Tuyên truyền quốc tế về Biển Đông: Việt Nam hụt hơi so với Trung Quốc?/Hình minh họa |
Bản thân Biển Đông trong những năm trở lại đây, với sự gia tốc của Bắc Kinh trong vấn đề xây dựng đảo nhân tạo cũng như quân sự hóa phần lớn khu vực quần đảo Hoàng Sa đã khiến cho Hà Nội có những quan điểm cứng rắn hơn. Cụ thể, thông qua bản dự tháo Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) mà hãng tin Reuter tiếp cận được. Trong bản dự thảo này, Việt Nam muốn định chế hóa các hành động của Trung Quốc trên vùng biển Đông đang tranh chấp là phi pháp, bao gồm cả khu vực Nhận dạng phòng không mà Bắc Kinh tuyên bố từ năm 2013.
Hãng tin BBC Vietnamese trong một bài viết vào đầu năm 2019 đã đặt tiêu đề: Việt Nam 'cứng rắn hơn trong vấn đề Biển Đông'?.
Tuy nhiên, Hà Nội không thể đơn độc trong cuộc chiến ‘cứng rắn’ này trước sự trỗi dậy liên tục từ Bắc Kinh, bởi Biển Đông vẫn là giao thức mà nhiều cường quốc ở Đông Nam Á (Nhật Bản, Ấn Độ,…) hay thế giới (Mỹ, Anh,…) đang muốn kiềm chế sự hung hăng của Bắc Kinh dựa trên cơ sở ‘tự do hàng hải’.
Với Mỹ, khu vực Biển Đông có thể là nằm trọng tâm trong chính sách Xoay trục Á châu, và nhiều chuyên gia đánh giá rằng, Biển Đông (chứ không phải là thương mại) mới là vấn đề lớn nhất trong quan hệ Việt – Trung, từ đó gián tiếp dẫn đến một nhận định, quan trọng cả với quan hệ Việt – Mỹ.
Trong một bài viết chiều ngày 19.1.2019, tác giả Panos Mourdoukoutas trong một bài bình luận trên Forbes đã cho rằng, sự bùng nổ đối đầu quân sự sẽ diễn ra ở Biển Đông. Lý do, Biển Đông luôn đi đầu trong chương trình nghị sự kinh tế, chính trị giữa Mỹ - Trung, Biển Đông là chỉ dấu cho dự án con đường tơ lụa trên biển (một dấu ấn mà Tập Cận Bình muốn tạo ra). Điều này không phải phi lý khi mà bản thân Trung Quốc đã hoàn tất các hạng mục liên quan đến bồi đắp đảo nhân tạo, xây dựng các công trình quân sự và bán quân sự trên các đảo do mình chiếm giữ trái phép trên vùng Biển Đông, bất chấp sự phản đối từ các nước Philippines, Malaysia, Brunei, Việt Nam, Mỹ, Úc, Nhật Bản,…
Trở lại với vấn đề Việt Nam, từng có một thời điểm, Biển Đông (Hoàng Sa, Trường Sa) trở thành cụm từ nhạy cảm, trong bối cảnh Việt – Trung ấm nóng dần. Tuy nhiên, với sự xâm thực chủ quyền tài phán của Bắc Kinh đối với Việt Nam trong những năm gần đây, mà nổi nhất trong thời điểm gần đây là vụ dàn khoan HD-981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam (2014) đã cho thấy, nếu không thực sự chủ động và mạnh dạn hơn, Hà Nội sẽ phải đối diện với câu hỏi: khả năng bảo vệ chủ quyền đến đâu.
Việc tiến hành bảo vệ chủ quyền không chỉ dựa trên mối quan hệ quốc phòng với các cường quốc, hay là tăng cường mua sắm các thiết bị quân sự nhằm cải thiện năng lực và sức chiến đấu của Hải quân, mà còn có cả sự tăng cường trong công tác tuyên truyền quốc tế (điều mà Bắc Kinh đã làm rất tốt).
Thế nhưng, có vẻ Việt Nam vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng của ‘tranh thủ sự ủng hộ của dư luận quốc tế’ thông qua việc triển khai nghiên cứu, hội thảo, tọa đàm quốc tế. Chính vì vậy mà mới đây, trong nghiên cứu ‘Công bố quốc tế về biển đảo: Sự cấp thiết và các định hướng thúc đẩy’ của TS Lê Thanh Hòa, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Biển và Đảo, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM, đã cho biết những thông tin gây sốc: số lượng cơ quan nghiên cứu biển đảo chưa tới 20 cơ quan; đấu tranh pháp lý bằng các bài nghiên cứu khoa học quốc tế chỉ có 7 bài về quần đảo Trường Sa và 6 bài về quần đảo Hoàng Sa; số bài báo quốc tế về Biển Đông chỉ có 3% (trong khi con số này của Trung Quốc là 60%).
Cần nhấn mạnh rằng, Bắc Kinh có một sự chuyên nghiệp hóa trong tuyên truyền chủ quyền phi pháp của nước này ở Biển Đông, đặc biệt là tại Mỹ thông qua việc sử dụng truyền thống tự do ngôn luận và báo chí tự do của Mỹ bằng cách đặt một quảng cáo trả tiền.
Chính vì vậy, tăng cường đẩy mạnh và đầu tư nguồn tiền cho các nghiên cứu Biển Đông và chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam ở phạm vi quốc tế là rất cần thiết, một trong những cách thức hữu hiệu để ngăn chặn cuộc chiến tranh chính trị mà Bắc Kinh đang phô diễn ở Biển Đông và chủ động chiến lược trước sự đe dọa xung đột quân sự của Trung Quốc.
Cần nhắc lại rằng, Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông vào năm 2015 bằng cách triển khai hệ thống tên lửa đất đối không tại quần đảo Hoàng Sa, Bắc Kinh cũng đã hoàn tất xây dựng đường băng và cơ sở hạ tầng trên bảy hòn đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa. Bắc Kinh cũng đã bố trí căn cứ không quân, hệ thống radar và các cơ sở hải quân và thiết lập các tên lửa hành trình chống hạm tầm xa, các hệ thống tên lửa phòng không cung cấp tầm tấn công đáng kể. Đồng thời, bổ sung khả năng tấn công thông qua việc triển khai các máy bay ném bom H-6K (vốn có khả năng tấn công hạt nhân tầm xa).
Nếu Hà Nội không chú tâm vào tuyên truyền chủ quyền trên bình diện quốc tế, thì sự thua thiệt trên trường quốc tế đối với đấu tranh pháp lý và ngoại giao Biển Đông sẽ tất yếu diễn ra. Và ĐH XIII của ĐCSVN sẽ thực sự không hề êm đẹp,...
Ánh Liên
VNTB
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét