Có một đại nhạc hội xuân của tuổi hai mươi - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Bảy, 26 tháng 1, 2019

Có một đại nhạc hội xuân của tuổi hai mươi


Khán giả không đứng và cũng chẳng có ghế để ngồi và thực sự họ cũng chẳng cần ngồi ghế. Đó là tinh thần chơi hết mình, cỗ vũ hết mình cho ngày đại hội nhạc trẻ theo lời yêu cầu của ban tổ chức gồm những tay nhạc trẻ lừng danh…

Đại hội nhạc trẻ ở thảo cầm viên sài gòn nửa thế kỷ trước

Nhà báo Lê Văn Nghĩa, một trong những thủ lĩnh sinh viên thời bấy giờ, kể về một đại nhạc hội mừng xuân mới của giới trẻ Sài Gòn được tổ chức tại Thảo Cầm Viên cách đây gần nửa thế kỷ trong tác phẩm Mùa Hè Năm Petrus.

Ban nhạc Phượng Hoàng của Nguyễn Trung Cang và Lê Hựu Hà ra đời khá trễ (1970). Tuy nhiên đây có thể nói là một ban nhạc ‘Việt hóa’ triệt để: sáng tác ca khúc Việt cho rock, hát lời Việt và cái tên cũng ‘thuần Việt’ giữa vô vàn các tên ban nhạc bằng tiếng Anh đang hiện hành.

Và ban nhạc – có lẽ là đầu tiên, trình diễn trên sân khấu nhạc trẻ, lại chơi toàn nhạc cụ dân tộc, tên nhóm cũng “thuần Việt”, đó là nhóm của 4 chàng trai học trò trường Petrus Ký…

“Khán giả không đứng và cũng chẳng có ghế để ngồi và thực sự họ cũng chẳng cần ngồi ghế. Đó là tinh thần chơi hết mình, cỗ vũ hết mình cho ngày đại hội nhạc trẻ theo lời yêu cầu của ban tổ chức gồm những tay nhạc trẻ lừng danh…”. Nhà báo Lê Văn Nghĩa, một trong những thủ lĩnh sinh viên thời bấy giờ, kể về một đại nhạc hội mừng xuân mới của giới trẻ Sài Gòn được tổ chức tại Thảo Cầm Viên cách đây gần nửa thế kỷ.

Buổi diễn còn để gây quỹ Cây Mùa Xuân giúp đồng bào miền Trung đang bị khốn khó vì lũ lụt. Lúc đó, các ban nhạc Việt toàn mang tên ngoại quốc, như “The Vampire”, “The Ants”, “C.B.C”, “Three dog night”, “Three Apples”… Những ban nhạc trẻ mang tên Mỹ này là những ban nhạc được thành lập để chơi trong các phòng trà nhạc trẻ và các club Mỹ.

Giống như tên gọi, các ban nhạc này cũng chơi toàn những bản nhạc Top Hit của những ban nhạc ngoại quốc mà họ bắt chước bằng cách nghe lại từ ban nhạc, hay trên đài phát thanh hàng tuần. Không ban nhạc nào lại không biết chơi những bản Top Hit thời thượng của những ban Beatles, Rolling Stone, Santana, The Mama and the Papa, The Ventures… Nếu không chơi được nghĩa là họ tự đào thải khỏi làng kích động nhạc, không chơi được trong các club Mỹ, trong các phòng trà nhạc trẻ. Không những tên ban nhạc đã được Mỹ hóa mà ngay cả tên của những ca sĩ cũng là tên ngoại như Billy, Jane, Jo Marcel, Tony, Tiny… mặc dù xuất hiện trong những bộ quần áo màu sặc sỡ, tóc tai, râu ria dài thậm thượt nhưng cũng không giấu nổi thân phận da vàng, mũi tẹt.

Với những sắc màu ngoại lai như vậy, song ở chương trình đại nhạc hội nhạc trẻ xuân năm ấy ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn – vẫn còn in tạc trong trí nhớ của cậu học sinh trường Petrus Ký Lê Văn Nghĩa bấy giờ – là một ngày mà âm nhạc dân tộc được tôn vinh với đầy sắc màu tình tự dân tộc của các ban nhạc hippi.

“Tiếng huýt sáo miệng la ó của đám khán giả đang ngồi dưới sân khấu khi nhóm Bách Việt xuất hiện. Ngay cả cái tên của ban nhạc đã là một cái gì rất ‘lô-can’ (local, tạm dịch: địa phương) khiến đám đông khán giả ái mộ nhạc trẻ chỉ quen với những ban nhạc có tên nước ngoài ngạc nhiên, tò mò thì sự xuất hiện của ban Bách Việt quả là một cú đi ngược và tạo nên sự mới lạ trên sân khấu!”. Nhà báo Lê Văn Nghĩa hào hứng kể.

Xuất hiện trước công chúng là bốn chàng trai. Chẳng tóc dài như những thành viên của các ban nhạc khác vì họ đang đội trên đầu những chiếc rế đen – hình ảnh thấy trong những tấm bưu thiếp in ảnh của những người đàn ông Việt ngày xưa. Những thành viên của nhóm Bách Việt xúng xính trong chiếc áo the lĩnh đen, quần vải trắng và đi trên những đôi guốc mộc.

Lạ hơn nữa là, trên tay họ không phải là những cây ghi-ta điện – công cụ chủ yếu của những ban kích động nhạc. Họ là bốn chàng trai trẻ, ở lứa tuổi 18 – là học sinh Petrus Ký, cùng học quốc nhạc do thầy Nguyễn Hữu Ba dạy từ trường Petrus Ký và sau đó là trường Quốc gia Âm nhạc và kịch nghệ.

“Đó là Phước Kiệt – thổi sáo và chơi sanh tiền, Duy Anh chơi đàn bầu và bộ trống; Trang thủ cây đàn nhị và Chương, người trẻ nhất ngồi bắt chéo chân để làm đế đặt cây đàn tranh…”. Lê Văn Nghĩa kể tiếp rằng chỉ đến khi những cái loa lớn bắt chung quanh sân khấu bắt đầu vang ra những âm thanh đầu tiên trong bài “The Twist” – một bài hát thịnh hành lúc đó, thì bất ngờ khán giả nghe tiếng réo rắt của cây đàn nhị hòa cùng tiếng đàn tranh, bầu cùng sáo làm âm vang của bài hát thời thượng đó mang một âm hưởng rất lạ.

Vậy là cả không gian Thảo Cầm Viên Sài Gòn bùng nổ. Chưa bao giờ tín đồ nhạc trẻ đang ngồi chung quanh sân khấu này lại được nghe bài nhạc Twist bất hủ này bằng những âm thanh của các nhạc cụ “lạ lùng” đến vậy. Họ vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện ra những cây đàn nhị, tranh vẫn có thể chơi nhạc trẻ phương Tây được chứ không chỉ dùng trong dàn nhạc ở phường bát âm hay chương trình dân ca nhạc cổ trên đài phát thanh hay tivi.

“Những tay hippy, dân mê nhạc lắc lư theo điệu Twist cuốn hút. Hẳn Chubby Checker – cha đẻ của ‘The Twist’ cũng không ngờ rằng dân mê nhạc xứ Việt lại khoái Twist một cách lạ lùng như vậy. Nhưng lại càng không ngờ hơn nữa khi Twist lại được chơi bằng những nhạc cụ của chính đất nước họ, chứ không phải bằng mấy cây ghi ta điện lúc Twist vừa được khai sinh”. Lê Văn Nghĩa tự hào nhắc kể về không khí luôn tràn ngập tiếng ‘Bis… Bis…. Hoét… Hoét… Bis… Bis…’ của sân khấu xuân ở Thảo Cầm Viên hồi nào.



Sau khi chấm dứt hai bài nhạc nước ngoài tiêu biểu của điệu Twist là “The Twist” và “Let’s Twist again” trên sân khấu im lặng một chút. Rồi, khán giả nghe âm thanh tiếng đàn nhị vang những nốt nhạc đầu tiên của bài “Đêm đô thị”, một bài nhạc được viết theo điệu Twist của nhạc sĩ Y Vân. “Màn đêm xuống dần, muôn ánh đèn đột nhiên như ngời sáng. Kìa sáng bao phố phường, bao mái lầu chìm trong bóng đêm. Lá lá lá lá la, lá lá lá la… Đời đẹp quá á… á a à á bài thơ… Người em gái đang thì tròn trăng mới như nhiều trang giấy…”.

“Bài hát gây một hiệu ứng tập thể khi những tay hippy ngồi dưới sân khấu cùng vỗ tay, cùng lắc lư và hát theo tiếng đàn đang được những cái loa khuếch đại âm thanh hết cỡ. Lác đác có vài người đứng dậy lắc lư theo điệu nhạc tại chỗ và sau đó là từng cặp, từng cặp đứng dậy cùng lắc tuýt. Vừa lắc, họ vừa hát, vừa hét theo lời bài hát nhất là đoạn điệp khúc ‘lá lá lá lá la, lá lá lá lá la…’ mà ai cũng có thể… gào rống được!”. Lê Văn Nghĩa tường thuật hệt như những hình ảnh và âm thanh này hiển hiện trước mắt.

Trên sân khấu, bốn ông ‘thầy đồ’ thời đại cũng nhún nhảy không kém. Âm nhạc đã nhập vào hồn của những thành viên ban Bách Việt. Họ lấy tên là Bách Việt để khẳng định với những nhóm nhạc trẻ khác là dân Việt, dùng nhạc cụ Việt vẫn có thể tải những âm điệu hiện đại ngon lành, không thua kém bất cứ nhạc cụ nào.

“Bách Việt, cái tên vẫn nghe hay hơn là The Hawks – The Black Caps, The Kings…, những cái tên vay mượn cũng như cách chơi vay mượn từ những dĩa nhạc, không dám trại đi, ngay cả phong cách. Nhóm Bách Việt đã làm được. Họ chơi hay, thuần thục không, chưa biết. Nhưng họ dám khai phá một bước mới cho nhạc trẻ Việt Nam. Chơi không vay mượn. Đưa điệu Twist phổ biến trên thế giới đến với khán giả Việt Nam bằng lối chơi của người Việt Nam, bằng những nhạc cụ của ông cha thường sử dụng trong những lúc nghỉ ngơi sau những buổi chiều đồng áng mệt nhọc.

Nhóm Bách Việt đã dám chấp nhận ‘không thành công cũng thành nhân’ để đưa nhạc cụ Việt lên sân khấu, chơi nhạc Tây ở trung tâm nhạc trẻ Sài Gòn – nơi tập trung những anh tài nhạc trẻ của thời đại!”. Lê Văn Nghĩa đã đầy tự hào khi nhìn lại một giai đoạn nhạc trẻ ở Sài Gòn, khi mà những thế hệ như ông thật sự hòa mình vào tinh thần “về đây mặc áo the, đi guốc mộc, kể chuyện tình bằng lời ca dao…” (Về đây nghe em, thơ A Khuê, nhạc Trần Quang Lộc).

Một chút nói thêm liên quan Bách Việt. Tháng 4-2017, báo chí ở Mỹ đăng tấm hình một đàn ông người Mỹ gốc Việt tên Đào Duy Anh (David Dao) bị cảnh sát Mỹ lôi thô bạo khỏi máy bay của hãng United Airlines (UA) đến chảy máu mặt khiến dư luận phẫn nộ. Bác sĩ Đào Duy Anh chính là nhân vật “Duy Anh chơi đàn bầu và bộ trống” đã kể ở đầu bài viết này. Hai sáng tác được nhiều người biết đến nhất của nhạc sĩ – bác sĩ Đào Duy Anh là “Tát nước đầu đình” và “Ta về ta tắm ao ta”. Riêng ca khúc “Ta về ta tắm ao ta” đã được tặng giải vàng trong một cuộc thi âm nhạc ở Sài Gòn trước năm 1975.

David Dao ( Đào Duy Anh) bị lôi thô bạo khỏi máy bay của hãng United Airlines

Rất nhiều người trẻ ở sân khấu mừng xuân mới tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn khi đó, cho mãi đến nay vẫn khó quên hình ảnh của bốn chàng trai Bách Việt đã chơi tiếp bài dân ca Việt Nam “Trống cơm” cũng bằng nhịp điệu của Twist. “Tình bằng có cái trống cơm. Khen ai khéo vỗ ố mấy bông mà nên bông, ố mấy bông mà nên bông…, chát chùm…, chát chùm… Chát chát chùm… Twist…”. Với tất cả khán giả trẻ xuân năm ấy, chưa bao giờ một bài dân ca được phối theo điệu Twist, chơi bằng đàn cò, đàn tranh mà vẫn thúc giục được những cái chân của khán giả hippi cùng… Twist.

Vợ chồng ông bà david dao và các cháu – Ảnh_ daily mall

Và có lẽ tất cả hình ảnh cùng âm thanh của một thời nhạc trẻ Sài Gòn ấy đã trở thành chuyện nhắc kể của… muôn năm cũ!


Lê Ngọc Lan Hương
Nghiệp đoàn báo chí

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad