Mậu Thân 1968 và Lộc Hưng Mậu Tuất 2018! - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Bảy, 12 tháng 1, 2019

Mậu Thân 1968 và Lộc Hưng Mậu Tuất 2018!


50 năm sau cái Tết kinh hoàng Mậu Thân 1968, một cái Tết mà khi người người, nhà nhà ở Nam vĩ tuyến 17 đang chuẩn bị đón Tết, đang cúng Giao Thừa, đang ăn cơm họp mặt cuối năm – đầu năm, đang khui rượu Tết, đang chúc tụng… Đang trải lòng mình với đất trời và tình người, thì súng nổ, máu chảy, nhà sập, xơ xác, tan nát, đau khổ, chết chùm…

Một góc tan hoang của Vườn rau Lộc Hưng sau đợt cưỡng chế ngày 8/1/2019

Mọi cái chết kinh hoàng nhất diễn ra ở các thành phố Nam vĩ tuyến 17, trong đó, nặng nề và thảm khốc nhất là Sài Gòn và Huế. Sau 50 năm “im tiếng súng”, hai miền thống nhất, mọi sự oán thù tưởng như đã phôi phai. Nhưng không! Người dân Việt Nam vẫn chưa bình yên!

Vì sao tôi nói người dân Việt Nam vẫn chưa được sống bình yên? Vì suốt 50 năm qua, người Cộng sản có thể thay đổi nhiều thứ, nhưng có một thứ (trong nhiều thứ mang đặc trưng Cộng sản) vẫn chưa thay đổi, đó là bất chấp và máu lạnh. Vì sao?

Vì nhắc lại Tết Mậu Thân 1968, người ta không khỏi rùng mình khi nhớ rằng trước Tết đã có hiệp định ngừng chiến giữa hai bên để bà con ăn Tết. Và theo qui ước chiến tranh thì người ta (thế giới tiến bộ) không bao giờ nổ súng trong những giờ phút thiêng liêng, ví dụ như ngày Tết cổ truyền chẳng hạn! Ở đây, người Cộng sản đã nhắm vào ngày giờ phút thiêng liêng, ngay cái giây phút mà người người đang hướng thượng, hướng về nguồn cội, tổ tông và quên đi mọi tị hiềm, quên đi mọi thù hận, mọi sự đều được gác sang một bên để dành cho bữa cơm đoàn viên cuối năm – đầu năm. Và điều này đã trở thành triết lý của dân tộc “trời đánh cũng tránh bữa ăn”.

Nhưng người Cộng sản đã bất chấp điều này, họ nhắm ngày vào bữa cơm thiêng liêng nhất để nổ súng, khai hỏa cuộc chiến. Chắc chắn rằng sau lần khai hỏa của họ, sẽ có những cái chết bên mâm cơm, những cái chết miệng còn búng cơm, những cái chết dang dở bên bữa cơm đoàn viên… Và còn nhiều cái chết khác rùng rợn, đau đớn hơn ngay trong giờ phút thiêng liêng của dân tộc!

Sau 50 năm, tính bất chấp của người Cộng sản vẫn chưa có gì thay đổi, thậm chí có chiều hướng man rợ hơn trước, bất chấp và máu lạnh hơn trước. Bởi lẽ, 50 năm trước, dù sao thế giới tiến bộ vẫn còn xa lạ với dân tộc này, 50 năm trước, phương tiện truyền thông của “đế quốc Mỹ” vẫn có khuynh hướng đứng về phía người Cộng sản bởi dân tộc Mỹ không muốn lún sâu vào cuộc chiến Việt Nam, bởi có quá nhiều con em Mỹ Quốc bỏ mạng một cách vô lý trên dải đất hình chữ S này và bởi người Mỹ không còn muốn nhìn thấy súng đạn của Mỹ tiếp tục trút xuống bất cứ nơi nào. Chính vì vậy mà truyền thông Mỹ vẫn có chút gì đó “bao che” cho tội ác của người Cộng sản.


Còn bây giờ, khi truyền thông tiến bộ đang xoáy mũi dùi vào nhà độc tài Cộng sản, khi công luận thế giới đã quá ngán ngẫm trước những hành xử của kẻ độc tài và đặc biệt, khi mà thế giới tiến bộ đang xếp người Cộng sản vào hạng bét của thang nhân quyền, tiến bộ, dân chủ… Thì họ vẫn bất chấp. Ngay dịp Tết cận kề, ngay lúc hàng trăm ngôi nhà, thậm chí hàng ngàn thân phận con dân Việt đang chuẩn bị đón Tết bằng cách ki cóp từng đồng để dọn rửa mảng tường, để mua sắm thêm bình sơn mà sơn quét bàn thờ gia tiên, sơn quét căn nhà đón Tết… Nhìn chung, mọi thứ năng lượng dành dụm, ki cóp của cả một năm vất vả đều dành cho dịp Tết (thế người ta mới nói rằng Tết là dịp để căn tính người Việt thể hiện rõ nét nhất) thì đùng một cái, chính quyền tới đập nhà, hất mọi thứ ra đường!

Ở đây tôi không muốn bàn tới chuyện đúng – sai của người dân trong việc họ xây nhà trên vườn rau (có thể các nhà dân xây trên đất vườn là không đúng luật nhà đất hiện hành: Đất xây trên diện tích vườn, ruộng, chưa đăng ký hoặc chuyển loại hình sang đất xây dựng thì bị xem là trái phép cho dù đất đó có bao nhiêu đời) mà vấn đề là tính nhân bản, nhân văn của một chế độ, một chính quyền.

Bởi suy cho cùng, chính quyền cũng từ nhân dân mà ra và thiên chức cuối cùng của chính quyền là bảo vệ và phục vụ nhân dân (đúng với lý thuyết của nhà cầm quyền Cộng sản bấy lâu nay!). Nhưng thử hỏi, quan tâm, chăm sóc hay giám sát nhân dân kiểu gì mà nhà người ta xây cả trăm căn mới biết? Và khi nhân dân tạm an cư lạc nghiệp thì ngay trong cái dịp thiêng liêng nhất, đó là cuối năm, Tết cổ truyền, chính quyền lại mang cả hệ thống công an, cảnh sát, xe ủi, cơ giới, giang hồ và các thành phần khác tới đập phá nhà dân, xua dân ra đường trong giá lạnh, không có nơi ăn Tết, không có chỗ ngủ, thậm chí trong đó trẻ con có thể không có giường để ngủ, chúng sẽ đón một cái Tết bơ vơ, lạc lỏng, ngạc nhiên và hoảng loạn đến tột độ trước câu chuyện của người lớn.

Sự ngạc nhiên chẳng kém ông bà của chúng cách đây 50 năm, lúc đó họ là những đứa trẻ, cũng đã ngạc nhiên và hoảng loạn trước tiếng súng, trước cái chết, trước nhà cửa sập đổ. Nhưng dẫu sao thì những đứa trẻ thời chiến tranh cũng đỡ tổn thương hơn bởi tình hình chung lúc đó là chiến tranh, mọi đứa trẻ đều mơ hồ nhận thấy sự nguy hiểm chung của thế giới chung quanh. Ở đây, khi mọi đứa trẻ đều được ăn Tết, được ở nhà cửa mới trang hoàng, được xúng xính áo quần Tết, ăn món ngon… Thì có những đứa trẻ bước ra từ Lộc Hưng hoang địa, nỗi đau của cha mẹ chúng và sự hoảng loạn của chúng càng trở nên khủng khiếp hơn trước một cái Tết chỉ có lẻ loi và không nhà!

Sau 50 năm, có một Mậu Thân khác vừa càn quét qua vườn rau Lộc Hưng, và có những mùa xuân khác cũng na ná mùa xuân Mậu Thân 1968 khi tiếng súng đã im nhưng lòng người vẫn nhuốm màu khói lửa và tình người vẫn như một trận chiến. Một trận chiến mà ở đó, nhân dân đã thay thế kẻ thù!


Viết Từ Sài Gòn
Blog RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad