Sợ nhiễm sán heo: nên sợ rau bẩn, nước bẩn - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2019

Sợ nhiễm sán heo: nên sợ rau bẩn, nước bẩn


Nhiều người tại TPHCM cũng tất bật đi xét nghiệm máu tìm sán heo sau vụ 200 học sinh trường mầm non ở tỉnh Bắc Ninh. Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Hùng Vân cảnh báo việc làm xét nghiệm máu này chỉ làm tốn tiền vô ích và gây ra sự xáo trộn không đáng có. Không phải cứ ăn phải thịt heo gạo là nhiễm sán heo.


Theo Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Hùng Vân, cựu giảng viên bộ môn Vi sinh trường Đại học Y Dược TPHCM, đã có một sự giải thích không rõ ràng của những nhà chuyên môn qua các bài viết có liên quan đến vụ nhiễm sán heo ở Bắc Ninh được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, làm mọi người hoang mang càng hoang mang hơn. Ngoài ra, các bác sĩ cũng không giải thích cho người khám mà chiều theo họ, cho chỉ định xét nghiệm máu tìm sán heo một cách vô ích.

Đường đi của sán heo

Bác sĩ Hùng Vân giải thích: sán heo – còn được gọi là sán dãi lợn, sán dãi heo, có tên khoa học là Taenia solium – là con sán hình dẹp, phần đầu có các miệng xúc tu để bám vào thành ruột và thân là các đốt sán liên tục dính vào nhau thành một dây.

Người ăn phải thịt heo gạo có nguy cơ bị nhiễm sán heo nếu món ăn có thịt heo đó không được nấu chín, như nem chua, giò. Gạo heo thực chất là các nang nước hình hạt gạo chứa một đầu sán heo, khi vào ruột non của người sẽ phát triển thành con sán có một đầu bám chặt vào ruột và liên tục lớn và dài ra bằng các tạo thành các đốt sán liên tiếp nhau. Mỗi đốt sán chứa đầy các trứng được thải ra môi trường bằng đường phân hay đôi khi tự chui ra khỏi hậu môn. Chính vì vậy, việc chẩn đoán người bị nhiễm sán heo sẽ phải dựa vào việc tìm thấy các đốt sán trong phân hay các đốt sán tự chui ra khỏi hậu môn của người (không phải dựa vào xét nghiệm máu như nhiều người đã và đang làm – PV).

Heo bị nhiễm sán heo do chúng ăn phải các đốt sán heo hay trứng của sán heo mà con người thải ra môi trường qua đường phân. Các đốt sán heo chứa đầy trứng sau khi bị thải ra môi trường sẽ bị phân hủy thải và thải ra các trứng sán heo. Trứng sán heo sau khi được heo ăn vào sẽ phóng thích ra các ấu trùng và các ấu trùng này chui qua khỏi thành ruột để vào máu và lưu thông đến các cơ quan rồi bị đọng lại tại đây phát triển thành các nang sán heo. Heo được chẩn đoán là bị nhiễm sán heo khi người ta tìm thấy nang sán heo – các hạt gạo chứa đầu sán – trong thịt heo, gọi là thịt heo gạo.

Không phải thịt heo gạo, rau nhiễm trứng sán heo mới đáng sợ

Qua chu trình phát triển của sán heo chúng ta thấy ở heo, chu trình sống của sán heo ít khi làm cho heo có được sán heo trưởng thành trong ruột, ngoại trừ một khi heo ăn phải thịt heo gạo. Trong khi đó ở con người thì chu trình phát triển của sán heo lại giúp sán heo trở thành con trưởng thành bám vào ruột non để liên tục thải các đốt sán heo vào phân rồi thải ra môi trường. Tuy nhiên ở người, nếu ăn phải rau cải tưới phân người bị nhiễm các trứng sán heo (do các đốt sán heo phân hủy thải ra) thì các trứng này khi vào ruột người sẽ phóng thích ra các ấu trùng để chui qua ruột người vào máu rồi hình thành các nang sán heo tại các cơ quan, thường nhất là ở các cơ dưới da, mắt và não. Ngoài ra cũng có trường hợp đốt sán heo bò ngược lên bao tử rồi bị dịch vị bao tử phân hủy thải ra các trứng sán heo xuống lại ruột non nở thành các ấu trùng chui qua thành ruột vào máu đến các cơ quan tạo thành nang sán heo. Nhưng các trường hợp như thế này cực kỳ hiếm xảy ra.

Tóm lại, việc chẩn đoán người bị nhiễm sán heo phần lớn là thông qua việc phát hiện được các đốt sán tự chui ra khỏi hậu môn hay được thải ra phân chứ không phải qua xét nghiệm máu tìm kháng thể. Lý do: Trong chu kỳ sống bình thường của sán heo ở người, không có ấu trùng sán heo chui qua ruột để vào máu hình thành nang sán heo. Chỉ trong các trường hợp người mang các nang sán heo thì mới có sự hình thành các kháng thể đặc hiệu sán heo. Mà như đã nói ở trên các trường hợp nhiễm sán heo theo kiểu này lại không phải do ăn thịt heo gạo mà do ăn phải trứng sán heo có trong rau hay nước bị nhiễm trứng sán heo được phóng thích từ các đốt sán heo có ở môi trường.

Không nên quá hoang mang

Bác sĩ Phạm Hùng Vân khẳng định việc nhiễm sán heo không phải do ăn thịt heo gạo nếu thịt này được nấu chín. Điều mà người dân cần cảnh giác là nguồn chứa trứng sán – tạo ra các nang sán ở người (dưới da, cơ, mắt, não) – chính là ở các loại ăn thức ăn (rau cải) hay nước nhiễm trứng sán heo.

Cũng theo bác sĩ Hùng Vân, việc xét nghiệm máu không có ý nghĩa để sàng lọc nhiễm sán heo mà chỉ cần khi lâm sàng có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm sán heo tạo ra các nang sán thấy được qua khám lâm sàng, siêu âm hay eosinophil (bạch cầu ái toan) máu cao. Lý do: việc nhiễm sán heo ở ruột thì không có kháng thể đặc hiệu trong máu, chỉ khi nào có ấu trùng chui vào máu tạo các nang sán thì kháng thể mới xuất hiện.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Đỗ Ngọc Linh, Trưởng phòng Đào tạo của Trường Đại học Y Phan Châu Trinh, Đà Nẵng, bản báo cáo của Bộ Y tế cho thấy đã có 20 tỉnh thành ghi nhận về bệnh nhân nhiễm sán heo. Tuy nhiên, người dân cần được tư vấn và giáo dục đầy đủ về bệnh này, tránh tình trạng hoang mang trong cộng đồng.

Để phòng tránh bị nhiễm sán heo, người dân nên mua thịt heo ở nơi có ghi rõ nguồn gốc xuất xứ và có chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Người dân kiểm tra để phát hiện thịt heo gạo dựa vào các nang gạo trên miếng thịt sống. Người chế biến thức ăn nên rửa sạch và nấu thịt chín kỹ để tiêu diệt nang sáng heo (nếu có) và đừng quên rửa sạch tay trước khi chuẩn bị thức ăn cho gia đình, hoặc cho thực khách. Với các chủ trại chăn nuôi heo, không nên tiêm các chất chống ký sinh trùng cho heo vì có thể làm giảm ký sinh trùng nhưng không bảo đảm an toàn cho thịt heo thành phẩm. Các cơ quan quản lý dịch bệnh có liên quan nên có biện pháp điều trị trúng đích cho người mang sán heo đồng thời thực hiện các chương trình chống giun sán cộng đồng lớn để điều trị người mang sán heo…

Khi nào cần xét nghiệm ELISA?

Xét nghiệm ELISA không phải là xét nghiệm dùng để chẩn đoán người bị nhiễm sán heo vì bình thường người nhiễm sán heo chỉ có con sán trưởng thành nằm trong ruột chứ không có ấu trùng chui vào máu hay nang sán tại các cơ quan để có cơ hội tiếp xúc với hệ miễn dịch tạo ra kháng thể đặc hiệu sán heo.

Xét nghiệm ELISA tìm sán heo chỉ được cho chỉ định trên những người mà kết quả khám lâm sàng cho thấy có các nang dưới da, trong cơ, hay siêu âm thấy có có các nang nghi là nang sán có trong não, mắt, hay các cơ quan khác.

Thử nghiệm ELISA chẩn đoán nhiễm sán heo nếu sử dụng các kit kém chất lượng không dùng được các kháng nguyên đặc hiệu cao cho sán heo thì sẽ cho ra rất nhiều kết quả dương tính giả.


Hoàng Nhung
SGTTO

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad