Theo ông Nghiêm Giới Hòa, với những tuyến đường huyết mạch, quan trọng, chính quyền không đầu tư theo hình thức thu hút vốn tư nhân nhỏ lẻ mà tự đầu tư toàn bộ. Khoản lợi nhuận thu được sau khi dự án đi vào khai thác sẽ bù đắp cho các dự án tuyến đường nhỏ (tuyến địa phương, không hiệu quả về kinh tế, chủ yếu phục vụ dân sinh) kết nối vào cao tốc.
Do đó, ông Hòa gợi ý với Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông của Việt Nam có thể đầu tư theo hai hình thức EPC hoặc BTO.
Với hợp đồng tổng thầu EPC (thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng), chỉ do một chủ thể thực hiện và chính quyền giám sát.
Với hợp đồng BTO (xây dựng - chuyển giao - kinh doanh), sẽ gắn trách nhiệm của chủ thể đầu tư trong xây dựng và duy tu; doanh nghiệp muốn không tốn chi phí cho duy tu sau này, có lợi nhuận tốt thì phải đảm bảo chất lượng công trình ngay từ khi thi công.
“Đây là mô hình được đánh giá cao và được áp dụng rất thành công tại Trung Quốc, có thể là mô hình hoàn thiện của hình thức đầu tư đối tác công - tư (PPP)”, ông Hòa nói.
Chủ tịch Tập đoàn trên cho rằng mô hình đầu tư PPP lý tưởng là doanh nghiệp tư nhân đầu tư toàn bộ (EPC), sau này chính quyền sẽ mua lại toàn bộ hoặc mua dần từng phần dự án.
“Hình thức đầu tư EPC các dự án hạ tầng mà Tập đoàn tham gia là đầu tư và tự thực hiện toàn bộ, từ thiết kế, thi công, nhân công, vật liệu… Không chia nhỏ dự án, bán thầu để đảm bảo chất lượng, tiến độ dự án”, ông Hòa cho hay.
Do đó, Chủ tịch Tập đoàn Thái Bình Dương muốn tham gia đầu tư lĩnh vực hạ tầng giao thông tại Việt Nam theo hình thức PPP, trong đó có dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Ông Nghiêm Giới Hòa cũng hy vọng dự án đầu tiên mà Tập đoàn Thái Bình Dương đầu tư tại Việt Nam là dự án hạ tầng giao thông.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Công hoan nghênh sự quan tâm của Tập đoàn Thái Bình Dương đến lĩnh vực hạ tầng giao thông của Việt Nam.
Theo ông Công, chủ trương đầu tư các đoạn tuyến Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông với hình thức nào đã được Quốc hội Việt Nam thông qua và sẽ đấu thầu rộng rãi, minh bạch, không chỉ định thầu.
Về các đề xuất hình thức đầu tư của Tập đoàn, Thứ trưởng cho rằng cần thời gian thảo luận và nghiên cứu thêm.
“Hiện nay hình thức đầu tư PPP còn rất mới mẻ với Việt Nam, phải vừa làm, vừa tìm hiểu, điều chỉnh. Bộ GTVT sẽ nghiên cứu kĩ những đề xuất này, xem xét có thể đưa vào nội dung xây dựng, điều chỉnh các văn bản, quy định pháp luật về lĩnh vực PPP để có cơ sở pháp luật khi triển khai thực hiện. Chúng tôi rất mong Tập đoàn Thái Bình Dương với năng lực và kinh nghiệm của mình sẽ tham gia đấu thầu một số dự án thành phần của đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông”, ông Công nói.
Hai bên thống nhất tăng cường trao đổi, tìm kiếm cơ hội để hiện thực hóa hợp tác bằng các dự án cụ thể.
Tuy nhiên, trước thực tế đầu tư một số dự án giao thông vừa qua, việc cần tìm hiểu kỹ các điều khoản của đối tác, đặc biệt về kỹ thuật và vốn, vẫn là vấn đề cần xem xét kỹ
Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông thực hiện trong giai đoạn 2017-2020, được chia thành 11 dự án thành phần, trong đó có 3 đoạn đầu tư bằng ngân sách nhà nước, 8 đoạn còn lại sẽ được kêu gọi đầu tư vốn tư nhân theo hình thức PPP.
Với 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP, Bộ GTVT đã phát hành hồ sơ mời thầu 21 gói thầu/8 dự án. Về cơ bản, các gói thầu/dự án đã được đánh giá xong đề xuất kỹ thuật, dự kiến hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu trong Quý I/2019.
Toàn tuyến cao tốc có tổng chiều dài 654km, tổng mức đầu tư khoảng 118.716 tỷ đồng, đi qua địa phận 13 tỉnh, gồm: Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang và Vĩnh Long.
Tiền Phong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét