Trong khoảng 6 năm qua, một số đại gia và quan chức khi gặp nhau trên bàn nhậu thường nháy mắt đầy ngụ ý “Đặt vé chưa?”. Trước đó là một câu hỏi khác “Có thẻ xanh chưa?”.
Khái niệm mới: “EB-5 Việt Nam”
Tờ Wall Street Journal ngày 5/3/2019 cho biết các nhà đầu tư bất động sản Mỹ đang nhắm tới nguồn vốn nguồn đầu tư từ Việt Nam thông qua thị thực EB-5, vừa mới, vừa rẻ, vừa phát triển rất nhanh, trong bối cảnh lượng đầu tư từ Trung Quốc theo sáng kiến thu hút đầu tư vào Mỹ EB-5, đang sụt giảm (VOA).
Chương trình thị thực EB-5 ra đời vào năm 1990 để khuyến khích đầu tư nước ngoài và tạo công ăn việc làm cho người Mỹ. Chương trình này quy định một nhà đầu tư nước ngoài phải đầu tư vào Hoa Kỳ tối thiểu 1 triệu đôla, hoặc 500.000 đôla ở vùng nông thôn, và tạo việc làm cho 10 người lao động trở lên trong mỗi dự án ở Mỹ.
Theo chương trình này, các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực bất động sản hoặc vào những ngành nghề có thể tạo công ăn việc làm ở Mỹ sẽ được nhận thẻ xanh để lưu trú dài hạn. Có tới 10.000 thị thực thuộc diện EB-5 có thể được cấp cho công dân nước ngoài mỗi năm.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết Việt Nam đang trở thành một trong 5 quốc gia có đơn xin chiếu khán EB-5 cao nhất thế giới, bên cạnh Trung Quốc, Hàn Quốc, Brazil và Ấn Ðộ.
Số thị thực cấp cho người Việt Nam theo chương trình EB-5 trong năm tài khóa 2018 là 693 thị thực, tăng lên nhiều so với con số 471 vào năm 2017. Bốn năm trước, người Việt Nam chỉ chiếm 1% số thị thực cấp cho chương trình EB-5, tương đương 121 thị thực.
Hiện nay, khoảng 20% vốn đầu tư vào bất động sản ở Hoa Kỳ theo chương trình EB-5 đến từ Việt Nam, chỉ sau Ấn Độ, 25% và Trung Quốc, 30%, theo thống kê của Quỹ Nhập cư Mỹ (U.S. Immigration Fund).
Một số công ty đầu tư bất động sản lớn tại thành phố New York đang trực tiếp mời chào giới đầu tư Việt Nam tham gia các dự án thông qua các đại lý của họ ở Hoa Kỳ. Điển hình như dự án giai đoạn ba khu Hudson Yards của tập đoàn Related Companies, hiện cần vốn lên tới khoảng 380 triệu đôla từ các nhà đầu tư qua chương trình EB-5, hay dự án Hard Rock Hotel của tập đoàn Extell Development ở khu vực Times Square ở trung tâm thành phố New York.
Vì sức hút chính của chương trình đầu tư này là chiếc thẻ xanh, cho nên các nhà đầu tư Việt Nam sẵn sàng chấp nhận lợi nhuận ít hơn và chính vì thế nguồn vốn của họ trở nên rẻ hơn trong đầu tư.
Theo trang Imidaily, thời gian chờ đợi để được chấp thuận visa EB-5 đối với các nhà đầu tư Việt Nam, tính đến tháng 11/2018, là từ hơn 5 năm đến 7,2 năm, so với Trung Quốc là 14 năm.
Có thể cho rằng thông tin trên của tờ Wall Street Journal là một xác nhận chính thức về dòng tiền và chạy theo dòng tiền đó là dòng quan chức Việt Nam ‘đầu tư’ vào Mỹ, trong khi chưa có bất cứ cơ quan nào của Việt Nam dám thống kê và công bố về câu chuyện đầu tư bất kể lỗ lã và khiến suy mòn chân đứng chế độ ấy.
‘Đặt vé chưa’: Có biến là chuồn thẳng!
Trong khoảng 6 năm qua, một số đại gia và quan chức khi gặp nhau trên bàn nhậu thường nháy mắt đầy ngụ ý “Đặt vé chưa?”. Trước đó là một câu hỏi khác “Có thẻ xanh chưa?”.
Trong giới đại gia và quan chức, đặc biệt ở khu vực Hà Nội, cũng đã khá phổ biến kinh nghiệm cần một khoản chi phí 500.000 đô la để được nhập tịch Canada và Mỹ. Ngay trước Đại hội XII của đảng cầm quyền, một đơn thư gửi đến Bộ Chính trị đã tố cáo bà Nguyễn Thị Thanh Phượng, con gái thủ tướng khi đó là Nguyễn Tấn Dũng, có quốc tịch Mỹ…
Dù chẳng ai dám nói trắng ra, nhưng nhiều quan chức và thương gia đều ngầm hiểu với nhau là việc có thêm một quốc tịch nước ngoài mà do đó vi phạm luật Việt Nam là “chẳng có gì xấu trong tình hình hiện nay”. Mà tình hình hiện nay lại là một núi lửa đang chực chờ phun trào, bao gồm những biến động chính trị nội bộ không thể lường trước, làn sóng phản kháng xã hội của các tầng lớp nhân dân ngày càng dữ dội, trong đó phải kể đến tâm lý “hồi tố tài sản tham nhũng” và sự trả thù của người dân một khi chế độ không còn nằm trong tay lớp quan lại nhũng nhiễu.
Nhiều thông tin không chính thức cho biết nhiều quan chức trung cấp, trong đó có cả những cái tên cụ thể, đang làm việc cho có và dường như chỉ chờ cơ hội thuận lợi là xin nghỉ việc để cùng gia đình đến một nước nào đó định cư, kể cả việc phải trả lại thẻ đảng hoặc giấu biến gốc gác đảng viên đảng cộng sản. Mỹ, Anh, Pháp, Úc, Canada… là những điểm đến đầy hấp dẫn.
Với quan chức cao cấp (từ bộ trưởng trở lên), tin tức về tài sản, tâm trạng và đường đi nước bước của họ kín đáo hơn. Tuy nhiên thỉnh thoảng cũng xuất hiện một cái tên nào đó đang nhấp nhổm “hưu non” và “chờ vé bay”.
Nhưng tình trạng vợ con của một số trong giới quan chức trung – cao cấp từ lâu đã ung dung ở các nước phương Tây thì không thể che mắt thiên hạ. Không thiếu gì bằng chứng về các công tử “ăn chơi nhảy múa” và sắm xe xịn, mua nhà không cần trả giá bên trời tây bằng tiền của cha mẹ.
Trong những năm gần đây, làn sóng “ra đi tìm đường cứu nước” của giới quan chức và người giàu Việt Nam có nhiều dấu hiệu tăng vọt. Theo hồ sơ Panama, chỉ riêng trong năm 2015, lượng ngoại tệ từ Việt Nam chuyển ra nước ngoài đã lên tới 19 tỷ USD.
Vào tháng 7/2016, ngay trước thời điểm thông qua lần cuối tư cách của gần 500 đại biểu Quốc hội, Việt Nam mới “bỗng dưng” phát hiện một chuyện cười ra nước mắt: nữ đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Nguyệt Hường có quốc tịch ở… Cộng hòa Malta – một quốc gia chỉ rộng có 300 cây số vuông, nằm ở một xó của châu Âu, tạo ấn tượng nổi bật nhất nhờ vào hai việc: trở thành rổ đựng bóng trong các trận cầu quốc tế, và dễ tránh thuế đánh vào tài sản cá nhân.
Tình hình trên diễn ra trong bối cảnh “lò” của Nguyễn Phú Trọng đang rừng rực cháy ở Việt Nam, đầy triển vọng biến cố trong năm 2019 và cả vài năm sau đó thành một chiến trường “truy sát tham nhũng” mà sẽ khiến không chỉ quan chức cấp trung ương mà cả nhiều quan chức cấp địa phương bị tống vào “lò”.
Sốc: Mỹ tạm dừng cấp thị thực!
Trong khi làn sóng thương nhân và quan chức Việt đang sôi nổi ‘ra đi tìm đường cứu nước’ như thế, đã thình lình xuất hiện một thông tin chấn động đối với giới này: Mỹ tạm dừng cấp các thị thực I5, R5 và SR cho công dân Việt Nam từ ngày 23/3/2018.
SR là thị thực định cư dành cho những cá nhân nộp hồ sơ đi Mỹ làm việc trong lĩnh vực tôn giáo. Còn I5 và R5 là hai trong số bốn hạng mục thị thực thuộc chương trình đầu tư tạo việc làm ở Mỹ EB-5 có thể dẫn đến quyền định cư lâu dài ở Mỹ.
Thông tin trên không làm tuyệt đại đa số người Việt trong nước quan tâm, nhưng đã khiến phần lớn “giới tinh hoa đất nước” - gồm nhiều quan chức giàu sụ đang “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc” vào danh sách giới có tài sản hàng trăm triệu hoặc hàng tỷ USD - phải choáng váng đến mất ngủ.
Sau khi Canada siết chặt các điều kiện nhập cư đối với người Trung Quốc, đến lượt Mỹ siết chặt thủ tục nhập cư. Thông điệp phát ra với giới quan chức Trung Quốc và Việt Nam là rất rõ: tiền không thể là tất cả.
Bây giờ thì cho dù một quan chức Việt muốn “ra đi tìm đường cứu nước” có đổ vào Mỹ cả chục triệu USD thì cũng chẳng còn tìm ra triết lý đương đại của Việt Nam “cái gì không thể mua bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền” nữa.
Cũng bởi thế, đang xuất hiện thông tin nhiều quan chức giàu sụ ở Việt Nam phải tính toán một phương án khác: thay vì tìm mọi cách “nhập khẩu” vào Mỹ như trước đây, họ chuyển sang “địa bàn Tây Âu”, cho dù số phận của họ ở châu Âu sẽ rủi ro hơn ở Mỹ nếu ‘tổng chủ’ của họ quyết định mở một chiến dịch “Săn Cáo” như Tập Cận Bình đã tổ chức để lôi cổ những kẻ tham nhũng về nước quy án.
Và nếu Nguyễn Phú Trọng quyết định tổ chức một chiến dịch ‘Săn Cáo’ trong tương lai gần, chắc chắn ông ta sẽ phải đặc biệt ghé mắt tới khung cảnh EB-5 cùng dòng thác tiền của mà quan chức Việt rùng rùng di tản sang Mỹ.
Phạm Chí Dũng
Blog VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét