Cải cách để không trở thành bãi rác công nghiệp bẩn của Trung Quốc - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Năm, 30 tháng 5, 2019

Cải cách để không trở thành bãi rác công nghiệp bẩn của Trung Quốc


Đường sắt Cát Linh - Hà Đông do Trung Quốc làm Tổng thầu.


Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe

Tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng đầu tháng 5 có bài viết với cảnh báo ‘Làm thế nào Việt Nam có thể tránh trở thành bãi rác công nghiệp bẩn của Trung Quốc?’. Tác giả là một giảng viên cao cấp tại Học viện Ngoại giao Việt Nam trực thuộc Bộ Ngoại giao. Bài viết nhấn mạnh đến những tác động xấu từ đầu tư của nước láng giềng Trung Quốc mà Hà Nội cần phải cẩn trọng; đồng thời tác giả nêu ra biện pháp cho thực tế đáng lo đó.

Chỉ trong 7 năm, dòng vốn từ Trung Quốc đại lục, Ma Cao và Hồng Kong đổ vào Việt Nam đã tăng gần 3,5 lần, từ mức 700 triệu đô la Mỹ trong năm 2011 lên đến 2,4 tỷ đô la Mỹ vào năm ngoái, trở thành nhà đầu tư lớn thứ 5 tại dải đất chữ S.

Giải thích vì sao Bắc Kinh lại rót tiền vào Việt Nam ngày càng nhiều, Phó Giáo sư - Tiến sĩ kinh tế Ngô Trí Long cho biết:

“Thời điểm hiện nay do quan hệ thương mại Trung – Mỹ căng thẳng nên Trung Quốc chuyển hướng đầu tư vốn đi các nước, đặc biệt chuyển sang Việt Nam là thuận lợi nhất. Thứ nhất vì điều kiện vị trí địa lý và có nhiều nét tương đồng.”

Tác giả bài viết dẫn ý kiến của cả phía ủng hộ lẫn chỉ trích nguồn đầu tư từ Trung Quốc. Những người ủng hộ nêu ra những lợi điểm như tạo công ăn việc làm…; trong khi đó giới phản đối chỉ rõ những dự án của Trung Quốc vào Việt Nam chỉ nhằm khai thác lao động và khoáng sản giá rẻ, gây hủy hoại môi trường và đưa đối tác địa phương vào bẫy nợ. Một nguy cơ được cảnh báo là Việt Nam sẽ trở thành một bãi thải công nghiệp bẩn của Trung Quốc nếu không biết khôn ngoan chọn lựa dự án.

Nhận xét về mặt này, chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng chính phủ Hà Nội sẽ không để Trung Quốc biến Việt Nam thành nơi đổ tất cả những công nghệ lỗi thời cũng như những sản phẩm bẩn và chất thải đúng theo ý đồ của họ.

Thời điểm hiện nay do quan hệ thương mại Trung – Mỹ căng thẳng nên Trung Quốc chuyển hướng đầu tư vốn đi các nước, đặc biệt chuyển sang Việt Nam là thuận lợi nhất.

- PGS. TS Ngô Trí Long
Biểu tình phản đối dự luật ba đặc khu. 10/6/2018. AFP
“Tôi nghĩ quốc gia nào cũng biết nếu chấp nhận đầu tư thì có rủi ro nhưng tôi không nghĩ rằng Việt Nam dại đến nỗi chấp nhận sản phẩm cũng như công nghệ hủy hoại môi trường. Theo tôi hiểu thì chính phủ Việt Nam rất đắn đo, cẩn thận những đầu tư từ Trung Quốc. Dĩ nhiên họ theo đuổi những lợi ích từ việc đầu tư phải sinh lời, sa thải công nghệ cũ bằng cách đưa máy móc sang những nước khác để hiện đại hóa ngành công nghiệp của họ. Có thể đó là ý đồ của nhà đầu tư, trong đó có những ý đồ chính đáng và không chính đáng trên phương diện chính trị, xã hội, và kinh tế.”

Theo phân tích của PGS. TS. Ngô Trí Long, những dự án chính phủ Hà Nội mời Bắc Kinh tham gia thầu thì chất lượng thường kém hiệu quả do công nghệ thiết bị máy móc lạc hậu và thời gian kéo dài làm đội vốn lên. Nhưng nếu tự Trung Quốc đầu tư vào thì mọi chuyện sẽ khác vì Bắc Kinh sẽ phải tự chịu trách nhiệm do tự bỏ vốn vào thu lợi nhuận, mà ngày không xác định đúng, không hiệu quả thì vốn đầu tư sẽ bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, yếu tố chuyển giá là một nhược điểm khiến chính phủ Việt Nam bị thất thoát một khoản thuế.

Giải thích rõ hơn, Tiến sĩ Ngô Trí Long cho biết ‘chuyển giá’ là một hình thức được dùng để trốn thuế hoặc né thuế. Không chỉ riêng Trung Quốc mà tất cả các nước vào Việt Nam đều có mục tiêu đầu tư là để kiếm lợi, trong đó cách tốt nhất là trốn thuế và né thuế.

“Có nhiều hình thức chuyển giá phổ biến là khai giá trị đầu vào rất cao, đòi hỏi phải có sự thẩm định. Đây là một bài toán Việt Nam đang đặt vấn đề xử lý không những chuyển giá trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh mà chuyển giá ngay trong lĩnh vực đầu tư ban đầu. Khi đầu tư 1 nhưng lại khai 3, 4 thì khi đấy là nâng giá lên rồi tính khấu hao để làm cho quá trình sản xuất không có lãi, mà không có lãi thì không phải nộp thuế, là tránh thuế, trốn thuế.”

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, ngoài những lý do trên, vấn đề đội giá, khai khống giá trị hàng hóa trang thiết bị, phí quản lý gửi về cho công ty mẹ ở nước ngoài, cũng gây nên tình trạng lãi thực nhưng lỗ giả. Ông đưa ra nguyên nhân:

“Tôi nghĩ rằng có thể đó là sự yếu kém trong việc kiểm tra, thanh tra, giám sát tất cả những đầu vào của các công ty FDI.”

Tôi nghĩ quốc gia nào cũng biết nếu chấp nhận đầu tư thì có rủi ro nhưng tôi không nghĩ rằng Việt Nam dại đến nỗi chấp nhận sản phẩm cũng như công nghệ hủy hoại môi trường.

- TS. Nguyễn Trí Hiếu
Giải pháp cho những vấn đề được nêu ra là chính phủ Hà Nội cần có những cải cách về mặt pháp lý, cần xây dựng luật chống chuyển giá và thu hẹp khoảng cách về ưu đãi thuế giữa các doanh nghiệp nước ngoài và trong nước để cân bằng quyền lợi hai bên.

Ngoài ra, Việt Nam cũng cần cải tiến giá trị liên kết khi thu hút đầu tư vốn FDI từ Trung Quốc. Dựa trên thực tế hiện nay cho thấy, dòng vốn FDI của Trung Quốc phần lớn tập trung vào những ngành có rủi ro cao như nhiệt điện, thép, hóa chất, và xi măng, có nguy cơ gây ô nhiễm cả nước.

Do đó, Việt Nam cần thu hút các công ty thân thiện với môi trường, năng lượng sạch, cũng như các thiết bị y tế và dịch vụ chăm sóc sức khỏe tiên tiến.

PGS. TS Ngô Trí Long nhắc lại:

“Phải xem xét những lĩnh vực đầu tư là lĩnh vực nào? Thường thường đầu tư thì bao giờ cũng tìm lợi nhuận, phải có hiệu quả. Việc đầu tư có hiệu quả hay không thì Việt Nam trong quá trình xét duyệt chọn lọc, thu hút đầu tư phải chọn lọc về chất lượng, hiệu quả và đồng thời tránh gây ô nhiễm môi trường.”

Tác giả bài viết cho rằng chính phủ hai nước có thể làm hơn nữa trong vấn đề cải thiện chất lượng đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam; khi đó sẽ mang lại lợi ích cho mọi người.


RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad