Một Xuân bao dung ai cũng là người (*) - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2018

Một Xuân bao dung ai cũng là người (*)



Dr Seuss – A person is a person no matter how small.

70 năm về trước, khi Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền được đa số thành viên Liên Hiệp Quốc thông qua, tinh thần của tuyên ngôn là mọi người được sinh ra tự do và bình đẳng về nhân phẩm, quyền hạn và tự do. Mọi người ở đây là không phân biệt dù bất cứ lý do gì, kể cả tuổi tác. Ngay cả trẻ con mới sinh hay còn trong bụng mẹ cũng được các quyền đó.


Hình minh họa.

Nhưng mãi đến gần 42 năm sau thì Quy ước về Quyền Trẻ em (Convention on the Rights of the Child/CRC) mới chính thức được Hội đồng LHQ thông qua. Tuy hơi muộn màn, CRC cũng đã được ra đời và từ đó có những tác động đáng kể lên sự nhận thức của nhân loại về tầm quan trọng của việc bảo vệ trẻ em. Ở những quốc gia dân chủ cấp tiến mà đã phê chuẩn và đưa nó vào thành luật hiện hành, quyền trẻ em ở những nơi đó được tôn trọng đáng kể trong gia đình, nhà trường và toàn xã hội.

Trong 54 điều của CRC thì điều 43 đến 54 chủ yếu là về cách thức làm sao chính quyền và người lớn làm việc với nhau để bảo đảm rằng tất cả trẻ em được có mọi quyền của mình. 42 điều còn lại thì có thể tóm tắt trong các điểm chính sau đây: được đối xử công bằng vô điều kiện; có tiếng nói về các quyết định ảnh hưởng đến mình; sống và phát triển khỏe mạnh; có người làm những gì tốt nhất cho các em; biết mình là ai và từ đâu đến; tin vào những gì mình muốn; quyền riêng tư; tìm hiểu thông tin và tự diễn đạt; được an toàn ở bất cứ nơi nào; được chăm sóc và có chỗ ở; được giáo dục, vui chơi và các hoạt động văn hóa; được sự giúp đỡ và bảo vệ khi cần đến. Tựu chung, nguyên tắc chỉ đạo của CRC cho tất cả những ai, từ cơ quan công quyền đến tổ chức phi chính phủ hay người lớn/cha mẹ, là trong mọi hoàn cảnh mọi quyết định liên quan đến trẻ em phải dựa trên lợi ích tốt nhất của mỗi em (the best interests of the child). Nói chung trẻ em được hưởng hầu hết các quyền của người lớn và còn có nhiều đặc quyền khác vì các em cần sự an toàn, bảo bọc và nuôi dưỡng. Người nhỏ nhưng quyền lớn là vậy.

*****

Trước khi ký kết và phê chuẩn mọi công ước thì các quốc gia thành viên phải cân nhắc xem nó có thích hợp với luật pháp của quốc gia mình không. Họ không nhất thiết tuân thủ toàn bộ nếu có những quan ngại nào đó. Họ có quyền công bố ý định của mình là sẽ tôn trọng và thực hiện toàn bộ quy ước, hay có quan ngại điều nào trong này không. Họ cũng có quyền cho biết các ý định của mình trong việc diễn giải định nghĩa hay bày tỏ các quan ngại, dè dặt và dành quyền riêng (reservation) cho điều khoản đặc biệt nào đó. Đó là tinh thần trách nhiệm của một thành viên khi ký kết các quy ước như thế. Chẳng hạn, khi phê chuẩn Quy ước này, nước Anh quan ngại điều 22 và 37c, và tương tự nước Úc quan ngại không thể tuân theo bổn phận áp đặt trong điều 37c. Còn Hoa Kỳ thì đã ký kết ngày 16 tháng Hai năm 1995 nhưng cho đến nay vẫn chưa phê chuẩn (một trong ba quốc gia còn lại trên thế giới, hai nước kia là Somalia và South Sudan). Hoạt động của LHQ là tiếp tục nguyên tắc Hòa bình Westphalia dựa trên chủ quyền quốc gia. LHQ không có quyền gì để bắt buộc các nước phải ký kết và phê chuẩn các quy ước vì chủ quyền vẫn thuộc về quốc gia đó.

Việt Nam cũng ký kết và là quốc gia thứ nhì phê chuẩn CRC vào ngày 28 tháng 2 năm 1990, chỉ sau Ghana. Việt Nam hoàn toàn chấp nhận tinh thần và nội dung CRC và không nêu bất cứ quan ngại nào. Điều đó có nghĩa họ đã tôn trọng nó hoàn toàn và nỗ lực thực hiện CRC trên đất nước này. Nhưng trên thực tế trẻ em Việt Nam chẳng có quyền hạn gì cả. Trong khi đó trẻ em Hoa Kỳ thì có đầy đủ mọi quyền căn bản.

Đâu ai bắt Việt Nam phải phê chuẩn! Nhưng Việt Nam đã ký kết và phê chuẩn vào bao nhiêu quy ước và công ước như thế, kể cả Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị. Mà còn ký rất sớm các công ước này, hơn cả các nước có truyền thống dân chủ lâu đời và có nền pháp luật vững chắc. Ký xong, mực chưa ráo, thì đã vi phạm nó. Nói chung bao nhiêu công ước lẽ ra phải tôn trọng nhưng nhà nước này chẳng tuân thủ công ước nào cả.

Điều này nói lên được rất nhiều về tư duy của giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam bấy lâu nay. Họ có thói quen đánh lừa gạt gẫm người khác. Họ không bao giờ thành thật và không có một chút lòng tự trọng nào. Hiệp định Paris 1972 và bao nhiêu hiệp ước hiệp định khác đều chẳng có ý nghĩa gì với họ cả. Ngay cả sự kiện ngưng bắn để hai bên hưởng xuân vào Tết Mậu Thân 1968 cũng thế.

Nếu chúng ta nghĩ rằng lãnh đạo của Trung Quốc bấy lâu nay là bậc thầy của sự trí trá, bởi nó đã ăn sâu vào văn hóa của họ hàng ngàn năm qua, thì thật ra lãnh đạo Việt Nam cũng không kém các thủ đoạn trí trá của Trung Quốc. Họ học rất nhiều và lắm khi sao chép nguyên con từ bao nhiêu chính sách và kỹ thuật trị dân từ nhà nước Trung Cộng, từ thời của Mao cho đến nay. Có lẽ họ chỉ không bằng ở cấp độ và nồng độ thôi.

Nhưng lãnh đạo một quốc gia, dù bất cứ quốc gia nào, mà trí trá như thế, thì làm sao đất nước có thể phát triển bền vững? Những công dân lương thiện của quốc gia đó làm sao có thể tự hào phục vụ cho kẻ cầm quyền bất xứng như thế? Lãnh đạo như thế chỉ có thể sử dụng bạo lực để cai trị chứ không có khả năng động viên hay khuyến khích tinh thần ai cả!

Không bằng sự chăm chỉ, quyết tâm, lương thiện, chính trực, trí tuệ và chiến lược mà bằng thủ đoạn, ti tiện, gian xảo và thiển cận thì chẳng có gì có thể tồn tại với thời gian.

Vì lãnh đạo Việt Nam tiếp tục hành xử như thế qua bao thập niên qua nên hậu quả để lại trên đất nước chúng ta là sự băng hoại sâu sắc về mọi mặt.

*****

Nhân kỷ niệm 70 năm Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, tôi muốn nói đến quyền trẻ em vì nhiều nguyên do. Trước hết các em là những người dễ bị tổn thương nhất. Quyền của trẻ em Việt Nam hiện nay chắc là con số không hoặc rất thấp nếu đem ra so với 42 điều khoản trong CRC. Các em đã và đang là nạn nhân của một văn hóa bạo lực, từ trong gia đình ra đến nhà trường và trong toàn xã hội. Sự kiện cái tát tai số 231 của một cô giáo dành cho học sinh mình vừa qua là một điển hình. Các vụ đánh đấm đầy bạo lực của trẻ em với nhau không còn một chút tình người nào cũng đầy trên các mạng. Văn hóa bạo lực này lại được củng cố bởi một thể chế không ngần ngại sử dụng mọi thủ đoạn và mọi bạo lực, từ công an chìm nổi đến côn đồ, để áp đặt trật tự xã hội. Chế độ cũng áp đặt một thứ diễn ngôn chính trị sai lệch lên toàn xã hội để độc quyền về sự thật, để đè bẹp mọi tiếng nói khác.
Theo một nghiên cứu vào năm 2016 của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) thì “Mặc dù được pháp luật bảo vệ, trẻ em Việt Nam tiếp tục phải chịu bạo lực tại gia đình, hiện tượng phổ biến có tác hại lâu dài về thể chất, tâm lý, tình cảm và kết quả học tập.” Cuộc nghiên cứu này kết luận rằng trong bối cảnh gia đình, trẻ em Việt Nam trải nghiệm nhiều hình thức bạo lực khác nhau, từ thể xác đến tâm lý và cảm xúc. Các em vừa là nạn nhân vừa là nhân chứng. Luật pháp có đó nhưng chẳng bảo vệ được các em.

Tôi cho rằng hậu quả của nạn bạo hành trong gia đình và ngoài xã hội Việt Nam là cực kỳ tiêu cực và lâu dài. Các em sẽ mang vết thương tâm lý này đến cuối cuộc đời mà có khi còn tiếp tục cái vòng luẩn quẩn của bạo lực với các thế hệ kế tiếp nếu không ý thức hành động của mình, không tìm cách chữa trị, và không quyết tâm dứt bỏ cái vòng này. Không một trẻ em nào trong môi trường này không bị chấn thương tâm lý khi trực tiếp là nạn nhân hay gián tiếp là nhân chứng.

Để gia giảm hay chấm dứt vòng luẩn quẩn của bạo lực trong gia đình và xã hội, nó cần phải bắt đầu từ mỗi một người, bởi một người là đã có khả năng gây nên bạo lực và lan tràn đến nhiều thành viên khác.

Không sát sinh và không ác với các loài thú khác… là một trong các triết lý nền tảng của Phật giáo, tôn giáo của phần lớn người Việt Nam. Tại sao Việt Nam ngày nay như thế này?

Điều 19 của CRC nói rõ rằng chính quyền cần bảo đảm rằng trẻ em được chăm sóc đàng hoàng và bảo vệ các em từ bạo lực, lạm dụng và bỏ bê bởi cha mẹ hoặc những ai đang chăm nôm các em.
Việt Nam đã phê chuẩn CRC gần 28 năm qua, vậy chính quyền đã làm được gì trong khi UNICEF báo cáo như thế và LHQ cũng như bao nhiêu quốc gia khác tài trợ cho Việt Nam để giảm thiểu bạo lực và để bảo vệ trẻ em?

Ở những nơi mà không tôn trọng trẻ em thì làm sao có tương lai? Khi phần lớn giới trẻ Việt Nam được thừa hưởng bạo lực từ nhỏ thì làm sao họ có thể dứt bỏ được nó về sau, nếu không được giúp đỡ hay không có chính sách can thiệp cụ thể nào?

An toàn tâm lý, tức an toàn từ mọi sự đe dọa, được xem là yếu tố quan trọng nhất để con người phát triển và thành đạt trong mọi địa hạt. Ở các quốc gia văn minh, con người không những ít bạo động với nhau, mà họ cũng ít bạo động với cả động vật. Đánh đập động vật, dù là bất cứ con gì, còn không chấp nhận được, huống chi là con người. Bạo lực chỉ phát huy cái ác và xấu trong người nhưng kiềm hãm cái thiện và tốt trong mỗi chúng ta. Bạo lực làm gia tăng khả năng cảm xúc nhưng kiềm hãm sự phát triển của lý trí. Tóm lại, không có an toàn tâm lý thì mọi sự phát triển của trẻ em Việt Nam vẫn què quặt.

“Một người là một người, dù nhỏ nhoi đến mấy”, như tác giả Dr Seuss từng ví trong tác phẩm thành phim “Horton hears a who”. Một xã hội văn minh tiến bộ là một xã hội biết tôn trọng những người bé nhỏ, yếu ớt. Trẻ em. Các em có quyền bày tỏ quan điểm của mình, nhất là những quyết định liên quan trực tiếp đến các em. Khi các em được tôn trọng, nâng đỡ và bảo bọc, các em sẽ tự tin, sẽ quan tâm đến những vấn đề chung, sẽ có tinh thần cộng đồng. Các em ý thức được quyền của mình và hiểu rằng đi kèm với các quyền đó là bổn phận và trách nhiệm. Các em sẽ trở thành những công dân tốt của xã hội, và sẽ dứt bỏ được cái vòng luẩn quẩn của bạo lực. Nó phải bắt đầu bằng giáo dục. Giáo dục căn bản nhất là giáo dục mầm non, từ không đến năm tuổi. Một trong các điều kiện cần nhất cho Việt Nam là một chính sách giáo dục nhân bản, khoa học và khai phóng. Nhưng làm sao có chính sách như thế dưới chế độ này?

Người Việt chắc chắn có thể làm tốt hơn thế. Người dân không thể mong đợi chế độ này thay đổi, hay trông chờ nó bị thay đổi, rồi mới làm gì đó. Chúng ta phải tự giải quyết lấy những vấn đề nằm trong tầm tay của mình thì một ngày nào đó có thể cùng nhau giải quyết những gì nằm ngoài tầm tay.

Để xây dựng tương lai, chúng ta phải bắt đầu bằng sự đầu tư vào thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, càng sớm càng tốt, mà quên đi chính mình vậy!


Phạm Phú Khải
Blog VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad