Leo thang trên biển: Tình trạng ổn định và bất ổn định tại các vùng biển Đông Á - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Sáu, 12 tháng 4, 2019

Leo thang trên biển: Tình trạng ổn định và bất ổn định tại các vùng biển Đông Á


Bài viết lập luận rằng các bất ổn cường độ thấp sẽ xảy ra trong tranh chấp biển hoặc cạnh tranh sức mạnh trên biển; tuy nhiên, ít có khả năng tạo ra chu kỳ leo thang kéo dài bởi đặc điểm của môi trường chiến lược biển khu vực.


Những năm gần đây, vùng biển Đông Á thường xảy ra các vụ va chạm giữa tàu bán quân sự, hải quân, cảnh sát biển và các chủ thể dân sự khác. Điều này khiến giới nghiên cứu và hoạch định chính sách lo ngại về nguy cơ leo thang nghiêm trọng trong khu vực. Bài viết lập luận rằng các bất ổn cường độ thấp sẽ xảy ra trong tranh chấp biển hoặc cạnh tranh sức mạnh trên biển; tuy nhiên, ít có khả năng tạo ra chu kỳ leo thang kéo dài bởi đặc điểm của môi trường chiến lược biển. Các vùng biển có đặc trưng chiến lược riêng, bao gồm bản chất của mối đe dọa chiến lược tiềm tàng, tốc độ phản ứng và sự quy kết trách nhiệm. Những đặc tính này làm giảm nguy cơ leo thang và giúp chiến lược hạ nhiệt căng thẳng thành công hơn. Những phát hiện này chứng minh các vùng biển ở Đông Á ổn định hơn so với những gì chúng ta hình dung.

Ở các vùng biển Đông Á, tranh chấp quyền kiểm soát các đảo, phạm vi và việc phân định ranh giới các quyền tài phán biển, các quyền và nghĩa vụ của tàu quân sự trong vùng biển thuộc quyền tài phán luôn tồn tại cùng vấn đề chủ nghĩa dân tộc và lo ngại về cạnh tranh giữa các cường quốc.[1] Các động thái và sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở vùng biển chiến lược này làm đảo lộn hiện trạng sau Thế chiến II và thay đổi các động lực giúp duy trì sự ổn định khu vực. Điều này, cùng với sự bất định chính trị và chiến lược bắt nguồn từ việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, làm gia tăng quan ngại về nguy cơ leo thang xung đột trên biển.[2] Những bất ổn thể hiện qua sự cạnh tranh gay gắt giữa các chủ thể dân sự, chấp pháp và hải quân (trong nội bộ các nước và bên ngoài) nhằm khẳng định hoặc cạnh tranh quyền lợi về kinh tế và lưu thông trên biển. Bình luận thực tế này, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ Đô đốc Harry B. Harris tuyên bố khu vực “đối mặt với nguy cơ tính toán sai lầm leo thang thành xung đột không ai mong muốn, ở một khu vực có ý nghĩa sống còn đối với sự thịnh vượng toàn cầu”.[3]

Nhìn bên ngoài, với việc công khai các va chạm trên biển, những lo ngại trên là có cơ sở.[4] Nhiều nghiên cứu chỉ ra xu hướng leo thang trong vấn đề kiểm soát lãnh thổ, bao gồm các đảo tranh chấp.[5] Tuy nhiên, nguy cơ leo thang bắt nguồn từ các vụ việc trên biển và tác động chiến lược vẫn chủ yếu là hiện tượng.[6] Bằng cách tập trung phân tích các sự cố trên biển, bài viết lập luận trong phạm vi các yêu sách đối lập về quyền tài phán biển hoặc các vùng biển có cạnh tranh chiến lược, chúng ta không nên kỳ vọng các chủ thể dân sự, quân sự, chấp pháp tương tác một cách hòa bình. Tuy nhiên, các hành động vô tình, không chủ đích hoặc thậm chí cố ý dẫn đến va chạm giữa các đối thủ cạnh tranh sẽ không kích hoạt chu kỳ leo thang kéo dài hoặc mở màn cho một cuộc xung đột lớn trên biển hoặc đất liền. Thay vào đó, những sự kiện như vậy cần được coi là hệ quả có thể có từ các hoạt động ở khu vực biển tranh chấp. Tóm lại trên biển, ngưỡng ổn định tại các khu vực tranh chấp khá thấp, do đó có thể xảy ra sự cố leo thang; tuy nhiên, các chu kỳ leo thang hoặc xung đột kéo dài, bao gồm chiến tranh trên biển, ít xảy ra sau các vụ việc như vậy.

Để chứng minh cho luận điểm này, bài viết lập luận rằng môi trường chiến lược biển định hình các điều kiện cụ thể đối với động lực leo thang và kích hoạt xung đột. Các tranh chấp biên giới biển, không giống tranh chấp trên bộ, không thể giữ vững, và do đó phải bị thách thức. Bất kể điều kiện tranh chấp này và việc không có khả năng kiểm soát hoàn toàn, xung đột biển thường không tạo ra mối đe dọa hiện hữu về chiến lược đối với các bên liên quan. Leo thang do sơ ý hoặc tính toán sai lầm dễ kiểm soát hơn do thực tế hoạt động trong môi trường biển.[7] Ở khía cạnh triển khai thực tiễn, kiểm soát leo thang trên biển dễ dàng hơn trên đất liền. Các lựa chọn sử dụng hệ thống vũ khí mới hoặc tấn công các mục tiêu mới (leo thang chiều dọc) khá hạn chế và việc mở rộng địa lý của khu vực xung đột (leo thang chiều ngang) ít xảy ra.[8]

Tác giả phát triển lập luận này bằng việc thảo luận cách thức bản chất của môi trường chiến lược duy trì sự bất ổn ở cường độ thấp, đồng thời làm giảm áp lực leo thang. Bài viết củng cố luận điểm trên khi xem xét hoạt động tương tác trên biển giữa Mỹ và Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh, và phân tích các sự cố trên biển phát sinh do tranh chấp biên giới biển trên toàn cầu kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Cuối cùng, bài viết sử dụng những kết luận này để đánh giá tác động đối với nhận thức của chúng ta về cách thức sự ổn định và bất ổn định thể hiện ở các vùng biển Đông Á.

CÁC VÙNG BIỂN TRANH CHẤP, SỰ BẤT ỔN Ở NGƯỠNG ỔN ĐỊNH, VÀ CHIẾN TRANH

Địa lý biển làm tăng nguy cơ bất ổn do các chủ thể tương tác ở mức độ lớn hơn trên đất liền trong các cuộc cạnh tranh hoặc xung đột trên biển.[9] Phần này lập luận rằng sự bất ổn có thể xảy ra trừ khi các biên giới biển đã được nhất trí hoặc cạnh tranh chiến lược không gay gắt. Ngoài ra, tác giả cho rằng, bất chấp sự bất ổn này, leo thang kéo dài theo chiều dọc hoặc chiều ngang từ vụ việc trước đó sẽ không xảy ra.

Tranh chấp Các Quyền lợi Biển

Trong trường hợp tranh chấp lãnh thổ hoặc cạnh tranh chiến lược trên đất liền, lực lượng vũ trang của một quốc gia có vai trò bảo vệ biên giới đã phân định hoặc chiếm giữ và kiểm soát lãnh thổ đối phương.[10] Kiểm soát lãnh thổ mang lại khả năng quản lý đất đai, cư dân và sử dụng cả hai cho mục đích kinh tế. Chỉ trong thời chiến, các biên giới bị xóa nhòa, lực lượng vũ trang của các bên đối đầu và việc kiểm soát lãnh thổ trở nên không chắc chắn.

Trên biển, người ta không thể áp dụng mô hình kiểm soát cho phép duy trì biên giới như trên đất liền. Ngoại trừ các khu vực gần bờ, không bên nào có thể liên tục kiểm soát biển. Các ranh giới chủ quyền – như vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp và các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) quy định - không được xác định chỉ bởi sự hiện diện thường trực của hải quân hoặc các cơ quan dân sự; thay vào đó, các thỏa thuận chính trị trên đất liền giúp duy trì các ranh giới biển.


Đinh Tuấn Anh (dịch)
Trần Quang (hiệu đính)
Nghiên Cứu Biển Đông
Đọc toàn bộ bản dịch tại đây.

Tác giả Ian Bowers là Phó Giáo sư, Viện Nghiên cứu Quốc phòng Na-uy. Ông nhận bằng Tiến sĩ về nghiên cứu chiến tranh tại Đại học King. Lĩnh vực nghiên cứu của ông bao gồm chiến tranh hải quân, an ninh Châu Á, chiến lược răn đe, và sự thay đổi quân sự. Ông đã xuất bản ấn phẩm về chiến lược răn đe trên biển, hoạt động hải quân phi chiến đấu, và nhận thức của Hàn Quốc về cường quốc biển. Bài viết được đăng trên Naval War College Review.

[1] Peter Dutton, “Three Disputes and Three Objectives: China and the South China Sea,” Naval War College Review 64, số 4 (Mùa thu 2011), tr. 44–55.

[2] Bonnie S. Glaser, Conflict in the South China Sea, Contingency Planning Memorandum Update (New York: Council on Foreign relations, April 2015); Katie Hunt và Tim Hume, “Has South China Sea Ruling Set the Scene for Next Global Conflict?,” CNN, ngày 13/7/2016, www.cnn.com/; Tan Ming Hui, “Escalations in the East China Sea: Is Conciliation Possible?,” RSIS Commentary, số 213 (ngày 22/8/2016), www.rsis.edu.sg/; Robert Ayson and Desmond Ball, Escalation in Northeast Asia: A Strategic Challenge for Australia, Centre of Gravity Series 18 (Can- berra: Australian National Univ., November 2014); Amitai Etzioni, “Tillerson, Trump and the South China Sea,” The Diplomat, ngày 28/1/2017, thediplomat.com/.

[3] The Challenge of Conventional and Hybrid Warfare in the Asia-Pacific Region: The Changing Nature of the Security Environment and Its Effect on Military Planning; Hearing Before the H. Comm. on Armed Services, 114th Cong. (ngày 24/12/2016) (Tuyên bố của Đô đốc Harry B. Harris Jr., Tư lệnh, Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ).

[4] Bài viết thay đổi định nghĩa về Tương quan Chiến tranh của các tranh chấp bị quân sự hóa giữa các quốc gia khi định nghĩa va chạm trên biển là một hành động trong đó có một hoặc nhiều hơn các chủ thể quân sự, bán quân sự và dân sự đe dọa, phô diễn hoặc sử dụng sức mạnh sát thương hoặc phi sát thương ở dưới ngưỡng chiến tranh toàn diện. Xem Joseph Grieco, G. John Ikenberry, and Michael Mastanduno, Introduction to International Relations: Enduring Questions and Contemporary Perspectives (London: Palgrave Macmillan, 2014), tr. 141.

[5] Paul K. Huth và Todd L. Allee, The Democratic Peace and Territorial Conflict in the Twentieth Century (Cambridge, U.K.: Cambridge Univ. Press, 2002), tr. 31. Để biết thêm nghiên cứu chi tiết về việc sử dụng vũ lực và nguy cơ tiềm tàng leo thang căng thẳng trong tranh chấp đảo, xem M. Taylor Fravel, “Power Shifts and Escalation: Explaining China’s Use of Force in Territorial Disputes,” International Security 32, số 3 (Mùa đông 2007/2008), tr. 44–83.

[6] Ngoại lệ đáng chú ý là bài viết của Stashwick.. Xem Steven Stashwick, “South China Sea: Conflict Escalation and ‘Miscalculation’ Myths,” The Diplomat, ngày 25/9/2015, thediplomat.com/.

[7] Các leo thang vô tình hoặc leo thang bắt nguồn từ tính toán sai lầm xảy ra khi không có “quyết định rõ ràng của lãnh đạo có thẩm quyền của các bên tham gia.” Xem Herman Kahn, On Escalation: Metaphors and Scenarios (London: Praeger, 1965), tr.. 285.

[8] Bài viết sử dụng định nghĩa về leo thang chiều dọc và chiều ngang được đề cập trong tác phẩm của Forrest E. Morgan và những người khác, Dangerous Thresholds: Managing Escalation in the 21st Century (Santa Monica, CA: RAND, 2008), tr. 18–19.

[9] Bài viết dựa theo định nghĩa về bất ổn định của Avery Goldstein, định nghĩa rằng việc sẵn sàng sử dụng vũ lực, bất kể đã hạn chế như thế nào, để đạt các mục tiêu trên biển. Xem Avery Goldstein, “First Things First: The Pressing Danger of Crisis Instability in U�S.-China Relations,” International Security 37, số 4 (Mùa Xuân 2013), tr. 51.

[10] Karen A. Rasler và William R. Thompson, “Contested Territory, Strategic Rivalries, and Conflict Escalation,” International Studies Quarterly 50, số 1 (2006), tr. 147.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad