Du khách Việt ‘mất tích’ tại Đài Loan khai gì? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2018

Du khách Việt ‘mất tích’ tại Đài Loan khai gì?


CAO HÙNG, Đài Loan – Các giới chức di trú Đài Loan cho biết một số du khách Việt Nam “mất tích” thú nhận họ giả làm du khách và đã có kế hoạch làm việc trái phép tại đảo quốc này.

Một nữ du khách trong nhóm 152 du khách Việt bỏ trốn được tìm thấy trong một nhà trọ ở huyện Gia Nghĩa. (Hình: Apple Daily)

Báo Người Lao Động dẫn tin tờ Taiwan News ngày 28 Tháng Mười Hai, cho biết Cục Di Trú, thuộc Cơ Quan Nội Vụ Đài Loan (NIA), xác nhận đã tìm được 17 người trong nhóm 148 du khách của Việt Nam “mất tích” tại Đài Loan hồi tuần rồi. Hiện tại, lực lượng chức năng đang tìm 131 người còn lại.

Cảnh sát cho biết 2/3 số du khách “mất tích” là nam giới, bao gồm một số trẻ em dưới 10 tuổi, và nhiều người chạy về miền Trung và Bắc Đài Loan.

Các du khách này tới Đài Loan theo chương trình cấp thị thực Quan Hồng dành cho nhóm từ nămn du khách trở lên, thuộc các quốc gia như Indonesia, Việt Nam, Miến Điện, Cambodia, Lào, và Ấn Độ. Điều kiện để được cấp visa là chuyến đi của họ phải do “các công ty du lịch uy tín,” được Sở Du Lịch Đài Loan bảo trợ, tổ chức.

Ông Liao Wei-yuan, phó lãnh đạo NIA, cho biết một số du khách Việt Nam khi được tìm thấy thú nhận họ dùng cách giả làm du khách trong khi thực tế đã có kế hoạch làm việc trái phép tại Đài Loan.

Theo Apple Daily, trong một cuộc thẩm vấn ba người (hai nam, một nữ) trong số 148 du khách “mất tích,” giới hữu trách ghi nhận được những người này chi từ 20,000-70,000 Đài tệ để mua chương trình du lịch này. Số tiền 70,000 Đài tệ là mức giá cao hơn từ 4-5 lần so với một chương trình du lịch Đài Loan thông thường.

Bốn nữ du khách Việt Nam đầu thú tại Đài Loan. (Hình: Taiwan News)

Cũng theo Apple Daily, những người này đã liên lạc trước với người thân và bạn bè phía Đài Loan để nhờ giới thiệu công việc trước khi ghi danh vào nhóm du lịch, rồi bỏ trốn sau khi đặt chân tới thành phố Cao Hùng. Sau khi tới phi trường địa phương, họ rời khỏi khách sạn nhờ sự giúp đỡ của người thân, bạn bè tại Đài Loan.

Ngoài ra, chiều 27 Tháng Mười Hai, tờ Taiwan News đưa tin, trên một số diễn đàn mạng ở Đài Loan xuất hiện thông tin nghi ngờ một số nữ du khách trong nhóm “mất tích” đang có mặt tại “Nhà Vi Cá” – một cơ sở làm đẹp bị truyền thông địa phương nghi là nhà chứa khét tiếng ở Cao Hùng.

Tuy nhiên, báo Liên Hợp cho biết cảnh sát quận Tam Dân, thành phố Cao Hùng, đã kiểm tra nơi này ngay trong buổi chiều cùng ngày và xác thực tin đồn trên mạng không đúng sự thật. Cụ thể, thời điểm đó có 13 nữ nhân viên phục vụ tại đây, trong đó có chín người Việt Nam, nhưng không ai nằm trong số du khách “mất tích.”

Nói với báo VNExpress, chị Nguyễn Thúy Hằng, 27 tuổi, quê Phú Thọ, sống ở Đài Loan 10 năm, đang dạy tiếng Việt tại trường Đại Học Đông Ngô (Đài Bắc) cho biết: “Sự việc rất nghiêm trọng, chưa từng có trong lịch sử. Dưới các bài báo có đề cập vụ 152 người biến mất, người Đài Loan bình luận rất gay gắt. Họ còn nói bao nhiêu nước nhập cảnh vào, chỉ có Việt Nam là xấu nhất.”

“Thường người Đài Loan rất kỳ thị người Việt. Họ thường nói: ‘Bọn mày sang đây bỏ trốn, tỷ lệ ly hôn cao là tại sao, hoặc kêu người Việt đừng giết chó của người Đài Loan được không?” chị Hằng nói.

Cũng theo chị Hằng, sau vụ du khách “biến mất,” người Việt, đặc biệt là những người sang Đài Loan theo đường “xuất khẩu lao động,” sẽ bị mang tiếng xấu và ảnh hưởng đến những người thực sự muốn sang đi học, đi làm, đi du lịch.

“Báo chí Đài Loan rất hay đăng các tin người Việt ăn cắp, giết chó, bỏ trốn hay ly hôn, khiến một số người Đài Loan không có thiện cảm. Hồi Tháng Tám, 2017, một bài báo trên Apple Daily nói một đoàn du lịch 30 người thì có một nửa đi tiểu bậy ở điểm du lịch nổi tiếng của họ, dù có nhà vệ sinh ngay cạnh đó. Sự việc cũng khiến hình ảnh người Việt bị xấu,” chị Hằng cho biết thêm.

Theo đánh giá của Cục Quản Lý Lao Động Nước Ngoài của Việt Nam, tính đến hết Tháng Mười Một, 2017, số lao động Việt Nam đang làm việc tại Đài Loan là hơn 206,000 người và là nơi tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất.

Báo Người Lao Động cho hay, Đài Loan tuyên bố họ sẽ tăng cường sàng lọc các ứng viên nằm trong chương trình đặc biệt thị thực Quan Hồng dành cho nhóm từ năm du khách trở lên trong tương lai để tránh những sự việc như vậy xảy ra một lần nữa.

Tối ngày 27 Tháng Mười Hai, Bộ Ngoại Giao Việt Nam cho biết, trên cơ sở thông tin và đề nghị của phía Đài Loan, cơ quan này, Bộ Công An, Tổng Cục Du Lịch, và các cơ quan liên quan đang phối hợp với các cơ quan hữu trách Đài Loan “điều tra, xử lý sự việc.”

Báo mạng baomoi.com hôm 28 Tháng Mười Hai cho biết, thông tin từ các công ty du lịch lớn ở Sài Gòn cho biết họ vừa nhận được thông báo từ phía đối tác cung cấp dịch vụ du lịch ở Đài Loan về chuyện quốc gia này ngừng áp dụng visa điện tử theo chính sách Quan Hồng.

Theo đại diện công ty TST Tourist, thông báo từ cơ quan phụ trách chính sách visa ưu đãi của Đài Loan cho biết sẽ tạm ngừng chính sách Quan Hồng. Những du khách đã được cấp visa theo chính sách này cũng không bảo đảm được nhập cảnh như bình thường mà có thể phải qua vòng thẩm vấn ngay tại cửa khẩu sân bay về nhu cầu nhập cảnh Đài Loan. Quy định siết chặt này được áp dụng cả với những khách có visa từ các nước tiên tiến như châu Âu, Nhật…

“Du khách có nhu cầu xin cấp mới visa vào Đài Loan sẽ phải xin theo hình thức truyền thống là visa dán trên hộ chiếu và việc cấp này vẫn đang diễn ra bình thường,” đại diện TST Tourist cho baomoi.com biết.


Người Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad