Biện pháp giảm diện tích trồng lúa mà hiệu quả kinh tế vẫn cao - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2019

Biện pháp giảm diện tích trồng lúa mà hiệu quả kinh tế vẫn cao


Biện pháp giảm diện tích trồng lúa mà hiệu quả kinh tế vẫn cao. Ảnh minh họa


Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe

Giảm diện tích trồng lúa

Tại phiên thảo luận về “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL” diễn ra hôm 18/6, Bà Phạm Hoàng Vân chuyên gia đại diện của Ngân hàng Thế giới cho rằng, sản lượng nông nghiệp tại khu vực ĐBSCL nói riêng và cả nước Việt Nam nói chung tăng lên chủ yếu nhờ vào mở rộng sản xuất, tăng cường sử dụng đất và các tài nguyên thiên nhiên cũng như sử dụng khá nhiều phân bón hóa chất ảnh hưởng đến môi trường.

Do đó, đại diện Ngân hàng Thế giới đề nghị giảm diện tích trồng lúa để giảm tác động ảnh hưởng về môi trường. Thay vào đó thúc đẩy sản xuất các loại gạo có giá trị chất lượng cao.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn chuyên gia môi trường và tài nguyên, đang làm việc tại Viện Nghiên Cứu Biến Đổi Khí Hậu của Đại Học Cần Thơ cho chúng tôi biết ông hoàn toàn đồng ý với đề nghị này.

“Theo tôi ở điều kiện hiện nay thì điều đó hoàn toàn hợp lý bởi thứ nhất nguồn nước tại khu vực ĐBSCL bây giờ đang có khuynh hướng ngày càng ít đi và đặt biệt là trong mùa khô thì việc sản xuất lúa nhiều sẽ tiêu thụ nhiều nước sẽ dễ xảy ra xâm ngập mặn nhiều hơn và tại những vùng sản xuất lúa nhiều thì người nông dân sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu nhiều dẫn đến ô nhiễm nguồn nước. Hiện tại nguồn nước đang ở mức đáng ngại nên nông dân đang chuyển sang nguồn nước ngầm thì điều này làm cho nguồn nước ngầm giảm đáng kể và hệ quả mang lại là khu vực đồng bằng sẽ bị chìm đi vì lún.”

Tiến sĩ Đinh Xuân Quân, chuyên gia kinh tế phát triển, cựu giáo sư Đại học Kinh Tế Saigon, đã từng làm cố vấn kinh tế cho nhiều Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp tại Phi Châu và Á Châu có ý kiến thêm về điều này.

“Không chỉ đề nghị của Ngân hàng Thế giới mà còn của các chuyên gia Nông nghiệp của Việt Nam cũng như Quốc tế, họ thấy dĩ nhiên người nông dân chỉ trồng một thứ nông phẩm không thì khó có thể sống lâu sống dài vì phải đầu tư. Bao giờ cũng vậy trong các chính sách phát triển nông nghiệp không phải chỉ có tăng diện tích mà thôi mà phải tăng lợi tức của người nông dân, có mùa thì mình trồng lúa gạo, có mùa trồng nông phẩm khác hay những đặc sản của miền đó, nếu cộng lại cả năm thì lợi tức của người nông dân sẽ cao hơn nhiều.”

Gạo xuất khẩu cao, nông dân vẫn khó khăn

Báo cáo của Bộ Công thương vào cuối năm 2018 cho thấy Việt Nam tiếp tục là nước xuất khẩu gạo đứng thứ ba thế giới chỉ sau Ấn Độ và Thái Lan. Chỉ riêng 9 tháng đầu năm 2018 đạt gần 5 triệu tấn gạo, mang về giá trị lên tới khoảng 2.46 tỷ USD.

Tiến sĩ Ngô Tấn Lực, nguyên hiệu trưởng trường Đại học Tiền Giang cho rằng, việc xuất khẩu gạo đứng hàng đầu thế giới để làm gì trong khi đời sống người nông dân vẫn còn quá nhiều khó khăn.
“Vì mình chưa có những công nghệ sinh học, chưa tác động mạnh mà vẫn còn làm theo giống cũ, truyền thống nên một tấn lúa gạo của mình mà xuất khẩu sang Châu Âu nhiều khi còn thua nữa tấn về giá trị của Campuchia nữa, thì thấy rằng lúa của Việt Nam mình chưa được tuyển chọn tốt. Công nghệ tác động vào đó chưa nhiều, người nông dân làm công nhận về năng suất rất cao nhưng giá trị trên một diện tích thì vẫn còn thấp lắm.”

Đồng ý với điều này Tiến sĩ Đinh Xuân Quân có so sánh:

Ảnh minh họa AFP
Các vị phải xuất khẩu bao nhiêu tấn gạo mới mua được một chiếc xe hơi, vì vậy lúc nào người ta cũng có chính sách kinh tế dựa vào vừa công nghiệp vừa nông nghiệp chứ không chỉ có xuất khẩu gạo mà thôi. Việt Nam xuất khẩu rất là nhiều ví dụ như là hải sản nó còn cao hơn gạo rất là nhiều thì ai có lợi, cả Việt Nam có lợi chứ không chỉ có gạo, gạo chỉ là một phần trong nhiều nông phẩm khác. Nếu chúng ta bớt xuất khẩu gạo và tăng xuất khẩu các loại nông phẩm khác có giá trị cao thì khi đó GDP nông nghiệp của chúng ta cao hơn nhiều không.”

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cũng có ý kiến nên xem lại việc sản xuất lúa gạo. Theo ông thì mục tiêu cuối cùng nhắm tới là quyền lợi của người nông dân, sức khỏe và môi trường.

“Nếu chạy theo như vậy mình đang khai thác cận kiệt tài nguyên về đất và nước tại ĐBSCL để bán ra nước ngoài mà giá bán lại không cao cho nên việc đứng nhất nhì thế giới nó không có ý nghĩa gì hết trong khi người nông dân vẫn tiếp tục nghèo.”

Tại phiên thảo luận hôm 18 tháng 6, đại diện Ngân hàng Thế giới khẳng định sự bất bình đẳng về thu nhập đang gia tăng ở khu vực nông thôn. Do đó, ngành nông nghiệp ở ĐBSCL cần đảm bảo tăng giá trị, mang lại nhiều lợi ích cho người nông dân, thay đổi sử dụng đất, sản xuất, giá trị xuất khẩu theo nhu cầu thị trường.

Hướng giải quyết tương lai

Giải pháp mà Ngân hàng thế giới cũng như các chuyên gia nông nghiệp đưa ra cũng không có gì mới lắm tức ngoài việc giảm diện tích trồng lúa, phần đất còn lại tăng cường trồng các loại nông sản có giá trị cao thích ứng với biến đổi khí hậu và đồng thời chính sách của nhà nước cần thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào vùng này tăng chất lượng đời sống nông dân.

Tiến sĩ Đinh Xuân Quân chỉ ra bất cập khi Bộ Nông nghiệp tiếp tục khuyến khích nông dân chỉ trồng lúa.

“Nếu bộ NN cứ khuyến khích nông dân làm lúa thì chỉ có các công ty quốc doanh, các công ty xuất nhập khẩu, phân bón hay là thuốc rầy… thì mới có lợi vì họ được độc quyền.”

Một biện pháp nêu ra lâu nay được tiến sĩ Lê Anh Tuấn nhắc lại:

“Thay vì sản xuất 3 vụ lúa một năm thì có thể giảm còn 2 vụ thôi còn vụ còn lại nên để cho nước lũ đi vào đem theo phù sa bồi dưỡng lại cho đất đai, rửa sạch đồng ruộng hoặc tận dụng để sử dụng cho mùa vụ khác ít sử dụng nước hơn thì điều này sẽ hợp lý hơn.

Theo tiền sĩ Lê Anh Tuấn thì có nhiều mô hình canh tác khác nhau ở nhiều vùng sinh thái khác nhau, những vùng ngập lũ thì người nông dân có thể phát triển mô hình lúa cá, tức là xung quanh ruộng lúa có những mương có thể thả cá. Cá có thể lên ruộng lúa để ăn sâu bệnh, chất thải của cá trở lại làm phân bón cho cây lúa giúp người nông dân bớt sử dụng thuốc trừ sâu hơn.


Đối với vùng bị nhiễm mặn thì mùa mưa trồng lúa, mùa khô thì có thể nuôi tôm thì nó cũng giống như mô hình lúa cá. Điều này phù hợp với mô hình hệ sinh thái đảm bảo được sự phát triển nông nghiệp bền vững hơn.


RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad