Đối thoại năm nay có sự tham gia của quan chức quốc phòng và chuyên gia quân sự từ hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Theo chương trình hội nghị, sau bài phát biểu của ông Patrick Shanahan, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Ngụy Phượng Hòa dự kiến cũng sẽ có bài phát biểu về vai trò của Bắc Kinh tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Lần đầu tiên sau 8 năm, Trung Quốc cử quan chức cấp cao nhất của quốc phòng tham dự Đối thoại Shangri-La.
Sự hiện diện của hai quan chức đứng đầu Bộ Quốc phòng của Mỹ và Trung Quốc đang được giới quan sát rất chú ý bởi lẽ hiện nay căng thẳng Mỹ-Trung đang có dấu hiệu ngày càng leo thang.
Kể từ Đối thoại Shangri-La 2018 đến nay, khu vực đã chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt về vai trò của hai siêu cường lớn nhất thế giới.
Điều này có thể thấy rõ khi Mỹ liên tục đưa ra những thách thức đối với Trung Quốc trong tất cả các lĩnh vực, bao gồm thuế quan, chiến lược Vành đai và con đường (BRI) và trong lĩnh vực an ninh khi Mỹ cảnh báo Trung Quốc có những hoạt động phi pháp ở khu vực tranh chấp, đặc biệt là Biển Đông.
Vấn đề Biển Đông
Trước thềm Đối thoại Shangri-la 2019, ngày 29/5/2019, phát biểu trong cuộc hội đàm về an ninh và quốc phòng Mỹ tại viện nghiên cứu Brookings ở thủ đô Washington, tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ đã lên án mạnh mẽ Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình với cáo buộc đã không giữ đúng lời hứa về phi quân sự hóa ở Biển Đông.
Ý đồ của Trung Quốc tại diễn đàn Đối thoại An ninh Shangri-la năm nay
Tuy nhiên, những gì chúng ta thấy hiện nay là những đường băng dài 3.000 m, những cơ sở chứa vũ khí, hành động triển khai năng lực phòng thủ tên lửa thường xuyên, năng lực không quân và nhiều thứ khác nữa. Như vậy, họ đã quay lưng với những cam kết đó”.
Ngoài ra, tướng Dunford còn cảnh báo Biển Đông cũng như những nơi có tuyên bố chủ quyền đang bị đe dọa thay thế bởi những tiêu chuẩn mới khi các nước liên quan phớt lờ những hành động không tuân thủ quy tắc và tiêu chuẩn quốc tế.
Trước đó, ngày 23/5/2019, một nhóm nghị sĩ lưỡng đảng của Mỹ đưa ra quốc hội dự luật trừng phạt các hoạt động phi pháp ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Dự luật yêu cầu chính phủ tịch thu tài sản tại Mỹ, thu hồi hoặc không cấp thị thực cho bất cứ ai tham gia "hoạt động hoặc chính sách đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định" ở Biển Đông.
Dự luật cũng yêu cầu Ngoại trưởng Mỹ báo cáo cho Quốc hội 6 tháng một lần, trong đó xác định cá nhân hoặc công ty Trung Quốc liên quan đến hoạt động xây dựng hoặc phát triển dự án ở các khu vực tranh chấp trên Biển Đông.
Các hoạt động dự luật nhắm đến là cải tạo đất, xây đảo, xây hải đăng và cơ sở hạ tầng thông tin di động.
Cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung, đặc biệt là ở các vùng biển tranh chấp trong thời gian qua khiến những cuộc chạm trán giữa các tàu hải quân của hai lực lượng quân sự lớn nhất thế giới là chuyện “quá quen thuộc”.
Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung
Đầu tháng 5/2019, sau một thời gian hai bên đình chiến và đi đến đàm phán, Mỹ đột ngột nâng thuế với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc vì cho rằng Bắc Kinh đã thay đổi các cam kết.
Sau đó, Trung Quốc cũng trả đũa bằng việc nâng thuế với phần lớn trong nhóm 60 tỷ USD hàng Mỹ đã chịu thuế từ năm ngoái.
Hiện tại, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng hơn sau khi Washington đưa Huawei - hãng công nghệ hàng đầu Trung Quốc vào danh sách cấm nhập khẩu các công nghệ cốt lõi của Mỹ khi chưa được chính phủ cho phép.
Đồng thời, Nhà Trắng cũng đang xem xét đưa thêm ít nhất 5 công ty Trung Quốc vào danh sách này.
Gần đây nhất, trả lời báo chí nhân chuyến thăm Nhật Bản vào ngày 27/5/2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết chưa sẵn sàng có một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.
Ông Trump cũng cho biết, thuế áp dụng với hàng hóa Trung Quốc có thể tăng lên rất đáng kể, rất dễ dàng.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Lục Khảng cho rằng Mỹ đang có những "kỳ vọng ngông cuồng" với thỏa thuận thương mại.
Theo đó, ông cho rằng lý do Mỹ - Trung không đạt được thoả thuận trong vòng đàm phán gần nhất là Washington cố đạt được những lợi ích vô lý bằng áp lực cực đoan.
Ông Lục Khảng miêu tả chính sách thương mại của Mỹ là khủng bố kinh tế, bá quyền kinh tế và đơn phương ép buộc về kinh tế điển hình.
Các nhà phân tích tại Morgan Stanley cho rằng, sự sụp đổ trong đàm phán và hai bên liên tiếp tăng thuế để đáp trả nhau sẽ đẩy kinh tế toàn cầu vào suy thoái.
Dự kiến Đối thoại Shangri-la 2019 sẽ có nhiều hơn các cuộc đối thoại, gặp gỡ bên lề bên cạnh trao đổi, đối thoại giữa lãnh đạo quốc phòng, các nhà hoạch định chính sách các nước với nhau.
Đây thực sự là điều rất đáng hoan nghênh vì nếu các nước có xung đột, nhưng không trao đổi, lắng nghe lẫn nhau thì xung đột đó có thể trở thành chiến tranh.
Trong bài phát biểu khai mạc Đối thoại Shangri-la 2019, Thủ tướng Singapore, Lý Hiển Long cho rằng những vấn đề thế giới đang đối mặt hiện nay xuất phát từ vấn đề cốt lõi của sự thiếu tin tưởng chiến lược lẫn nhau giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới Mỹ-Trung.
Do đó, các bên cần phải hết sức thận trọng để tránh dẫn đến xung đột không đáng có, gây nên tình trạng thù địch và ảnh hưởng xấu đến nhiều thế hệ sau này
Thanh Bình
Giáo Dục
Tài liệu tham khảo:
1. //www.channelnewsasia.com/news/international
2. //www.straitstimes.com/politics/fundamental-problem-between-us-and-china-is-mutual-lack-of-strategic-trust-pm-lee-hsien
3. //special.vietnamplus.vn/shangri-la-2019
1. //www.channelnewsasia.com/news/international
2. //www.straitstimes.com/politics/fundamental-problem-between-us-and-china-is-mutual-lack-of-strategic-trust-pm-lee-hsien
3. //special.vietnamplus.vn/shangri-la-2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét