Tín hiệu từ một cuộc hội thảo
Ngày 3/4/2019, một số quan chức cấp thứ trưởng của Mỹ và Việt Nam đã tổ chức hội thảo mang tên “Việt- Mỹ: Hướng đến hợp tác chiến lược” tại Trung Tâm Chiến lược & Nghiên Cứu Quốc tế CSIS ở thủ đô Washington.
Có thể xem hội thảo trên là một trong số hiếm hoi hoặc là lần đầu tiên hai bên bàn về chủ đề không còn là chuyện giỡn chơi hay trả treo mặc cả này. Đối với chính thể Việt Nam, bây giờ không còn là lúc ngả ngớn õng ẹo đu dây giữa Mỹ và Trung Quốc nữa, mà Hà Nội đang bị ‘đồng chí tốt’ ép bật khỏi những giếng dầu ở Biển Đông khiến ngân sách - vốn đang tồi tệ - càng nguy khốn hơn.
Hội thảo “Việt- Mỹ: Hướng đến hợp tác chiến lược” cũng có thể được xem là một trong những tiền đề để chuẩn bị cho cuộc gặp Donald Trump - Nguyễn Phú Trọng tại Washington vào mùa hè năm 2019, một cuộc gặp mà lạ thay, bởi khác hẳn những lần trước luôn được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thông báo đầu tiên, lần này lại được Bộ Ngoại giao Việt Nam chính thức ‘chủ động thông tin đối ngoại’ chứ chẳng cần đợi phía Mỹ nữa.
Con số 13?
Cho đến nay, chính thể Việt Nam hoàn toàn có thể tự hào về ‘vị thế Việt Nam nâng cao trên trường quốc tế’ với việc thủ chẵn một tá đối tác chiến lược trong túi mình, bao gồm cả hai đối tác chiến lược với Ấn Độ - thành tích của kẻ quá cố nhân nào quả đó là Chủ tịch nước Trần Đại Quang, và với Úc của quan chức còn đang sống phơi phới là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đều hình thành vào đầu năm 2018.
Còn 10 quan hệ đối tác chiến lược khác của Việt Nam từ năm 2001 đến năm 2013 là với Liên bang Nga (2001), Nhật Bản (2006), Ấn Độ (2007), Trung Quốc (2008), Hàn Quốc, Tây Ban Nha (2009), Vương quốc Anh (2010), Đức (2011) và Ý (2013). Không thể gọi khác hơn là ‘phong trào đối tác chiến lược’ - gần giống với phong trào lập ra các hợp tác xã thời bao cấp kinh tế, trung bình mỗi năm lại cho ra đời một đối tác kiểu đó, hoặc còn được ví như ‘quơ quào đối tác chiến lược’.
Nếu ‘đối tác chiến lược Mỹ - Việt’ được thành hình trong thời gian tới, đó sẽ là con số 13 về tính chất quan hệ này - con số mà theo thuyết âm dương của người Việt là ‘xui xẻo’, nhưng với giới quan chức Việt mang thuộc tính còn hơn cả mê tín dị đoan thì đó phải là cái đích nhắm tới bất chấp may rủi.
Cùng nguy cơ Trung Quốc
Con số 13 trên, nếu có, phải là hệ quả của bầu không khí từ ‘cầu viện’ biến thành nồng ấm hơn và hơn hẳn trong quan hệ Việt - Mỹ kể từ tháng 7 năm 2017 khi Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch vội vã sang Hoa Kỳ, ngay sau vụ Trung Quốc đe dọa tấn công mỏ dầu khí Cá Rồng Đỏ - liên doanh giữa Việt Nam với hãng dầu khí Tây Ban Nha là Repsol và khiến Repsol phải ‘bỏ của chạy lấy người’, để sau đó Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis đã lần đầu tiên điều động hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson đến hiện diện tại cảng Đà Nẵng vào tháng 3 năm 2018, phục vụ cho một nhu cầu cần thiết với Mỹ và tối cần thiết với Bộ Chính trị Việt Nam là dự án khai thác mỏ dầu khí Cá Voi Xanh.
Không chỉ Việt Nam, mà cả Mỹ cũng bị đe dọa một cách rõ rệt bởi Trung Quốc tại Biển Đông. Sau đại hội 19 của đảng Cộng Sản Trung Quốc, Tập Cận Bình đã lớn lên thành một “tư tưởng” được ghi trong điều lệ đảng, vượt hơn cả Đặng Tiểu Bình trước đây và có thể bắt đầu sánh ngang với “tư tưởng Mao.”
Độc tôn cá nhân lại dẫn đến nguy cơ bá quyền nước lớn. Rất nhiều khả năng là sau đại hội 19, Tập Cận Bình sẽ vươn tay thọc sâu vào Biển Đông, với mục tiêu gần nhất là “đánh úp” quần đảo Trường Sa của Việt Nam, khống chế quân cảng Cam Ranh để vô hiệu hóa tàu Mỹ hoạt động tại cảng này, phát triển tầm tác chiến tại Biển Đông và biến vùng biển này thành một kiểu “trạm thu phí” của Trung Quốc đối với tàu bè chở hàng hóa của các nước.
Nguy cơ chiến tranh trên Biển Đông không còn là dự báo nữa, mà có thể trở thành hiện thực vào bất kỳ năm nào sau năm 2017.
Để bảo vệ an ninh hàng hải và phòng vệ, Hoa Kỳ đang và sẽ phải triển khai hướng tiếp cận mới về Biển Đông, mà đặc trưng nổi bật nhất là tính chất thường xuyên và nhịp độ cao hơn so với trước đây.
Cũng là để Việt Nam có thể bám vào đặc trưng mới này, ít nhất cho tới lúc nào mục tiêu khai thác dầu khí để bồi hoàn cho một nền ngân sách rỗng ruột của Việt Nam vẫn còn bị Trung Quốc thẳng tay cấm đoán.
Không còn lựa chọn nào khác, hiện thời Mỹ là đối trọng duy nhất của Trung Quốc mà Việt Nam buộc phải dựa vào.
Việc lựa chọn Mỹ là ‘đối tác chiến lược tương lai đã phát xuất từ một bài học lịch sử hết sức tệ hại.
Bài học cay nghiệt cho thói đu dây
Hậu quả của thói đu dây quốc tế cùng vô số tính toán tủn mủn lồng trong thói tự tôn cộng sản nói mãi không chịu bỏ là một bài học quá đắt giá: vào năm 2014, khi giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc xông thẳng vào vùng lãnh hải Việt Nam như một cái tát nổ đom đóm vào mặt Bộ Chính trị Hà Nội, hầu hết các “đối tác chiến lược” của Việt Nam, kể cả nước Nga của Putin, đều thờ ơ hoặc quay lưng khi Việt Nam bị uy hiếp.
Khi đó, tư lệnh quân đội Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, Đô Đốc Samuel Locklear, đã gợi ý vẫn còn cửa cho “đối tác chiến lược toàn diện” giữa Mỹ và Việt Nam, hàm ý rằng Việt Nam cần rõ ràng và dứt khoát hơn trong mối quan hệ quân sự với Mỹ chứ không thể đeo bám chính sách “đu dây” nguy hiểm giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, chính thể Việt Nam đã phớt lờ hảo ý của người Mỹ mà vẫn đeo đuổi mối quan hệ ngày càng nguy hiểm hơn với người bạn “bốn tốt – mười sáu chữ vàng.”
Đến năm 2017, “đối tác chiến lược toàn diện” Trung Quốc đã thêm một lần nữa hạ nhục Nguyễn Phú Trọng cùng giới quan chức tham sống sợ chết. Trong nhiều nỗi nhục trên đời, có lẽ nỗi nhục thuộc loại tận cùng nhất là bị kẻ thù cầm tù ngay trong nhà mình vì có dầu cũng không làm cách nào ‘ăn’ được.
Từ nằm 2014 đến nay, giới chóp bu Việt Nam chưa bao giờ cô đơn đến thế trên trường quốc tế, dù Việt Nam đã thủ đến chẵn một tá “đối tác chiến lược” trong túi, nếu không tính đến “đối tác chiến lược” với Đức mà đã bị quốc gia này tạm thời đình chỉ “quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam” ngay sau vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh” vào năm 2017.
Rốt cuộc, chính động cơ “bắt cá đa phương” vô cùng tận đã chẳng mang lại một người bạn thực sự nào.
Một trong những dẫn chứng cho triết lý “lắm mối tối nằm không” là vào năm 2014 khi đối thoại về việc nới lỏng cấm vận võ khí sát thương cho Việt Nam, Đô đốc Hoa Kỳ Samuel Locklear đã như mỉa mai: “Việc này phần lớn phụ thuộc vào Việt Nam muốn gì vì họ có nhiều đối tác, nhiều láng giềng, cũng như nhiều mối quan ngại về an ninh”.
Kết quả gần hai chục năm “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước” cùng hàng chục đối tác chiến lược của chính thể này đã chỉ được đúc rút thành lời giễu cợt không thèm che đậy của chính giới quốc tế.
Chính thể độc đảng ở Việt Nam đã ăn ở ra sao để sinh ra nông nỗi ấy?
Sẽ như ‘sống lại’?
Cái khó ló cái khôn - ông bà đã dạy. Lòng can đảm, dù chẳng hề là thuộc tính của một chế độ, vẫn thình lình phơi ra trong bất kỳ tình thế nào mà chế độ đó phải tìm mọi kế và làm mọi cách để bảo vệ sự tồn sinh của nó.
Hẳn là từ đầu năm 2016 khi bắt đầu tập tạnh cách tuyên bố ‘tàu Mỹ đi qua vô hại ở Biển Đông’, “tập thể Bộ Chính Trị Việt Nam” cũng bắt đầu phải tính toán việc dựa dẫm vào sức mạnh của hải quân Mỹ để bảo vệ vùng biển của mình.
Cũng có nghĩa là bắt đầu chiến thuật ‘can đảm dựa Mỹ’.
5 năm sau vụ giàn khoan Hải Dương 981, tình hình đang diễn ra như nó ắt phải thế, và dù muộn vẫn còn hơn không.
Nếu mọi chuyện thuận buồm xuôi gió và sau cuộc cuộc gặp Trump - Trọng sắp tới tại Washington sẽ hiện ra một văn bản được ký giữa hai bên như kiểu ‘Hiệp ước tương trợ quốc phòng’ mà Mỹ đã ký với Philippines, hoặc ít ra cũng là một bản ghi nhớ về việc sẽ tiến hành chuyện đó trên nền tảng chuẩn bị cho ‘quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Mỹ - Việt’, và ngay trước mắt sẽ là sự hiện diện lần thứ hai của hàng không mẫu hạm Mỹ tại Việt Nam, Bộ Chính trị ở Hà Nội sẽ có thể như ‘sống lại’ để vừa tiến vừa run vào mỏ Cá Voi Xanh ở vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi - có trữ lượng đến 150 tỷ mét khối và hứa hẹn mang về đến 60 tỷ USD, bằng số thu nguyên một năm của nền ngân sách bóp họng dân chúng với nhiệm vụ tối thượng là nuôi đảng.
Phạm Chí Dũng
Blog VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét