Kỷ Niệm 89 Năm Ngày Tang Yên Báy (17/6/1930 - 17/6/2019) - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Hai, 10 tháng 6, 2019

Kỷ Niệm 89 Năm Ngày Tang Yên Báy (17/6/1930 - 17/6/2019)


...Suốt từ Bắc chí Nam người Việt Nam, không một ai quên ngày giỗ lớn lao ấy. Lòng yêu nước đã bùng cháy khắp chốn như ngọn lửa dài và tươi tắn đang lan theo đỉnh Tràng Sơn một tối cháy rừng...

Tranh minh họa. Nguồn: Internet. Kỷ Niệm 89 Năm Ngày Tang Yên Báy (17/6/1930 - 17/6/2019)

Giở chồng báo cũ: Chuyện Bảy Mươi Tư Năm Trước (17/6/1945 – 17/6/2019): Lần Đầu Tiên Lễ Tưởng Niệm Các Liệt Sĩ Việt Nam Quốc Dân Đảng Được Công Khai Tổ Chức ở Kinh Đô Huế trong Một Nước Việt Nam Độc Lập có Thủ Tướng Trần Trọng Kim và Các Bộ Trưởng tới dự.

Phạm Cao Dương

“...suốt từ Bắc chí Nam người Việt Nam, không một ai quên ngày giỗ lớn lao ấy. Lòng yêu nước đã bùng cháy khắp chốn như ngọn lửa dài và tươi tắn đang lan theo đỉnh Tràng Sơn một tối cháy rừng”.

Câu chuyện bắt đầu ở Yên Báy, một buổi sáng còn mờ sương và chỉ trong một buổi sáng của ngày 17 tháng 6 năm 1930. Không phải chỉ có một người mà là mười ba người, đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng, đã liên tiếp theo nhau, bị người Pháp đưa lên máy chém. Tất cả đã xảy ra trong vẻn vẹn 30 phút, từ 5 giờ đến 5 giờ 30. Đây quả thiệt không còn là cuộc thi hành một bản án nữa mà là một cuộc tàn sát tập thể nhằm dằn mặt toàn thể người dân Việt Nam sau cuộc khởi nghĩa thất bại của đảng này trước đó. Chưa hết, tiếp theo hàng chục người khác cũng bị án tử hình và lên máy chém ở Nhà Pha Hỏa Lò, ở Hải Dương, ở Phú Thọ… và cuộc tàn phá Cổ Am bằng máy bay và hàng trăm người khác bị bỏ ngục hay đưa đi đầy.

Trong lịch sử cách mạng giành độc lập cho đất nước và dân tộc Việt Nam, không một đảng chính trị nào đã phải gánh chịu những hy sinh lớn lao, đầy nghiệt ngã và đau thương như vậy.

Sự bi thảm cùng cực của ngày 17 tháng 6, 1930 đã gây xúc động tột cùng cho người ở trong nước và cả dư luận bên Pháp. Sau này Nhà Thơ Đằng Phương, được biết thêm là Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy, với bài “Ngày Tang Yên Báy”, một dạo đã được chọn làm bài học thuộc lòng cho học sinh tiểu học, trong những năm đầu của thập niên 1950 ở Vùng Quốc Gia với những câu làm người nghe không khỏi ngậm ngùi, rơi lệ:

Gió căm hờn rền rĩ tiếng gào than.
Từ lưng trời sương trắng rủ màn tang.
Ánh mờ nhạt của bình minh rắc nhẹ
Trên Yên Báy âu sầu và lặng lẽ,
Giữa mấy hàng gươm súng tỏa hào quang,
Mười ba người liệt sĩ Việt hiên ngang
Thong thả tiến đến trước đài danh dự:
Trong quần chúng đứng cúi đầu ủ rũ,
Vài cụ già tóc bạc lệ tràn rơi,
Ngất người sau tiếng rú: Ối con ơi!
Nét u buồn chợt mơ màng thoáng gợn
Trên khoé mắt đã từng khinh đau đớn
Của những trang anh kiệt sắp lìa đời,
Nhưng chỉ trong giây phút vẻ tươi cười
Lại xuất hiện trên mặt người quắc thước.
Đã là kẻ hiến thân đền nợ nước,
Tình thân yêu quyến thuộc phải xem thường,
Éo le thay! muốn phụng sự quê hương
Phải dẫm nát bao lòng mình kính mến.
Nhưng này đây, phút thiêng liêng đã đến.
Sau cái nhìn chào non nước bi ai,
Họ thản nhiên lần lượt bước lên đài,
Và dõng dạc buông tiếng hô hùng dũng:
“VIỆT NAM muôn năm!” Một đầu rơi rụng.
“VIỆT NAM muôn năm!” Người kế tiến lên.
Và tử thần kính cẩn đứng ghi tên
Những liệt sĩ vào bia người tuẫn quốc.

17 tháng 6, 1930 – 17 tháng 6, 1945, trong suốt 15 năm, vì còn bị người Pháp cai trị, Ngày Tang Yên Báy, ngày Nguyễn Thái Học và các liệt sĩ Việt Nam Quốc Dân Đảng bị đưa lên máy chém hầu như đã bị lãng quên hay nếu có chỉ còn trong tâm tưởng của mọi người hay âm thầm được tổ chức bởi những đảng viên còn sống sót.

Tất cả đã đột nhiên sống lại sau Ngày Nhật Đảo Chánh Pháp, 9 Tháng Ba 1945, Vua Bảo Đại tuyên bố độc lập, cùng với sự thành lập của Chính Phủ Đầu Tiên của Đế Quốc Việt Nam, quốc hiệu chính thức của Việt Nam thời đó: Chính Phủ của Nhà Giáo kiêm Sử Gia Trần Trọng Kim.

  Kỷ niệm Nguyễn Thái Học và 12 Liệt Sĩ Việt Nam Quốc Dân Đảng đã được công khai tổ chức long trọng ở rất nhiều nơi trong nước, đặc biệt là ở Vườn Bách Thảo Hà Nội, ở Vinh và ở Hội Quán Quảng Trị ở Huế.  Nhà báo L.H.V. trong bài phóng sự nhan đề “Mười Bảy Tháng Sáu Dương Lịch” đăng trên báo Thanh Nghị số 115, ra ngày 7 tháng Bảy 1945, xuất bản ở Hà Nội, đã ghi nhận những điều ông thấy ở các tỉnh miền Trung, nhất là ở kinh đô Huế, những chuyện mà ông cho là “lạ lùng” và điều ông đã lầm tưởng về “ngày giỗ lớn lao” ấy.

Người viết xin được gửi tới các bạn đọc nguyên văn bài viết của L.H.V. sau đây nhân dịp tưởng niệm 89 năm Ngày Tang Yên Báy, 17 tháng 6, 2019, ngày tang lớn chung của cả dân tộc. Đây không phải chỉ là một bài phóng sự bình thường mà là một tài liệu lịch sử. Nó nói lên phản ứng của người dân Việt Nam thuộc đủ mọi từng lớp từ người lao động bình dân đến các trí thức mà Thủ Tướng Trần Trọng Kim và các bộ trưởng của ông là đại diện, từ người già đến người trẻ, người giầu lẫn người nghèo ở nhiều nơi trong nước, đặc biệt là ở các tỉnh Miền Trung đối với một đảng quốc gia lớn nhất, đã xuất hiện từ lâu và đã góp phần không nhỏ vào cuộc đấu tranh chung của cả dân tộc, xuyên qua Ngày Kỷ Niệm Nguyễn Thái Học và Các Liệt Sĩ Yên Báy khác.

MƯỜI BẨY THÁNG SÁU DƯƠNG LỊCH

L.H.V

Thanh Nghị, Số 115, Ngày 7 tháng Bảy 1945

Chúng tôi đã đi quá nửa con đường thiên lý chạy suốt Việt Nam và, mỗi chỗ, đã thấy anh em thành kính, nhưng hăng hái, sửa soạn ngày mười bẩy tháng sáu. Chúng tôi đã nhầm: chúng tôi đã tưởng rằng cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Đảng năm 1930, vì cái chánh sách thực dân tàn ác mà khôn khéo của bọn Pháp, chỉ còn để lại vết kỷ niệm trong lòng những người Việt Nam phía Bắc mà thôi! Vì phía Bắc là nơi đã nghe rõ mồn một tiếng súng đêm Yên Báy, tiếng kèn gọi lính của quân đội thù nghịch, tiếng bom tàn phá Cổ Am…Vì phía Bắc là nơi dân chúng phải nhắm mắt đi không dám nhìn những cuộc tàn sát vô cùng độc ác của bọn da trắng thắng thế. Chúng tôi đã nhầm, nên đã gửi nhiều giây thép về Nam để cho anh em nhớ lại ngày mà mười ba liệt sĩ của chúng ta đã bi ám sát vì quá lòng yêu nước.

Chiếc xe hơi của chúng tôi đi theo liền điện tín. Ở mỗi tỉnh, xe hơi đã đến trước tờ giấy xanh. Sự lạ lùng ấy đã làm cho chúng tôi biết rõ một điều chắc chắn người từ Bắc chí Nam nước Việt Nam, không một ai quên ngày giỗ lớn lao ấy. Lòng yêu nước đã bùng cháy khắp chốn như ngọn lửa dài và tươi tắn đương lan theo đỉnh Tràng Sơn, một tối cháy rừng. Tên nhà chiến sĩ cách mạng Nguyễn Thái Học không ai quên cả. Không ai quên cả, thời kỳ cuối cùng của lịch sử cách mạng nước ta. Tiếng súng, tiếng bom, tiếng hô dõng dạc và anh hùng, tiếng khóc ảo não, người ta tưởng chỉ người một miền nghe thấy mà ai ngờ vang mãi đến các anh em đồng bào ở suốt dọc đường Bắc Nam.

Ở Huế chúng tôi đã dự hai buổi lễ truy điệu các vị anh hùng 1930. Gian buồng của hội Quảng Tri không đủ chứa lòng thành kính của anh em, nên đến bữa sau lại phải đọc lại một lần nữa cho những người chậm chân không có chỗ. Ở đó tối hôm ấy, có cả những ông già bà cả, những người áo rách, tay thành chai. Ở đó tối ấy có cả một ông thủ tướng với mấy ông bộ trưởng ngồi lẫn vào đám đông chỉ lấy tư cách là dân một nước. Chúng tôi đã được nhìn rõ nét mặt trang nghiêm của mọi người yên lặng tưởng nhớ tới người xưa, trông nước mắt chảy giòng giòng trên những bộ mặt tươi tốt hay răn reo lúc kẻ nói chuyện tả lại bước đường cùng của mười ba người liệt sĩ. Tôi đã nghe thấy tiếng “Vạn tuế” đáp lại mười ba tiếng hô “Việt Nam” của cả một dân tộc, mười ba tiếng “Vạn tuế” hô lên để an ủi anh hồn mười ba liệt sĩ lúc hùng dũng bước lên đoạn đầu đài đã bị bàn tay thực dân bịt miệng, chỉ mới kịp kêu hai tiếng “Việt Nam”. Lễ truy điệu bắt đầu trong tâm niệm, giải ra trong thành kính, kết cục trong yên lặng. Yên lặng đó mới là nhiều hứa hẹn. Khi quần chúng đã biết yên lặng mà gia hợp thì quần chúng đã cùng chung một tin tưởng mạnh mẽ vô ngần đã ra về với một quả quyết sắt đá. 

Trên đường về người ta kể lại cho chúng tôi nghe từng buổi hội họp, cùng một ngày mười bẩy tháng sáu ở các tỉnh dọc đường: hằn học ở Vinh, ồn ào ở Hà Nội. Nhưng đâu đâu chúng tôi cũng thấy tin tưởng với quả quyết chung ấy.

Sự lạ lùng ấy đã làm cho chúng tôi biết rõ một điều chắc chắn. Là suốt từ Bắc chí Nam người Việt Nam, không một ai quên ngày giỗ lớn lao ấy. Lòng yêu nước đã bùng cháy khắp chốn như ngọn lửa dài và tươi tắn đang lan theo đỉnh Tràng Sơn một tối cháy rừng.

Một đền nghĩa liệt sắp sây nền. Bia đá tượng đồng sắp xây dựng khắp chốn. Nhưng còn có đài kỷ niệm nào hơn tấm lòng thành kính của hăm mấy triệu dân trong một ngày lịch sử.

L.H.V.


Những cảnh tượng vô cùng xúc động hiếm có được Nhà Báo L.H.V. ghi lại trên đây cho ta thấy sự tiếc thương 13 Liệt Sĩ Việt Nam Quốc Dân Đảng ở thời điểm Việt Nam lần đầu tiên có một chính phủ độc lập không phải chỉ được biểu lộ bởi người dân ở khắp nơi trong nước mà luôn cả bởi nhà cầm quyền đương thời với sự hiện diện lặng lẽ của chính Thủ Tướng Trần Trọng Kim và các bộ trưởng trong nội các của ông. Điều đáng tiếc là những cảnh tượng này sau đó không còn nữa. Sau Biến Cố 19 Tháng Tám 1945 – Việt Minh Cướp Chính Quyền, thay vì tưởng niệm, những người Cộng Sản đã quay sang ngăn cấm, đàn áp, bắt bớ và thủ tiêu các đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng cũng như nhiều đảng phái quốc gia khác nhằm giữ độc quyền lãnh đạo, bằng cách vu cáo cho họ là Việt gian, tay sai của Pháp hay của Nhật.

Ngay từ ngày 13 tháng 9, chỉ non một tháng sau ngày cướp được chính quyền,

Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 31, bắt phải khai báo trước 24 giờ tất cả những cuộc biểu tình, hội họp, đồng thời báo Cứu Quốc, cơ quan chính thức của chính quyền Cộng Sản, đăng bài “Hai tên phản quốc Sơn và Nghiệp bị bắt trong trường hợp nào?” đồng thời mạ lỵ cả ba lãnh tụ Nguyễn Ngọc Sơn, Nguyễn Thế Nghiệp và Nhượng Tống của  Việt Nam Quốc Dân Đảng.  Chưa hết, hai ngày sau, ngày 15 tháng 9,  Hồ Chí Minh lại ký thêm sắc lệnh bắt an trí những người nguy hiểm cho cách mạng.  Có điều qua những việc làm này, Việt Minh chủ yếu nhắm vào Việt Nam Quốc Dân Đảng đương thời của thời điểm 1945, 1946 và tuy bề ngoài vẫn gián tiếp tỏ ra  kính trọng Việt Nam Quốc Dân Đảng của thời 1930 với 13 liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ Quốc của đảng này,  một sự hy sinh quá ư lớn không ai có thể phủ nhận được.  Bằng chứng mà nhiều người còn nhớ là trong số các khẩu hiệu được hô trong các cuộc biểu  tình do Việt Minh tổ chức luôn luôn có khẩu hiệu “Đả đảo Việt Nam Quốc Dân Đảng Giả Danh”.  Tại sao lại giả danh?  Là để phân biệt giữa Việt Nam Quốc Dân Đảng thời Nguyễn Thái Học với Việt Nam Quốc Dân Đảng thời 1945-1946 khi Việt Minh phải đối phó quyết liệt và muốn tìm mọi cách để tiêu diệt đảng này.

Vẫn chưa hết, vẫn với chủ trương “Đảng Cộng Sản Phải là đảng cầm quyền” và đảng duy nhất cầm quyền, trong những năm tiếp theo, đặc biệt là trong thời kỳ Cải Cách Ruộng Đất (1953-1956), Cộng Sản lại một lần nữa biến Việt Nam Quốc Dân Đảng thành mục tiêu của các cuộc săn đuổi, nhiều khi chỉ là cái cớ để  người ta tố cáo lẫn nhau để trả thù.

Để kết luận, ta có thể nói vì mang danh Quốc Dân Đảng, đảng của Quốc Dân, trong non một thế kỷ tồn tại, kể từ ngày thành lập, với tinh thần yêu nước thuần túy trong sáng, vô vị lợi, chỉ tranh đấu cho độc lập, dân quyền, dân sinh, bất khuất trước bạo lực, chỉ có hy sinh mà không nhằm đòi hỏi quyền lợi riêng tư nào, Việt Nam Quốc Dân Đảng đã lôi cuốn được cảm tình và lòng thương mến của mọi người dân Việt Nam từ Bắc chí Nam, cho đến bây giờ là ở Hải Ngoại, đúng như Ký Giả L.H.V. kể lại trong bút ký của ông trên đây, xin được trích lại:

Ở đó tối hôm ấy, có cả những ông già bà cả, những người áo rách, tay thành chai. Ở đó tối ấy có cả một ông thủ tướng với mấy ông bộ trưởng ngồi lẫn vào đám đông chỉ lấy tư cách là dân một nước. Chúng tôi đã được nhìn rõ nét mặt trang nghiêm của mọi người yên lặng tưởng nhớ tới người xưa, trông nước mắt chảy giòng giòng trên những bộ mặt tươi tốt hay răn reo lúc kẻ nói chuyện tả lại bước đường cùng của mười ba người liệt sĩ. Tôi đã nghe thấy tiếng “Vạn tuế” đáp lại mười ba tiếng hô “Việt Nam” của cả một dân tộc, mười ba tiếng “Vạn tuế” hô lên để an ủi anh hồn mười ba liệt sĩ lúc hùng dũng bước lên đoạn đầu đài đã bị bàn tay thực dân bịt miệng, chỉ mới kịp kêu hai tiếng “Việt Nam”.

Sự lạ lùng ấy đã làm cho chúng tôi biết rõ một điều chắc chắn. Là suốt từ Bắc chí Nam người Việt Nam, không một ai quên ngày giỗ lớn lao ấy. Lòng yêu nước đã bùng cháy khắp chốn như ngọn lửa dài và tươi tắn đang lan theo đỉnh Tràng Sơn một tối cháy rừng.

Những sự kiện lịch sử được Ký Giả L. H. V. ghi nhận trên đây cho ta thấy ảnh hưởng, cảm tình và lòng yêu mến của người dân Việt Nam dành cho Việt Nam Quốc Dân Đảng là sâu đậm, thắm thiết đến độ nào và nếu sau này Việt Minh luôn luôn nể sợ và tìm cách tiêu diệt Việt Nam Quốc Dân Đảng không phải là không có lý do của họ. Sự thực lịch sử là như vậy. Việt Nam Quốc Dân Đảng luôn luôn gắn liền với lòng chân thành yêu nước của người dân.

Một điều khác chúng ta cũng cần để ý ở đây là trong câu hô của các Liệt Sĩ Yên Bái khi các vị này bước lên đoạn đầu đài không phải là “Việt Nam Quốc Dân Đảng Muôn Năm!” mà chỉ là “Việt Nam Muôn Năm!” hay “Việt Nam Vạn Tuế!” ngắn gọn.  Điều này đã làm cho họ khác hẳn người Cộng Sản, điển hình là Hồ Chí Minh.  Họ Hồ đã dùng bốn tiếng “Lời chào Cộng Sản!” trong đoạn kết  những thư ông gửi cho các lãnh tụ Cộng Sản khác, trong đó có Stalin.  Với 13 Liệt Sĩ Việt Nam Quốc Dân Đảng, như lời của Nguyễn Thái Học đã nói “Không thành công cũng thành NHÂN!” và các vị đã làm đúng điều này.

Phạm Cao Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad