Trẻ em nhiễm sán lợn ở Bắc Ninh: An toàn thực phẩm cho học sinh được quan tâm đúng mức? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2019

Trẻ em nhiễm sán lợn ở Bắc Ninh: An toàn thực phẩm cho học sinh được quan tâm đúng mức?


Hàng ngàn phụ huynh ở Bắc Ninh đưa con em đi xét nghiệm sán lợn trong tháng 03/19./Courtesy: Ảnh chụp màn hình congan.com.vn


Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe
Vụ việc trường tiểu học ở Bắc Ninh bị phát hiện chế biến thức ăn từ thực phẩm bẩn, là thịt heo gạo không chỉ khiến phụ huynh hoang mang mà dư luận trong nước tỏ ra bất bình trước các tuyên bố của các cơ quan chức năng. Một lần nữa, công luận nêu vấn đề ai chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm ở học đường?

Bùng phát lo sợ

Những ngày qua, dư luận đặc biệt theo dõi diễn tiến vụ việc Trường Mầm non Thanh Khương, ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, vào ngày 5 tháng 3 bị phụ huynh phát hiện trường dùng thịt lợn gạo để chế biến thức ăn cho trẻ và một số bé có kết quả xét nghiệm dương tính với sán lợn.

Truyền thông trong nước ghi nhận Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Hương Thành là công ty cung cấp thực phẩm cho Trường Mầm non Thanh Khương và cho thêm 19 trường học khác trong huyện Thuận Thành.

Trước thông tin vừa nêu, hàng ngàn phụ huynh ở Bắc Ninh đưa con em đến các cơ sở y tế trong tỉnh và ở Hà Nội để xét nghiệm xem có bị nhiễm sán lợn hay không. Theo báo cáo của Sở Y Tế tỉnh Bắc Ninh, tính đến hết ngày 18 tháng 3, trong số gần 3500 trẻ được khám và xét nghiệm thì đã có hơn 1800 trẻ được nhận kết quả và 225 bé dương tính với sán lợn.

Cô Hương, một phụ huynh ở Đồng Nai có con gửi nhà trẻ chia sẻ với RFA mặc dù vụ việc xảy ra ở Bắc Ninh, nhưng rất nhiều gia đình tại địa phương nơi cô Hương sinh sống lo sợ và đã đến trường hỏi thăm thông tin. Cô Hương cho biết nhà trường trấn an phụ huynh rằng tránh không cho các bé ăn thịt heo trong thời điểm này và:

“Người ta cũng cho mình xuống tham quan xem nhà bếp nấu ăn như thế nào, chế biến ra sao…thấy cũng sạch sẽ. Với lại, Nhà trẻ có nhà thầu chuyên cung cấp về thực phẩm cho các nhà trẻ, cho nên mình cũng yên tâm phần nào nữa.”

Không an toàn đâu. Cũng có trường mua ở siêu thị, nhưng nấu không đầy đủ chất lượng như đăng ký theo quy định và đăng trên bảng thông báo của trường. Có những trường mua hàng chui ở ngoài

-Một bảo mẫu
Tuy nhiên cô Hương và một vài phụ huynh mà Đài RFA tiếp xúc bày tỏ dù yên tâm nhưng vẫn hồi hộp, không biết khi nào con em mình gặp phải thực phẩm bẩn ở trường học vì thông tin nhiễu loạn mấy ngày qua.

Cơ quan chức năng không đồng nhất

Vào ngày 17 tháng 3, truyền thông quốc nội đăng tải ý kiến của giới luật sư lên tiếng rằng cơ quan chức năng cần khởi tố vụ học sinh nhiễm sán lợn ở bắc Ninh khi có đủ căn cứ, nhằm mục đích răn đe, phòng ngừa, ngăn chặn các sai phạm có thể xảy ra thêm.

Một ngày sau đó, truyền thông trong nước cũng cho biết Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công An điều tra làm rõ thực phẩm bị nhiễm ấu trùng sán lợn tại tỉnh Bắc Ninh; đồng thời yêu cầu Bộ Y Tế cử đoàn công tác về Bắc Ninh và các địa phương có phát hiện nhiễm sán lợn để phòng, chống và điều trị bệnh kịp thời cũng như phối hợp với Bộ Giáo Dục trong việc thực hiện đúng các quy định về an toàn thực phẩm, nhất là các cơ sở có bếp ăn cho học sinh và vệ sinh trường học.

Trong cùng ngày 18 tháng 3, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, ông Nguyễn Nhân Chiến đăng đàn phát biểu tình hình trẻ em trong tỉnh bị nhiễm sán lợn “không có gì là bất thường” với dẫn chứng tỉ lệ nhiễm bệnh của trẻ em Bắc Ninh nằm trong khoảng bình quân chung của cộng đồng ở Việt Nam, tức hơn 11%, tương đương 186/1557 kết quả.

Theo số liệu được báo cáo của Cục Y tế Dự phòng, thuộc Bộ Y Tế, hiện Việt Nam có ít nhất 55 tỉnh, thành có trường hợp bệnh sán dây, ấu trùng sán lợn.

Học sinh tiểu học ở trường Phạm Văn Đồng, huyện Tân Phú, Đồng Nai sau khi uống sữa học đường đã phải nhập viện ngày 02/03/18. Courtesy: Ảnh chụp màn hình tuoitre.vn
Vào ngày 21 tháng 3, Bộ Y Tế gửi văn bản đến Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh yêu cầu dừng lấy máu xét nghiệm chẩn đoán sán lợn. Lý do được Bộ Y tế đưa ra vì xét nghiệm dương tính cũng không thể khẳng định là đang mắc bệnh sán lợn, mà đây chỉ là xét nghiệm mang tính chất hỗ trợ và khi nào có dấu hiệu thì mới tiến hành xét nghiệm và xác định rõ được.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm, thuộc Bộ Y Tế, thành viên của đoàn công tác Bộ Y Tế đến làm việc ở huyện Thuận Thành, Bắc Ninh cho rằng nguyên nhân nhiễm sán lợn có nhiều yếu tố, không chỉ thực phẩm ăn uống trực tiếp mà còn có thể nhiễm qua môi trường nước, vệ sinh không sạch sẽ. Ông Phong nhấn mạnh theo kết quả xét nghiệm thì có cả trẻ nhỏ và người người lớn bị dương tính với sán lợn, không chỉ ở tỉnh Bắc Ninh mà ở nhiều địa phương khác. Báo giới dẫn lời của ông Nguyễn Thanh Phong rằng trẻ em bị nhiễm sán ở Bắc Ninh chưa cần phải điều trị.

Giới chuyên gia phản biện

Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật, có con bị ngộ độc sữa trong vụ 73 học sinh ở hai trường tiểu học, tại Đồng Nai phải nhập viện với triệu chứng nghi ngộ độc thực phẩm sau khi uống sữa học đường hồi đầu tháng 3 năm ngoái, nói với RFA rằng ông không đồng tình với cách giải quyết của Bộ Y Tế trong vụ việc trẻ em bị nhiễm sán lợn ở Bắc Ninh. Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật lý giải vụ việc này cũng tương tự như vụ ngộ độc sữa đã xảy ra và ông kêu gọi Bộ Y Tế cần nhìn nhận thực tế rằng sán lợn rất nguy hiểm, không giống như lời tuyên bố của Cục trưởng Y tế Dự phòng. Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật nhấn mạnh:

“Quan trọng nhất là tầm vĩ mô của Bộ Y Tế hay ở cấp Thủ tướng cần khuyến khích người dân làm các việc thiện lành, và cần có một chính sách như là cổng thông tin về y tế sức khỏe học đường để giúp cho người dân cả nước biết hướng đi như thế nào là lành, là thiện. Quan trọng nhất là cần sử dụng các sản phẩm không bị bẩn, không bị hóa chất, và khuyến khích phụ huynh cùng học sinh sử dụng thức ăn địa phương mang tính theo mùa, mùa nào ăn thức ăn đó. Để có cơ sở khoa học chăm sóc sức khỏe thì phải dừng lại chương trình sữa học đường và dừng lại việc đưa thức ăn bẩn vào trong trường và phải có họp báo công khai.”

Bác sĩ-Tiến sĩ Trần Tuấn, vị Bác sĩ từng lên tiếng trong vụ sữa học đường bị nhiễm bẩn hồi năm 2018 và trong vụ trẻ em bị nhiễm sán lợn, qua trang Facebook cá nhân, ông đăng tải thư ngỏ đề nghị Bộ trưởng Bộ Y Tế cùng các cơ quan chức năng của ngành y tế cần khẩn trương xác định rõ trách nhiệm có hay không chuyện cho trẻ ăn thực phẩm bẩn ở trường học, và nếu có thì cho biết mức độ trầm trọng đến đâu, đã kéo dài trong bao lâu, nguồn cung cấp từ đâu, những nguy cơ gây bệnh gì có thể có khi ăn những loại thực phẩm bẩn đó…

Quan trọng nhất là tầm vĩ mô của Bộ Y Tế hay ở cấp Thủ tướng cần khuyến khích người dân làm các việc thiện lành, và cần có một chính sách như là cổng thông tin về y tế sức khỏe học đường để giúp cho người dân cả nước biết hướng đi như thế nào là lành, là thiện. Quan trọng nhất là cần sử dụng các sản phẩm không bị bẩn, không bị hóa chất, và khuyến khích phụ huynh cùng học sinh sử dụng thức ăn địa phương mang tính theo mùa, mùa nào ăn thức ăn đó. Để có cơ sở khoa học chăm sóc sức khỏe thì phải dừng lại chương trình sữa học đường và dừng lại việc đưa thức ăn bẩn vào trong trường và phải có họp báo công khai

-Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật
Với các bài viết thể hiện quan điểm của mình đăng tải trên mạng xã hội Facebook, Bác sĩ-Tiến sĩ Trần Tuấn cho rằng vụ việc phụ huynh phát hiện “thực phẩm bẩn” ở Bắc Ninh trong gần một tháng qua cùng với sự vào cuộc của chính quyền từ trung ương tới địa phương đang rõ dần ra là một “scandal tầm quốc gia”.

Một nhân viên bảo mẫu của một tường mẫu giáo tư thục tại Sài Gòn chia sẻ với RFA rằng bà làm việc qua 4 trường mầm non và mẫu giáo trong nhiều năm và theo ghi nhận của bà thì những cơ quan có trách nhiệm kiểm tra vệ sinh thực phẩm ở các nhà trẻ và mẫu giáo tư thục không làm tốt trách nhiệm của họ:

“Có hai loại trường tư thục. Một loại là trường tư thục lớn giống như trường nhà nước, có nhiều lớp thì có kiểm dịch, kiểm vệ sinh hàng tháng. Còn mấy trường nhỏ ở nhà, thường có từ 3 đến 4 lớp, cũng có hiệu trưởng đăng ký mở trường và đóng thuế, nhưng vấn đề ăn uống đơn giản hơn nhiều và không có người đến kiểm.”

Trả lời câu hỏi của RFA rằng những trường mầm non, mẫu giáo mà bà đã làm việc qua có giữ đúng quy trình bảo đảm an toàn thực phẩm hay không, bà bảo mẫu không muốn nêu tên khẳng định:

“Không an toàn đâu. Cũng có trường mua ở siêu thị, nhưng nấu không đầy đủ chất lượng như đăng ký theo quy định và đăng trên bảng thông báo của trường. Có những trường mua hàng chui ở ngoài.”


Giới chuyên gia như Bác sĩ Trần Tuấn, Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật kêu gọi cần phải đặt vấn đề cải tổ hệ thống y tế và giáo dục trong khâu quản lý an toàn thực phẩm, đặc biệt tại các cơ sở trường học của trẻ thơ. Trong khi đó, không ít người dân mong muốn có thêm nhiều thông tin từ phía cơ quan chức năng phổ biến cho dân chúng có kiến thức nhiều hơn về an toàn thực phẩm để bảo vệ sức khỏe, như cô Hương ở Đồng Nai chia sẻ “Nếu có thêm thông tin thì tốt hơn, để mình chăm sóc gia đình được an toàn hơn. Nếu có người tư vấn cho thì mình sẵn sàng lắng nghe chứ.”


Hòa Ái
RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad