Bệnh sán và bệnh gạo. Bệnh nhân vẻ mặt hoảng sợ đến gặp bác sĩ, tay cầm theo bịch nylon nhỏ đựng cái gì đó trăng trắng, ngo ngoe.
“Thưa bác sĩ, em sợ muốn chết. Em đang ngủ trên giường thấy nhột nhột hậu môn, giở mền ra thì thấy con này. Nó như miếng xơ mít, không đầu không đuôi, ngo ngoe. Ghê quá!”.
Sán xơ mít có 2 loại là sán dải bò và sán dải heo.
Bác sĩ hỏi thêm: “Mấy tuần trước đây có ăn thịt sống, thịt tái không?”.
“Dạ có, nhà em hay ăn nem chua, thịt tái”.
“Rồi rồi đó. Đồ ăn này làm từ heo gạo, tức là heo chứa nang ấu trùng. Nang vô ruột người thì được lột vỏ thành con sán. Trong bụng của em hiện giờ đang có một con sán, có khi dài cả chục mét. Đầu nó cắm vô ruột để hút máu. Cổ nó sinh đốt sán. Còn đuôi nó dài ngoằng gồm nhiều đốt như xe lửa. Đốt cuối chứa đầy trứng chín rớt ra ngoài theo hậu môn. Trứng này lây cho heo, bò, người ta. Đây là đơn thuốc, điều trị không quá khó, đừng lo. Khi ngồi bô nước ấm sẽ bắt được nguyên con”.
Đó là câu chuyện về sán xơ mít. Người ta ăn phải kén sán thì sẽ bị dính một con sán trong ruột. Nếu kén sán này bị nấu chín rồi thì thôi, nó không thể nở thành con sán được.
Đó mới chỉ là nửa chu trình từ cái kén thành con sán. Còn nửa chu trình khác ghê hơn, đó là chu trình từ trứng thành kén.
Như câu chuyện ở trên, đốt sán rớt ra ngoài phóng thích hàng ngàn cái trứng ra môi trường. Phân người chứa trứng sán được đem đi bón rau. Ăn rau không rửa sạch (làm sao mà sạch được?) thì trứng sán sẽ vô bao tử, vô ruột thành ấu trùng, xuyên ruột vô gan và hòa vào dòng máu chu du khắp cơ thể. Những ấu trùng bé con đó tìm được nơi trú ngụ thích hợp sẽ bị vôi hóa thành cái kén gọi là “gạo”.
Hàng ngàn cái trứng vào ruột sẽ sinh hàng ngàn cái kén chi chít khắp cơ thể gọi là bệnh gạo. Cả heo, bò và người đều bị gạo như nhau. Chụp phim X quang lên sẽ thấy “gạo” chi chít, rải rác khắp cơ thể từ đầu tới chân, lẫn trong cơ, da, não, mắt... Những hột gạo đó nếu trong thịt heo, bị người ta ăn và trở thành con sán như chu trình kể trên. Còn nếu là gạo người thì gây bệnh ở những nơi nó trú ngụ, nguy hiểm nhất là não, mắt.
Con sán trong ruột có thể bị trục xuất nó ra khỏi cơ thể một cách dễ dàng bằng cách uống thuốc. Còn đám gạo này thì vô phương.
Do vậy, ăn heo gạo còn ít nguy hiểm hơn ăn rau sống. Ăn heo gạo thì bị mắc bệnh sán, uống thuốc được. Ăn rau sống, uống nước bẩn chứa trứng sán thì bị bệnh gạo, đành bó tay.
Nhưng mà người ta nhìn miếng thịt có gạo thì “ấn tượng” hơn là nhìn bó rau chứa trứng sán.
Xét nghiệm gì?
Xét nghiệm phân tìm trứng sán và đốt sán để xác định nhiễm sán và điều trị gấp. Đây là xét nghiệm bắt tại trận, có giá trị tìm thủ phạm đang ẩn nấp trong ruột, ngày đêm rút rỉa dinh dưỡng.
Xét nghiệm huyết thanh tìm kháng thể chống ấu trùng thì để tham khảo chơi cho vui chứ chẳng nói lên được điều gì. Khi xét nghiệm huyết thanh thì không xác định được bị nhiễm từ hồi nào hay ấu trùng đó còn sống hay không.
Trong vụ thịt heo có gạo ở một trường học miền Bắc vừa qua, bố mẹ cho các em bé đi xét nghiệm và bệnh viện đã chỉ định cho xét nghiệm huyết thanh chẩn đoán nhiễm ấu trùng là không đúng hoàn cảnh. Lẽ ra, nếu nghi ngờ các bé ăn thịt có nang sán thì hậu quả sẽ là bệnh sán và xét nghiệm thích hợp phải là xét nghiệm phân tìm trứng hoặc đốt sán.
Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là khi xét nghiệm huyết thanh ELISA thì một số lượng không nhỏ các cháu bé có xét nghiệm huyết thanh dương tính. Điều này nói lên rằng các cháu bé đã ăn phải trứng sán từ trong sinh hoạt ăn uống hàng ngày. Môi trường sống của các bé là một môi trường ô nhiễm, nguồn nhiễm trứng sán có thể hiện diện ở khắp nơi, từ nhà đến trường học, trong rau, nước, phân heo, bò, chó, mèo và quan trọng nhất là phân người thải ra môi trường.
Không có mối quan hệ nào giữa xét nghiệm dương tính và miếng thịt heo bị gạo kia. Bố mẹ hoang mang một đường, thầy thuốc chỉ định xét nghiệm một nẻo sẽ dẫn đến hoang mang thêm và sẽ quy kết nhân-quả sai, tốn kém chi phí xét nghiệm không cần thiết.
Vai trò của truyền thông
Hình ảnh một miếng thịt heo có các nốt trắng nghi là sán kèm theo các thông tin tiêu cực mang tính quy kết đã khiến cho ba mẹ các cháu bé lo lắng, đưa con đi xét nghiệm. Việc xét nghiệm ồ ạt này dẫn đến tiêu tốn tiền bạc, lãng phí thì giờ của cha mẹ, lãng phí nhân sự y tế mà kết quả xét nghiệm thì không đưa ra được nội dung kết luận gì cụ thể. Mặt khác, điều này có thể dẫn đến điều trị sai bởi vì điều trị bệnh sán và bệnh gạo là hoàn toàn khác nhau.
Lẽ ra việc cần xử lý là cơ quan an toàn thực phẩm phải thu thập mẫu thịt heo, mẫu thức ăn để kiểm tra mầm bệnh, xác định xem có hay không việc cung cấp thức ăn ô nhiễm và nếu có thì ô nhiễm gì, như thế nào để có cơ sở ngăn chặn. Chỉ bằng việc “hê” lên của phụ huynh thì không chắc thông tin có chính xác. Ngoài vấn đề về sức khỏe, xã hội còn bị dẫn dắt sai về an toàn thực phẩm, có thành kiến với thịt heo, cộng dồn thêm các tin xấu về dịch tả heo châu Phi làm nguy hại đến ngành chăn nuôi.
Sở y tế các tỉnh đều có cơ quan thông tin truyền thông và giáo dục sức khỏe, trong những sự kiện ồn ào mang tính sức khỏe cộng đồng này, các cơ quan này cần phải lên tiếng đúng lúc, đúng mực để tránh gây hoang mang cho dân chúng, ngăn chặn sự trục lợi của một số thành phần cơ hội, gây lãng phí tiền của, quy kết sai và xử lý sai.
Bs. Phan Xuân Trung (*)
KTSG Online
(*) Trung tâm Y khoa MEDIC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét