Lúng túng trong xử lý ‘Việt Phủ Thành Chương’ - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Bảy, 8 tháng 12, 2018

Lúng túng trong xử lý ‘Việt Phủ Thành Chương’


Trong những ngày qua, dư luận ồn ào về việc có nên phá bỏ công trình ‘Việt Phủ Thành Chương’ vi phạm đất rừng Sóc Sơn.

‘Việt Phủ Thành Chương’ do họa sĩ Thành Chương đầu tư xây dựng trên đất rừng Sóc Sơn từ năm 2001./Photo courtesy of soha

Tuân thủ pháp luật cũng là một nét văn hóa


Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe
Tình trạng chiếm dụng đất rừng phòng hộ Sóc Sơn để xây biệt phủ và khu du lịch là chủ đề của nhiều bài báo thời gian gần đây. Một trong những sai phạm mà báo chí lên tiếng là việc cấp hơn 200 sổ đỏ cho việc nhận và chuyển nhượng đất rừng, cùng với việc quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương khiến đất rừng bị “xẻ thịt”, nhưng đến nay tình trạng vẫn tiếp diễn tại một số biệt phủ và khu du lịch sinh thái.

Một trong những trường hợp là người có “địa vị xã hội, có ảnh hưởng” có công trình xây dựng trên đất thuộc rừng phòng hộ Sóc Sơn, là gia đình ca sĩ Mỹ Linh và ‘Việt Phủ Thành Chương’ của họa sĩ Thành Chương.

Tôi cho rằng pháp luật thì phải công bằng với tất cả mọi người, không kể đấy là trường hợp nào. Mà trường hợp xây Việt Phủ trong rừng phòng hộ thì chắc chắn là vi phạm pháp luật rồi.

-Giáo sư Đặng Hùng Võ
‘Việt Phủ Thành Chương’ do họa sĩ Thành Chương đầu tư xây dựng từ năm 2001 đến 2004 và hoàn thiện nhiều năm sau đó. Theo một số nhà văn hóa, ‘Việt Phủ Thành Chương’ là một khu văn hóa mang đậm nét làng quê Bắc bộ Việt Nam, với rất nhiều những giá trị truyền thống, dân gian, những di sản như cổ vật.v.v…

Vào ngày 17 tháng 4 năm 2006 Thanh tra Chính phủ kết luận về tình trạng xây dựng công trình trái phép, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ sai quy định… có ‘Việt Phủ Thành Chương’.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ khi đó nêu rõ, ‘Việt Phủ Thành Chương’có diện tích xây dựng khoảng 3.000 m2- 8.000m2. Đây là đất quy hoạch rừng đặc dụng, trước đây giao cho ông Lưu Văn Sỹ quản lý bằng sổ lâm bạ. Đến năm 2001, ông Lưu Văn Sỹ bán cho ông Nguyễn Thành Chương dưới dạng liên doanh liên kết, có giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân xã. Sau khi mua ông Chương đã xây dựng công trình kiên cố, suốt quá trình xây dựng chỉ một lần chính quyền xã phạt 10 triệu đồng và cho công trình tồn tại, sau đó ông Chương tiếp tục xây dựng cho đến khi hoàn thành.

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do về trường hợp này, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam cho biết:

“Tôi cho rằng pháp luật thì phải công bằng với tất cả mọi người, không kể đấy là trường hợp nào. Mà trường hợp xây Việt Phủ trong rừng phòng hộ thì chắc chắn là vi phạm pháp luật rồi. Về nguyên tắt thì pháp luật đất đai không cho phép chuyển nhượng đất cho người từ bên ngoài vào mua để tránh nguy cơ phá hoại rừng.”

Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, trường hợp họa sĩ Thành Chương muốn xây dựng một cơ sở văn hóa, để lưu giữ về văn hóa tâm linh… là tốt… nhưng thế nào đi nữa cũng là vi phạm đất đai.

Chúng tôi liên lạc với Họa sĩ Thành Chương, chủ nhân của ‘Việt Phủ Thành Chương’ và được ông trả lời như sau:

“Bây giời đang… đang… đang… đang… đang ăn cơm… không thể trả lời… lát nữa gọi lại nhé…”

Tuy nhiên, sau đó chúng tôi cố gắng gọi lại cho Họa sĩ Thành Chương nhiều lần nhưng điện thoại của ông tắt máy.

Tình trạng chiếm dụng đất rừng phòng hộ Sóc Sơn để xây biệt phủ và khu du lịch. Capture from video
Khi nói về ‘Việt Phủ Thành Chương’, Anh Nguyễn Chí Tuyến, một người dân ở Hà Nội đưa ra ý kiến của mình:

“Việc ông họa sĩ Thành Chương xây dựng Việt Phủ đó trên đất không được phép xây dựng, thì nếu sai thì họ có xử lý triệt để hay không? Cái Việt Phủ đó thì tôi cũng có theo dõi thì có biết nó có giá trị văn hóa, và mọi người cũng có ý kiến theo chiều hướng là để cho nó tồn tại. Tức là hợp pháp hóa hay xử phạt như thế nào đó, không tháo dỡ và để đó coi như một công trình văn hóa của Việt Nam. Nhưng cũng có một luồng ý kiến khác họ cũng phản đối, họ nói việc ông họa sĩ Thành Chương xây dựng Việt Phủ như vậy, nhưng việc ông ấy vi phạm pháp luật cũng là một nét văn hóa, bởi vì tuân thủ pháp luật cũng là một nét văn hóa.”

Anh Nguyễn Chí Tuyến không đưa ra ý kiến chủ quan của mình, nhưng anh cho rằng, nếu sai đến đâu thì xử lý đến đó cho đúng, nếu mà nói là thượng tôn pháp luật thì phải tìm cách xử lý cho nó hợp tình hợp lý.

Khó xử lý nghiêm minh

Vào ngày 4 tháng 12 năm 2018, bên lề kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, Bí thư huyện Sóc Sơn, Phạm Xuân Phương khi trả lời báo chí về việc xử lý những sai phạm liên quan quản lý đất rừng Sóc Sơn, trong đó có công trình Việt Phủ Thành Chương, ông Phương nói rằng ‘phá Việt phủ Thành Chương là vô cảm’.

Ông Bí thư huyện Sóc Sơn cũng cho rằng, đây là công trình hiếm về văn hoá Việt cổ, cần có cơ chế để thành điểm du lịch tâm linh hợp pháp!?

Việc ông họa sĩ Thành Chương xây dựng Việt Phủ đó trên đất không được phép xây dựng, thì nếu sai thì họ có xử lý triệt để hay không?

-Nguyễn Chí Tuyến
Liên quan nhận định này, Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ truởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương, đưa ra ý kiến:

“Thật ra phá rừng thì đã là vô cảm rồi, cái bất chấp quy hoạch thì gần như bình thường ở Việt Nam, họ nói vậy mà không phải vậy, luôn luôn nó là như thế. Cho nên cái chuyện ‘quân hồi vô phèng’ làm lung tung vô chính phủ là cái chuyện rất bình thường ở Việt Nam, Bây giờ đấy mới là cái khó để giải quyết. Bây giờ nếu đập cái Việt Phủ Thành Chương thì mình cũng đã hủy hoại một loạt cái tài sản, mà tài sản cũng là của xã hội, thành ra đó cũng là thế kẹt.”

Giáo sư Nguyễn Khắc Mai cho rằng, giải pháp hay nhất là phạt Phủ Thành Chương một khoản tiền lớn, khoảng bằng 70% đến 80% giá trị của nó, và cho tồn tại. Sau đó đưa số tiền phạt ấy vào bảo vệ môi trường, lập lại các khu rừng, trồng thêm cây cho Hà Nội.. v.v.

Một người dân ở huyện Sóc Sơn, sống gần ‘Việt Phủ Thành Chương’ cho rằng:

“Em nghĩ Việt Phủ Thành Chương thì nên giữ, cái đó người dân người ta bỏ bao nhiêu công sức ra mà bây kêu dở bỏ có mà… ai cũng tiếc lắm chứ anh. Cái đấy báo chí cứ bảo là vi phạm thế này thế kia, nhưng em thấy dân có vi phạm cái gì đâu? Cái đấy là ven rừng, ở dưới thôi, chứ không phải trên đất rừng hẳn. Thứ bảy, chủ nhật cũng có khách vào tham quan, em ở gần đấy nên cũng biết, hồi xưa lúc mới xây xong em cũng đã có vào xem.”

Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, khi nói pháp luật đất đai không thiên vị ai cả thì phải giải quyết, không có cách nào khác. Ông cho rằng xử lý theo cách nào cũng được nhưng bắt buộc phải xử lý.

Còn Giáo sư Nguyễn Khắc Mai thì cho rằng, hiện nay chính quyền Hà Nội đang lưỡng lự, không biết xử lý như thế nào? Bởi vì theo ông, Việt Nam có luật nhưng xử theo luật rừng, tùy tiện lắm, vì vậy rất khó khăn để xử lý nghiêm minh được.


Trung Khang
RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad