Chống ngập ở TP.HCM: Đúng là ‘cầu được, ước thấy’! - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2019

Chống ngập ở TP.HCM: Đúng là ‘cầu được, ước thấy’!


Một cảnh ngập lụt tại Sài Gòn.

Cách nay hai tháng, khi cùng bà Nguyễn Thị Lệ (người thay bà Nguyễn Thị Quyết Tâm làm Chủ tịch Hội đồng nhân dân – HĐND - TP.HCM) đi thị sát “Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến biến đổi khí hậu – giai đoạn 1” (được báo giới ví con là “Siêu dự án chống ngập”), ông Trương Trung Kiên - Trưởng Ban Đô thị của HĐND TP.HCM – tuyên bố với báo giới: Vừa qua, những khu vực trước đây ngập rất nặng chưa ngập nặng lắm. Có thể là vì vũ lượng của những cơn mưa đầu mùa không lớn thành ra chưa thể đánh giá hiệu quả của các công trình chống ngập và lường hết mức độ ảnh hưởng đến đời sống dân chúng trong năm 2019 (1).

Cũng vì thế, nên chờ HĐND TP.HCM đưa ra đánh giá mới về “hiệu quả của các công trình chống ngập” sau cơn mưa chiều ngày 17/7/2019.

Báo chí Việt Nam tường thuật, cơn mưa lớn chiều ngày 17/7/2019 đã làm TP.HCM ngập nặng, giao thông trở thành hỗn loạn. VnExpress giới thiệu một phóng sự ảnh, đặc tả khu vực đường Phạm Văn Đồng đoạn chạy ngang quận Thủ Đức: Mực nước vượt quá chiều cao của các loại xe hai bánh gắn máy. Có người té ngửa khi đang dắt xe hai bánh gắn máy vì “sóng” do những xe lớn hơn tạo ra. Các loại phương tiện nghẽn ứ ở giao lộ Phạm Văn Đồng – Tô Ngọc Vân. Không chỉ xe hai bánh gắn máy mà xe hơi cũng chết máy. Dân chúng giúp nhau khiêng xe hai bánh gắn máy sang phía bên kia dải phân cách bằng bê tông để tìm lối khác về nhà. Tài xế các loại xe bốn bánh rời khỏi chiếc xe đang chìm trong nước, leo lên dải phân cách, chờ nước rút, đường thông (2)…

***

“Siêu dự án chống ngập” của TP.HCM được quảng bá là quan trọng nhất cả về qui mô lẫn mục tiêu (kiểm soát ngập khi thủy triều lên và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho khu vực trung tâm Sài Gòn) trong số các dự án chống ngập cho TP.HCM. “Siêu dự án chống ngập” trị giá khoảng 10.000 tỉ đồng được thực hiện theo hình thức BT: Nhà đầu tư bỏ vốn, tổ chức thực hiện dự án, sau khi hoàn tất thì bàn giao công trình cho chính quyền và chính quyền thanh toán phần vốn mà nhà đầu tư đã bỏ ra để thực hiện dự án chủ yếu bằng bất động sản (đất, trụ sở, kết cấu hạ tầng). “Siêu dự án chống ngập” của TP.HCM được giao cho Tập đoàn Trung Nam (Trung Nam Group) thực hiện.

Lẽ ra dự án phải hoàn tất vào tháng 4 năm ngoái nhưng theo đánh giá của HĐND hồi tháng 5 vừa qua thì mới chỉ hoàn tất khoảng 80% khối lượng và không chỉ trễ tiến độ…

Tháng 10 năm ngoái, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) gửi cho UBND TP.HCM thông báo về kết quả kiểm toán đối với hoạt động xây dựng và quản lý vốn đầu tư ở “siêu dự án chống ngập” do Trung Nam Group thực hiện. Theo đó, Trung Nam Group không đủ năng lực thực hiện dự án. Thay vì chỉ thanh toán cho Trung Nam Group sau khi tập đoàn này hoàn tất dự án, chính quyền TP.HCM lại… tạm ứng cho Trung Nam Group 1.518 tỉ đồng. Trung Nam Group tính toán sai về thiết kế, về khối lượng, áp dụng sai đơn giá và vận dụng sai nhiều yếu tố khác khiến chi phí đầu tư tăng thêm 402 tỉ đồng. Trung Nam Group còn tùy tiện thay đổi vật liệu (đổi thép do các quốc gia thuộc khối G7 sản xuất, thành thép do Trung Quốc sản xuất) (3)...

Từ đó đến nay, không thấy chính quyền TP.HCM làm gì: Không truy cứu tại sao lại giao “siêu dự án chống ngập” cho một nhà đầu tư không đủ năng lực? Tại sao không thẩm tra kỹ, dễ dãi phê duyệt bất kể Trung Nam Group tính sai đủ thứ? Tại sao tạm ứng vốn cho một dự án thực hiện theo hình thức BT? Tại sao lại dễ dàng đồng ý cho Trung Nam Group thay đổi đủ thứ từ thiết kế đủ loại hạng mục đến vật liệu? Đặc biệt, tại sao lại đẩy trách nhiệm cho Liên danh Tư vấn – Giám sát việc thực hiện hợp đồng BT giữa chính quyền TP.HCM với Công ty Trung Nam (4).

Liên danh Tư vấn – Giám sát vừa kể bao gồm ba doanh nghiệp: Công ty Tư vấn xây dựng Meinhardt (Úc), Công ty Tư vấn xây dựng công trình hàng hải, Công ty Tư vấn xây dựng và chuyển giao công nghệ Thăng Long 12. Liên doanh này là nơi cảnh báo chính quyền TP.HCM vi phạm pháp luật khi tạm ứng cho Trung Nam Group 1.518 tỉ. Đồng thời cũng là nơi đề nghị giới hữu trách ngăn chặn Trung Nam Group thay đổi thép làm các thiết bị cơ khí được lắp đặt tại cửa các cống kiểm soát thủy triều… Những cảnh báo, đề nghị đó đã khiến cho quan hệ giữa liên danh, đứng đầu là Công ty Meinhardt với Trung Nam Group trở thành hết sức căng thẳng. Nhiều nhân viên của Công ty Meinhardt đã bị du đãng dọa sẽ lấy huyết (5).

Đáp lại những cảnh báo của Công ty Meinhardt, tháng 10 năm ngoái, Cục Thuế TP.HCM đề nghị Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM thu hồi Giấy Chứng nhận Đăng ký kinh doanh, Giấy Chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp, Giấy phép thành lập và hoạt động, Giấy phép hành nghề của Công ty Meinhardt vì công ty này nợ gần 23 tỉ là tiền thuế, tiền phạt và tiền chậm nộp (6). Khoan bàn đến đúng – sai, chỉ đối chiếu việc giám sát – xử lý sai phạm trong thực hiện nghĩa vụ thuế giữa Công ty Meinhardt và Trung Nam Group, ai cũng có thể thấy Cục Thuế TP.HCM bất nhất trong hành xử: KTNN phát giác, chỉ tính đến cuối năm 2017, Trung Nam Group đã bỏ qua, chưa khai, chưa nộp khoản thuế xấp xỉ 283 tỉ đồng nhưng Cục Thuế TP.HCM để đó, không nói gì!

Nên nghĩ thế nào khi từ Bí thư Thành ủy như ông Nguyễn Thiện Nhân trở xuống, cùng nhất trí, “siêu dự án chống ngập” trục trặc, chậm trễ, phần lớn là do Meinhardt, cần gạt ra rìa, bất kể những cảnh báo, tố giác của Meinhardt (cả nhà đầu tư lẫn chính quyền TP.HCM cùng vi phạm nhiều qui định pháp luật) đã được KTNN xác nhận là đúng?..

***

Bất chấp khuyến cáo của các chuyên gia (nên khảo sát lại, nghiên cứu kỹ lưỡng, lập quy hoạch mới nhằm bảo đảm việc chống ngập ở TP.HCM căn cơ, hợp lý hơn), chính quyền TP.HCM và chính phủ Việt Nam vẫn phê duyệt cho thực hiện hàng loạt công trình chống ngập tại TP.HCM theo quy hoạch cũ vốn đã được dự báo sẽ chẳng đến đâu. Tiền chi cho chống ngập không chỉ rút từ ngân sách, bán đất, bán công trái mà còn gồm tiền viện trợ, tiền vay từ đủ thứ tổ chức tài chính quốc tế, chính phủ nhiều quốc gia.

Từ 2004 đến 2014, chính quyền TP.HCM đã dùng hết 24.300 tỉ để chống ngập, trong đó có 15.000 tỉ vay ngoại quốc và riêng khoản này, mỗi năm phải trả 4.250 tỉ cho cả nợ gốc lẫn lãi (7). Năm 2014, chính phủ cho phép chính quyền TP.HCM “đổi” ba khu đất ở quận 7 và quận 9 lấy các công trình chống ngập theo quy hoạch cũ trị giá 68.000 tỉ đồng (8). Bởi ngập lụt ở TP.HCM càng ngày càng tồi tệ, không mưa cũng ngập khi thủy triều lên, ngoài Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước (TTĐH CTCNN), tham gia thực hiện các dự án chống ngập còn có Sở GTVT, Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, chính quyền các quận - huyện. Theo TTĐH CTCNN, TP.HCM hiện có ít nhất hai… Quy hoạch chống ngập (Quy hoạch 752 và Quy hoạch 1547). Hoàn tất hai quy hoạch này thì về…. cơ bản sẽ hết ngập nhưng từ nay đến 2020 phải kiếm cho ra 73.379 tỉ nữa (9).

Tuy đã và sẽ còn chi hàng trăm ngàn tỉ cho nỗ lực chống ngập tại TP.HCM nhưng cứ hỏi dân chúng TP.HCM sẽ thấy, không ai tin thành phố này sẽ hết ngập. Chẳng riêng dân chúng, các viên chức hữu trách, bao gồm các đại diện dân cử cũng tin như thế. “Kế” mà bà Phan Thị Hồng Xuân - Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Trưởng Khoa Đô thị học của Đại học Khoa học xã hội Nhân văn, mạnh dạn “hiến” hồi trung tuần tháng này: Dùng lu như giải pháp giảm ngập – tuy khôi hài song là ví dụ minh họa rõ ràng nhất!

Phát kiến dùng lu giảm ngập của bà Xuân đã tạo cơ hội cho giới khoa học lập lại đề nghị xây dựng các hồ điều tiết – một hình thức sửa sai cho những quy hoạch tham lam, ngu ngốc khiến nước không còn chỗ thoát và ngập lụt trở thành vấn nạn nan giải của TP.HCM. Đề nghị này đã từng được đưa vào Quy hoạch thoát nước mưa (Quy hoạch 752), theo đó, trước năm 2020, sẽ hoàn tất 104 hồ điều tiết nước. Còn một năm nữa là đến hạn hoàn thành nhưng đến giờ, TP.HCM mới chỉ làm xong… một hồ như thế (10).

Ngập lụt tại TP.HCM nói riêng và nhiều đô thị khác trên khắp Việt Nam nói chung là thảm nạn nhân tạo góp phần đưa quốc gia đến chỗ khánh kiệt vì chống ngập. Đó là chưa tính đến những thiệt hại mà ngập lụt gây ra cho kinh tế - xã hội. Cứ xem cách soạn lập - phê duyệt – triển khai các dự án, công trình chống ngập và đối chiếu với hiệu quả của những dự án, công trình ấy sẽ thấy, tình trạng càng ngày càng nhiều người, nhiều giới bì bõm trong nước chính là cơ hội cho những viên chức tham gia soạn lập - phê duyệt – triển khai các dự án và một số nhà đầu tư.

Quy hoạch tham lam, ngu ngốc để trục lợi tạo ra ngập lụt tràn lan. Khai thác ngập lụt nghiêm trọng để tiền tiếp tục đổ vào như… nước, quả là tài tình!


Trân Văn
Blog VOA
Chú thích

(1) https://www.tienphong.vn/xa-hoi/tan-chu-tich-hdnd-tphcm-kiem-tra-du-an-chong-ngap-10000-ty-1415372.tpo
(2) https://vnexpress.net/thoi-su/duong-sai-gon-ngap-nang-giao-thong-hon-loan-sau-mua-lon-3954062.html
(3) https://nhadautu.vn/sieu-du-an-bt-chong-ngap-10000-ty-tai-tphcm-co-gi-sai-d14356.html
(4) https://vtc.vn/nhung-lan-du-an-chong-ngap-10000-ty-dong-mac-can-va-cam-ket-cua-tphcm-trong-nam-2019-d454756.html
(5) https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/tu-van-du-an-10-000-ty-cua-tp-hcm-tu-choi-hop-vi-bi-de-doa-3817748.html
(6) https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/de-nghi-tuoc-giay-phep-kinh-doanh-cua-tu-van-du-an-chong-ngap-10000-ti-1016646.html
(7) http://plo.vn/thoi-su/lang-phi-chong-ngapbai-1-chi-hon-ti-do-van-so-ngap-661163.html
(8) https://www.thesaigontimes.vn/138209/TPHCM-doi-3-khu-dat-lay-du-an-chong-ngap.html
(9) https://nld.com.vn/thoi-su/xai-het-5-ti-usd-tp-hcm-se-het-ngap-20180522231511312.htm
(10) https://laodong.vn/xa-hoi/truoc-de-xuat-dung-lu-chong-ngap-da-co-104-ho-dieu-tiet-nam-tren-giay-744077.ldo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad