Những năm gần đây, Bắc Kinh biến 7 bãi đá ngầm cướp của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa thành 7 đảo nhân tạo khổng lồ rồi xây dựng các căn cứ trang bị quy mô và tối tân. Cộng với các đảo tại quần đảo Hoàng Sa cũng được mở rộng và biến thành các pháo đài trên biển, các nhà phân tích quân sự báo động nhiều lần là Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông, bất chấp quyền lợi của các nước nhỏ phía Nam, đặc biệt là Việt Nam.
Cho tới nay, chỉ có lực lượng Mỹ thực hiện các chuyến “tự do hải hành” hay “tự do phi hành” trên Biển Đông và bị Bắc Kinh la ó, cho tàu chiến theo dõi hoặc mới hồi cuối Tháng Chín, 2018, cho khu trục hạm lớp Luyang (Lữ Dương) chận đường, buộc khu trục hạm USS Decatur phải đổi hướng để tránh va chạm.
Không những thế, Trung Quốc đang dỗ dành các đảo quốc nhỏ trên Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, thiết lập các căn cứ, cảng quân sự, trong tham vọng vươn thế lực quân sự ra toàn cầu, hiện cũng làm cho chính phủ các nước Úc và Tân Tây Lan chú ý.
Nếu các nước đồng minh của Mỹ gia tăng sự hiện diện như Mỹ hoặc tuần tra chung với lực lượng Mỹ, ông Schriver nói rằng “sẽ tăng áp lực lên Bắc Kinh.”
Ông cũng cho hay không chỉ lực lượng Trung Quốc quấy rối tàu Mỹ mà tàu quân sự của Úc cũng từng bị tàu Trung Quốc quấy nhiễu trên Biển Đông. Ông nhắc lại rằng hồi Tháng Tư, 2018, một số chiến hạm của Úc trên đường tới Việt Nam thăm viếng và huấn luyện đã bị các tàu Trung Quốc quấy nhiễu.
Ông Schriver nói với báo The Australian rằng các đồng minh khác của Mỹ như Pháp, Anh, Canada cũng đã thấy gia tăng hiện diện trên Biển Đông.
“Chúng ta đã thấy có thêm nhiều hoạt động từ các phía có lợi ích bị ảnh hưởng bởi vì người ta nhận thấy khi luật lệ quốc tế bị xâm hại trên Biển Đông sẽ tác động đến toàn cầu,” ông nói.
Theo ông Paul Buchanan, một phân tích gia an ninh quốc phòng tại Auckland, New Zealand, các đồng minh nhiều phần sẽ phản ứng thuận lợi theo lời kêu gọi từ phía Mỹ. Hiện nước Úc cũng như New Zealand đang là các đối tác thương mại quan trọng với Trung Quốc. Mỹ cũng từng kêu gọi Úc tuần tra chung trên Biển Đông nhưng tới nay vẫn còn dè dặt, sợ ảnh hưởng tới quyền lợi kinh tế. Bắc Kinh cũng từng bắn tiếng đe dọa Úc, ngăn cản Úc chen vào chuyện Biển Đông.
“Nước Úc lâu nay đu dây với Trung Quốc nhưng gần đây họ cũng đã thấy kháng cự lại áp lực của Bắc Kinh.” Ông Buchanan cho hay. Ông nêu những biến chuyển gần đây như Úc lập một căn cứ hải quân trên đảo Manus của đảo quốc Papua New Guinea. Đồng thời cả hai nước Úc và New Zealand đều cấm tham gia dịch vụ kỹ thuật cao 5G của công ty điện tử điện toán Huawei vì bị tình nghi cài các phần mềm gián điệp.
Theo ông Buchanan “có vẻ như đang có các nỗ lực phối hợp với nhau để ép lại Trung Quốc đặc biệt là vấn đề Biển Đông.”
Người Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét