Cuộc chiến ‘chống tham nhũng’ của Nguyễn Phú Trọng cũng bởi thế đang vấp phải một lực cản, hoặc một lực cản đủ lớn, đủ khiến cho bánh xe của ‘lò’ khó mà nhúc nhích nhanh được.
36% = 2/3?
Nếu mặc định rằng dự luật truy thu tài sản có nguồn gốc bất minh và việc cách chức Tất Thành Cang đều xuất phát từ ý chỉ của ‘Tổng chủ’ Nguyễn Phú Trọng, mà trong thực tế và logic với những gì mà ông Trọng đã chỉ đạo ‘đốt lò’ đặc biệt từ cuối năm 2017 đến nay thì rất có thể hai chỉ đạo trên chỉ có thể là của ông ta chứ chẳng phải ai khác, khoảng thời gian nửa cuối năm 2018 đã chứng kiến hai thất bại chính trị của ông Trọng: một thất bại rõ nét khi bào thai dự luật truy thu tài sản có nguồn gốc bất minh đã không thể thoát thai, còn thất bại kia mang tính nửa vời khi chỉ nhận được 64% số phiếu của Ban chấp hành trung ương đồng ý cách chức Tất Thành Cang - một tỷ lệ khá thấp và thua xa thói quen ‘gật 100%’ hoặc gần như thế của khối 200 ủy viên trung ương này.
Cần lưu ý rằng kể từ khi đưa vụ Đinh La Thăng ra Bộ Chính trị và Ban chấp hành trung ương để xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức vào tháng 5 năm 2017, từ đó đến nay Nguyễn Phú Trọng chưa phải nhận một thất bại nào, dù chỉ là thất bại một nửa như vụ Tất Thành Cang. Trong các vụ biểu quyết thời hậu Thăng như đối với Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, cựu bộ trưởng thông tin truyền thông Nguyễn Bắc Son và đặc biệt tại sự kiện Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ngồi luôn vào ghế chủ tịch nước ngay sau khi ‘đồng chí Trần Đại Quang chẳng may qua đời vì bệnh hiểm nghèo dù đã được tận tình cứu chữa’, các tỷ lệ biểu quyết của Ban chấp hành trung ương và nghị trường quốc hội luôn là ‘tập trung cao’, tức đạt tỷ lệ phiếu thuận xấp xỉ 100%.
Vậy hai tỷ lệ 36% và hơn 2/3 từ đâu ra?
Theo truyền thống cơ cấu nhân sự và các quyền điều chuyển cán bộ do Bộ Chính trị và Ban Bí thư quản lý, cùng cơ chế chỉ định người của đảng vào các cơ quan Ban chấp hành trung ương và Quốc hội, từ nhiều năm qua đã tồn tại hiện tượng trùng lắp nhân sự đại diện giữa hai cơ quan này, tức nhiều quan chức vừa là ủy viên trung ương và theo đó đương nhiên là đại biểu quốc hội theo cách ‘vừa đá bóng vừa thổi còi’.
Vậy tỷ lệ hơn 2/3 đại biểu quốc hội - khoảng 350 người - không đồng ý dự luật truy thu tài sản có nguồn gốc bất minh có liên đới gì với tỷ lệ 36% ủy viên trung ương - khoảng 70 người - không đồng ý cách chức Tất Thành Cang?
Hai con số 350 người và 70 người trên có phải là những quan chức mang tên tuổi khác hẳn nhau, hoặc nếu có trùng lắp thì chỉ chiếm số ít, hay có độ trùng lắp cao hoặc rất cao - tức 70 người trong Ban chấp hành trung ương = 70 đại biểu quốc hội và cộng thêm khoảng 280 quan chức chỉ là đại biểu quốc hội mà không phải ủy viên trung ương?
Nếu trong vụ bỏ phiếu bác dự luật truy thu tài sản có nguồn gốc bất minh, còn có thể cho rằng đó là một phản ứng ngẫu nhiên và mang tính hội tụ của nhiều luồng ý kiến phản ứng (loại ý kiến phản ứng quyết liệt, loại ý kiến phản ứng vừa phải hoặc mang tính nước đôi, loại ý kiến hùa theo hoặc mang tính ‘bầy đàn’…), thì đến vụ bỏ phiếu kỷ luật Tất Thành Cang, có vẻ những luồng ý kiến phản ứng trên đã không còn là ngẫu nhiêm hoặc phân tán, mà trở nên ‘tập trung’ và ‘thống nhất’ hơn hẳn.
Ai là ‘ngọn cờ’?
Hai cuộc bỏ phiếu về dự luật truy thu tài sản có nguồn gốc bất minh và kỷ luật Tất Thành Cang lại có một điểm chung rất nổi trội và rất dễ nhận ra: tính chất tham nhũng.
Hiểu một cách đơn giản và logic, chỉ có những quan chức trực tiếp tham nhũng hoặc dính dáng gián tiếp đến tham nhũng mới lo sợ dự luật truy thu tài sản có nguồn gốc bất minh và tìm cách phản ứng vụ cách chức một đồng sự đầy ăm ắp dấu hiệu tham nhũng như Tất Thành Cang.
Điểm chung trên đã dẫn tới một luận đề ngày càng hiện hình: trong cả hai cơ quan Ban chấp hành trung ương và Quốc hội đang tồn tại một nhóm, nếu không muốn nói là một thế lực chính trị, đang lo sợ ‘đốt lò’ của Nguyễn Phú Trọng và tìm cách phản ứng theo cách vừa ngấm ngầm vừa công khai đối với ông Trọng, để nếu không thể làm tắt ngấm cái lò đó thì cũng khiến nó nguội lạnh mà không còn tác dụng nữa.
Và nếu quả thực đang tồn tại một thế lực chính trị chống đối như thế, Nguyễn Phú Trọng đang phải đối mặt với một phương trình tuy ít ẩn số nhưng không dễ truy giải: ‘ngọn cờ’, hay nhân vật nào hoặc nhóm quan chức nào là đầu sỏ cho thế lực chính trị ấy là ai hoặc những ai?
Một hiện tượng khác đáng mổ xẻ là loạt vụ việc phản ứng của thế lực chính trị trên không phải xuất hiện trước tháng 9 năm 2018 là thời điểm Trần Đại Quang chết, mà lại hiện ra sau đó.
Bởi sau cái chết của ông Quang, mức độ ‘đốt lò’ được ông Trọng đẩy tăng vọt với hàng loạt vụ hồi tố hai cựu phó chủ tịch TP.HCM là Nguyễn Hữu Tín và Nguyễn Thành Tài, vụ bắt một quan chức liên quan đến đường dây bảo kê cho Trịnh Xuân Thanh đào thoát ra nước ngoài, đặc biệt là vụ bắt đại gia ngân hàng Trần Bắc Hà… Sau những vụ này, hầu như không còn ai nói về cái thanh thế trước đây hay uy thế còn lại của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong khi cầm chắc là nhiều quan chức công an thuộc ‘cánh Quang’ sẽ bị truy xét và do đó chỉ còn cách phân rã mà không thể tập hợp lại với nhau tổ chức phản công Nguyễn Phú Trọng.
Nhưng nếu không phải được đầu sỏ bởi Nguyễn Tấn Dũng, hoặc chỉ có thể mang tính liên hệ một cách gián tiếp chứ không trực tiếp với ông Dũng, thế lực chính trị trong hai cơ quan Ban chấp hành trung ương và Quốc hội đang tìm cách phản ứng với Trọng được dẫn dắt bởi ‘sâu chúa’ nào? ‘Sâu chúa’ đó đã nghỉ hưu nhưng vẫn duy trì quyền lực ngầm, hay đang đương chức và là một hoặc một số trong Bộ Chính trị đảng?
Cuộc chiến ‘chống tham nhũng’ của Nguyễn Phú Trọng cũng bởi thế đang vấp phải một lực cản, hoặc một lực cản đủ lớn, đủ khiến cho bánh xe của ‘lò’ khó mà nhúc nhích nhanh được.
Thách thức!
Nhiều nhà bình luận chính trị độc lập ở Việt Nam đều có chung nhận xét và rất tương hợp với tình hình thực tế là cho dù có ‘diệt’ được những quan chức bị xem là ‘trùm tham nhũng’ như Nguyễn Tấn Dũng và Lê Thanh Hải, ‘người đốt lò vĩ đại’ Nguyễn Phú Trọng vẫn phải đối mặt với rất đông đảo quan chức tham nhũng từ cấp trung ương xuống các địa phương - những nhân sự đầu bộ ngành và đầu tỉnh thành không chỉ rơi rớt lại từ thời Nguyễn Tấn Dũng mà còn chính là nhân sự được ông Trọng và Ban Bí thư điều chuyển, chỉ định sau khi Dũng đã ‘trở về làm người tử tế’ và từ sau năm 2016 đến nay, và nói chung lớp nhân sự đó chính là con đẻ của một chế độ chính trị độc tài sinh ra đặc quyền và đặc lợi.
Cho dù về sau này cái hỗn danh danh ‘Lú’ đã không còn quá gắn chặt với Nguyễn Phú Trọng trong hoạt động ‘làm nhân sự’ - được biểu hiện bởi những thủ thuật, thủ đoạn khá đủ thâm sâu của ông Trọng để loại bỏ những đối thủ chính trị và giữ cầm hơi cho hình hài chỉ chực sụm xuống của đảng, mà đã khiến dư luận xã hội và cả quốc tế phải ngạc nhiên về ‘trình độ tăng tiến vượt bậc’ của ông ta, nhưng điều mà bất kỳ một nhà chính trị chiến lược nào cũng phải lo sợ là khả năng xuất hiện một số đông quan chức trực tiếp tham nhũng cấu kết với nhau và còn có thể lôi kéo được một số đông khác quan chức gián tiếp tham nhũng, biến thành một lực lượng đủ đông và đủ tinh vi để chống lại chủ trương của một nhà nước trung ương tập quyền, đặc biệt là chủ trương ‘chống tham nhũng’.
Và bởi Nguyễn Phú Trọng xem chống tham nhũng là công việc quan trọng nhất với đảng của ông ta, đám đông cấu kết và chống đối ‘đốt lò’ của giới quan tham Việt từ nhỏ đến lớn chính là thách thức lớn nhất đối với Trọng trong năm 2019 và tiếp biến đến đại hội 13 của đảng cầm quyền, nếu còn có đại hội đó.
Phạm Chí Dũng
Blog VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét