Việt Nam và Nga ‘hợp tác khai thác dầu khí ở Biển Đông’ nhưng chịu sức ép của Trung Quốc - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Hai, 3 tháng 12, 2018

Việt Nam và Nga ‘hợp tác khai thác dầu khí ở Biển Đông’ nhưng chịu sức ép của Trung Quốc


Khoảng nửa tháng sau chuyến thăm Việt Nam của Thủ Tướng Nga Dmitry Medvedev, tờ Nikkei Asian Review của Nhật mới tiết lộ rằng trong cuộc gặp ông này ở Hà Nội, Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc “than phiền về việc Trung Quốc phô trương sức mạnh hải quân ở Biển Đông và nói rằng các nước nên cố gắng giải quyết vấn đề một cách ôn hòa và tôn trọng luật pháp quốc tế”.

Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc đón Thủ Tướng Nga Dmitry Medvedev thăm Việt Nam trong hai ngày 18 và 19 Tháng Mười Một, 2018. (Hình: Báo Trí Thức Trẻ)

Ông Medvedev được ghi nhận lên tiếng ủng hộ lời kêu gọi của ông Phúc.

Theo Nikkei Asian Review, Việt Nam và Nga đang tăng cường mở rộng các dự án hợp tác khai thác dầu khí chung ở Biển Đông và việc này nhằm giảm bớt sự phụ thuộc của Hà Nội vào giao thương với Bắc Kinh.

Tờ báo của Nhật Bản nói Nga và Việt Nam “đồng cảnh ngộ”: Việt Nam bị vướng vào tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông trong lúc nền kinh tế Nga cũng đang bị ảnh hưởng bởi các lệnh chế tài của phương Tây. Cả Nga lẫn Việt Nam đều đang tìm cách tránh phụ thuộc vào giao thương với Trung Quốc.

“Nhưng việc bắt tay khai thác dầu khí ở Biển Đông giữa Việt Nam và Nga có thể gây ra một phản ứng dữ dội từ Bắc Kinh,” Nikkei Asian Review đưa nhận định.

Tập Đoàn Dầu Khí Quốc Gia Việt Nam (PetroVietnam) và Tập Đoàn Dầu Khí Gazprom (do chính phủ Nga kiểm soát) được ghi nhận thống nhất hợp tác khai thác các mỏ dầu trên thềm lục địa ở Biển Đông. Tuy nhiên, dự án này vẫn chưa được triển khai vì vấp phải sự phản đối gay gắt từ Trung Quốc.

Trước đó, trong chuyến thăm chính thức tới Moscow hồi Tháng Chín, 2018 của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, thông cáo do văn phòng báo chí Điện Kremlin phát đi cho biết Nga và Việt Nam “đồng ý phát triển các khu vực thăm dò và khai thác ở ngoài khơi Việt Nam”.

Bản tuyên bố chung nhắc đến kế hoạch của Gazprom đầu tư vào một nhà máy điện khí tại Quảng Trị, và Hãng Novatech của Nga hợp tác xây cảng khí thiên nhiên hóa lỏng và nhà máy điện khí ở Bình Thuận.

Tuy nhiên, văn bản này không đề cập dự án mỏ khí đốt Lan Đỏ, hợp tác của hãng Rosneft ở ngoài khơi Vũng Tàu từng là tâm điểm trong cuộc tranh cãi ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Hồi Tháng Ba, 2018, công luận xôn xao trước tin PetroVietnam yêu cầu đối tác Tây Ban Nha – Công Ty Năng Lượng Repsol dừng dự án Cá Rồng Đỏ ngoài khơi Việt Nam “do áp lực từ phía Trung Quốc.”

Đó là lần thứ hai trong vòng chưa đầy một năm, Việt Nam phải hủy bỏ kế hoạch hợp tác khai thác dầu khí tại Biển Đông do bị sức ép từ Trung Quốc. Cuối Tháng Bảy, 2017, trước sức ép từ Bắc Kinh, nhà cầm quyền CSVN yêu cầu Repsol dừng dự án thăm dò, khai thác dầu tại Lô 136-03 thuộc bãi Tư Chính, cách bờ biển Vũng Tàu khoảng 160km.

Trong một diễn biến khác, hồi đầu Tháng Mười, 2018, tin cho hay dự án xây dựng nhà máy lọc hóa dầu Nam Vân Phong của Tập Đoàn Nhật JXTG Nippon Oil & Energy tại tỉnh Khánh Hòa với vốn đầu tư khoảng $6 tỷ có khả năng bị hủy.

Thời điểm đó, Tập Đoàn Petrolimex, đối tác của JXTG Nippon Oil & Energy nêu nguyên do là “tập trung nguồn lực vào các dự án khác.” Tuy nhiên, theo truyền thông Nhật Bản, quyết định của Petrolimex là do nguồn cung ứng dư thừa ở Việt Nam sau khi hai nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn đã đi vào hoạt động.


Người Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad