Những cái chết oan ức - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Ba, 19 tháng 3, 2019

Những cái chết oan ức


Một trong bốn nghi can bị bắt trong vụ giết người hàng loạt tại Tân Tây Lan (New Zealand) vào thứ Sáu vừa qua là một người Úc tên Brenton Tarrant, mà Thủ tướng Úc Scott Morrison nhận diện là thành phần “khủng bố cực hữu”. Cuộc bắn giết mà được gọi là khủng bố này làm cho cả nước Tân Tây Lan, nước Úc và toàn thế giới bàng hoàng, bởi nhiều lẽ.

Thắp nến tưởng niệm nạn nhân vụ thảm sát ở New Zealand.

Một, Tân Tây Lan là một nước hiền hòa, bạo lực không phải là không có nhưng rất hiếm. Hiền hòa đến độ cảnh sát Tân Tây Lan có khi không cần đeo súng trong lúc thi hành công vụ. Bởi nó không cần thiết.

Hai, trong lịch sử cận đại của Tân Tây Lan chưa có cuộc tàn sát nào gây thương vong ở tầm mức này. Cho đến nay có 50 người chết, khoảng 40 người bị thương, được chính thủ phạm quay trực tuyến sống (live online), để rồi nữ Thủ tướng Jacinta Ardern phải xác nhận rằng đây là hành động bạo lực bất thường chưa từng xảy ra, và đó là một trong những ngày đen tối nhất trong lịch sử Tân Tây Lan.
Ba, kể từ vụ khủng bố tại New York vào ngày 11 tháng 9 năm 2001 đến nay, đại đa số các cuộc khủng bố đều do các nhóm Hồi giáo cực đoan thực hiện đối với các nền dân chủ Tây phương. Xu hướng thượng đẳng da trắng (white supremacy) đã gia tăng khắp nơi trong thời gian qua, một phản ứng đối với xu hướng Hồi giáo cực đoan, nhưng các cơ quan tình báo nội địa của Tân Tây Lan lẫn Úc không ngờ bị bỏ sau vài bước.

Và chắc chắn đây không phải là lần khủng bố sau cùng bởi người da trắng đối với người Hồi giáo, bởi xu hướng thượng đẳng da trắng ngày càng gia tăng.

Tại sao người ta trở nên cực đoan?

Thoạt nhìn vào những kẻ khủng bố tàn sát bao nhiêu người vô tội một cách dã man như thế, chúng ta dễ dàng đi đến kết luận rằng họ là những người tà ác, là kẻ ác quỷ (evil). Những người theo một tôn giáo nào đó lại dễ tin vào cách kết luận như thế, bởi nhiều tôn giáo quan niệm địa ngục dành cho ác quỷ. Nhưng cách hành xử của con người nói chung là khá phức tạp, và mỗi đối tượng bị cực đoan hóa cũng khác nhau.

Tức giận, hận thù hay niềm tin cực đoan đến độ mất hẳn lý trí, lương tri, không còn một chút lòng thương hại nào, để rồi quyết định tấn công người mà họ coi là kẻ thù phải tiêu diệt, rồi nả súng, đâm chém một cách không thương tiếc, là các dấu hiệu của thành phần bị cực đoan hóa. Nhưng thật ra nó chỉ là triệu chứng chứ không phải là nguyên nhân sâu sa.

Theo cơ quan điều tra FBI của Hoa Kỳ thì không có một lý do riêng lẻ nào giải thích được vì sao người ta trở thành cực đoan bạo lực, nhưng nó thường xảy ra trong tình huống mà người đó đang có khoảng trống nhu cầu cá nhân sâu sắc mà cần được khỏa lắp.

FBI liệt kê bảy loại nhu cầu cá nhân: 1) quyền lực; 2) thành đạt; 3) kết nối; 4) quan trọng; 5) mục đích sống; 6) đạo đức; 7) phấn khích. Có người muốn quyền lực, có người muốn cảm thấy mình quan trọng, có người lầm tưởng rằng hy sinh vì thánh chiến là tiếng gọi thiêng liêng và được lên thiên đàng, và cũng có người muốn tham gia vì các hoạt động này kích thích và phấn khởi v.v…

Những kẻ chủ mưu khủng bố, trong đó có các nhà nước khủng bố, hiểu điều này và khai thác tận tình những người ở trong tình trạng tâm lý bất an, dễ bị tổn thương, dễ bị lây động. Họ là những người cảm thấy cô đơn, mất ý nghĩa và mục đích cuộc sống, hay đã từng trải qua cuộc sống đầy căng thẳng, bất mãn với chính quyền sở tại, thù ghét một số hạng người nào đó, không cảm thấy mình có giá trị hay được xã hội quý trọng, hay nghĩ rằng cơ hội thành công của họ là rất giới hạn v.v... Vì sợ, vì bực bội, bị cô đơn, lo lắng, hay trải qua kinh nghiệm khó khăn đau đớn trong cuộc sống, nhưng không được hướng dẫn giúp đỡ, họ càng dễ bị cám dỗ. Các nhà khoa học tâm lý cũng nghiên cứu sâu sắc về địa hạt này, và cũng đưa ra các kết luận tương tự như cơ quan FBI. Họ cho rằng những trải nghiệm cô đơn, đau đớn dễ làm cho người ta trở nên chấp nhận và ủng hộ các quan điểm cực đoan. Thiển cận cũng là một yếu tố đáng kể. Có những người tưởng mình biết nhiều biết đủ, nhưng thật ra kiến thức rất giới hạn; họ chọn các lập trường cực đoan, không khoan dung hay nhượng bộ.

Tất cả các mẫu người trên dễ bị cám dỗ để rồi trở thành con rối, bị các thế lực khác điều khiển, thay vì ý thức và tự chủ lấy các quyết định đúng đắn của mình. Họ bị tuyên truyền để tin rằng họ đang làm một việc có ý nghĩa, đạo đức, và sự đóng góp và sự hy sinh của họ là cao cả.

Sự kiện khủng bố tại Tân Tây Lan cho thấy rằng không chỉ những người theo đạo Hồi là nạn nhân của mục tiêu cực đoan hóa, mà người da trắng Tây phương hay bất cứ ai cũng có thể trở thành đối tượng của chủ nghĩa cực đoan. ISIS đã bị đánh bại, nhưng Taliban vẫn còn đó; chủ nghĩa cực đoan về tôn giáo (những kẻ sẵn sàng xả thân vì thánh chiến) hay chính trị không biến mất mà chỉ biến dạng. Chủ nghĩa bộ lạc và chính trị bản sắc (tribalism and identity politics) có xu hướng gia tăng. Hận thù và bạo lực sẽ nuôi dưỡng bạo lực và hận thù, một vòng luẩn quẩn trông như không có lối thoát.

Có thể làm gì với xu hướng cực đoan?

Điều quan trọng mà mọi người cần hiểu là rằng tựu chung ai cũng có nhu cầu để được hạnh phúc, sung sướng. Nhưng mỗi người phải tự đi tìm con đường để thực hiện ước vọng này, bởi không ai làm được việc này thay thế mình. Và mỗi thế hệ cũng phải tự làm lấy. Vật chất, dù sung túc, chỉ là một phần trong nhu cầu đời sống phức tạp của con người.

Có người đi tìm mục đích cá nhân bằng con đường chính đáng. Nó phải đáp ứng các giá trị và nguyên tắc sống của họ. Nhưng cũng có người muốn đi con đường tắc, dễ dàng bị lôi kéo, cám dỗ. Điều chắc chắn là không một ai sinh ra tự nhiên là kẻ giết người cả. Hoàn cảnh cá nhân và xã hội đưa đẩy họ đến con đường như thế.

Trong sự kiện khủng bố tại Tân Tây Lan hôm qua, nữ Thủ tướng Jacinta Ardern đã chứng tỏ là một lãnh đạo vừa có viễn kiến, chủ động nắm bắt mọi diễn biến, điều động một cách khôn khéo, và trên hết là người có sự cảm thông sâu xa.

Một, bà Ardern đã họp báo sớm nhất có thể sau khi sự kiện xảy ra để trình bày các thông tin cần thiết, vừa đủ. Đây là điều cần thiết để người lãnh đạo quốc gia, qua truyền thông, trình bày cho người dân hiểu rõ vấn đề, để họ không bị giao động, lo lắng hay cảm thấy bất an. Bà lên án hành động và kẻ khủng bố nhắm vào người di dân đến Tân Tây Lan, trong đó có thể là người tị nạn, mà bà xem tất cả đều là người Tân Tây Lan, là “chúng ta”. Bà cũng liên tục cập nhật thông tin khi có thể, đưa đề nghị để mọi người nên đề phòng đóng cửa/ngưng mọi hoạt động (lockdown) cho đến khi tình huống sáng sủa hơn.

Hai, bà liền bay đến hiện trường, quan sát, rồi đến thăm cộng đồng Hồi giáo, an ủi vỗ về và chia sẻ nỗi đau thương mất mát to lớn của họ. Bà tế nhị bày tỏ sự tương kính dành cho họ bằng cách mang khăn choàng lên đầu như kiểu cách phụ nữ Hồi giáo. Khi được hỏi bà cảm thấy như thế nào khi đứng trong tòa nhà của kẻ sát thủ người Úc, bà Ardern nói ngay lập tức: “Tôi cũng đang ở trong cùng tòa nhà của những người đưa hắn ta ra công lý”. Bà quan tâm, biết rõ mình cần nói gì trong tình huống khó khăn, và điều này xoa dịu phần nào nỗi đau của những người mất mát qua sự kiện này. Khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump gọi hỏi Hoa Kỳ có thể làm gì để giúp, bà Ardern trả lời: “Cảm thông và yêu thương dành cho tất cả cộng đồng Hồi giáo”.

Ba, bà Ardern hiểu rằng giải pháp liên can đến khủng bố phải là một loạt các biện pháp cải tổ luật về kiểm soát súng, kiểm soát biên giới, tăng cường chia sẻ thông tin với Úc, và củng cố các biện pháp và tiến trình theo dõi tội phạm. Do đó bà Ardern liền chỉ đạo cho ủy ban điều hợp an ninh quốc nội phải trình bày bản báo cáo về sự vụ này cho nội các của bà vào thứ Hai tới đây để lấy các quyết định nhanh chóng và cần thiết.

Kiểm soát súng có phải là giải pháp?

Các cơ quan công quyền Tân Tây Lan lẫn Úc cho đến nay vẫn chưa rõ là làm thế nào một kẻ như Brenton Tarrant có thể hành động kinh hoàng như thế, làm thế nào hắn ta có đến năm súng, hai bán tự động, hai súng ngắn và một súng tự động (tiểu liên) dùng để giết các nạn nhân này, nhưng Tarrant không nằm trong danh sách cần quan tâm theo dõi nào cả?

Đầu năm 2017, khi Bộ trưởng Cảnh sát Paula Bennett bác bỏ 12 trong 20 đề nghị từ ủy ban điều tra về sự tàng trữ vũ khí trái phép, thì vào tháng 10 năm 2017, Chủ tịch của Hội Cảnh sát Tân Tây Lan Chris Cahill phát biểu rằng đây là cơ hội bị bỏ lỡ, và điều mà có lẽ mang nó trở lại bàn họp này, phải chăng, có thể là một thảm nạn. Điều Cahill nói cách đây 17 tháng quả là như tiên tri. Liền sau sự kiện này, bà Ardern khẳng định một trong những điều chắc chắn phải làm là cải tổ luật kiểm soát súng. Cựu nữ Thủ tướng Tân Tây Lan Helen Clark và rất nhiều chuyên gia về an ninh cũng đồng tình với quan điểm này.

Hiện tại, Tân Tây Lan chỉ có 4.6 triệu người, mà đã có đến 1.2 triệu cây súng (nhưng ước tính có lẽ lên đến 1.5 triệu cây súng trên thực tế). Nghĩa là bình quân một trong bốn người có súng.
Trong khi đó, trong dân số 24.6 triệu dân Úc thì chỉ có 3.5 triệu cây súng. Nghĩa là bình quân một trong tám người có súng.

So với Hoa Kỳ thì trong 100 người thì có đến 120 cây súng, tức bình quân một người có hơn một súng.

Khi so sánh thì Tân Tây Lan, một quốc gia hiền hòa, nhưng số lượng súng vẫn quá cao, đứng hàng 18 trên thế giới về tỷ lệ người dân có súng.

Một trong những điều Tân Tây Lan, và khắp nơi trên thế giới, có thể học được từ Úc là luật kiểm soát súng tại đây. Sau khi vụ thảm sát tại Port Arthur, Tasmania vào đầu năm 1996, giết hại 35 người, cựu Thủ tướng John Howard đã rất cương quyết về việc kiểm soát súng, mặc dầu gặp sự phản đối quyết định của các hội bảo vệ quyền sử dụng súng tại đây. Quyết định của nội các Howard vào ngày 6 tháng Năm năm 1996 là cấm mọi loại vũ khí tự động và bán tự động, thiết lập hệ thống đăng ký vũ khí toàn diện trên toàn quốc, dành một thời gian ân xá trong đó vũ khí bị cấm và không đăng ký có thể được giao trả cho công quyền; và việc tạo ra một quỹ bồi thường thông qua thuế thu nhập để mua vũ khí bị cấm từ những người sở hữu. Lịch sử đứng về phía ông Howard về vấn đề này. Trong 25 năm, tỷ lệ giết người giảm 22 phần trăm, từ 307 năm 1989-90 xuống còn 238 năm 2013-14, tức một trên 100 ngàn người. So với Hoa Kỳ thì tỷ lệ là 10.6 trên 100 ngàn người chết vì súng.

Một trong nhiệm vụ quan trọng nhất của lãnh đạo quốc gia là tìm đủ mọi giải pháp khó khăn nhưng cần thiết để tạo dựng môi trường an toàn và bảo vệ an ninh cho người dân từ những kẻ muốn hãm hại họ. Những vụ giết người bằng súng tại Úc tuy thỉnh thoảng vẫn xảy ra, nhưng từ vụ thảm sát tại Port Arhur cách đây gần 23 năm, hầu như Úc không còn xảy ra các vụ bắn súng giết người hàng loạt nữa, và những kẻ khủng bố như Brenton Tarrant cũng không thể hoạt động tại Úc như đã làm tại Tân Tây Lan.

Đối phó với khủng bố, cực đoan hay các chủ mưu cực đoan hóa là cực kỳ nhức nhối và phức tạp, vì giải pháp phải mang tính đa chiều và đa tầng. Bà Ardern và dư luận Tân Tây Lan có vẻ sẵn sàng để thảo luận và quyết định mang lại thay đổi tốt hơn cho quốc gia của mình, về luật kiểm soát súng và các biện pháp cần thiết khác. Chính quyền Morrison của Úc cũng họp cấp tốc với giới tình báo nội địa hôm nay để tìm kế hoạch ngăn chặn và kiểm soát tình hình có khả năng leo thang của các xu hướng cực đoan trong thời gian tới.

Khi sự tức giận, hận thù và chia rẽ gia tăng mà người ta lại có phương tiện như vũ khí, súng đạn trong tay, để thỏa mãn nhu cầu cá nhân trong những lúc bồng bột dại dột, thì hệ quả là khốc liệt. Nếu phương tiện vũ khí bị tước đi, hay giảm thiểu, thì ý đồ hãm hại người khác, nếu có, cũng khó hoàn thành được mục tiêu.

Điều cần thiết hiện nay là mọi người dân phải đối phó với vấn đề này bằng cái đầu nguội, không phải bằng cảm tính và cảm giác đe dọa. Lãnh đạo quốc gia đóng vai trò quan trọng trong vấn đề này. Họ cần thuyết phục và hướng dẫn công chúng từng bước vượt qua các chướng ngại hiện nay, để sự rạn nứt trong người dân gia giảm, để giảm thiểu những nguy cơ bùng nổ lớn hơn cũng như những cái chết oan ức mà có thể tránh được.



(Úc Châu, 18/03/2019)

Phạm Phú Khải
Blog VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad