Giờ đây, mục tiêu “giải phóng Miền Nam” đã hoàn thành, trong cuộc ăn mừng chiến thắng này, Ông Lê Duẩn, người đứng đầu đảng CSVN (trước đó ngụy trang dưới cái tên Đảng Lao Động Việt Nam) đã không cần che dấu mục đích của cuộc “kháng chiến chống Mỹ cứu nước” là để “cướp chính quyền quốc gia” ở Miền Nam, thống nhất đất nước dưới chế độ xã hội chủ nghĩa (giai đoạn đầu của chủ nghĩa cộng sản). Nghĩa là dùng đã chiêu bài “ngụy dân tộc” và “chủ nghĩa yêu nước” để thực hiện chủ nghĩa cộng sản. Trong cơn say men chiến thắng, Ông Lê Duẩn đã mạnh mẽ khẳng định, rằng “trong vòng 15 đến 20 năm nữa chúng ta sẽ xây dựng thành cộng chủ nghĩa xã hội trên cả nước” (!?!).Phụ họa cho sự khẳng định đầy tự tin và tự hào này là những biểu ngữ đỏ, cờ đỏ sao vàng giăng mắc quanh khán đài và những con đường mà các đoàn thể quần chúng đang xếp hàng chờ diễu hành qua khán đài.Rằng “Đảng CSVN người tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam muôn năm”; rằng “Chủ nghĩa Mác-Lê bách chiến bách thắng muôn năm” (!?!).
Vậy thì, giờ đây sau 44 năm “giải phóng Miền Nam, thồng nhất đất nước” đảng và nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam (gọi tắt là Việt cộng) đã xây dựng xã hội chủ nghĩa vì sự nghiệp của cộng sản quốc tế đến đâu rồi, hiệu quả thế nào?
Nội dung bài viết này lần lượt trình bày:
I - Việt cộng xây dựng xã hội chủ nghĩa vì sự nghiệp cộng sản quốc tế thế nào, hiệu quả ra sao?
Trên thực tế, theo nhận định của chúng tôi, Việt cộng đã tiến hành công cuộc xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa qua ba giai đoạn:
* Giai đoạn I: (1975-1985) thường được gọi là “thời bao cấp”
Trong giai đoạn này, Việt cộng đã thực hiện triệt để mô hình xã hội chủ nghĩa theo một tiến trình như Liên Xô đã làm, kể từ sau khi Cộng đảng Bolsevick Nga lật đổ được chế đô Nga Hoàng, cướp được chính quyền vào năm 1917, thiết lập “Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết “ (gọi tắt là Liên-Xô). Bảng hiệu chế độ cũng giống luôn “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Theo gương Liê-Xô, Việt cộng tiến hành công cuộc “Đi lên chủ nghĩa xã hội mà không thông qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa” tại Việt Nam không như Karl Marx lý luận về chủ nghĩa cộng sản là phải thông qua giai đoạn phát triển tư bản. Nghị quyết Đại Hội IV của Cộng đảng Việt Nam đã đưa “Đường lối chung của Cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội trong cả nước” như một định thức chỉ đạo: “Nắm vững chuyên chính vô sản,phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng: Cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học kỹ thuật, cách mạng tư tương và văn hóa, trong đó cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt…”). Việt cộng đã thực hiện định thức này ra sao? hiệu quả thế sao?
1 - Thực hiện “Nắm vững chuyên chính vô sản, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động”
- Tiến hành ra sao?
Để “Nắm vững chuyên chính vô sản, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động” , Việt cộng đã thực hiện chính sách hai mặt: củng cố và phát triển bộ máy Đảng và bộ máy nhà nước ngày một vững mạnh,song song với tiến hành triệt hạ nguy cơ phản kháng (bằng chế độ tập trung cải tạo các sĩ quan, lãnh đạo chính quyền, đảng phái quốc gia…), truy quét,trấn áp, các cá nhân và tổ chức chống chế dộ (Việt cộng gọi là truy quét phản động). Đồng thời Việt cộng thực hiện cái gọi là “quyền làm chủ tập thể” thông qua cái gọi là “dân chủ tập trung” (trong tay đảng và nhà cầm quyền CS) để giám sát, ban phát quyền dân chủ cho nhân dân nào chỉ biết phục tùng thực hiện mọi chủ trương chính sách cai trị của “Đảng và nhà nước ta” (!)
Để củng cố và phát triển bộ máy đảng và nhà nước, Việt cộng đã học tập kinh nghiệm thống trị bằng bạo lực kềm kẹp, trấn áp nhân dân của Tầu cộng; rút kinh nghiệm tổ chức đảng, chính quyền và chính sách cai trị 21 năm ở Miền Bắc XHCN (1954-1975) vận dụng vào Miền Nam mới “Giải phóng”(!) . Bộ máy đảng luôn tồn tại song hành với bộ máy chính quyền (đã là gánh nặng ngân sách quốc gia) từ trung ương đến địa phương, trong mọi cơ quan, ban ngành, đoàn thể; thực hiện triệt để định thức cai trị kềm kẹp “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”.
Để truy quét, trấn áp, tiêu diệt mọi sức đề kháng chống chế độ, Việt cộng đã dùng các công cụ chuyên chính vô sản (công an, quân đội, hệ thống tòa án công lý một chiều,nhà tù, pháp trường, khủng bố…). Để nắm được từng người dân, Việt cộng đã thực hiện triệt để chính sách hộ khẩu và chế độ tem phiếu thực phẩm, kết hợp với các thủ đoạn tuyên truyền lừa mị đối với mọi tầng lớp nhân dân, thực hiện khẩu hiệu “nghe thì sống, chống thì chết”.
- Hiệu quả ra sao?
Nhìn chung, với việc thực hiện triệt để chính sách hai mặt trên, Việt cộng đã “nắm vững được chuyên chính vô sản”; nghĩa là đã dùng bạo lực qua các công cụ của nền chuyên chính vô sản trấn áp thành công (chứ không tiêu diệt được) sức phản kháng và đưa được mọi tầng lớp nhân dân vào khuôn phép kỷ luật nhà binh.
Thật vậy, trong 5 năm đầu sau khi chiếm được Miền Nam (1975-1980), Việt cộng đã thực hiện triệt để những chủ trương, chính sách và các biện pháp căn bản trên đây. Việt cộng đã thành công trong việc “truy quét phản động”, ổn định và giữ vững được tình hình an ninh chính trị. Vì thực tế cao trào chống cộng của các cá nhân hay tổ chức ngày một lắng xuống. Nhờ đó, sau 5 năm kế tiếp (1980-1985), Việt cộng từng bước củng cố cơ cấu đảng và chính quyền các cấp, các ngành để tiến hành mạnh bạo các chủ trương, chính sách và biện pháp “Đi lên Xã hội xã hội chủ nghĩa” trên cả nước, dưới bảng hiệu chế độ “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
2 - Tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng như thế nào, hiệu quả ra sao?
Một cách tổng quát, trong giai đoạn I, cả ba cuộc cách mạnh nêu trong định thức “tiến lên chủ nghĩa xã hội” đều đã được Việt cộng thực hiện triệt để. Hiệu quả sau cùng tất cả đều thất bại hoàn toàn. Riên về kinh tế, mặc dầu cố gắng “Đổi mới” trong giai đoạn II (1985-1995) vẫn không cứu vãn được.Trong khuôn khổ một bài báo, chúng tôi chỉ đề cập chi tiết đến cuộc “cách mạng quan hệ sản xuất” mà Việt cộng tiến hành, vì cơ cấu kinh tế có tính quyết định sự thành bại của toàn bộ công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam.
(1) Mục tiêu cách mạng quan hệ sản xuất phải thành đạt là gì?
Là thực hiện các chủ trương, chính sách và biện pháp nhằm phá nát, tiêu diệt triệt để quan hệ sản xuất cũ, mà lý luận CS cho là mang tính áp bức, bóc lột (quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa mang tính tư hữu), để thiết lập từng bước, tiến tới thay thế hoàn toàn bằng quan hệ sản xuất mới không mang tính áp bức bóc lột (quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa mang tính công hữu).
(2) – Thực hiện thế nào?
Để phá đổ quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, thiết lập quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trên cả nước, Việt cộng đã thực hiện chủ trương, chính sách cải tạo công thương nghiệp, lưu thông phân phối và dịch vụ tư bản tư doanh nơi các thành thị và cải tạo nông nghiệp ở nông thôn với hai kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1976-1980, là tiếp mối kế hoạch 5 năm lần thứ nhất ở Miền Bắc XHCH trước 30-4-1975) và lần thứ ba (1981-1985).
* Thực hiện cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh: Vào giữa năm 1976, một loạt chủ trương, chính sách nhằm xóa bỏ nhanh chóng các thành phần kinh tế tư bản tư doanh và cá thể đã được Việt cộng ban hành và đi vào thực hiện có tính thăm dò thử nghiệm.Mặc dầu chỉ thực hiện trên qui mô nhỏ, song cũng đã gây chấn động lớn về kinh tế, xã hội và là nỗi kinh hoàng cho các đối tượng bị kiểm kê tài sản, nhất là những gia đình bị qui kết thành phần tư sản mại bản (vì trong quá khứ có liên hệ làm ăn với tư bản nước ngoài) hay tư sản dân tộc. Họ không những bị kiểm kê tịch thu hết tài sản, có khi còn bị tù đầy hay cưỡng bức rời thành phố đi lập nghiệp vùng kinh tế mới.Người ta gọi đây là thời kỳ đánh tư sản Đợi I.
Phải đợi cho đến sau Đại Hội IV (1976) của Cộng Đảng Việt Nam, chủ trương “Cải tạo” trên mới được chế độ thực hiện triệt để trên quy mô rộng lớn với cường độ mạnh mẽ thể hiện quyết tâm thực hiện khẩu hiệu tuyên truyền “đưa cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên Xã Hội Chủ Nghĩa”. Người ta gọi đây là thời kỳ đánh tư sản Đợi II. Lúc này, đích thân ông Đỗ Mười, Phó Chủ tịch Hội Đồng Bộ Trưởng đã lãnh đạo “đánh tư sản” ở Miền Nam trong chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm “Trưởng Ban Cải Tạo Trung Ương”.
Chung quy, đánh tư sản hay cải tạo tư sản là chế độ Việt cộng muốn nắm độc quyền kinh tế (khống chế lực lượng lao động,định đoạt phương thức sản xuất và chiếm dụng độc quyền nguyên vật liệu phương tiện sản xuất). Nghĩa là một kiểu nhà nước tư bản độc quyền,biến lực lượng sản xuất (mọi tầng lớp nhân dân) thành công cụ lạo động thực hiện các hoạt động kinh tế (sản xuất công,nông, thương nghiệp, kinh doanh, phân phối, tiêu thụ, dịch vụ…) dưới sự chỉ huy của chính quyền theo chính sách kinh tế hoạch định cứng rắn của nhà nước.
Hiệu quả ra sao?- Theo nhận định của chúng tôi, công cuộc cải tạo này đã thất bại hoàn toàn vì nó đã đụng chạm vào một trong những yếu tình thuộc về bản chất và cũng là quyền cơ bản của con người: Quyền tư hữu. Vì nó đã tước đoạt trắng trợn thành quả lao động , công lao mồ hôi nước mắt của cả một đời người hay bao đời truyền lại. Những nạn nhân đã uất ức vì bị cưỡng đoạt trắng tay, mất hết tài sản, gia đình ly tán, lại phải vào tù. Nhiều người quá uất ức đã nhẩy lầu tự vẫn, dùng độc dược quyên sinh hay tìm cái chết oan nghiệt qua sợi giây thong lọng tự treo cổ mình.
Thực tế là, sau khi thực hiên các biện pháp “Cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh”, Việt cộng đã không gặt hái được hiệu quả mà chỉ tạo ra một hậu quả tai hại về mặt kinh tế vĩ mô cũng như vi mô.Bởi vì nó đã phá nát quan hệ sản xuất cũ là cùng lúc tiêu hủy các nhà sản xuất kinh doanh có tài và kinh nghiệm (vốn quý mà mãi sau này Việt cộng mới nhận ra muộn màng trong thời kỳ đổi mới, mở cửa…),là phá nát các cơ cấu, cơ sở sản xuất kinh doanh vốn có hiệu quả kinh tế bao lâu nay ở Miền Nam.
Hậu quả thực tế là, các hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ, xáo trộn, ách tắc, năng xuất thấp, phẩm chất xấu, sản lượng giảm, hạch toán lỗ lã triền miên, cung cầu mất cân đối, dẫn đến khó khăn trong lưu thông phân phối hàng hóa, rối loạn thị trường.Từ đó, sự độc quyền nhà nước sản xuất, kinh doanh, phân phối tiêu thụ dẫn đến tệ nạn chợ đen, móc ngoặc, tham ô làm giầu bất chính cho một thiểu số những kẻ có chức, có quyền trong guồng máy kinh tế độc quyền (cán bộ đảng viên cộng sản và những kẻ ăn theo), trong khi đa số nhân dân (lực lượng sản xuất chủ yếu) thì đời sống ngày một khó khăn thiếu thôn, đã nghèo ngày càng nghèo thêm, dù đã lao động cật lực vẫn không đủ sống, vì đồng lương chết đói, không tương xứng với sức lao động bỏ ra.
Trong khi chế độ nỗ lực “cải tạo tư sản mại bản, tư sản dân tộc và các thành phần kinh tế tư bản chủ nghĩa khác” để biến tất cả thành “vô sản”, thì thực tế đã tạo tiền đề đẻ ra các nhà tư sản mới (tư bản đỏ vỏ xanh lòng) ngày một đông đảo, sau mỗi đợt cải tạo và trong khi thực hiện chủ trương chính sách xây dựng quan hệ sản xuất mới Xã Hội Chủ Nghĩa (công, thương nghiệp nhà nước, tổ hợp quốc doanh…). Người dân gọi những nhà tư sản mới phát lên này (thường là cán bộ đảng viên có chức có quyền…) nhờ công cuộc xây dựng quan hệ sản xuất mới xã hội chủ nghĩa, là các nhà “Tư sản hay tư bản Đỏ” (Còn hầu hết nhân dân được gọi mỉa mai là “Tư sản mại sản” vì phải bán dần của cải, đồ đạc trong nhà để duy trì sự sống …)
* Thực hiện chủ trương chính sách cải tạo nông nghiệp thì sao?
Cải tạo nông nghiệp là phá đổ quan hệ sản xuất cũ (tư hữu đất đai, phương thức canh tác và tư liệu sản xuất), thiết lập quan hệ sản xuất mới (công hữu đất đai, công liệu và tập thể hóa nộng nghiệp) bằng chủ trương, chính sách “tập thể hóa nông nghiệp”. Với chủ trương đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân (công hữu), từ địa chủ ngồi thu đia tô, đến nông dân trực canh, là chủ đất ít nhiều hay tá điền đều không có quyền sở hữu đất đai. Chính sách cải tạo căn cứ vào số ruộng đất sở hữu mà quy kết thành phần địa chủ, phú nông, nông dân trực canh hay tá điền mướn ruộng canh tác để có những biện pháp cải tạo khác nhau.
Trên thực tế, có lẽ Việt cộng đã rút được bài học kinh nghiệm cải tạo nông nghiệp tàn bạo ở Miền Bắc sau năm 1954 qua các cuộc đấu tố dã man thành phần bị quy kết địa chủ, phú nông cường hào ác bá ở nông thôn, nên những thành phần bị quy kết là địa chủ hay cường hào ác bá ở Miền Nam chỉ bị tịch thu hết đất đai, tài sản, phương tiện sản xuất, một số bị tù đầy, hay trở thành nông dân trực canh như mọi nông dân khác có hay không có ruộng đất canh tác trước đây, đều phải đi vào con đường làm ăn tập thể, được tổ chức từ thấp đến cao: Tổ sản xuất, hợp tác xã, nông trường quốc doanh…Tất cả đều lao động tập thể và thành quả lao động được hưởng theo sự chấm công của tổ chức.
Hiệu quả ra sao? Trong thời khoảng này (1975-1985) công cuộc cải tạo nông nghiệp ở nông thôn cũng đi đến thất bại như công cuộc cải tạo công, thương nghiệp tư bản tư doanh ở các thành thị Miền Nam.Các hình thức lao động sản xuất tập thể, dù do các tập thể tự quản (Tổ, Đội lao động, Hợp tác xã nông ngghiep…) hay do nhà nước quản lý (nông trường quốc doanh…) đều không đem lại hiệu quả kinh tế.
Bởi vì phương thức sản xuất mới gọi là “Xã Hội Chủ nghĩa” đã đi ngược với qui luật tự nhiên và quan hệ sản xuất mới (XHCN) là quan hệ bóc lột còn tàn tệ, bất công hơn nhiều so với quan hệ sản xuất cũ muốn hủy bỏ (quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa).
Phương thức sản xuất mới trái với qui luật tự nhiên là vì con người ai cũng có đầu óc tư hữu, tư lợi. Chính đầu óc này đã là động lực thúc đẩy người ta hăng say lao động sản xuất, làm việc quên mình và quên thời gian. Vì ai cũng nghĩ thành quả lao động họ sẽ gặt hái cho mình để toàn quyền xử dụng cho các nhu cầu cuộc sống cá nhân, gia đình; phần còn lại tích lũy, đầu tư làm giàu và sau khi chết của cải để lại cho con cái…
Nay Việt cộng ép buộc mọi người vào con đường làm ăn tập thể, bằng chế độ chấm công, dù có dùng các hình thức kích thích cách nào, như “thi đua lao động” để đạt danh hiệu “cá nhân tiên tiến” hay “Anh hùng lao động”… vẫn không lôi kéo được nông dân làm việc hết sức như cho chính mình. Thái độ lao động chung là làm việc cầm chừng, làm hết giờ chứ không làm hết việc. Với tinh thần “Cha chung không ai khóc”, người ta sẵn sàng làm ngơ trước những việc phải làm để cứu lúa, cứu mùa khi có thiên tai, dịch họa; không muốn phát huy sáng kiến canh tác, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng xuất… nên sản lượng nông nghiệp sau cải tạo không tăng mà ngày một giảm nghiêm trọng.
Hậu quả là cả nước lâm vào tình trạng thiếu lương thực nặng nề. Vào những năm cuối thấp niên 70 và đầu thập niên 80, nhân dân cả nước đã phải ăn bo-bo là thực phẩm dành cho gia súc nhập cảng từ Liên-Xô vì thiếu gạo do sai lầm về chính sách kinh tế vĩ mô cũng như vi mô và còn phải trả nợ trong chiến tranh cho Trung quốc. Thật không ai có thể tưởng tượng được là một nước vốn có tiềm năng mạnh về nông nghiệp, trong quá khứ từng là nước hàng năm xuất cảng gạo hàng đầu trong vùng Đông Nam Á, mà nay nhân dân thiếu đói phải ăn độn đủ loại thực phẩm trong đó có thực phẩm vốn chỉ dành cho súc vật.Đời sống nhân dân cả nước đói khổ hơn cả thời kỳ sống dưới chế độ thực dân Pháp!
Tựu chung, quan hệ sản xuất mới xã hội chủ nghĩa trên lãnh vực nông nghiệp cũng như công, thương nghiệp, chỉ mới manh nha song đã thể hiện đầy đủ tính áp bức, bóc lột còn tàn tệ hơn quan hệ sản xuất cũ tư bản chủ nghĩa mà Việt cộng muốn xóa bỏ. Một sự bóc lột độc quyền nhà nước trên nguyên tắc, trên thực tế một cách cụ thể là sự bóc lột độc quyền của một giai cấp mới, “Giai cấp cán bộ, đảng viên cộng sản” có chức, có quyền trong cơ cấu đảng, chính quyền và cơ cấu kinh tế.Chính những thất bại thảm hại trong việc thực hiện chủ trương cải tạo công, thương, nông nghiệp, lưu thông phân phối hàng hóa và dịch vụ tư bản tư doanh, Việt cộng đã phải tìm cách cứu nguy bằng chính sách “Đổi mới” theo gương Liên Xô trước đây.
Thật vậy, Liên Xô, sau khi lật đổ chế độ Nga Hoàng (1917), cũng quyết tâm đưa cả nước “Đi thẳng lên chủ nghĩa xã hội không qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa phát triển”, bằng kế hoạch 5 năm lần thứ nhất thất bại(1917-1922), Lenin và Cộng đảng Bolsevick Nga đã đưa ra “Chính sách Kinh tế Mới” để sửa sai. Chính sách này đã giúp Liên Xô vượt qua khó khăn ban đầu và tồn tại thoi thóp thêm nhiều thập niên sau đó, cho đến năm 1985 khi Mikhail Gorbachev lên nắm quyền Tổng Bí Thư Cộng đảng Liên Xô đã cùng các đồng chí cấp tiến trong Cộng đảng Liên Xô phải thực hiện cải cách để cứu nguy chế độ xã hội chủ nghĩa Liên Xô sau 68 năm xây dựng (1917-1985). Thế nhưng, họ đã không thành công trong ý đồ cải cách để vẫn duy trì được chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô.Vì chỉ sau một năm đưa ra được những nhận định thức thời (Trong Hội Nghị Toàn Liên Bang Xô-Viết lần Thứ 19 ngày 28-6-1988) và chưa đầy bốn năm (1988-1991) thực hiện chương trình “Cải tổ” (Glasnost) và “Cởi mở” (Perestroika), Liên Bang Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Xô-Viết đã sụp đổ hoàn toàn vào năm 1991. Nay một lần nữa Việt cộng lại bắt chước Liên-Xô, thực hiện chủ trương, chính sách “Đổi Mới” cũng để để cứu nguy công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội đã thất bại sau hai kế hoạch ngũ niên (1976-1985).Thực hiện “Đổi mới” thế nào, hiệu quả ra sao?
* Giai đoạn II: Thực hiện chính sách “Đổi Mới” (1985-1995)
(1) Nguyên nhân và mục tiêu của “Đổi mới”
Trước những thất bại thực tế khi thực hiện định thức xây dựng xã hội chủ nghĩa về kinh tế trong thời khoảng 1975-1985, nghị quyết Đại Hội VI của Cộng Đảng Việt Nam năm 1986, đã đưa ra chủ trương, chính sách “Đổi Mới” về kinh tế để sửa sai.(nhưng không đổi mới chính trị)
Đại Hội VI của Cộng đảng Việt Nam năm 1986 đã nhận định lạnh lùng có tính “huề cả làng” về cái gọi là “những sai lầm về chỉ đạo chiến lược và tổ chức thực hiện” là do “những biểu hiện nóng vội, muốn xóa bỏ ngay những thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa”, do cái gọi là “bệnh chủ quan duy ý chí”. Rồi thừa nhận “cơ cấu kinh tế nhiều thành phần ở nước ta còn tồn tại một thời gian tương đối dài” trong suốt “Thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội”.
Chấp nhận cơ cấu kinh tế nhiều thành phần là cho cùng tồn những thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa bên cạnh các thành phần kinh tế tư bản chủ nghĩa (còn gọi là phi xã hội chủ nghĩa).Nhưng coi các thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa sẽ đóng vai chủ đạo, chủ động từng bước mạnh lên, triệt tiêu các thành phần kinh tế tư nhân tư bản chủ nghĩa, sau cùng thành đạt quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa để tiến lên xã hội chủ nghĩa.
(2) Tiến hành “Đổi mới” thế nào?
Thất bại nên phải “Đổi mới” về phương cách nhưng vẫn giữ vững mục tiêu “Đi lên chủ nghĩa xã hội không thông qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa”
Thực hiện “Đổi mới” qua hai kế hoạch 5 năm lần thứ tư (1986-1990) và thứ năm(1991-1995), trên lãnh vực công, thương nghiệp, Việt cộng cho các hình thức sản xuất kinh doanh, phân phối, dịch vụ tư nhân cá thể hay tập thể (công ty, tổ hợp, cá nhân..), bên cạnh hệ thống công tư hợp doanh và quốc doanh đóng vai trò chủ đạo.
Trên lãnh vực nông nghiệp cũng thế, Việt cộng chấp nhận giao lại một phần ruộng đất cho nông dân canh tác trực canh cá thể hay tập thể, khoán sản phẩm hay nộp thuế nông nghiệp, tồn tại song song với các công, nông trường quốc doanh. Tuy nhiên Việt cộng chỉ cấp quyền xử dụng đất cho người nông dân, quyền sở hữu đất đai thì vẫn giữ thuộc “quyền sở hữu toàn dân” (tức thuộc nhà nước,tức thuộc đảng Cộng sản Việt Nam, vì “Đảng ta”cũng là “nhà nước ta”, “ nhà nước ta và Đảng ta”tuy hai là một, trong chế độ độc tài đảng trị Việt cộng).
Chiến thuật của “Đổi mới” là tạm thời Việt cộng “lùi một bước” (chấp nhận sự tồn tại của các thành phần kinh tế tư nhân cá thể phi xã hội chủ nghĩa trên lãnh công, nông, thương nghiệp và dịch vụ…) để sửa chữa sai lầm, rồi tiến hai bước theo hướng “ đi lên kinh tế xã hội chủ nghĩa” (với ý định dùng thành phần kinh tế quốc doanh đóng vai chủ đạo ngày một lớn mạnh sẽ tiêu diệt, thay thế dần dần các thành phần kinh tế tư nhân cá thể cũng như tập thể, để sau cùng thiết lập được quan hệ sản xuất công, nông, thương nghiệp xã hội chủ nghĩa…như tài liệu của Việt cộng dẫn chứng ở trên).
(3) Hiệu quả ra sao?
Trên thực tế, sau hai kế hoạch 5 năm “Đổi mới”(1986- 1995), mục tiêu sau cùng trên đã không đạt được vì các thành phần kinh tế tư nhân cá thể cũng như tập thể phi xã hội chủ nghĩa ngày một phát triển lớn mạnh, trong khi hệ thống kinh tế quốc doanh đóng vai chủ đạo thì ngày càng suy yếu, không chỉ là nguy cơ mà là một thực tế:các thành phần kinh tế tư nhân cá thể tư bản chủ nghĩa đã từng bước tiêu diệt các thành phần kinh tế quốc doanh, tập thể xã hội chủ nghĩa. Nhiều đơn vị kinh tế sản xuất kinh doanh công thương, nông nghiệp quốc doanh làm ăn hạch toán lỗ lã đã phải giải thể.
Như vậy là chính sách “Đổi mới” kinh tế sau 10 nằm đã không sửa sai, không cải tạo được các thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa. Hệ quả tất nhiên là đã không thiết lập được quan hệ sản xuất, kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Và như thế “Đổi mới” đã thất bại hoàn toàn vì các mục tiêu của cuộc cách mạng quan hệ sản xuất là một trong 3 cuộc cách mạng của định thức đưa cả nước “Tiến nhanh, tiến mạnh tiến vững chắc lên xã hội chủ nghĩa” đã không thành đạt.Nghĩa là thất bại hoàn toàn, nhưng Việt cộng vẫn không chịu thừa nhận, tiếp tục thực hiện “Thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội” bằng chính sách “Mở cửa” giao tiếp với bên ngoài qua con đường “kinh tế thị trường, dịnh hướng xã hội chủ nghĩa”
* Giai đoạn III: Thực hiện chính sách “Mở cửa” (Từ 1996 đến nay)
(1) - Nguyên nhân và mục tiêu “Mở cửa”
Thất bại trong chủ trương, chính sách“Cải tạo và xây dựng cơ sở ban đầu của xã hội chủ nghĩa” và “Đổi mới” cũng không cứu vãn được, Đại Hội VIII Cộng Đảng Việt Nam (1996) đã đưa ra nghị quyết thực hiện chính sách “Mở cửa” vẫn trong chủ trương, chính sách “Đổi mới kinh tế”, “không đổi mới chính trị”. Có khác chăng là việc thực hiện chủ trương, chính sách “đổi mới” trước đây diễn ra trong khung cảnh quốc nội, giao tiếp hạn hẹp với một số nước cùng chủng loại xã hội chủ nghĩa hay độc tài các kiểu; còn chủ trương ,chính sách “mở cửa” sau này cho đến nay, đã diễn ra trong khung cảnh mở rộng ra thế giới bên ngoài, giao tiếp đa phương với mọi nước dù khác chế độ chính trị, trong đó đa phần là các nước dân chủ tư bản chủ nghĩa.
(2)- Thực hiện thế nào?
Sở dĩ Việt cộng thực hiện được chủ trương, chính sách “Mở cửa” này khá thuận lợi là nhờ nước cựu thù “Đế Quốc Mỹ” thay đổi chính sách, bãi bỏ cấm vận, thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt cộng vào cuối năm 1995,không còn coi Việt cộng là “Đối phương” mà là một “Đối tác” làm ăn trên cơ sở “hai bên cùng có lợi”. Từ đó, mở ra cơ hội cho mỗi ngày một nhiều các nước tư bản chủ nghĩa trở thành đối tác làm ăn kinh tế với Việt cộng.
(3) - Hiệu quả ra sao?
Chính nhờ “Đế quốc Mỹ” cựu thù quay lại, từ “Đối phương” trong quá khứ chiến tranh thành “Đối tác” làm ăn trong hòa bình hiện tại và tương lai, trên căn bản hai bên cùng có lợi, đã giúp vực dậy công cuộc“Đổi mới” của Việt Cộng để có những bước phát triển “nhẩy vọt”, không phải “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên Xã Hội Chủ Nghĩa” bằng con đường “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”mà đã và đang “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa tư bản” .Vì con đường “Kinh tế thị trường” tất yếu phải “định hướng tư bản chủ nghĩa”. Và chính “kinh tế thị trường” đã tạo được những bước phát triển “nhẩy vọt” về kinh tế để Việt Nam có được bộ mặt phồn vinh như hôm nay (chứ không phải do con đường kinh tế thị trường theo định hướng Xã hội chủ nghĩa như Việt cộng ngụy biện). Đồng thời chính “môi trường mật ngọt kinh tế thị trường” đã từng bước
”tự diễn biến, tự chuyển đổi chế độ độc tài toàn trị, độc đảng” qua ‘chế độ dân chủ pháp trị, đa đảng” và sẽ hoàn tất ở cuối quá trình chuyển đổi, khi lượng dân chủ tích lũy thừa đủ theo “qui luật lượng đổi, chất đổi” như nước đun sôi đến 100 độ C sẽ bốc hơi.(Tiến trình này diễn ra như thế nào, chúng tôi sẽ trình bày chi tiết trong phần viết về “triển vọng tương lai xây dựng xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam” )
III - Kết luận:
Chẳng cần viết ra, thì người Việt Nam từng sống những năm tháng dưới chế độ CS tại Việt Nam, hẳn đều biết Việt Cộng quyết tâm xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình xã hội chủ nghĩa Liên Xô từng được xưng tụng là “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa” của mình mà. Vì nỗ lực này của Việt cộng đều hướng tới sự nghiệp chung của cộng sản quốc tế đứng đầu là đế quốc CS Liên Xô, với sự cạnh tranh ngôi vị bá chủ của đế quốc CS Trung cộng, trong giấc mộng cộng sản hóa toàn cầu, bằng con đường xây dựng xã hội chủ nghĩa, tiến tới một xã hội viên mãn là xã hội cộng. Một xã hội không tưởng (lý tưởng không thể và không bao giờ thực hiện được) không còn gia cấp, không còn áp bức bóc lột, không còn nhà nước, không còn biên giới quốc gia, thế giới đại đồng, xã hội tự động vận hành, mọi người làm việc tự giác theo năng lực, hưởng theo nhu cầu, tài hóa dư thưa thỏa mãn được mọi nhu cầu vật chất cũng như tinh thần của con người. Khi đó, mọi con người người thuộc mọi dân tộc sống trên hành tinh này sẽ được sống tự do, ấm no, hạnh phúc tuyệt vời như một “thiên đường nơi trần thế”, tức “Thiên đường cộng sản”(!)
Thế nhưng, thực tế cho thấy điều mà cố Tổng Bí Thư đảng CSVN Lê Duẩn khẳng định một cách tự tin, tự hào trong cơn no say “chiến thắng” (biểu kiến) sau ngày 30-4-1975 đã không xẩy ra mà ngược lại. Nghĩa là “Mười lăm đến 20 măm sau(1975-1995)…” Việt cộng đã không xây dựng thành công mà đã thất bại hoàn toàn công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa” với cái giá hy sinh lớn lao của mọi tầng lớp nhân dân bị đem làm thử nghiệm. Còn “sự nghiệp công sản quốc tế” thì chỉ trên dưới 15 năm sau chiến tranh Việt Nam (1975-1991), hệ thống cộng sản quốc tế sụp đổ tan tành, sau khi các nước xã hội chủ nghĩa Đông âu và cả “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa Liên Xô” cũng tiêu vong sau hơn 70 năm xây dựng xã hội chủ nghĩa chưa đi đến đâu (1917-1991).
Thực tế trên ai cũng kiểm chứng và như thế mọi người có thể khẳng định không sợ sai lầm rằng : Không phải 44 năm, mà chỉ 15 đến 20 năm sau kết thúc chiến tranh, Việt cộng đã xây dựng xã hội chủ nghĩa thất bại hoàn toàn, cùng lúc với sự tiêu vong sự nghiệp công sản quốc tế. Vậy triển vọng tương lai xây dựng xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam sẽ đi về đâu? Chúng tôi trình bày trong một bài viết tiếp theo.
(Houston, ngày 28-4-2019)
Thiện Ý
Blog VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét