Chuyến 'thăm' châu Âu của ông Phúc nhận được gì? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Bảy, 8 tháng 6, 2019

Chuyến 'thăm' châu Âu của ông Phúc nhận được gì?


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Na Uy Erna Solberg tại cuộc họp báo. Photo Báo Quốc tế/VGP News.

Cho tới những ngày đầu tháng 6 năm 2019, số phận của EVFTA (Hiệp định thương mại tự do châu Âu - Việt Nam) vẫn còn nguyên giá trị đánh đố dành cho những kẻ đánh võng mà không có lấy một chút thực tâm cải thiện nhân quyền.

‘Sẽ ký trong những tuần tới’?

Từ sau chuyến thăm 3 nước châu Âu là Nga, Na Uy và Thụy Điển của Thủ tướng Phúc vào cuối tháng 5 năm 2019, cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ tín hiệu nào cho thấy EVFTA ‘sẽ được ký kết và phê chuẩn vào cuối tháng Sáu’ như một số nguồn tin của đảng và ‘thân đảng’ khấp khởi trước đó.

Một trong những nguồn tin như thế xuất phát từ ông Bruno Angelet - Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam. “Cao ủy Thương mại châu Âu dự kiến họp thông báo những nội dung liên quan đến EVFTA vào ngày 28.5. Theo kế hoạch, Ủy ban châu Âu và Nghị viện châu Âu sẽ thông qua quy định cho phép việc ký kết hiệp định này vào ngày 25.6. Nhiều khả năng, lễ ký EVFTA sẽ chính thức diễn ra vào ngày 27 hoặc 28.6” - Bruno Angelet hào hứng thông báo với một tờ báo quốc doanh là Nhịp Cầu Đầu Tư.

Bruno Angelet là một trong những quan chức châu Âu vẫn thường biểu thị sự nôn nóng về EVFTA được ký kết phê chuẩn càng sớm càng tốt, nhưng phát ngôn và hành động của ông lại không mấy quan tâm đến các điều kiện về cải thiện nhân quyền. Rất ít khi Bruno Angelet gặp gỡ và chia sẻ với giới đấu tranh nhân quyền ở Việt Nam.

Khá đồng điệu với nhận định của Bruno Angelet, tờ báo của Bộ Công thương - đơn vị được giao nhiệm vụ đàm phán trực tiếp về EVFTA - vào cuối tháng 5 năm 2019 đã đưa ra dự đoán đầy hy vọng là EVFTA có thể ‘được ký kết trong những tuần tới’.

‘Trong những tuần tới’ cũng là thông tin cụ thể nhất mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho báo đảng biết về tương lai ký kết EVFTA. Nhưng ‘lãng mạn’ hơn cả Bộ Công thương, ông Phúc còn đề cập tương lai ‘ký trong những tuần tới’ cho cả EVIPA (Hiệp định Bảo hộ đầu tư) với Liên Minh châu Âu (EU).

Chuyến đi châu Âu vào cuối tháng 5 năm 2019 của Thủ tướng Phúc, đặc biệt ‘thăm’ Na Uy và Thụy Điển, chính là nhắm đến mục tiêu ‘ký trong những tuần tới’ cho không chỉ EVFTA mà còn cả EVIPA - hiệp định được xem là thực chất hơn nhiều so với EVFTA về mức sản sinh lợi nhuận nhằm nuôi nấng chính thể độc tài.

Trước đó một tháng, Nguyễn Xuân Phúc cũng đã đến thăm Cộng hòa Czech và Romania, hai nước thành viên của EU.

Tuy chỉ là một quốc gia nhỏ trong khối EU, nhưng Romania lại đóng vai trò khá quan trọng vì hiện thời đang là chủ tịch luân phiên của EU. Dựa vào ‘mối quan hệ truyền thống các nước xã hội chủ nghĩa anh em’ trước đây, hẳn chính thể cộng sản ở Việt Nam hy vọng có thể thuyết phục được Romania gật đầu cho EVFTA dễ dàng hơn là các nước Tây Âu đang căng thẳng với Việt Nam về vấn đề nhân quyền.

Ngay trước chuyến đi của Nguyễn Xuân Phúc là chuyến đi Pháp và Bỉ vào cuối tháng 3 năm 2019 để vận động cho EVFTA của Nguyễn Thị Kim Ngân - Chủ tịch quốc hội Việt Nam.

Hai chuyến đi liên tiếp trong một thời gian ngắn của hai nhân vật còn lại trong ‘tam trụ’ đã phản ánh nhu cầu ‘mót’ EVFTA của chế độ độc đảng đến mức nào.

Cho đến lúc đó, ý đồ ẩn giấu của chính thể Việt Nam đang dần lộ ra: sau tháng 2 năm 2019 khi EVFTA bị Hội đồng châu Âu hoãn vô thời hạn mà nguồn cơn thực chất là vô số vi phạm nhân quyền của Hà Nội, Nguyễn Phú Trọng và bộ sậu Bộ Chính trị của ông ta đã phải tìm ra lối thoát. Một lần nữa, trong rất nhiều lần, Hà Nội lại hứa hẹn ‘sẽ cải thiện nhân quyền’, dù đã chẳng có bất kỳ lần nào trước đó lời cam kết này được biến thành hành động, thậm chí giới công an trị Việt Nam còn hành động ngược lại khi gia tăng bắt bớ giới bất đồng chính kiến trong giai đoạn gần nhất từ giữa năm 2016 đến nay.

Những chiến thuật của sự ti tiện

Không khí đàn áp nhân quyền ở Việt Nam vào thời gian này vẫn đặc sệt như một thùng thuốc súng. Chưa có bất kỳ một dấu hiệu nào cho bất kỳ một ‘cải thiện nhân quyền’ nào, dù chỉ mang tính mị dân hoặc để đối phó với cộng đồng quốc tế.

Sát ngày 30 tháng Tư năm 2019 kỷ niệm ‘giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước’, công an Việt Nam lại bắt bớ hàng loạt người dân và quy cho họ ‘âm mưu lật đổ chính quyền’. Chưa kể nhiều người bất đồng chính kiến đã bị công an bắt cóc từ ngày quốc kháng 2/9 năm 2018 mà cho tới nay vẫn chưa được trả tự do.

Còn ngay sau khi Đối thoại nhân quyền Việt - Mỹ kết thúc vào tháng 5 năm 2019, công an Việt Nam lại gia tăng bắt bớ những người hoạt động nhân quyền và xã hội dân sự. Nhà giáo Nguyễn Năng Tĩnh ở Nghệ An là một trong những vụ bị bắt giam mới nhất.

Cùng lúc, chính thể Việt Nam chỉ mang ra Quốc hội bàn việc ký và phê chuẩn Công ước 98 mà không nói gì đến hai công ước quốc tế còn lại về lao động, khiến lộ hẳn ý đồ chính thể này đang tìm cách qua mặt Liên minh châu Âu, ký cho có Công ước 98 - là công ước thuộc loại dễ dàng nhất về nhân quyền - để đạt được mục tiêu có được EVFTA, nhưng vẫn lờ đi Công ước 87.

Việc sửa đổi Bộ Luật Lao động cũng trí trá và ma mãnh không kém khi dự thảo này tuyệt đối không đề cập đến khái niệm ‘công đoàn độc lập’.

Chỉ có thể nói rằng đó là những chiến thuật của sự ti tiện.

Cần nhắc lại, quan điểm ‘vào trước, bắt sau’ của Hà Nội là rất nhất quán kể từ thời WTO: vào năm 2006, chính thể Việt Nam đã tạm ngưng bắt bớ giới hoạt động dân chủ nhân quyền để đổi lấy điều kiện được Mỹ chấp nhận cho tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới và còn được nhấc khỏi CPC (Danh sách các nước cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo) của Mỹ. Nhưng khi đã ung dung trong trong WTO và hưởng lợi lớn từ nhiều ưu đãi của tổ chức này, Việt Nam lại bắt trở lại, và bắt ồ ạt, hung hãn và đầy sắc máu đối với nhiều người hoạt động nhân quyền và bất đồng chính kiến.

Chính thói chủ quan, kênh kiệu rởm đời và không chịu thay đổi não trạng đàn áp nhân quyền của giới chóp bu Việt Nam đã khiến hàng ngàn doanh nghiệp Việt Nam mất cơ hội được tham gia sớm vào thị trường EU khi EVFTA bị hoãn ký.

Thủ tướng Phúc nhận được gì?

Những chuyến đi châu Âu của Nguyễn Thị Kim Ngân và Nguyễn Xuân Phúc trong nửa đầu năm 2019 rất có thể chỉ nhằm phát đi những cam kết mà rất có thể vẫn chỉ là lối hứa cuội về nhân quyền.

“Vội vàng thông qua hiệp định thương mại với Việt Nam sẽ là một sai lầm lớn” - John Sifton, Giám đốc Vận động, Ban Á châu của Human Rights Watch, đã hoàn toàn đúng khi nhận định như vậy.

Liên minh châu Âu (EU) và Phái đoàn châu Âu tại Việt Nam rất có thể sẽ phải nhận thêm một bài học đắt giá nữa nếu duy trì thái độ cả tin thái quá đối với một chính thể đã có quá nhiều bài học để chẳng xứng đáng nhận được một chút tin cậy nào về ‘cải thiện nhân quyền’.

Nhưng vào lúc này, có thể những người Âu châu đã đã rút ra được bài học xương máu như người Mỹ trong các cuộc đàm phán nhân quyền bất tận và vô nghĩa với Việt Nam: chính sách ‘đổi tù nhân lương tâm lấy lợi ích thương mại’ của Việt Nam là cực kỳ ‘xuyên suốt’ cho đến khi nào chính thể này còn chưa bị đẩy vào chân tường.

Một tín hiệu đáng chú ý là sau chuyến ‘quốc tế vận’ ở châu Âu của Nguyễn Xuân Phúc, khác với cái nhìn ‘lãng mạn’ của Thủ tướng Phúc về EVFTA và EVIPA ‘có thể được ký trong những tuần tới’, cụm từ này đã biến mất trên cửa miệng của Bộ trưởng công thương Trần Tuấn Anh - quan chức tháp tùng Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến đi Na Uy và Thụy Điển - khi ông ta trả lời phỏng vấn trang web của Bộ Công thương.

Mà chỉ là “Bộ Công Thương đánh giá cao sự hỗ trợ về kinh tế, thương mại của bạn trong thời gian qua và đề nghị Thụy Điển ủng hộ sự phát triển quan hệ toàn diện Việt Nam-EU, đặc biệt là việc phối hợp chặt chẽ để thúc đẩy ký và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam-EU (EVIPA)” - một cụm câu nặng về tính xã giao và thực chất là sáo ngữ bởi không gắn kèm bất kỳ mốc thời gian cụ thể ‘sẽ ký kết’ nào.

Thái độ thận trọng và kín kẽ của cơ quan chuyên môn Bộ Công thương, chứ không phải lối hô hào phô trương huênh hoang nhưng đậm đặc cảm tính của Thủ tướng ‘cờ lờ mờ vờ’, cho thấy nhiều khả năng phía Na Uy và Thụy Điển đã chỉ hứa hẹn chung chung ‘ủng hộ Việt Nam tham gia vào EVFTA’, nhưng không có bất kỳ văn bản cam kết nào về việc này, cũng không khẳng định bất kỳ mốc thời gian cụ thể nào để ‘tiến tới ký kết EVFTA’ - thái độ rất tương đồng với cách thể hiện của một số chính phủ ở châu Âu trước những đoàn vận động EVFTA của Việt Nam vào năm 2017, cũng là bối cảnh mà có đến hơn ba chục nhà hoạt động nhân quyền và bất đồng chính kiến bị công an Việt Nam thẳng tay tống vào ngục tối.


Phạm Chí Dũng
Blog VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad