Tiết lộ mức tăng lương cho Chủ tịch nước, Thủ tướng Việt Nam - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Tư, 12 tháng 12, 2018

Tiết lộ mức tăng lương cho Chủ tịch nước, Thủ tướng Việt Nam


Với mức lương vừa được Quốc hội phê chuẩn tăng lên từ 1,25 – 1,3 triệu đồng/tháng, các chức vụ lãnh đạo cao nhất của Việt Nam như Chủ tịch nước, Thủ tướng chính phủ, Chủ tịch QH vào năm 2019 vẫn chưa đến 20 triệu đồng/tháng. Theo nhận xét của một nhà phân tích, mức lương này không thể giúp các quan chức có một cuộc sống “đàng hoàng” và ngăn họ khỏi tham nhũng.

Mức lương chính thức của 3 lãnh đạo cao nhất VN chưa tới 20 triệu đồng/tháng sau khi tăng lương. Ảnh từ trái qua phải: TBT-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân.

Theo nghị quyết dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019, mức lương cơ sở của công chức, cán bộ nhà nước trong năm tới sẽ được tăng từ 1,39 triệu đồng/tháng lên 1,49 triệu đồng/tháng.

Như vậy, với hệ số lương 13, mức lương của Chủ tịch nước sẽ tăng 1,3 triệu đồng/tháng, lên thành 19.370.000 đồng/tháng (831,55 USD/tháng). Còn mức lương của Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội đều tăng 1,25 triệu đồng, lên mức 18.625.000 đồng/tháng (799,57 USD/tháng).

Theo tìm hiểu của VOA, mức lương của chức danh còn lại trong “tứ trụ” trước kia là chức Tổng bí thư cũng theo hệ số lương 13. Như vậy, khi kiêm nhiệm hai chức danh, Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ được hưởng hai đầu lương cùng một lúc.

Tuy nhiên, theo nhận xét của một nhà phân tích chính trị, thời sự Việt Nam, TS. Nguyễn Quang A, thì “dẫu ông ấy có làm 2 chức vụ, 3 chức vụ đi nữa và hưởng thêm cả 3 khoản lương thì có lẽ ông ấy làm cả đời cũng khó mà mua nổi một cái nhà, chứ đừng nói là có một cuộc sống gọi là đường hoàng”.

Đề cập về khái niệm “lương lậu” vốn rất quen thuộc trong giới công chức Việt Nam, trong đó “lương” chỉ là phụ và “lậu” mới là chính, TS. Nguyễn Quang A nói với VOA rằng cho dù có tăng lương, nhưng mức lương chưa tới 1.000 USD/tháng của những người “to nhất nước” là con số “nực cười”.

Ông nói: “Tôi nghĩ nếu Việt Nam thực sự muốn chọn được người tài, muốn chống được tham nhũng, chắc chắn hệ thống lương [theo kiểu] giả vờ trả lương, giả vờ làm việc như thế này phải thay đổi”.

Theo ông, việc thay đổi hệ thống lương cho công chức cần phải được “cải tổ triệt để”, ít nhất là bằng hoặc gần bằng với hệ thống doanh nghiệp, thì lúc đó nó mới có thể trở thành một yếu tố giúp giảm bớt tham nhũng.

“Bởi vì hiện nay nói chung công chức Việt Nam muốn vào được một chức nho nhỏ ở cấp xã, huyện thôi cũng đã phải đút lót khá nhiều tiền. Mà với đồng lương ấy thì phải bao nhiêu năm làm việc, không ăn không xài gì cả thì may ra mới thu hồi được số vốn đầu tư như thế”, TS. Nguyễn Quang A nói với VOA.

Vào tháng 5 vừa qua, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương của Việt Nam, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ có bài viết đăng trên Dân Trí, nói rằng cải cách tiền lương là “một trong ba đề án quan trọng” được Ban chấp hành Trung ương Đảng thảo luận tại Hội nghị lần thứ 7.

Theo đó, Việt Nam sẽ tiếp tục điều chỉnh tăng mức lương cơ sở theo Nghị quyết của QH từ năm 2018 đến năm 2020. Đến năm 2021, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức sẽ bằng mức lương thấp nhất bình quân của khu vực doanh nghiệp.

Ngoài ra, theo thiết kế cơ cấu tiền lương mới của Nghị quyết 27 do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 21/5/2018, mức lương cơ bản sẽ chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương, trong khi các khoản phụ cấp chỉ được chiếm tối đa 30% tổng quỹ lương và một loạt phụ cấp sẽ bị bãi bỏ.

Hiện nay, mức lương công bố chính thức của các lãnh đạo Việt Nam đang thuộc hàng thấp nhất trong khu vực, chỉ khoảng 8.000 - 8.320 USD/năm, trong khi mức lương của chức vụ Thủ tướng ở Campuchia là 30.000 USD/năm, Thái Lan là 49.725 UDS/năm và Malaysia là 61.844 USD/năm.


Khánh An
Blog VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad