Giải thích của Thứ trưởng Bộ Công an được đưa ra trong buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng vào chiều 22/3, theo tường thuật của VnEpress.
Văn bản hướng dẫn thi hành Luật An ninh mạng là một trong ba văn bản mà Bộ Công an được phân công chủ trì xây dựng và phải trình chính phủ trước ngày 1/10/2018. Tuy nhiên theo ông Vương, quá trình triển khai xây dựng văn bản này đã phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc vì đây là lĩnh vực mới liên quan đến nhiều bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân… nên phải xin ý kiến nhiều lần và với “nhiều địa chỉ”.
“Hướng dẫn Luật có vấn đề liên quan đến chức năng các Bộ liên quan như Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin Truyền thông… nên trong quá trình soạn thảo gặp khó khăn về thống nhất quan điểm, dẫn đến chậm trễ”, VnExpress dẫn lời Thượng tướng Vương nói.
Luật An ninh mạng được Quốc hội Việt Nam thông qua vào ngày 12/6/2018 với gần 87% số phiếu ủng hộ và bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm nay.
Tuy nhiên, đạo Luật gây tranh cãi này đã vấp phải nhiều chỉ trích và phản đối dữ dội từ phía công chúng và các chính phủ, tổ chức quốc tế về một số điều khoản bị cho là “vi phạm quyền riêng tư” của người sử dụng mạng.
Cùng với những vấn đề về nhân quyền, Luật An ninh mạng hiện đang là một trong những trở ngại cho mối quan hệ của Việt Nam với quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế.
Trong các cuộc đàm phán thương mại quốc tế hay các phiên điều trần tại Liên Hiệp Quốc, chính phủ Việt Nam không ít lần bị truy vấn về khả năng sẽ sử dụng Luật này để kiểm soát thông tin và đàn áp những người bất đồng chính kiến. Tuy nhiên, phía Việt Nam luôn khẳng định Luật là để bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng và không kiểm soát hay làm lộ thông tin của người sử dụng.
VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét