Người Việt trong tâm ‘bão’ thương chiến Mỹ - Trung - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Năm, 30 tháng 5, 2019

Người Việt trong tâm ‘bão’ thương chiến Mỹ - Trung


Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình tại Bắc Kinh cuối năm 2017. 

Nhiều người Việt ở Trung Quốc nói với VOA tiếng Việt rằng họ cũng ít nhiều chịu tác động của cuộc chiến thương mại giữa Bắc Kinh với Mỹ, nhưng không nhiều bằng các doanh nghiệp địa phương như Huawei.

Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn tiếp tục “ăn miếng trả miếng” sau khi cuộc đàm phán nhằm chấm dứt thương chiến đổ vỡ giữa tháng này, khiến hai nước gia tăng mức áp thuế hàng hóa nhập khẩu của nhau trị giá hàng trăm tỷ đôla.

Mới nhất, Bộ Tài chính Mỹ báo cáo quốc hội nước này rằng Trung Quốc là một trong chín nước, gồm cả Việt Nam, cần bị theo dõi chặt chẽ về vấn đề thao túng tiền tệ, một bước đi Bắc Kinh nói là “chính trị hóa” của Washington.

Ông Trần Quyết, một công dân Việt Nam sống ở Trung Quốc sáu năm qua, nói với VOA tiếng Việt rằng người Việt cũng bị ảnh hưởng vì chiến tranh thương mại, nhưng không nhiều vì “99% là lao động chui”, “không thể làm cho các công ty lớn”.

Hiện chưa có con số thống kê cụ thể về người Việt sang Trung Quốc làm việc, và VOA tiếng Việt không thể kiểm chứng được thông tin mà ông Quyết đưa ra.

Các công ty ngày xưa làm ra sản phẩm xuất khẩu đi nước Mỹ thì bây giờ các công ty sẽ bị đóng cửa và công nhân sẽ không có việc làm. Bên này thất nghiệp rất chi là nhiều rồi.

Ông Trần Quyết nói
Tuy nhiên, theo Cục Quản lý Lao động Ngoài nước thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Trung Quốc không nằm trong danh sách 10 nước nhận nhiều người Việt sang lao động.

Theo ông Quyết, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã chịu các tác động từ hành động được cho là "mạnh tay" của Mỹ.

“Các công ty ngày xưa làm ra sản phẩm xuất khẩu đi nước Mỹ thì bây giờ các công ty sẽ bị đóng cửa và công nhân sẽ không có việc làm. Bên này thất nghiệp rất chi là nhiều rồi”, ông nói.

Ông Quyết cũng bày tỏ “hy vọng” rằng các công ty ở Trung Quốc sẽ “chuyển sang Việt Nam” như dự báo của Tổng thống Donald Trump về việc “nhiều công ty bị áp thuế nhập khẩu cũng sẽ rời khỏi Trung Quốc”.

Một cửa hàng bán điện thoại Huawei ở Việt Nam.

Trong khi đó, ông Tùng Lâm, một người Việt khác ở Trung Quốc, cho biết rằng tập đoàn viễn thông Huawei dường như cũng hứng chịu hệ quả từ cuộc thương chiến vì giá điện thoại của hãng này giảm mạnh trên thị trường sau quyết định của Google.

“Tại các cửa hàng điện thoại, nó giảm sâu so với năm ngoái”, ông Lâm nói. Không chỉ tại Trung Quốc, tin cho hay, người sử dụng tại nhiều nơi như Singapore hay Philippines đã bán tháo điện thoại Huawei vì lo ngại không thể tiếp cận và cập nhật các ứng dụng của Google.

Một phiên giao dịch của thị trường chứng khoán Trung Quốc ở Bắc Kinh.
Theo quan sát của mình, bà Lâm Lệ Quân, một cô dâu Việt ở Trung Quốc, cho biết rằng bà sống “ở dưới quê” và “không đi làm” nên cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ít ảnh hưởng tới bà.

Tuy nhiên, bà cho biết thêm, khi gửi tiền về cho người thân ở Việt Nam, bà thấy “đồng tiền của Trung Quốc [Nhân dân Tệ] khi đổi qua tiền Việt Nam thì giảm rất nhiều”.

Tin cho hay, trong tháng này, đồng tiền của Trung Quốc đã mất giá nhiều so với đồng đôla vì chiến tranh thương mại.

Trước tác động của thương chiến, ông Quyết cho VOA tiếng Việt biết rằng báo chí nhà nước Trung Quốc đã “mở cuộc chiến truyền thông” nhắm vào Mỹ.

“Đất nước nào, ví dụ như Việt Nam mình, thì cái gì nó cũng nói tốt cho Việt Nam, chẳng bao giờ nó nói xấu Việt Nam, nói tốt cho đối phương cả. Bên này thì nó nói xấu về người Mỹ và lại nói tốt về bản thân của nó. Đất nước nào nó cũng thế à”, ông nói tiếp.

Bên này thì nó nói xấu về người Mỹ và lại nói tốt về bản thân của nó. Đất nước nào nó cũng thế à.

Ông Trần Quyết nói.
Cũng liên quan tới thương chiến Mỹ - Trung, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm 23/5 nói rằng Hà Nội đang “quan tâm theo dõi”, đồng thời bày tỏ “mong muốn Bắc Kinh và Washington sẽ sớm giải quyết bất đồng”.

"Đây là quan tâm chung của quốc tế bởi có ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu và sự ổn định của kinh tế thế giới”, bà Hằng nói.

“Việt Nam quan tâm theo dõi và mong muốn hai nước sẽ sớm giải quyết bất đồng thông qua đối thoại, thương lượng trên tinh thần tôn trọng, hợp tác và hiểu biết lẫn nhau, phù hợp với luật pháp quốc tế và các cam kết quốc tế, góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới”.


Viễn Đông
VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad