Điêu Khắc Gia Phạm Thông ngưởi tạt tượng điêu khắc Trần Hưng Đạo ở Bạch Đằng Sài Gòn xưa - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Hai, 25 tháng 2, 2019

Điêu Khắc Gia Phạm Thông ngưởi tạt tượng điêu khắc Trần Hưng Đạo ở Bạch Đằng Sài Gòn xưa


Nỗi đau quẳng quạy của Phạm Thông là ngưởi tạt tượng điêu khắc Trần Hưng Đạo ở Bạch Đằng Sài Gòn xưa ...

Điêu Khắc Gia Phạm Thông ngưởi tạt tượng điêu khắc Trần Hưng Đạo ở Bạch Đằng Sài Gòn xưa. Hình tư liệu

LITTLE SAIGON- Chiều Chủ nhật ngày 5 tháng 4 năm 2015, theo lời mời của Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài Đức Trần Hưng Đạo tại khu Hanoi Plaza, Little Saigon, Nam California, Điều khắc gia Phạm Thông đã từ Houston, Texas qua tham dự cuộc họp báo để trình bày về việc ông được mời tạc bức tượng Đức Trần Hưng Đạo to hơn, cao hơn thay thế tượng đang có vì quá nhỏ. Nhân dịp này, chúng tôi đã phỏng vấn ông Phạm Thông, một điêu khắc gia nổi tiếng của Việt Nam qua nhiều tác phẩm có tầm vóc lớn. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn của chúng tôi:

Viễn Đông: Xin chào Điêu Khắc Gia (ĐKG) Phạm Thông. Xin ông vui lòng cho độc giả báo Viễn Đông biết qua một chút về ông.

ĐKG Phạm Thông: Chào anh, tôi là Phạm Thông, sinh ngày 12/8/1943 tại Thái Bình, tốt nghiệp Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Saigon năm 1965, hiện cư ngụ tại Houston, Texas.

Viễn Đông: Nguyên do nào anh thích học về ngành hội họa và điêu khắc?

ĐKG Phạm Thông: Ngay từ lúc còn nhỏ tôi đã thích vẽ và dùng đất nắn tượng nên khi lớn lên tôi theo học về hội họa và điêu khắc, nhưng khi còn là sinh viên trường Cao Đẳng Mỹ Thuật, tôi thích vẽ hơn, nên tuy chưa tốt nghiệp tôi đã may mắn đoạt huy chương vàng, giải tối cao về hội họa, còn anh Nguyễn Thanh Thu đoạt giải nhất về điêu khắc, lúc đó tôi vừa 19 tuổi. Năm 1966, một năm sau khi tốt nghiệp tôi lại đoạt huy chương vàng về hội họa do Cục Tâm Lý Chiến, Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị QL/VNCH tổ chức.

Viễn Đông: Tác phẩm điêu khắc đầu tiên của ông là tác phẩm nào?

ĐKG Phạm Thông: Năm 1967 Quân chủng Hải Quân VNCH và Hội Đức Thánh Trần ở Saigon tổ chức cuộc thi tạc tượng Đức Trần Hưng Đạo, Thánh Tổ Hải Quân để đặt tại công trường Mê Linh, cuối đường Hai Bà Trưng, sát bờ sông Saigon. Có 13 đồ án của các điêu khắc gia dự thi; tôi may mắn trúng giải và đó cũng là tác phẩm đầu tay của tôi về điêu khắc.



Viễn Đông: Xin ông nói qua về bức tượng Đức Trần Hưng Đạo tại Bến Bạch Đằng.

ĐKG Phạm Thông: Thật ra, lúc đầu tôi đưa ra đồ án tạc bức tượng Đức Trần Hưng Đạo đang ngồi nghiên cứu binh thư để chống quân xâm lược. Nhưng khi bắt tay vào việc, tôi nhớ trước khi đem quân đánh giặc Mông Cổ, Đức Trần Hưng Đạo rút gươm chỉ xuống sông Bạch Đằng thề rằng “Phen này không thắng được giặc ta thề sẽ không về đến sông này nữa”; tượng lại đặt ở vị trí sát sông Saigon nên đã gợi hứng cho tôi thay đổi đồ án, và qua lời trình của tôi, Hải Quân Đại Tá Trần Văn Chơn chấp thuận ngay để tôi thực hiện. Bức tượng bằng xi măng cốt thép , cao 6 mét đứng trên một bục lăng trụ tam giác cao 10 mét nên rất bề thế, uy nghi.

Viễn Đông: Với một bức tượng cao, to như thế, thời gian thực hiện bao lâu, thưa ông?

ĐKG Phạm Thông: Theo dự trù, đồ án sẽ phải hoàn thành trong thời gian 7, 8 tháng nhưng vì nhiều lý do, trong đó có lý do “ham chơi”, vì lúc đó tôi còn rất trẻ, do đó thời gian kéo dài 1 năm. Tôi còn nhớ mãi, hôm động thổ, ông Tư Lệnh Hải Quân cho tất cả các tàu Hải Quân đang đậu tại Bến Bạch Đằng phải treo cờ Đức Trần Hưng Đạo. Còn hôm khánh thành ấn định là 8 giờ sáng mà 5 giờ tôi còn phải leo lên đục đẽo sửa chữa những chỗ mình chưa ưng ý.

Viễn Đông: Được biết, ở Vũng Tàu cũng như ở Qui Nhơn đều có tượng đài Đức Trần Hưng Đạo, phải chăng cũng do ông thực hiện?

ĐKG Phạm Thông: Hai nơi anh vừa đề cập là do binh chủng Hải Quân làm không phải do tôi, nhưng cả hai tượng đó đều dùng mẫu tượng của tôi.

Viễn Đông: Ngoài tác phẩm trên, ông còn thực hiện những tác phẩm nào khác?

ĐKG Phạm Thông: Tôi có làm bức tượng vua Quang Trung đặt tại Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, anh em chiến sĩ từng học quân sự ở đây đều biết. Khi qua Hoa Kỳ vào năm 1975 và định cư tại Kansas, Missouri tôi cũng mở một phòng tranh thường trực. Sau đó, gia đình tôi di chuyển về Houston, Texas tôi cũng mở một Studio ở Town Country Mall khu Memorial và tôi đã tạc nhiều pho tượng cho các nhà thờ cũng như pho tượng Chiến Sĩ Việt Mỹ đặt ở khu Universal Shopping Center trên đường Bellaire, giống như khu Bolsa của Little Saigon ở nam Cali, khánh thành vào năm 2005. Tôi cũng muốn kể cho anh nghe câu chuyện hơi ly kỳ. Số là khi thực hiện tượng Đức Trần Hưng Đạo vào năm 1967 có 13 đồ án dự thi, tôi được chấm nhất thì khi cộng đồng người Việt tại Houston tổ chức cuộc thi để chọn mẫu tượng Chiến Sĩ Việt Mỹ cũng có 13 đồ án dự thi, và tôi cũng được chọn.

Viễn Đông: Nghe nói bức tượng Chiến Sĩ Việt Mỹ tại Houston rất linh thiêng, ông có thể xác nhận điều đó?

ĐKG Phạm Thông: Câu chuyện kể ra dài dòng lắm, nhất là chuyện tìm địa điểm đặt tượng nên tôi chỉ đơn cử một chuyện thôi. Đó là vào khoảng 5 giờ sáng của ngày hoàn tất bức tượng, con chó nhà tôi chạy ra sân đứng trước bức tượng sủa dữ dội như đang có người vào nhà. Tôi mở cửa ra xem không thấy ai cả, tự nhiên tôi rùng mình, nên khấn rằng: “Tuy là lính chưa ra trận nhưng tôi cũng muốn đóng góp chút xương máu của mình để vinh danh những chiến sĩ đã hy sinh, vì vậy xin các anh linh tử sĩ phù hộ cho tôi thực hiện đồ án này thật tốt đẹp.” Vừa dứt lời khấn, con chó im bặt không sủa nữa. Rồi khi đem bức tượng đặt lên bệ, vì sơ suất khi đang cắt một đoạn sắt dư thì lơ đễnh để tự cắt đứt mất đốt ngón tay đeo nhẫn. Tôi nghiệm lại lời khấn của mình “... “muốn đóng góp chút xương máu”, nên mới xẩy ra sự việc như vậy. Và pho tượng rất “có hồn”. Khi làm lễ khánh thành nhiều người cảm động chảy nước mắt.

Viễn Đông: Nguyên do nào Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài tại Nam Cali tìm biết ông để mời cộng tác?

ĐKG Phạm Thông: Anh Quốc Nam (Chủ Tịch Cơ Sở Văn Hóa Đông Phương hiện nay, ĐKG Phạm Thông là Chủ Tịch tổ chức này đầu tiên từ năm 1976). Anh Quốc Nam quen biết ông Phan Kỳ Nhơn, và ông Phan Kỳ Nhơn đã nhờ anh Quốc Nam chuyển lời mời tôi qua Nam Cali.

Viễn Đông: Với bức tượng Đức Trần Hưng Đạo tại Nam Cali mà ông sẽ thực hiện, ông sẽ dùng mẫu tượng như Tượng Đức Trần Hưng Đạo ở Bến Bạch Đằng hay có thay đổi mẫu mã khác?

ĐKG Phạm Thông: Tùy theo Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài, nhưng các vị đã cho tôi biết, muốn tôi thực hiện pho tượng như tượng Đức Trần Hưng Đạo tại Bến Bạch Đằng, thứ nhất, vì lịch sử đã chứng minh, từ hàng ngàn năm trước, người Tàu luôn luôn muốn xâm chiếm và đồng hóa dân tộc mình nhưng đều thất bại. Đức Trần Hưng Đạo đã chiến thắng quân Mông Cổ thì chắc chắn Ngài cũng sẽ giúp dân tộc mình thoát khỏi vòng nô lệ ngoại bang. Thứ hai, mọi người dân Việt hiện nay đều coi bức tượng Đức Trần Hưng Đạo là hình tượng tiêu biểu cho vị anh hùng có công đánh tan quân Mông Cổ, vốn được coi là đội quân bách chiến bách thắng.

Viễn Đông, xin cám ơn ĐKG Phạm Thông đã dành cho Viễn Đông cuộc phỏng vấn này.

ĐKG Phạm Thông: Cám ơn quý báo, tôi vẫn đọc báo Viễn Đông hàng ngày trên internet.


Viễn Đông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad