Bộ Y tế cần làm gì để giải quyết tình trạng bệnh viện công bị quá tải? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Sáu, 19 tháng 7, 2019

Bộ Y tế cần làm gì để giải quyết tình trạng bệnh viện công bị quá tải?


Ảnh minh họa: Một bệnh nhân được đưa vào phòng cấp cứu ở một bệnh viện công


Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe

Thực trạng bệnh viện công

Dân chúng tại Việt Nam trong những ngày tháng 7 sôi sục sự phẫn nộ đối với ngành y tế qua các bản tin liên tục được đăng tải, như bác sĩ chuyên khoa Răng Hàm Mặt trực chính ca đỡ đẻ cho sản phụ để cuối cùng trẻ sơ sinh bị kéo đứt cổ tử vong tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh hay một bệnh nhân chết do không được bác sĩ thăm khám sau 4 giờ được chuyển vào phòng cấp cứu ở Bệnh viện Chợ Rẫy và một trường hợp khác cũng xảy ra tại Bệnh viện Chợ Rẫy là bệnh nhân gãy đốt sống ngực nhưng bác sĩ đã khoan nhầm cẳng chân dù bệnh nhân lên tiếng cho biết chân không bị gãy…

Các trường hợp vừa nêu được truyền thông loan đi trong thời gian gần đây chỉ là ví dụ điển hình của vô số những ca điều trị bệnh, mà dư luận cho rằng bởi do bệnh viện bị quá tải và nhân viên y tế quá tắc trách dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng, thậm chí khiến bệnh nhân mất mạng.

Lướt qua trang fanpage của các báo mạng chính thống, Đài RFA ghi nhận không ít ý kiến đòi hỏi và yêu cầu phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với giới chức ngành y tế do lơ là, coi thường mạng sống của bệnh nhân.

Quá tải và tắc trách

“Từ lúc đào tào thì người ta đã nói nhiều đến trách nhiệm của người thầy thuốc, bác sĩ là rất cao, phải bám chắc, nắm sát từng phút, từng giờ chứ không thể lơ là chủ quan được bởi vì chủ quan thì xảy ra biến chứng và hậu quả lớn thậm chí đe dọa tính mạng hay ảnh hưởng đến tính mạng của bệnh nhân.”

Trên đây là chia sẻ của Bác sĩ Dũng, đang làm việc tại một bệnh viện tư nhân ở Hà Nội. Từng công tác trong bệnh viện công, Bác sĩ Dũng giải bày rằng dù giới y khoa nhớ nằm lòng về y đức mà mình đã được học, tuy nhiên thực trạng điều trị bệnh tại bệnh viện công ở Việt Nam không thể cải thiện được. Bởi vì:

Nguyên nhân sâu xa của vấn đề là sự thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm của thầy thuốc là chính. Bởi vì, người ta vừa phải mưu sinh cộng với làm cả công, cả tư bị cả hai chi phối nên người ta không chú tâm vào trách nhiệm của mình khi khám trị bệnh cho bệnh nhân. Mỗi người bớt đi một ít trách nhiệm thì sẽ gây ra hậu quả thôi. Thứ hai nữa là tình trạng quá tải ở bệnh viện

-Bác sĩ Dũng
“Nguyên nhân sâu xa của vấn đề là sự thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm của thầy thuốc là chính. Bởi vì, người ta vừa phải mưu sinh cộng với làm cả công, cả tư bị cả hai chi phối nên người ta không chú tâm vào trách nhiệm của mình khi khám trị bệnh cho bệnh nhân. Mỗi người bớt đi một ít trách nhiệm thì sẽ gây ra hậu quả thôi. Thứ hai nữa là tình trạng quá tải ở bệnh viện.”

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, hồi năm 2014 từng lên tiếng xác nhận nguyên nhân gây tử vong cho bệnh nhân phần lớn là do sự non kém tay nghề, sự thờ ơ vô trách nhiệm, bỏ mặc bệnh nhân của y bác sĩ trong bệnh viện.

Theo số liệu thống kê không chính thức của Bộ Y tế tính đến năm 2018, Việt Nam với hơn 1000 bệnh viện công có 345 ngàn nhân viên y tế, trong đó số lượng bác sĩ trên 55 ngàn người, tương ứng tỷ lệ 7,2 bác sĩ/một vạn dân. Bộ Y tế cho biết tỷ lệ nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân ở Việt Nam tuy thấp hơn một số nước trong khu vực Đông Nam Á, nhưng vẫn thuộc nhóm có tỷ lệ cao trên thế giới.

Mặc dù được ghi nhận như vậy, thế nhưng tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực y khoa tại các bệnh viện công luôn là một câu chuyện dài không có hồi kết. Và đây là nguyên nhân chính của tình trạng bệnh viện công ở Việt Nam bị quá tải.

Tiến sĩ-Bác sĩ Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD) đưa ra nhận định của ông với RFA về tình trạng bệnh viện công bị quá tải:

“Tôi nhìn thấy tình trạng quá tải ở bệnh viện công hiện nay, nguồn gốc sâu xa là đã để cho tình trạng chăm sóc sức khỏe ban đầu bị bỏ bê. Hay nói khác là chất lượng chăm sóc y tế của tuyến dưới đã không đáp ứng được nhu cầu của người dân, gây sự hoang mang lo lắng về chất lượng chuyên môn buộc người dân đổ dồn lên tuyến trên và tình trạng đẩy y tế công sang công - tư lẫn lộn, tự chủ một phần để lo kinh phí đã khiến các bệnh viện công quay sang tổ chức hình thức dịch vụ thu tiền cho mục tiêu kinh tế và do đó để thu được tiền thì cần có bệnh nhân cho nên dẫn đến có tình trạng quá tải ở bệnh viện công.”

Bác sĩ Trần Tuấn gọi thực trạng đó là “một sự thật đau lòng” qua dẫn giải một thảm cảnh hồi năm 2014 ở Bệnh viện Nhi Trung ương đã để xảy ra dịch sởi, gây chết hàng trăm trẻ em do bởi bệnh viện này cứ thu nhận bệnh nhi mắc bệnh sởi vào chữa trị vì mục tiêu kinh tế của bệnh viện.

Lỗi tại cơ chế?

Ảnh minh họa: Bệnh nhân nhi tại một bệnh viện ở Hà Nội. AFP
Xét về phương diện nguồn nhân lực, Bộ Y tế cho biết tình trạng thiếu hụt nhân viên y tế trầm trọng tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, các bệnh viện tuyến dưới tại các địa phương. Bên cạnh đó, mặc dù hàng năm sinh viên tốt nghiệp ngành y từ 600 đến 1000 người nhưng vẫn không đáp ứng đủ do thời gian đào tạo khá dài, mất từ 5 đến 6 năm mới có nguồn nhân lực bổ sung cho sự thiếu hụt. Thêm vào đó, sự phát triển nhanh chóng của các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân đã thu hút cán bộ y tế thuộc hệ thống y tế công sang làm việc với mức lương cao hơn. Cụ thể, mỗi ngày bác sĩ tại các bệnh viện công phải điều trị bình quân 100 đến 150 bệnh nhân từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều; trong khi đó tại bệnh viện tư nhân, bác sĩ điều trị mỗi ngày khoảng 10 bệnh nhân nhưng thu nhập gấp đôi hoặc gấp ba.

Bác sĩ Dũng cho RFA biết nhiều bác sĩ mới ra trường thường chọn về công tác tại những bệnh viện ở các thành phố lớn, bệnh viện tuyến trên bởi vì các bệnh viện đó có đầy đủ trang thiết bị y tế và có cơ hội để thu nhập cao hơn so với bệnh vệnh tuyến dưới. Và một bác sĩ muốn được vào làm việc ở những bệnh viện tuyến trên, bệnh viện trung ương thường phải “chạy việc” với số tiền lên đến cả tỷ đồng. Do đó, không ít nhân viên y tế chọn làm việc ở cả bệnh viện công và bệnh viện tư nhân để kiếm thêm thu nhập trả “phí lo lót”.

Bác sĩ Dũng còn nêu lên tình trạng gọi là “lạm dụng” trong điều trị cho bệnh nhân để nhằm thu lợi kinh tế về cho bệnh viện và nhân viên y tế:

“Ví dụ như vừa rồi tại Bệnh viện 108, trường hợp bệnh nhân 5 tuổi đấy. Trên lý thuyết được học đối với trường hợp trẻ em bị chấn thương thì phải luôn luôn ưu tiên phương pháp bảo tồn cố định, bó bột. Hiện tại có nhiều phương pháp hiện đại chứ không hạn chế can thiệp bằng phương pháp phẫu thuật xương trên đứa bé vì đặc điểm xương của trẻ em rất nhanh liền, chỉ mất tầm 2 tuần là liền thôi. Nhưng bệnh nhân 5 tuổi mà bị đè ra mổ là lạm dụng. Bó bột chỉ mất mấy trăm ngàn, xong rồi ra viện. Trong khi mổ thì phải gây mê và phải có ê-kíp mổ thì mổ lại thành quy trình rồi. Gia đình bệnh nhân phải đưa phong bì cảm ơn cho người mổ chính, người mổ phụ…Có như thế thì mới có thêm tiền được.”

Trong một cuộc phỏng vấn với Báo mạng Infonet.vn hồi cuối tháng 6 năm 2016 xoay quanh chủ đề thu nhập của bác sĩ ở Việt Nam, Tiến sĩ-Bác sĩ Võ Xuân Sơn, làm việc tại Phòng khám Quốc tế EXSON cho biết giới bác sĩ ở Việt Nam thu nhập từ 3 nguồn, bao gồm lương từ ngân sách, các loại phụ cấp và các khỏan làm việc ngoài giờ. Bác sĩ Võ Xuân Sơn nhấn mạnh ngoài mức lương theo hệ số ngân sách cấp tương đối giống nhau, các khoản thu nhập còn lại bị ít dần ở các tuyến càng thấp và càng xa thành phố lớn và khoản thu nhập làm ngoài giờ vắt kiệt sức của bác sĩ. Bác sĩ Võ Xuân Sơn cũng khẳng định các khoản thu nhập từ “phong bì”, từ “hoa hồng” là các khoản thu nhập “không vui vẻ gì” đối với đa số các bác sĩ.

Giải pháp

Qua tìm hiểu, Đài Á Châu Tự Do ghi nhận giới chuyên môn trong ngành y cho rằng tình trạng bệnh viện công quá tải và nhân viên y tế tắc trách là một cái vòng lẩn quẩn kéo dài suốt nhiều năm qua. Bác sĩ Trần Tuấn nêu vấn đề:

“Tại sao bệnh nhân đổ lên tuyến trên? Tại sao họ phải mất tiền, mất của, mất thời gian công sức đi lại kéo nhau lên bệnh viện tuyến trên? Chính vì bị mất lòng tin ở các bệnh viện ở tuyến dưới. Tại sao như thế? Chỉ có những người trong ngành y, những người lãnh đạo hệ thống hiểu được, trả lời được và giải quyết được vấn đề này. Nhưng tôi thấy dường như có một bộ phận chịu trách nhiệm vận hành hệ thống y tế này đang đi theo hướng là muốn cho thấy rằng hệ thống bệnh viện công cần phải được tư nhân hóa để giải quyết những tình trạng hiện nay.”

Tiến sĩ-Bác sĩ Đinh Đức Long, nguyên Trung tá Quân đội Nhân dân Việt Nam khẳng định với RFA rằng xu hướng tư nhân hóa bệnh viện công tại Việt Nam là cần thiết:

“Xu hướng tư nhân hóa thì Việt Nam đang đi theo lộ trình của thế giới. Vấn đề là bước đầu làm có thể có bỡ ngỡ, có va vấp nhưng con đường đó là con đường chắc chắn là phải tư nhân hóa, không chỉ bệnh viện mà còn nhiều cái khác nữa.”

Đối với xu hướng tư nhân hóa của các bệnh viện công, bác sĩ Trần Tuấn nói về ghi nhận của ông:

“Hiện tại, người ta đã bắt đầu bằng một phương án gọi là công-tư hợp tác (PPP-Public Private Partnership). Thế nhưng, chúng ta biết rằng hợp tác công-tư để chăm sóc y tế lại thiếu vắng hệ thống giám sát, đánh giá độc lập về mặt chất lượng dịch vụ; chất lượng ở đây bao gồm cả chất lượng chuyên môn và vấn đề chi phí y tế; rồi lại trong tình trạng vấn đề hành lang pháp lý còn thiếu và việc thực thi pháp lý lại còn rơi vào tình trạng thiếu minh bạch, cộng với tiếng nói của bệnh nhân hay nói khác là của các tổ chức đại diện cho người bệnh không được nhìn nhận thì trong hòan cảnh đó nếu cứ tiếp tục mô hình công-tư hợp tác hoặc tăng quyền tự chủ cho bệnh viện công như đang định làm cho 4 bệnh viện đầu ngành (Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy và Bệnh viện K), tôi e rằng không tránh khỏi con đường đi vào tư nhân hóa bệnh viện công, mặc dù với tên gọi là công-tư hợp tác hay bệnh viện công tự chủ hoàn toàn.”

Tại sao bệnh nhân đổ lên tuyến trên? Tại sao họ phải mất tiền, mất của, mất thời gian công sức đi lại kéo nhau lên bệnh viện tuyến trên? Chính vì bị mất lòng tin ở các bệnh viện ở tuyến dưới. Tại sao như thế? Chỉ có những người trong ngành y, những người lãnh đạo hệ thống hiểu được, trả lời được và giải quyết được vấn đề này. Nhưng tôi thấy dường như có một bộ phận chịu trách nhiệm vận hành hệ thống y tế này đang đi theo hướng là muốn cho thấy rằng hệ thống bệnh viện công cần phải được tư nhân hóa để giải quyết những tình trạng hiện nay

-Bác sĩ Trần Tuấn
Bác sĩ Trần Tuấn nhắc lại kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 43 năm 2006 trao quyền tự chủ cho các cơ sở công lập có thu, thì hơn một thập niên qua với nguồn ngân sách của Nhà nước rót xuống các bệnh viện công dần hình thành cơ chế vận hành tài chính với nguồn thu tạo riêng, thực chất trở thành cơ sở chăm sóc y tế “chả phải công, chả phải tư”. Và bây giờ với Nghị quyết 33 của Chính phủ, cho “tự chủ hoàn toàn” thí điểm tại 4 bệnh viện công đầu ngành, Bác sĩ Trần Tuấn kêu gọi các giới chức ra chủ trương này cần phải rất cẩn thận xác định mục tiêu tự chủ sẽ dẫn dắt các bệnh viện đi đến đâu và, liệu có khắc phục được tình trạng quá tải hiện nay lại mở ra một mô hình nào khác nữa?

Trong khi đó, Bác sĩ Đinh Đức Long nói rằng mô hình thí điểm theo Nghị quyết 33 chưa diễn ra nên ông không thể nào nhận xét được hiệu quả hay hậu quả của nó. Tuy nhiên, Bác sĩ Đinh Đức Long xác nhận giải pháp đang thực hiện của Bộ Y tế là hướng đi đúng:

“Trên thực tế thì Bộ Y tế đang làm. Tôi nói ví dụ ở Hà Nội có Bệnh viện Bạch Mai có các bệnh viện vệ tinh, Bệnh viện Việt Đức có các bệnh viện vệ tinh ở tỉnh hay Bệnh viện Ung bướu Hà Nội có mấy bệnh viện cơ sở vệ tinh để giảm tải…Vấn đề về phía quản lý vĩ mô thì họ tạo thêm các bệnh viện vệ tinh và cho các bác sĩ ở bệnh viện trung ương luân phiên xuống bệnh viện cơ sở để nâng cao trình độ bác sĩ tuyến dưới. Họ làm nhiều năm rồi và họ đi đúng hướng. Nhưng vấn đề còn là tâm lý của người bệnh nữa. Người bệnh thường có tâm lý không tin ở bệnh viện cơ sở và bệnh gì cũng đi lên tuyến trên. Cho nên chính vì thế tuyến trên bị quá tải. Tôi nghĩ rằng họ đang triển khai là đúng. Tất nhiên không thể làm một lúc được vì phụ thuộc ngân sách, phụ thuộc mặt bằng mà không thể xây dựng bệnh viện trong ngày một ngày hai, phải mất vài năm và còn trang thiết bị nữa. Nhưng họ đang làm theo hướng đó và tôi nghĩ rằng hướng đi là đúng.”

Còn theo quan điểm của Bác sĩ Trần Tuấn cho rằng không thể trao quyền tự chủ cho các bệnh viện công, theo Nghị quyết 33 để rồi đi vào con đường tư nhân hóa, bởi đó mà theo cách gọi của Bác sĩ Trần Tuấn là “một cách chiếm đoạt nguồn lực công và như vậy sẽ để lại rất nhiều hậu quả trong ngành chăm sóc sức khỏe cho người dân ở Việt Nam.”

Bác sĩ Trần Tuấn khẳng định mục tiêu chắc chắn là phải cải tổ hệ thống y tế công hiện nay của Việt Nam, nhưng phải đảm bảo có được đủ 3 yếu tố chủ thể “công, tư, ngoài nhà nước nhân đạo phi lợi nhuận”, bằng ngược lại cứ “công, tư” lẫn lộn thì “sẽ là yếu tố cản trở sự phát triển chất lượng chuyên môn, cản trở tính hiệu quả của chăm sóc y tế và hậu quả cuối cùng là người dân cùng đội ngũ cán bộ y tế đều bị thiệt”.


RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad