Xin mời độc giả đọc một chương trích từ quyển “Từ Thực Dân Đến Cộng Sản” của học giả Hoàng Văn Chí để hiểu trong quá khứ đảng Cộng sản Việt Nam đã có một chương trình nô dịch hóa con người như thế nào. Những tác hại của một quá trình dài nô dịch gọi là “cải tạo tư tưởng” ấy ngày nay đã hiện rõ khắp các mặt tiêu cực trong đảng, chính quyền và trong xã hội Việt Nam.
CẢI TẠO TƯ TƯỞNG
"Thiên hạ thường tin những câu chuyện bịa đặt nhưng giản-dị, hơn là những câu chuyện có thực, nhưng rắc rối, khó hiểu".
DE TOCQUEVILLE
Giới trí-thức hợp tác với Việt-minh và tham gia kháng chiến không thể nào công nhận Pháp có gián điệp hoạt động trong khắp xóm làng, và chỉ có những kẻ ngớ ngẩn vào bậc nhất mới tin câu chuyện Pháp nhờ mấy ông sư vẽ bản đồ hướng dẫn phi công Pháp trong các vụ oanh-tạc. Trong cuộc "Ðấu chính trị" không ai là không thấy bàn tay Ðảng giật giây và mọi người đều xác định là Ðảng dùng cả phương tiện hợp pháp lẫn bất hợp pháp để loại trừ những người không Cộng-sản ra khỏi hàng ngũ kháng chiến. Vì tin có Trung-Cộng viện trợ để thắng Pháp nay mai, nên Việt Cộng cho rằng cơ hội Cộng-sản-hóa toàn cõi Việt Nam đã đến nơi, và muốn Cộng-sản-hóa thì việc đầu tiên là tiêu diệt những phần tử sau này sẽ chống đối. Có người cho rằng ông Hồ đã trở tay diệt trừ những người kháng-chiến có xu-hướng quốc-gia vì ông không quên kinh nghiệm bản thân hồi hai mươi bốn năm về trước Tưởng-giới-Thạch trở tay diệt Cộng.
Hồi ấy Quốc-Dân-Ðảng và Cộng-sản Trung-hoa liên-kết trong cuộc Bắc Phạt đánh Trương-tác-Lâm. Liên quân Quốc-Cộng chiếm được Thượng-Hải tháng 5, 1927, nhờ có Chu-Ân-Lai và bè đảng từ trong nổi loạn và mở cửa thành. Sau khi vào Thượng-Hải, Tưởng-giới-Thạch bắt nhân dân phải nộp khí giới và đột nhiên bắn hết Cộng-sản. Hồi đó, ông Hồ đang ở Quảng-châu, và nhờ sự che chở của phái bộ Nga nên ông về được Moscou cùng với phái đoàn, còn Mao-Trạch-Ðông và đồng đảng phải mở một con đường máu vừa đánh vừa chạy trong hơn hai năm, cuối cùng là cuộc "Vạn-lý trường-chinh" (1934-1936) đưa Trung-Cộng lên Diên-An, định cư ở đấy cho đến 1949.
Vì Tưởng trở tay bất ngờ nên cả ông Hồ lẫn ông Mao đều bị lao đao. Từ ngày ấy cả hai đều luôn luôn cảnh giác các đảng viên mới là nếu hợp tác với quốc-gia thì chớ nên quên "cầm dao đằng cán" hoặc ít nhất cũng phải luôn luôn phòng bị. Nguyễn-Sơn kể chuyện ông Mao rất ưa giảng Tam Quốc Chí, và ông thường đề cao Tào Tháo. Theo Tam Quốc Chí thì phương châm xử thế của Tào-Tháo là : "Thà phụ người, chớ để người phụ ta". Giới trí thức hợp tác với Việt-Minh không bao giờ ngờ rằng Ðảng có thể trở mặt vì không hề nghe nói vụ Tưởng trở tay ở Thượng-Hải và cũng không nghiên-cứu triết lý phụ người và người phụ. Họ chỉ biết tích cực tham gia kháng chiến và nhẫn nhục chịu đựng sự lãnh-đạo của Cộng-sản để tranh-đấu cho độc lập của xứ sở. Họ tin rằng sự hy-sinh của họ sẽ mang lại tự-do và công-bằng cho tổ quốc thân yêu. Nhưng họ bừng tỉnh giấc mơ khi họ thấy trong cuộc "Ðấu Chính trị" Ðảng đã tàn sát không biết bao nhiêu người lâu nay vẫn ngoan ngoãn theo Ðảng, rồi vờ vịt nói là tại "quần-chúng tự động". Câu hỏi được đặt ra là một đảng "bá đạo" như vậy thì làm sao có thể thực hiện được Thế Giới Ðại Ðồng. Họ thắc mắc và bỗng nhiên nhớ lại thuyết hoài nghi của Montaigne. "Cái gì bên này coi là chân lý thì bên kia coi là tà thuyết", Ðộc-tài được gọi là Dân-chủ, Ðộc-lập nghĩa là phụ thuộc Nga Tầu, và Tự-do đã trở thành "bệnh". Chính-sách cứ thay đổi xoành xoạch, nên giới trí thức chẳng biết đâu là cách-rnạng đâu là phản động. Mớ kiến thức hấp thụ của Tây Phương trở thành vô dụng. Triết học Ðông, Tây, và ngay cả lý thuyết Mác-xít cũng chẳng ăn nhằm vì Cụ Mác nói một đường mà bây giờ ông Mao và các lý thuyết gia Trung-cộng lại giảng một nẻo. Bị hoang mang, họ chẳng còn biết ai là kẻ thù chính : thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, địa chủ Việt-Nam, Phật giáo, tư sản mại bản, hay là chính bản thân họ, là trí thức tiểu-tư-sản. Nhiều đảng viên cũng cảm thấy ai oán trong lòng. Họ nghiên cứu chủ nghĩa Mác và chấp nhận nguyên tắc vô-sản chuyên-chính vì họ quan-niệm nông-dân và công-nhân cũng có thể "trị quốc" một cách công bình nhân đạo, vì dù ít học họ cũng là những người "phải chăng". Nhưng giờ đã họ nhận thấy nông dân và công dân ngay thẳng chẳng có mảy may quyền hành dưới cái chế độ mệnh danh là Công Nông chuyên-chính. Trong các cuộc đấu tố chỉ có bọn lưu manh là có toàn quyền đánh đập. Sau này Ðảng giải thích là thành phần không quan trọng, chỉ có lập trường mới đáng kể. Năm 1952 ông Trần-đức-Thảo đỗ thạc-sĩ triết học ở Paris về nước phục vụ kháng chiến, nhưng bốn năm sau, trong phong trào Trăm Hoa Ðua Nở (sẽ trình bày ở Chương 17), ông viết : "Tổ chức ở huyện và tỉnh phát triển theo một thứ chủ nghĩa nông dân lưu manh hóa". Xem những văn thơ đăng trong Giai Phẩm và Nhân Văn, xuất-bản trong phong trào Trăm Hoa Ðua Nở, chúng ta thấy rõ trí-thức trong hàng-ngũ kháng-chiến hết sức chán nản đối với đường lối chính sách của Ðảng. Mặc dầu thiểu số, trí thức đã đóng góp rất nhiều cho kháng-chiến và cho Ðảng. Ðảng vẫn còn cần đến họ, nhưng càng ngày họ càng bị khinh rẻ. Ðảng đã cử hàng nghìn thanh niên sang Nga, sang Tầu và sang Ðông-Âu để học tập, nhưng hồi ấy bọn này họ chưa thành tài nên Ðảng vẫn còn cần những cán bộ và chuyên viên thuộc thành phần "phong kiến" và đã hấp thụ giáo dục "thực dân". Ông Mao đã từng tuyên bố là trí thức không giác ngộ chủ nghĩa Mát-xít thì không ích lợi bằng một cục phân, vì phân còn có thể dùng để bón ruộng. Chỉ vì chưa đào tạo được lớp người mới nên bất đắc dĩ Ðảng vẫn phải dùng người cũ trong ít lâu. Do đó Ðảng thấy cần phải cải tạo lại tư tưởng cho họ. Công cuộc giáo dục trí thức được Cộng-sản mệnh danh là "Công-tác tư-tưởng", một thứ công-tác mà Cộng-sản coi là quan trọng vào bực nhất. Nó là một thứ tâm-lý-chiến, không phải nhằm vào địch, mà nhằm đả phá ảnh-hưởng tư-tưởng địch ăn sâu trong đầu óc trí-thức.
Theo sát công tác quân-sự, kinh-tế chính-trị và xã-hội và ngay cả trong thời kỳ xây dựng kinh-tế xã-hội chủ-nghĩa công tác tư-tưởng được chia thành nhiều đợt, mỗi đợt chỉ nhằm tiêu diệt "một kẻ thù". In hệt ba anh em Horace trong tuồng của Corneille, giết ba địch thủ mỗi lúc một người, công tác tư tưởng cũng nhằm tiêu diệt mỗi lần một tư tưởng phi-vô-sản.
Trong giai đoạn đầu, 1946-54 (tức là trong thời gian kháng chiến) công-tác tư-tưởng nhằm đả phá "ảnh-hưởng văn-hóa Pháp", duy tâm, hoài nghi, lãng mạn, cá nhân chủ nghĩa, nghệ thuật vị nghệ thuật, vân vân...
Trong giai đoạn thứ hai (trong Cải Cách Ruộng Ðất) công tác tư tưởng nhằm đả phá quan-niệm phong-kiến về tư hữu và trật-tự xã-hội, đạo-lý nhà nho, thái-độ khinh rẻ "dân ngu khu đen", vân vân...
Trong giai-đoạn thứ ba (sau vụ Trăm Hoa Ðua Nở) : chống tư-tưởng tư-sản, tự-do kinh-doanh, hâm mộ kỹ-thuật tây-phương và chính-thể đại-nghị của tây-phương, luyến tiếc những "tự-do tản mạn" (tự-do cá-nhân, tự-do ngôn-luận, tự-do đi lại) v.v...
Trong giai-đoạn cuối, từ 1959 trở đi (sau khi xung công hết xí nghiệp tư nhân) : chống tư-tưởng "tiểu-tư sản" mà trong bản báo cáo đọc trước Ðại Hội Ðảng Lao Ðộng lần thứ Ba, ông Trường-Chinh đã định nghĩa đại khái như sau :
... "Lập trường bấp bênh, chủ quan, hay lạc quan và bi quan tếu, hẹp hòi, thiển cận, do dự, bảo thủ... thiếu tinh-thần kỷ-luật, không tôn trọng kỷ-luật lao động, không tích-cực đi vào con đường tập-thể, không chịu sống cuộc đời mới, luyến tiếc lối sản-xuất cá-thể, không mạnh dạn cải-tiến kỹ-thuật và tổ-chức, không dám tìm cái mới, sợ nghĩ và sợ hành-động, không quyết-tâm thu mua lương-thực của nhân-dân, thu-thuế và thu-nợ, không quyết-tâm đàn-áp phản động hiện-hành".
Trong khi đả phá những tư-tưởng phản-động thì đồng thời Ðảng cũng tích-cực giáo-dục tư-tưởng Mác-xít. Công tác giáo-dục này cũng chia thành nhiều đợt để đảng viên cán bộ và quần-chúng có thể leo dần lên lâu-đài Mác xít cao chót vót mà không bị chóng mặt. Việc chia công tác tư tưởng thành nhiều đợt có những nguyên do như sau :
1. - Giảng lý thuyết Mác-xít cho một người trong trắng là chuyện rất khó, và một bài học, một khóa học, có khi một năm cũng không đủ. Không khác hình-học Euclide, lý-thuyết Mác-xít cũng bắt nguồn từ một định-đề, rồi từ định-đề ấy rút ra một số định-lý và hệ-luận, để dẫn tới một kết-quả cụ-thể. Ðối với lý-thuyết Mác-xít thì định-đề là : Mâu thuẫn nội bộ, và kết luận cụ-thể là : đời sống cộng-sản là đời sống hợp lý nhất. Học sinh nghiên-cứu lý-thuyết Mác phải chia thành nhiều lớp, trên, dưới và tiến tuần tự từ dưới lên trên.
2. - Chủ-nghĩa Mác-xít giống Hóa-học ở một điểm là cả hai đều là khoa-học thực-nghiệm, phát xuất từ những nhận xét thực tế rồi giải-thích bằng lối suy-trắc-thuyết. Nếu không ai có thể chỉ đọc sách hóa học mà trở thành một hóa-học-gia thì cũng không ai có thể chỉ đọc sách mác-xít hoặc nghe giảng mác-xít mà trở thành một đảng-viên cộng sản tốt, hoặc thấm nhuần lý thuyết mác-xít. Thực tế hành động là tối cần vì chỉ có hoạt động thực-tế thì chất mác-xít mới thấm vào cơ thể của mỗi người. Vì vậy nên sau mỗi khóa "công-tác tư-tưởng", học sinh nghiên cứu chủ-nghĩa Mác cần phải trải qua một thời kỳ thực-tập.
3. - Cộng-sản hình dung những tư-tưởng phản-động như những vi trùng độc đột nhập vào cơ thể, và cả hai đều gồm nhiều loại, mỗi loại gây thành một thứ "bệnh" đặc biệt. Những tư-tưởng phong kiến, tư-sản, tiểu-tư-sản, và hàng chục tư-tưởng "phi vô-sản" khác - thường gọi là "bệnh" - đều có tác hại và cần phải chữa chạy. Muốn chữa cho thật khỏi bệnh, bác-sĩ phải kê nhều "toa" liên tiếp. Liều thuốc "yêu nước" chẳng hạn có thể dùng để chữa bệnh "văn-hóa suy đồi của Pháp", mà triệu chứng là hoài nghi, lãng mạn, cá nhân chủ-nghĩa, vân vân... ; còn liều thuốc "giác ngộ xã hội chủ nghĩa" thì hiện nay đương dùng chữa bệnh "tiểu-tư-sản".
4. - Chủ-nghĩa Mác-xít Lê-nin-nít là một thứ thuốc dùng để chữa bệnh, nên in hệt các thứ thuốc khác nó cũng cần phải "tiêm" rất từ từ. Nếu phát tiêm đầu tiên mạnh quá, hoặc cách ít ngày quá, bệnh nhân có thể "phản ứng" một cách mãnh-liệt. Muốn "nhồi" chủ-nghĩa Mác-xít thì đại-khái cũng phải như vậy; mỗi ngày một ít, và sau mỗi lần "nhồi" lại phải nghỉ một thời gian.
5. - Nhưng lý do quân trọng nhất khiến công tác tư tưởng bắt buộc phải chia ra thành nhiều đợt, đã được ông Trường-Chinh chính thức giải-thích trong bản báo-cáo ông đọc trước Hội Nghị lần thứ Ba của Ðảng Lao-Ðộng như sau :
"Công-tác chính-trị quyết-định công-tác tư-tưởng, và công-tác tư-tưởng phải phụ thuộc công-tác chính-trị. Hai công-tác kể trên không thể tách rời nhau và nhất là đối lập với nhau."(Văn Học, số 113, tháng 9, 1960).
Ý ông Trường-Chinh muốn nói là mỗi lần Ðảng thay đổi chính-sách là một lần Ðảng phải mở một chiến dịch cải-tạo tư tưởng. Tổ chức cải-tạo tư-tưởng cho toàn dân có thể ví với một trường học khổng lồ mà cả nước là học trò. Chương trình huấn-luyện gồm có nhiều đợt mà học sinh cũng chia thành hai hạng. Ðảng viên tương đối có nhiều kiến thức chính-trị hơn thì học lớp trên, còn cán-bộ không đảng thì học lớp dưới. Nhưng trên hay dưới cũng học một môn là chủ nghĩa Mác-xít. Vì Ðảng viên sở trường về chính-trị nhiều hơn nên mực huấn luyện có cao hơn. Trong mấy năm gần đây Ðảng có soạn hai chương trình huấn-luyện riêng biệt, một cho đảng-viên và một cho cán-bộ không đảng. Ông Trường-Chinh trình bầy mục đích của hai chương-trình ấy như sau :
Chương-trình cho cán bộ. Mục tiêu của cuộc tranh-đấu giáo-dục và tư-tưởng là sự hiểu biết mỗi ngày một rộng về ý chí muốn thống-nhất quốc-gia và tinh-thần nhân dân làm chủ cả nước. Phải huấn-luyện học sinh chống lại mỗi hiện tượng của tư-tưởng tư-sản vàphê bình tư-tưởng tiểu-tư-sản. Cần phải kiên trì gột bỏ mọi tàn tích tư-tưởng phong-kiến và tất cả những tư-tưởng phi vô-sản khác.
Chương-trình cho đảng viên. Ðối với đảng-viên thì chương trình huấn-luyện nhằm mục-đích tăng-cường tư-tưởng vô-sản bằng cách huấn-luyện kỹ càng chủ-nghĩa Mác-xít Lê-nin-nít. Phải khuyến khích các đảng viên đấu tranh chống ảnh-hưởng tư-tưởng tư-sản và tư-tưởng tiểu-tư sản, và phải tiếp tục tẩy trừ mọi vết tích tư-tưởng phong-kiến và những tư-tưởng phi-vô-sản khác (ibid).
Ðọc kỹ hai chương-trình, một dành riêng cho đảng viên, và một cho cán-bộ không đảng, chúng ta có thể nhận thấy nhiều điểm đặc biệt. Tinh thần quốc gia (nguyện vọng thống nhất quốc-gia) nằm trong chương trình công tác tư-tưởng cán bộ không đảng, nhưng loại trừ ra khỏi chương trình dành cho đảng viên, vì đã là đảng viên cộng-sản thì phải đặt sự lãnh-đạo của Moscou hoặc của Bắc-Kinh lên trên tinh-thần quốc-gia. Thái-độ của mỗi loại đối với những tư-tưởng "sai lầm" cũng phải khác nhau. Theo quan niệm cộng-sản tư tưởng tiểu-tư-sản dù sai, nhưng không tác hại nhiều như tư-tưởng tư-sản, và "phê bình" là một hình thức nhẹ hơn "đấu tranh". Những danh từ này đều có nghĩa tương đối.
Ý ông Trường-Chinh muốn nói, thứ nhất, đảng viên cũng như cán bộ ngoài đảng phải đấu tranh diệt trừ tư tưởng tư-sản và hai là, trong khi cán-bộ ngoài đảng chỉ bị "phê bình" nếu có tư-tưởng tiểu-tư-sản, các đảng-viên phải "đấu tranh" chống tư tưởng tiểu-tư-sản. Một cán-bộ ngoại đảng mà để lộ tư tưởng tiểu-tư-sản thì chỉ bị phê bình qua loa, mà nếu đảng viên cũng có tư-tưởng ấy thì sẽ bị trừng phạt.
Tóm lại, Ðảng còn dung thứ cho tư-tưởng tiểu-tư sản hoành hành một phần nào trong đám cán-bộ không đảng, nhưng tuyệt-đối quét sạch tư-tưởng ấy trong hàng ngũ đảng-viên.
Chương trình cải tạo tư-tưởng chia làm ba đợt. Ðợt thứ nhất (cho tới 1960) Ðảng làm ngơ tư tưởng tiểu-tư-sản trong hàng ngũ cán bộ ngoại đảng, và Ðảng chỉ phê bình những đảng viên có tư tưởng ấy. Trong đợt thứ hai (mà ông Trường-Chinh trình bày) cán bộ ngoại đảng có tư-tưởng tiểu-tư-sản thì bị phê-bình, đảng viên thì bị tranh đấu. Ðối với tư tưởng tư-sản thì cả hai loại đều bị đấu tranh. Ðến đợt thứ ba (để tiến tới trình-độ hoàn hảo) cả cán-bộ ngoại đảng và đảng-viên đều phải đấu-tranh chống cả hai thứ tư tưởng tiểu-tư-sản và tư-sản.
Nói chung thì đối với loại tư tưởng nào Ðảng cũng có ba thái độ. Ðầu tiên làm ngơ, sau là phê bình, và sau nữa là đấu tranh. Toàn dân, đảng-viên, cán-bộ và quần-chúng lần lượt phải bước qua ba giai-đoạn kể trên, nhưng kẻ bước trước, người theo sau. Liều thuốc chích cho đảng-viên dĩ nhiên nặng hơn liều chích cho cán-bộ ngoại đảng, nhưng sang giai đoạn sau thì liều thuốc chích cho cán-bộ ngoài đảng nặng thêm, và cho đảng viên lại nặng thêm nữa. Như vậy là đảng-viên, trí-thức ngoài đảng, nông-dân, công nhân, mọi người cứ như leo thang, bước dần lên tới tình trạng chí thiện, mà ông Trường-Chinh mô tả như sau :
"Mục đích của cuộc cách mạng hiện nay là toàn thể nhân-dân và đặc biệt là nhân-dân lao-động, phải quán triệt tư-tưởng xã-hội, phải gột rửa những nhân-sinh-quan và thế-giới-quan cũ bằng quan-điểm Mác-xít. Chủ nghĩa Mác-xít Lê-nin-nít sẽ hướng dẫn nếp sống đạo-đức cho cả nước và là cái khung chứa đựng tư-tưởng của toàn thể dân-tộc. Nó sẽ là nền tảng xây dựng đạo-đức cho nhân-dân ta”(Ibid).
Ðoạn văn kể trên chứng tỏ rằng chủ-nghĩa Mác-xít là một tôn giáo theo đúng nghĩa của danh-từ "tôn giáo" - một tôn giáo đang đấu tranh để thay thế hết thảy các tôn giáo khác và không chịu mảy may dung túng chủ nghĩa "vô thần" hoặc "đa thần" trong đám quần chúng dưới sự kiểm soát của họ. Ðể đạt tới tình trạng chí thiện này (na ná như Ðạo của Lão-giáo, hoặc Niết-bàn của Phật giáo) giáo hội Ðông phương của Mác-xít-giáo đã dùng hai biện-pháp thẩm-sát là "Kiểm thảo" và "Chỉnh huấn" mà chúng tôi sẽ trình bầy trong các chương sau.
Hoàng-Văn-Chí
Mạc-Ðịnh dịch
DĐTK
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét