Việt Nam cần dè chừng Trung Quốc trong quan hệ quốc phòng với Mỹ? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2019

Việt Nam cần dè chừng Trung Quốc trong quan hệ quốc phòng với Mỹ?


Bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch (ở giữa, bên phải) tiếp đón Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Hoa Kỳ, Đô đốc Phillip Davidson (ở giữa, bến trái) ngày 16/04/19.

Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Hoa Kỳ, Đô đốc Phillip Davidson đang có chuyến thăm Việt Nam. Giới chuyên gia nhận định hai nước cựu thù đẩy mạnh mối quan hệ quốc phòng trong vài năm trở lại đây. Vấn đề được nêu ra Việt Nam cần phải dè chừng Trung Quốc hay không khi tăng cường bang giao với Mỹ, nhất là trong lãnh vực quốc phòng?

Đài RFA ghi nhận ý kiến chuyên gia trong phần sau.

Hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ thăm Việt Nam lần 2

Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Hoa Kỳ, Đô đốc Philip Davidson bày tỏ mong muốn một tàu sân bay của Mỹ sẽ thăm Việt Nam trong tháng 9 năm nay.

Đô đốc Philip Davidson đang có chuyến thăm lần đầu tiên đến Việt Nam và ông phát niểu như vừa nêu vào ngày 17 tháng 4, trong lúc gặp gỡ với giới chức tỉnh Khánh Hòa. Trước đó vào chiều ngày 16 tháng 4, Đô đốc Philip Davidson cũng bày tỏ với Bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam-Đại tướng Ngô Xuân Lịch rằng cùng với mối quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước thì hợp tác quốc phòng ngày càng phát triển tốt đẹp.

Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của Hoa Kỳ đã thực hiện chuyến thăm hữu nghị, cập cảng Đà Nẵng vào tháng 3 năm 2018, đánh dấu sự kiện lịch sử tàu chiến Mỹ đến Việt Nam lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Việt Nam kết thúc hồi năm 1975. Và với mong muốn của Mỹ qua Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Hoa Kỳ, Đô đốc Philip Davidson được thực hiện thì hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ thăm Việt Nam trong hai năm liên tiếp.

Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về các vấn đề an ninh khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, ông Randall Schriver, trong Hội thảo về quan hệ Hoa Kỳ Việt Nam, được tổ chức tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) ở thủ đô Washington vào ngày 3 tháng 4 cho biết Hoa Kỳ rất hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận với Chính phủ Việt Nam cho chuyến thăm hàng không mẫu hạm lần thứ hai trong năm 2019 và hy vọng rằng đó sẽ là thông lệ giữa hai nước và là dấu hiệu của một mối quan hệ chiến lược và hoàn thiện.

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, một nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế tại Singapore nhận định với RFA rằng trong bối cảnh có những biến động ở Biển Đông, ở Bắc Á, ở Đài Loan, ở Trung Quốc và chính sách của Hoa Kỳ ở Ấn Độ-Thái Bình Dương trong việc duy trì tự do hàng hải và trật tự thế giới thì Việt Nam ủng hộ chính sách này của Mỹ cũng như sự phát triển về hợp tác quốc phòng giữa Hà Nội với Washington trên quan điểm và lập trường bảo vệ lợi ích hợp pháp quốc gia là một lẽ tự nhiên và phù hợp thông lệ quốc tế. Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nhấn mạnh:

“Việt Nam tham gia việc bảo vệ lợi ích quốc gia của mình trong bối cảnh Hoa Kỳ triển khai các mặt về chiến lược ở Ấn Độ-Thái Bình Dương theo năng lực của Việt Nam. Thế thì hai lần hàng không mẫu hạm của Mỹ đến Việt Nam, lần trước hồi năm ngoái và lần này trong tháng 9 tới đây có ý nghĩa quan trọng, đưa mối quan hệ quốc phòng giữa hai nước lên một mức độ mở rộng hơn, toàn diện hơn.”

Gia tăng hợp tác quốc phòng

Việt Nam tham gia việc bảo vệ lợi ích quốc gia của mình trong bối cảnh Hoa Kỳ triển khai các mặt về chiến lược ở Ấn Độ-Thái Bình Dương theo năng lực của Việt Nam. Thế thì hai lần hàng không mẫu hạm của Mỹ đến Việt Nam, lần trước hồi năm ngoái và lần này trong tháng 9 tới đây có ý nghĩa quan trọng, đưa mối quan hệ quốc phòng giữa hai nước lên một mức độ mở rộng hơn, toàn diện hơn

-TS. Hà Hoàng Hợp
Hồi trung tuần tháng 2 vừa qua, tại buổi điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương, Đô đốc Philip Davidson nhắc đến Việt Nam và Mỹ chia sẻ nhiều vấn đề liên quan đến luật pháp quốc tế như tự do hàng hải và Việt Nam là một trong những quốc gia phản đối mạnh mẽ nhất trong tranh chấp ở Biển Đông. Đô đốc Philip Davidson còn cho biết Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương do ông chỉ huy ưu tiên củng cố năng lực hàng hải của Việt Nam qua việc hỗ trợ Việt Nam mua máy bay trinh sát không người lái-Scan Eagle UAV và máy bay huấn luyện T-6 và thêm chiếc tàu thứ hai của Lực lượng Tuần duyên Mỹ.

Tại buổi tiếp đón Đô đốc Philip Davidson vào chiều ngày 16 tháng 4, Bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch lên tiếng xác nhận hợp tác quốc phòng Việt-Mỹ ngày càng phát triển, thể hiện qua một số lĩnh vực hợp tác trao đổi, đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc và khắc phục hậu quả chiến tranh…

Hồi đầu tháng 8 năm 2018, truyền thông trong nước loan tin Việt Nam ký kết hợp đồng mua vũ khí của Hoa Kỳ trị giá gần 100 triệu đô la Mỹ (USD), dẫn nguồn từ một quan chức của Bộ Ngoại Giao Mỹ tiết lộ với Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) Việt ngữ về thông tin này. Đài VOA cho biết thêm các hợp đồng bán vũ khí cho Việt Nam đã được trình lên Quốc Hội Hoa Kỳ và đang được thực hiện để chuyển giao cho Việt Nam.

Trước đó vào năm 2016, bên lề Diễn đàn An ninh Đối thoại Shangrila ở Singapore, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Việt Nam-Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh trả lời Reuters liên quan câu hỏi về khả năng Việt Nam sẽ mua vũ khí của Mỹ sau khi lệnh cấm vận vũ khí được dở bỏ rằng khả năng mua vũ khí là một phần trong tăng cường quan hệ Việt Mỹ và việc cải tiến quân sự của Việt Nam chỉ nhằm phục vụ cho mục đích phòng vệ.

Quan ngại về Trung Quốc

 Tàu USS Carl Vinson đậu tại cảng Tiên Sa, Đà Nẵng hôm thứ hai, ngày 5/3/2018. AP 
Một sự kiện đáng chú ý trong hợp tác Việt-Mỹ được giới chuyên gia đặc biệt quan tâm là chuyến đi thăm Mỹ của Chủ tịch nước, kiêm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong mùa hè tới đây. Qua một bài viết nhận định về chuyến đi này của ông Nguyễn Phú Trọng, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, một nhà quan sát tình hình Việt Nam cho rằng một trong những nội dung trọng tâm sẽ là “làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác quốc phòng” và làm thế nào để Mỹ và Việt Nam cùng khai thác ở mỏ Cá Voi Xanh, tại vùng biển miền Trung Việt Nam với trữ lượng dầu lên đến 150 tỷ mét khối, do Tập đoàn Dầu khí ExxonMobil của Mỹ và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hợp tác liên doanh.

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng ghi nhận mối quan hệ Việt-Mỹ được “nồng ấm” hơn kể từ tháng 7 năm 2017, sau vụ Trung Quốc đe dọa tấn công mỏ dầu khí Cá Rồng Đỏ, liên doanh giữa Việt Nam và Tập đoàn Repsol của Tây Ban Nha, đã khiến tậ p đoàn Repsol “bỏ của chạy lấy người” và Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Ngô Xuân Lịch đã phải có một chuyến đi vội vã sang Hoa Kỳ, và sau đó Mỹ đã điều động hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson đến Việt Nam.

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, trong bài viết nhận định về chuyến thăm của ông Nguyễn Phú Trọng đến Mỹ, tiên liệu nếu mọi chuyện được suôn sẻ thì rất có khả năng Việt Nam và Mỹ sẽ ký kết một văn bản về tương trợ quốc phòng như Mỹ đã ký với Philippines, hoặc ít ra là một bản ghi nhớ để thực hiện việc đó, thậm chí để chuẩn bị cho “Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Mỹ-Việt”.

Trước xu hướng gia tăng hợp tác quốc phòng Mỹ-Việt, một số chuyên gia lên tiếng cảnh báo Việt Nam cần phải chú ý đến thái độ của Trung Quốc, chẳng hạn như Thạc sĩ Hoàng Việt, một chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông. Thạc sĩ Hoàng Việt cho rằng việc Trung Quốc vào ngày 10 tháng 4 loan tin chuyển giàn khoan Đông Phương 13-2 CEPB ra vùng trũng Quỳnh Hải ở khu vực Vịnh Bắc Bộ là cách mà Trung Quốc muốn “nắn gân” Việt Nam trước khi ông Nguyễn Phú Trọng tới Hoa Kỳ.

Trả lời câu hỏi của RFA liệu rằng Trung Quốc sẽ phản ứng khi mối quan hệ Việt-Mỹ phát triển tốt đẹp, đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng, Thạc sĩ Hoàng Việt nhấn mạnh:

“Chắc chắn rồi. Nói chung là Trung Quốc không thích những gì vượt quá khỏi Trung Quốc.”

Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung, một chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Sài Gòn cho rằng riêng trong hợp tác quốc phòng với Mỹ, Việt Nam sẽ rất thận trọng:

“Việt Nam không muốn đi quá nhanh trong mối quan hệ quốc phòng đối với Mỹ, bởi vì nguyên tắc của họ muốn cân bằng trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.”

Còn Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp thì khẳng định với RFA rằng khả năng Trung Quốc phản đối Việt Nam mua vũ khí của Mỹ là rất thấp:

“Trung Quốc không thể nào phản ứng được gì mạnh cả. Bởi vì về nguyên tắc mà nói thì tất cả vũ khí và thiết bị quân sự mà trực tiếp nhằm để tự vệ thì họ không nói Việt Nam được.”

Việt Nam không muốn đi quá nhanh trong mối quan hệ quốc phòng đối với Mỹ, bởi vì nguyên tắc của họ muốn cân bằng trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc

-TS. Nguyễn Thành Trung
Trong việc hợp tác cùng khai thác dầu khí ở mỏ Cá Voi Xanh giữa Mỹ và Việt Nam, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cũng khẳng định hai nước sẽ không ký kết thỏa thuận nào liên quan dự án này:

“Tôi cho là chẳng phải ký gì hết. Bởi vì khi có một hợp tác về kinh tế ở một địa điểm nào đấy thì luôn kèm theo đảm bảo về mặt an ninh. Ví dụ như khai thác ở Mỏ Cá Voi Xanh…Trước hết thì phía Hải quân và Không quân Việt Nam phải bảo vệ an toàn cho khu vực đó. Phía Mỹ làm chung với Việt Nam thì cũng có trách nhiệm bảo vệ ở đó. Chỉ cần ký giữa hai bên tham gia dự án là đủ mà không cần phải ký giữa hai quốc gia với nhau. Mỏ Cá Voi Xanh nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và Việt Nam là một nước có chủ quyền nên có quyền hợp tác với ai thì hợp tác. Hai, ba dự án trước đây đã rút như Repsol, Philip Conoco vì có thỏa thuận bên trong với nhau, chứ không phải do sức ép của Trung Quốc mà họ rút hay Việt Nam bắt rút vì sợ một nước thứ ba. Thế còn so sánh Việt Nam ký với Mỹ giống như Mỹ ký với Philippines là chưa có. Về mặt chính trị và mặt an ninh quốc tế mà nói thì việc này không xảy ra bây giờ được.”

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho rằng Việt Nam và Hoa Kỳ hợp tác dựa trên nguyên tắc là đồng thuận với nhau về việc hợp tác quốc phòng toàn diện, nhưng đảm bảo rằng hợp tác đó dựa trên việc bảo vệ trật tự quốc tế theo luật lệ quốc tế và thượng tôn pháp luật. Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nhấn mạnh điều đó có nghĩa là không một ai có thể có một sự đắn đo nào đối với một bên thứ ba.

Vào ngày 17 tháng 4, Truyền thông Việt Nam cho biết một phái đoàn gồm 10 nghị sĩ Mỹ vừa đến Việt Nam để khởi động dự án làm sạch chất độc dioxin ở sân bay Biên Hòa; đồng thời cũng sẽ bàn thảo các vấn đề khác như hợp tác thương mại, an ninh mạng, ứng phó với biến đổi khí hậu và vấn đề Biển Đông.


Hòa Ái
RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad