Đối tác chiến lược
Việt Nam và Mỹ tuy trước đây là cựu thù, nhưng nay lại chia sẻ “lợi ích chiến lược song trùng” (tại khu vực Indo-Pacific). Trong 2-3 năm qua, điều này ngày càng rõ. Tổng thống Obama đến thăm Việt Nam (23-25/5/2016), đã quyết định bỏ cấm vận vũ khí sát thương, tiếp theo quyết định xoay trục sang châu Á (Asia Pivot) và thúc đẩy hiệp định TPP. Hơn một năm sau, tổng thống Trump đến thăm Việt Nam (10/11/2017) đã tuyên bố tầm nhìn Indo-Pacific với chiến lược an ninh quốc gia và quốc phòng mới (coi Trung Quốc là “đối thủ”).
Nếu chuyến thăm Mỹ lần trước của TBT Nguyễn Phú Trọng (6-10/7/2015) có ý nghĩa tượng trưng là chính (được tổng thống Obama tiếp chính thức tại phòng bầu dục), thì chuyến thăm Mỹ sắp tới của CTN/TBT Nguyễn Phú Trọng mang ý nghĩa thực chất, nhằm tăng cường quan hệ hợp tác chiến lược (cũng như kinh tế). Nay vấn đề cần bàn không phải lễ tân (gặp ở đâu/thế nào) mà đã đến lúc hai nước cần nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược.
Hai năm qua cũng là quá trình “xây dựng lòng tin” (confidence building) giữa Washington và Hà Nội. Năm 2019 là thời điểm chín muồi để hai nước nâng cấp quan hệ thành đối tác chiến lược vì Mỹ-Trung đang tiến hành cuộc chiến tranh thương mại (tuy vừa đánh vừa đàm). Có mấy tiền đề hậu thuẫn cho quyết định này. Đầu năm nay, Việt Nam đã tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim tại Hà nội (27-28/2/2019). Nhân dịp này, tổng thống Trump đã chính thức mời CTN/TBT Nguyễn Phú Trọng sang thăm Mỹ (như một cách cám ơn).
Các quan chức ngoại giao và quốc phòng của hai nước (cấp thứ trưởng) đã tham dự hội thảo “Việt-Mỹ: Hướng đến hợp tác chiến lược” do CSIS tổ chức tại Washington (3/4/2019). Ông Randall Schriver (trợ lý bộ trưởng quốc phòng phụ trách khu vực Indo-Pacific) tham dự hội thảo đã nhấn mạnh: “Quan hệ quốc phòng của chúng tôi rất chặt chẽ và là một trong những trụ cột mạnh mẽ nhất trong mối quan hệ song phương trên nhiều phương diện”.
Có thể nói, đó là một bước chuẩn bị (homework) để nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược. Sắp tới, CTN/TBT Nguyễn Phú Trọng sang thăm Mỹ là dịp tốt để hai nước chính thức quyết định nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược. Theo thông lệ, một ủy viên Bộ Chính trị (có thể là bộ trưởng Công An Tô Lâm) sẽ thăm Mỹ để chuẩn bị (như “tiền trạm”). Lần trước (năm 2015) Bộ trưởng Công An Trần Đại Quang cũng đi thăm Mỹ để chuẩn bị.
Về nội dung hợp tác chiến lược, hai nước cần tập trung vào các hoạt động: (1) Tiếp tục khắc phục hậu quả chiến tranh (MIA, rà phá bom mìn, khử độc); (2) Triển khai hợp tác dầu khí tại Biển Đông (dự án Cá Voi Xanh); (3) Tăng cường giao lưu hải quân (tàu sân bay thứ hai của Mỹ đến thăm Đà Nẵng); (4) Mỹ giúp Việt Nam nâng cao năng lực tuần tra biển (bàn giao tầu tuần dương “cutter” thứ hai); (5) Việt Nam tham gia tập trận (như RimPac 2018) và cùng tuần tra biển Đông (với Mỹ và các đối tác khác); (6) Hợp tác cứu hộ, quân y, đào tạo, tình báo; (7) Mỹ lập kho hậu cần (tại Đà Nẵng); (8) Việt Nam tăng cường mua vũ khí Mỹ…
Đường cao tốc Bắc-Nam
Theo báo cáo của Bộ GTVT (10/2018), dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông là dự án trọng điểm quốc gia. Trước mắt, đầu tư 11 dự án hợp phần với tổng chiều dài 654 km, đi qua 13 tỉnh, với tổng mức đầu tư 118.716 tỉ VNĐ. Sau khi lãnh đạo Bộ GTVT tiếp đại diện tập doàn Thái Bình Dương (Trung Quốc) để trao đổi về khả năng tham gia dự án, dù bỏ tiền ra để làm toàn tuyến (theo đề nghị của họ) hay chia ra để đấu thầu làm từng phần (như dự kiến của Bộ GTVT), thì rủi ro đều rất cao, nên dư luận sẽ phản đối.
Nếu nhà thầu Trung Quốc được Bộ GTVT chọn làm dự án chiến lược này (dù theo phương án làm toàn tuyến hay làm từng phần) đều có thể dẫn đến tai họa quốc gia. Thứ nhất, người Việt Nam yêu nước nhất định sẽ phản đối còn quyết liệt hơn so với chủ trương định làm “Ba đặc khu”. Thứ hai, nếu Bộ GTVT chọn nhà thầu Trung Quốc làm dự án này, họ phải chịu trách nhiệm trước lịch sử và trước nhân dân về hệ lụy của quyết định đó.
Thứ nhất, đây là dự án trọng điểm như xương sống của cả nước, do vị trí chiến lược về giao thông và an ninh quốc phòng. Nếu giao cho nhà thầu Trung Quốc làm cũng như “gửi trứng cho ác”. Thứ hai, nếu Bộ GTVT định vay vốn Trung Quốc để làm dự án này, chắc chắn Việt Nam sẽ sa vào “bẫy nợ” của “Nhất đới Nhất lộ”, trong khi một số nước khác như Malaysia đã tỉnh ngộ và tìm cách “thoát Trung”. Thứ ba, Mỹ vừa lập ra IDFC (International Development Finance Corporaqtion) với ngân sách ban đầu là 60 tỷ USD để (cùng với Nhật và Úc) hỗ trợ các nước khu vực làm các dự án hạ tầng chất lượng cao, cạnh tranh với sáng kiến “Nhất đối Nhất lộ” của Trung Quốc. Nếu muốn được lòng Trung Quốc chắc sẽ mất lòng Mỹ.
Trong bối cảnh hai nước Mỹ-Việt đang thúc đẩy hợp tác chiến lược (như phân tích bên trên), nếu lúc này Bộ GTVT quyết định cho nhà thầu Trung Quốc (Tập đoàn Thái Bình Dương) làm dự án này là ngược lại xu hướng phát triển hợp tác chiến lược Mỹ-Việt. Nói cách khác, quyết định này sẽ là một tín hiệu “chống Mỹ”, trước chuyến thăm Mỹ của CTN/TBT Nguyễn Phú Trọng. Không ai lại dại dột lấy đá ghè chân mình khi muốn thoát hiểm.
Theo Minxin Pei, cuộc ganh đua giữa Mỹ và Trung Quốc đang diễn ra là một “cuộc chiến tranh lạnh mới”, khác hoàn toàn với cuộc chiến tranh lạnh Mỹ-Xô trước đây. Các trận chiến quyết định nhất trong cuộc chiến tranh lạnh mới này sẽ diễn ra trên mặt trận kinh tế (thương mại, công nghệ và đầu tư), thay vì chỉ diễn ra tại Biển Đông hay Eo biển Đài Loan. (“The High Costs of the New Cold War”, Minxin Pei, Project Syndicate, 14/03/2019).
Theo Joseph Nye (tác giả “quyền lực mềm”), Trung Quốc là “người khổng lồ chân đất sét”, và là “nạn nhân của chính sự thành công của mình”. Giới cầm quyền Trung Quốc vẫn bị mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn về lý luận chính trị vì họ tin rằng chỉ có Đảng mới có thể cứu Trung Quốc và do đó bất kỳ cải cách nào cũng phải củng cố sự độc tôn quyền lực của Đảng. Nhưng Jo Nye cho rằng “đây chính là điều mà Trung Quốc không cần”. Chiến dịch chống tham nhũng của Tập chỉ làm cho “sự chủ động và sáng tạo bị thui chột”. Những cải cách chính trị của Đặng Tiểu Bình (tách đảng ra khỏi nhà nước) đã bị Tập đảo ngược. Một nhà kinh tế Trung Quốc nói rằng chiến dịch chống tham nhũng của Tập làm GDP Trung Quốc giảm 1% mỗi năm. Một doanh nhân Trung Quốc nói rằng “tăng trưởng thực tế chưa bằng một nửa con số chính thức”. (“Does China Have Feet of Clay?”, Joseph Nye, Project Syndicate, 04/04/2019).Project Syndicate, 04/04/2019).
Các chuyên gia nói gì
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Tập đoàn Thái Bình Dương đề xuất như vậy “là việc của họ” và chắc chắn họ đã thấy rất có lợi về nhiều mặt nên mới muốn tham gia làm đường cao tốc Bắc-Nam của Việt Nam…Việc này đặt ra rất nhiều vấn đề và người dân chắc chắn sẽ có những phản ứng…Khi làm với Trung Quốc nếu càng có lợi cho họ bao nhiêu thì càng thiệt cho mình bấy nhiêu…Các công trình thường dùng công nghệ lạc hậu, thiết bị cũ kỹ, chất lượng thấp khiến công trình hỏng đi, hỏng lại rất nhiều lần, gây tốn kém. Phía Trung Quốc thường đưa công nhân của họ sang làm việc và như vậy sẽ gây nhiều hệ lụy tiêu cực.
Về tài chính, dù Trung Quốc ứng vốn trước hay chào thầu với giá thấp nhưng cuối cùng thế nào cũng bị đội giá lên gấp mấy lần. Vốn của Trung Quốc “tưởng ưu đãi nhưng rốt cuộc lại là ngược đãi”. Bà Lan đề nghị “không chấp nhận đề xuất của Tập đoàn Trung Quốc” và mong lãnh đạo “tỉnh táo, sáng suốt quyết định…Phải khách quan, công tâm, có lòng yêu nước chứ đừng vì lợi ích của mình mà gây hệ lụy cho đất nước”. (“Tập đoàn Trung Quốc thấy rất có lợi về nhiều mặt mới đề xuất làm cao tốc Bắc-Nam”, Phạm Chi Lan, Soha, 19/3/2019).
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng thấy “hết sức lo ngại” và khuyên cần thận trọng trước đề xuất làm đường cao tốc Bắc-Nam của Tập đoàn Trung Quốc. Việc này sẽ đặt ra rất nhiều vấn đề trong việc giám sát, chất lượng, tác động đến một số mặt hệ trọng của đất nước. Việc xây dựng đường cao tốc Bắc-Nam là dự án mang tính chiến lược, ngoài kinh tế còn liên quan đến vấn đề an ninh, quốc phòng. Một số nước khác như Malaysia đã hủy một số dự án với Trung Quốc. Ông Doanh “tha thiết đề nghị các cơ quan chức năng xem xét một cách thận trọng, không nên chấp nhận đề xuất của Tập đoàn Trung Quốc”. (“Hết sức lo ngại Tập đoàn Trung Quốc đề xuất làm cao tốc Bắc-Nam”, Lê Đăng Doanh, Soha, 16/3/2019).
Ông Nguyễn Trung bức xúc: Sau 30 năm CNH-HĐH mà hôm nay ta vẫn phải đi xin ODA. Sau 30 năm CNH rồi mà kinh tế của ta chủ yếu vẫn do FDI…Ta vẫn chưa tự làm nổi đường sắt Bắc-Nam và đường cao tốc Bắc-Nam…Nước ta đến nay vẫn chưa trở thành NIC…Việt Nam đang tự biến thành nước cho thuê để hứng lấy những thứ biến nước ta thành “bãi thải công nghiệp” của nước khác…Việt Nam làm thân phận “cây tầm gửi” sau 30 năm CNH-HĐH vừa qua là quá đủ rồi. Phải rút kinh nghiệm ngay tức khắc! Phải thay đổi các thể chế cần thiết để ta tự đứng lên làm bằng được như vậy! (Ông Trung nói đúng, nhưng quá muộn).
Nếu Bộ GTVT để cho nhà thầu Trung Quốc làm đường cao tốc Bắc-Nam thì “sẽ mất dân và có thể mất nước”. Không được! Nhưng nếu định gạt nhà thầu Trung Quốc khỏi dự án này, thì họ có thể trả đũa, “ta có chạy đằng trời cũng không thoát”. Phải chăng đó là thế mắc kẹt “catch-22” (damned if you do, damned if you don’t). Ông Trung đặt câu hỏi “tại sao nhất thiết cứ phải có con đường cao tốc Bắc-Nam vào lúc này” để tự gây khó cho mình như thế này? Có khác gì tự sát không? Nếu chưa có đường cao tốc này thì ai chết? Theo ông Trung, ta nên hoãn làm dự án này, để chờ mấy năm sau đủ lực sẽ tự làm. (“Việt Nam nên nói thật với Trung Quốc về đường cao tốc Bắc Nam”, Nguyễn Trung, Viet-Studies, 7/4/2019).
Ông Trung khuyên nên xem lại các bài học đau đớn như bauxite Tây Nguyên, tuy cả nước phản đối nhưng vẫn làm bằng được, để nay thua lỗ trở thành một gánh nợ lớn (hơn một tỷ USD) và là quả bom môi trường nổ chậm vì “bùn đỏ” đe dọa cả vùng đồng bằng phía dưới. Đó là bài học về dự án thép Formosa, đe dọa hủy hoại môi trường biển miền Trung và an ninh quốc gia. Đó là bài học về đường sắt trên cao Cát Linh- Hà Đông, một kinh nghiệm xấu về đội vốn cao, chậm tiến độ, và chất lượng xấu vì công nghệ lạc hậu. Theo Tuổi Trẻ (5/4/2019) trong quý I/2019, Việt Nam phải trả nợ US$ 4.27 tỷ (mỗi ngày phải trả US$ 47.5 triệu).
Theo ông Trung, ta “nên nhân dịp này nói thật với Trung Quốc tất cả”…để họ hiểu tại sao ta phải quyết định chọn con đường “tự làm lấy đường cao tốc này, hoàn toàn không phải vì chống Trung Quốc”…Phải nói thẳng với họ về những kinh nghiệm đau đớn trong hợp tác Việt-Trung, những sai lầm và thiếu sót của cả hai bên (chủ yếu phía ta nhân nhượng quá đáng, phía họ lấn tới quá đáng). Nhưng tôi e rằng “nói thật, nói thẳng” thường chỉ có tác dụng khi đối tác là những người tử tế, chứ không hiệu quả khi đối tác là “Frankenstein”.
Cải cách thể chế
Việt Nam đã cải cách thể chế (vòng một) từ năm 1986, tạo ra động lực đổi mới và phát triển khá ấn tượng. Nhưng đến nay, những động lực đó đã hết đà, đang gây ách tắc (như “trên bảo dưới không nghe” hoặc “trên nóng, dưới lạnh”). Để phát triển bền vững trong thời đại kỹ thuật số, “chính phủ kiến tạo” cần cải cách thể chế toàn diện (vòng hai) để tháo gỡ ách tắc (về cả kinh tế/chính trị và văn hóa/giáo dục) nhằm tạo động lực mới để phát triển.
“Báo cáo Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ” (do World Bank và MPI công bố 23/2/2016) khuyến nghị Việt Nam cải cách thể chế, dựa trên ba trụ cột phát triển với 6 chuyển đổi lớn để tăng năng suất, đưa Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2035. Nhưng đến nay Việt Nam vẫn chưa bắt đầu triển khai cải cách thể chế với ba trụ cột: (1) Thịnh vượng kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường; (2) Công bằng và hòa nhập xã hội; (3) Nâng cao năng lực và trách nhiệm giải trình của nhà nước.
Vì vậy, thành quả kinh tế đang bị triệt tiêu, Việt Nam vẫn tụt hậu so với các nước láng giềng, với năng suất lao động vào loại thấp nhất khu vực. Về tài chính, thu không đủ chi, ngân sách thâm hụt. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảnh báo “nợ công vượt trần”, có nguy cơ “sụp đổ tài khóa quốc gia”. Sau 2 năm chống tham nhũng quyết liệt (với “người đốt lò vĩ đại” dẫn dắt), Việt Nam vẫn tụt hạng về “chỉ số chống tham nhũng” (CPI 2018).
Bên cạnh những ách tắc về kinh tế/chính trị, thì văn hóa/giáo dục cũng đang xuống cấp nghiêm trọng. Lâu nay, nếu giở báo ra đọc hay vào mạng xem, người ta thấy đầy rẫy mấy chuyện “cướp, giết, hiếp”. Đây không chỉ là những nội dung gây sốc để báo chí lá cải “câu view”, mà còn phản ánh một thực trạng xã hội đầy bất ổn, vì “thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Nhưng điều đáng nói là thực trạng bức xúc đó diễn ra “lâu dần thành quen”, làm người ta dễ chấp nhận như “chuyện bình thường” (new normal) hay “việc đã rồi” (fait accompli).
Theo ActionAid Việt Nam (khảo sát năm 2016), cứ 4 người ít nhất có 3 người (phụ nữ và trẻ em) đã từng bị quấy rối tình dục nơi công cộng. Có 47 % nạn nhân giữ im lặng thay vì trình báo công an hay cảnh báo cho người khác. Theo Bộ Lao Động & TBXH, hơn 2000 trẻ em mỗi năm bị lạm dụng. Gần đây, những vụ xâm hại tình dục trẻ em ngày càng gia tăng, chiếm 80% tội phạm xâm hại trẻ em, trong khi bạo lực học đường trở thành vấn nạn.
Những vụ tấn công tình dục nữ sinh và bé gái liên tiếp xảy ra, không phải ngoài đường phố hay trên tàu xe, mà trong thang máy tại những tòa nhà có hệ thống camera an ninh giám sát. Những kẻ tấn công tình dục gần đây không chỉ là các nhóm lưu manh côn đồ có văn hóa thấp mà còn là những người đàn ông có vị trí khá cao trong xã hội. Điều làm dư luận bức xúc và bất bình là cách xử lý của cơ quan hành pháp và công quyền không đủ răn đe. Đáng chú ý là 2 vụ tấn công tình dục nữ sinh viên và bé gái trong thang máy tại Hà Nội và TP HCM.
Khủng hoảng lòng tin
Theo các nguồn báo chí, ngày 18/3/2019, Đỗ Mạnh Hùng (quản lý một văn phòng xuất khẩu lao động), đã tấn công tình dục nữ sinh viên PHV trong thang máy tại tòa nhà Golden Palm, đường Lê Văn Lương, quận thanh Xuân, Hà Nội. Hùng đã bị Công an Thanh Xuân xử phạt “200 ngàn đồng” (theo Điểm a, Khoản 1, Điều 5 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP). Mức phạt đó tương đương với mức phạt hành vi tiểu tiện nơi công cộng, để gia súc phóng uế nơi cộng cộng, không quét dọn rác xung quanh nhà…(theo Điểm d, Điều 7, Nghị định nói trên).
Chỉ hai tuần sau, ngày 1/4/2019, Nguyễn Hữu Linh (cựu viện phó VKSND TP Đà Nẵng) đã tấn công tình dục một bé gái 7 tuổi trong thang máy tại tòa nhà Galaxy 9, đường Nguyễn Khoái, quận 4, TP HCM. Chưa biết Linh sẽ bị xử lý thế nào, liệu có bị phạt “200 ngàn đồng” (theo “quy định” hay không). Gia đình bé gái không muốn tố giác vì lo ngại quá trình điều tra sẽ tác động tiêu cực đến tâm lý của cháu bé, hoặc đã mất lòng tin vào công lý.
Thượng tướng công an Lê Quý Vương thừa nhận luật pháp Việt Nam hiện còn nhiều bất cập và bình luận một cách bất lực: “Rất khó…Cái này là vấn đề giáo dục đạo đức con người”. Phải chăng vì vậy mà Khá Bảnh (một “giang hồ trên mạng”) được người dân (nhất là giới trẻ) hâm mộ đến cuồng nhiệt. Trong khi đó, “soái ca” Dương Minh Tuyền (của giới giang hồ ) đã ngang nhiên “thế thiên hành đạo” về thăm và hỗ trợ tiền bạc cho gia đình nữ sinh lớp 9 tại Hưng Yên bị 5 bạn nữ cùng lớp lột quần áo và hành hung một cách dã man. Bắt Khá Bảnh không giải quyết được vấn đề, vì sẽ có Khá Bảnh khác (thậm chí còn tệ hơn).
Những cái tên như Sầm Đức Xương (hiệu trưởng, Hà Giang), Nguyễn Khắc Thủy (cựu cán bộ ngân hàng, Vũng Tàu), Đỗ Mạnh Hùng (viên chức, Hà Nội), Nguyễn Hữu Linh (cựu viện phó VKSND, Đà Nẵng) đã trở thành “nổi tiếng” (vì xâm hại trẻ em). Nhưng họ không phải là giới lưu manh giang hồ (như Khá Bảnh hay Dương Minh Tuyền), mà là cán bộ đảng viên trong hệ thống công quyền hoặc tổ chức của đảng và nhà nước (nhưng đã bị biến chất). Đây là dấu hiệu của khủng hoảng nhân cách, đang làm người dân mất hết lòng tin
Nói cách khác, người dân đang bị mắc kẹt trong một cái bẫy vô hình. Bên phải là những cán bộ biến chất nhưng vẫn “đeo mặt nạ” (như Đỗ Mạnh Hùng và Nguyễn Hữu Linh). Bên trái là giới giang hồ nhưng đang “đổi mới” (như Dương Minh Tuyền và Khá Bảnh). Bên trên là hệ thống pháp luật và công quyền nhưng thường bao che cho tội phạm vì lợi ích nhóm hoặc bất lực (như tướng Lê Quý Vương thừa nhận). Nếu Việt Nam không cải cách thể chế toàn diện (kể cả ngành tư pháp và giáo dục) người dân sẽ phải sống trong một môi trường bất an (như “thập diện mai phục”) hoặc họ phải “bỏ phiếu bằng chân” (dù muốn hay không).
Lời cuối
Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Không nên chỉ kêu ca và đổ lỗi cho người khác mà không nhìn lại chính bản thân mình. Người ta nói “dân nào thì chính phủ ấy”. Có thể nói, giới quan chức biến chất (lề phải) hay giới giang hồ lộng hành (lề trái) hay hệ thống quyền lực (nhưng bất lực) là hệ quả tất yếu của một thể chế lỗi thời, một nền giáo dục lạc hậu, không có pháp quyền (rule of law) do cơ chế thị trường định hướng XHCN. Muốn thoát khỏi thực trạng đó, người dân phải nâng cao dân trí và thoát khỏi nỗi sợ hãi (freedom from fear), như cụ Phan Châu Trinh đã vạch ra cách đây một thế kỷ. Đó là “khai dân trí-chấn dân khí-hậu dân sinh”.
Nguyễn Quang Dy
Viet-Studies
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét