáu gắt, Hoan vẫn cứ thế mà cười như ma làm. Thật tức, ngay cả mấy người kia lúc này cũng bắt đầu cười theo anh ta một cách khoái trá nữa chứ.
Thấy sự thể ngang trái như vậy, Việt dậm chân bực mình:
- Các người có điên không vậy? Cười cái gì kia chứ?
Thấy ai cũng lấy tay chỉ vào mặt mình, bấy giờ Việt đã hơi ngờ ngợ. Anh đưa tay sờ lên mặt rồi vội vàng đi đến chỗ chiếc gương để xem thử có chuyện gì xẩy ra. Qua phản chiếu của tấm gương, Việt thấy mặt mình bám đầy những khói bụi đen sì, như thể là khi người ta vẽ râu để diễn tuồng vậy. Lúc này anh mới để ý, thì ra ai cũng bị ám khói như vậy cả, người ở mặt, kẻ khác thì chỗ vai hoặc cánh tay. Đột nhiên anh có cảm giác như vừa bực mình, vừa buồn cười đến lạ.
Từ hôm đó, họ luôn phải sống trong tâm thế đề phòng và cảnh giác cao độ. Lúc nào đôi tai cũng dỏng lên nghe ngóng động tĩnh, ánh mắt thì luôn hướng về phía cửa sổ để xem có bóng dáng cảnh sát hay không. Mỗi khi có động, cả năm người lập tức chui vào ống khói để mà ẩn nấp như một phản xạ có điều kiện. Giờ đây họ giống như một bầy thú hoang trong rừng, luôn phải sợ sệt và đề phòng những gã thợ săn có thể đột nhiên xuất hiện bất cứ lúc nào. Nỗi ám ảnh lớn nhất của họ lúc này là bị cảnh sát bắt và trục xuất về nước. Nếu điều ấy thực sự xẩy ra, họ cũng chẳng khác gì ông lão đánh cá trong câu chuyện cổ tích kia(3), lại phải quay về với cái máng lợn rách nghèo khổ nơi quê nhà. Mọi thứ sẽ theo đó mà mất hết, tiền bạc, danh dự, và cả những hy vọng tươi sáng về tương lai.
o0o
Việt vừa tung chăn ra khỏi giường thì đã nhìn thấy bốn anh chàng kia ngồi túm tụm bên lò sưởi mà tán gẫu với nhau tự lúc nào. Bên cạnh họ là đĩa xúc xích cắt lát, và cả một chai rượu đã vơi đi quá nửa. Hôm qua anh chàng Hoan đi ra ngoài mua đồ ăn, nhân tiện còn mang về hai chai rượu cocktail nữa. Có lẽ vì thế mà hôm nay mấy ông tướng bày ra trò nhậu nhẹt đây. Việt lẹt xẹt đi ra phòng ngoài, với tay mở cánh cửa sổ một chút cho thoáng để đón cái không khí đầu ngày. Ngoài trời đang mưa lất phất như rây. Một cơn gió lạnh buốt chợt ùa vào, khiến cho anh phải rùng mình mà đóng sập cánh cửa ngay lại.
Nhìn thấy Việt quay trở vào, Hoan liền rót một ly rượu, lởi xởi:
- Ông anh làm một ngụm cho biết thế nào là rượu Tây nhé!
- Mới sáng ra mà đã rượu với chè rồi! – Giọng Việt kẻ cả. Tuy vậy, anh vẫn ngồi xuống rồi đón lấy li rượu từ tay Hoan mà đưa lên môi nhấp thử một ngụm.
Hoan cười nhăn nhở, nhún vai:
- Trời rét thế này, còn biết làm gì ngoài việc đốt lò sưởi và ngồi uống rượu cho khuây khỏa kia chứ. Ông anh thấy có đúng không nào?
- Ừ! Rượu thơm và ngon thật đấy! Tây có khác! – Việt tấm tắc.
Có lẽ men rượu thường làm cho tâm tính người ta trở nên trầm lắng và dễ xúc động hơn thì phải. Việt cúi đầu trầm ngâm, giọng mơ màng như hồi tưởng:
- Những lúc như thế này, lại nhớ quay quắt cái không khí ngồi nấu bánh tết cùng với ông bà thủa còn thơ quá!
Câu nói của anh dường như chạm đến tình cảm sâu kín của những người đồng hương lúc này đang ngồi vây quanh. Không khí đột nhiên chùng hẳn xuống, ai nấy đều ngồi im bất động như những pho tượng la hán trong nhà chùa.
Không chịu được cái không khí buồn thảm đó, Hoan bực tức nâng ly rượu tu một hơi cạn:
- Quê cha đất tổ, thử hỏi ai mà không gắn bó? Ví như ở quê nhà cũng có công ăn việc làm ổn định, cuộc sống lại sung túc đầy đủ, thì chúng ta đâu phải phiêu lưu mạo hiểm nơi xứ người như thế này kia chứ?
Anh chàng Châu có thân hình mảnh khảnh như một cây trúc, đặt bàn tay gầy guộc lên vai Hoan, rồi cất giọng lè nhè khuyên giải:
- Cậu nói đúng lắm! Nhưng mà hoàn cảnh đã như vậy rồi. Chúng mình chẳng còn cách nào khác là phải cố gắng làm việc kiếm tiền, để còn vì những người thân nơi quê nhà nữa chứ.
- Nhưng đến bây giờ cũng đã có việc làm đâu? Tương lai thế nào còn chưa biết nữa? Thân tôi thì chẳng tiếc làm gì, chỉ thương cho vợ và đứa con nhỏ phải chịu cực khổ, bơ vơ nơi quê nhà! - Hoan đấm tay xuống nền nhà, nước mắt vòng quanh.
Có vẻ như không còn giữ được bình tĩnh, Châu cáu kỉnh ném nốt thanh củi cuối cùng vào lò sưởi, mặt đỏ gay vì men rượu:
- Đến nước này thì cậu bảo phải làm gì nào? Một liều ba bảy cũng liều. Kể cả nhảy vào nước sôi lửa bỏng cũng phải liều chứ sao!
Ai nấy đều sợ Châu nổi nóng mà nẩy sinh cãi vã lúc này thì hỏng việc. Như thế thì chẳng khác nào “Lạy ông tôi ở bụi này” cả, ai đời tự dưng lại đi gây sự chú ý với cảnh sát kia chứ. Dĩ nhiên là Việt hiểu được điều đó, anh ra hiệu cho tất cả cùng im lặng, rồi quay sang phía Châu, ôn tồn:
- Cậu đi ra nhà kho lấy thêm ít củi để đốt lò sưởi! Nhớ lấy đủ cho cả ngày luôn nhé. Hôm nay có khi nhiệt độ ban đêm xuống đến âm độ chứ chẳng chơi.
Có vẻ như Châu vẫn đang luyến tiếc cái không khí tiệc rượu ấm cúng bên cạnh lò sưởi. Tuy vậy cậu ta cũng miễn cưỡng đứng dậy, miệng làu bàu:
- Đi thì đi! Thời với chả tiết, lạnh đến tê cứng cả chân tay!
Châu khật khưởng đi ra phía cánh cửa chính, chiếc áo dạ khoác hờ lên tấm thân gầy guộc, trông chẳng khác nào một con cào cào với đôi cánh mỏng đang xòe rộng. Vừa xoay nắm đấm mở hé cánh cửa, anh chàng đã vội đóng sập ngay lại, rồi quay ngoắt vào trong như một cơn lốc:
- Có hai chiếc xe cảnh sát..đang…chạy vào đây! – Châu tròn mắt lắp bắp.
Lúc này chẳng ai bảo ai, tất cả cùng đứng bật ngay dậy như những chiếc lò xo.
Việt đưa mắt nhìn quanh, rồi nói như ra lệnh:
- Nhanh!...dập tắt lửa. Nhanh lên!...
Như một cái máy, Hoan lập tức vớ ngay lấy cái xô nước mà dội thẳng vào ngọn lửa đỏ hồng đang leo lét cháy. Lò than réo lên những tiếng lèo xèo như chảo mở đang sôi, rồi vụt tắt ngấm. Rồi giống như đang làm xiếc, cả nhóm lại gồng gánh nhau mà leo lên phía trên ống khói để lẩn trốn như mọi khi.
Hai chiếc xe cảnh sát đỗ xịch trước cửa ngôi nhà của những người Việt nhập cư trái phép đang ở. Mấy viên cảnh sát từ trong xe bước ra, rồi tiến đến trước bậc thềm gõ cửa. Phát hiện cửa không khóa, họ liền mở chốt rồi ùa ngay cả vào bên trong.
Mùi khói của lò sưởi còn vương vất trong nhà, rõ ràng là có người vừa mới ở đây. Nhưng lạ thay, trước mắt họ lại vẫn là căn phòng trống không y hệt như lần trước. Viên cảnh sát trưởng tiến lại chỗ ống khói, rồi đứng đó quan sát hồi lâu, có vẻ như ông ta đang có những suy tính nào đó trong đầu thì phải.
Từ phía trên, Việt nghe thấy tiếng cảnh sát nói vọng lên câu gì đó nhưng anh không hiểu được. Lo sợ bị phát hiện, anh lại càng đứng nép sát vào ống khói hơn. Hai cánh tay Việt giang rộng ra, y hệt như là một con thạch sùng đang gồng mình bám chặt vào bờ tường vậy. Việt vừa thở hổn hển, vừa bụng bảo dạ: “Tìm kiếm một hồi không được, chắc là họ lại chán nản mà bỏ đi như lần trước thôi”.
Đợi một lúc không thấy tiếng trả lời, viên cảnh sát trưởng liền lấy ra chiếc bình hơi cay mang sẵn bên mình, rồi cứ thế mà xịt thẳng lên phía trên ống khói như mưa. Xong việc, ông ta đứng lùi ra xa vài mét để chờ đợi. Chừng mấy phút sau, họ nghe có tiếng ho sặc sụa từ trên ống khói vọng xuống. Mấy người cảnh sát lúc này mới quay sang nhìn nhau mà mỉm cười đắc ý. Rồi không phải đợi lâu, những nạn nhân tội nghiệp của họ cũng phải chịu rời khỏi nơi ẩn nấp. Một, hai…ba, bốn… rồi năm người nối tiếp nhau chui ra khỏi cái ống khói đen kịt, vì hít phải hơi cay, nước mắt nước mũi họ cứ thế chảy ròng ròng không ngớt. Đám cảnh sát lúc này chỉ việc túm lấy cánh tay họ, rồi lần lượt áp tải từng người một ra hai chiếc xe đang hụ còi đợi sẵn ở ngoài kia.
Nền văn minh Châu Âu phát minh ra cái ống khói là để thông khí cho bếp đun và lò sưởi. Nhưng mỗi thời đại một khác, tám thế kỷ sau(4), những đồng loại của họ đến từ phương Đông xa xôi thì lại không nghĩ như thế. Với họ, công dụng quan trọng nhất của cái ống khói chính là để làm nơi ẩn nấp lý tưởng vậy.
© Minh Văn
Xứ sở Sương Mù(1): Tức là nước Anh
Trời Tây(2): Ý nói Châu Âu.
Truyện cổ tích(3): Câu chuyện cổ tích “Ông lão đánh cá và con cá vàng” của nhà thơ Nga Puskin.
Tám thế kỷ sau(4): Ống khói được coi là bắt đầu xuất hiện trong kiến trúc Châu Âu từ thế kỷ 13.
Trời Tây(2): Ý nói Châu Âu.
Truyện cổ tích(3): Câu chuyện cổ tích “Ông lão đánh cá và con cá vàng” của nhà thơ Nga Puskin.
Tám thế kỷ sau(4): Ống khói được coi là bắt đầu xuất hiện trong kiến trúc Châu Âu từ thế kỷ 13.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét