Doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam vì chiến tranh thương mại nhiều, nhưng... 'tháo chạy' cũng không ít - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Hai, 22 tháng 7, 2019

Doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam vì chiến tranh thương mại nhiều, nhưng... 'tháo chạy' cũng không ít


Dưới sức ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã và đang tính chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam, tuy nhiên, trong làn sóng biến động đó, không ít công ty cũng phải chọn đường "tháo chạy" khỏi Việt Nam.


Việt Nam là cái tên đầu tiên được nhắc đến, nhưng không phải lựa chọn duy nhất của doanh nghiệp nước ngoài

Vào hôm 18/7, Nikkei Asian Review đã công bố kết quả cuộc khảo sát do họ thực hiện, theo đó cho biết có hơn 50 doanh nghiệp nước ngoài đã hoặc đang cân nhắc kế hoạch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc.

Bên cạnh đó, không chỉ có doanh nghiệp Mỹ mà nhiều hãng sản xuất Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc cũng đang tính đến kế hoạch tương tự, nhằm né tránh cuộc đụng độ thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc.

Điểm nổi bật trong kế hoạch của loạt doanh nghiệp này là các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam - quốc gia được cho là hưởng lợi nhiều nhất từ thương chiến Mỹ - Trung.

Tuy nhiên, nhìn vào danh sách hơn 50 doanh nghiệp trong công bố của Nikkei, Việt Nam không phải là lựa chọn duy nhất như nhiều người vẫn lầm tưởng. Các quốc gia "ngư ông đắc lợi" khác còn bao gồm Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan, Mexico và Mỹ.

Mặc dù vậy, các "đại gia" nào sắp chuyển sản xuất sang Việt Nam?

Cụ thể, theo nghiên cứu của Nikkei, có 7 doanh nghiệp thông báo chính thức về việc chuyển hoạt động sang Việt Nam, gồm Asics (sản xuất giày thể thao), Kyocera (máy in), Sharp (máy tính cá nhân), Nintendo (máy chơi game), TCL (TV), Brooks Sports (giày thể thao) và GoerTek (tai nghe không dây của Apple).

Gã khổng lồ Apple mang đến nhiều lợi ích cho Việt Nam

Trước đó, vào hôm 17/7, Nikkei đã đưa tin Apple sẽ bắt đầu sản xuất thử nghiệm tai nghe không dây AirPod nổi tiếng tại Việt Nam khi hãng đẩy nhanh kế hoạch đa dạng hóa sản xuất dòng thiết bị điện tử tiêu dùng bên ngoài thị trường Trung Quốc.

Theo đó, GoerTek, một trong những nhà sản xuất hợp đồng quan trọng của Apple tại Trung Quốc, sẽ bắt đầu thử nghiệm qui trình sản xuất của công ty cho thế hệ AirPod mới nhất tại nhà máy chế tạo thiết bị âm thanh ở miền bắc Việt Nam.

Foxconn, công ty sản xuất thiết bị điện điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới và là đối tác chính của Apple, cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng, đặc biệt là khi Apple (đóng góp đến 50% doanh thu của công ty) bị kẹt giữa cuộc thương chiến.

Theo South China Morning Post, cựu Chủ tịch Terry Gou của Foxconn, từng khẳng định thách thức lớn nhất với công ty này là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Vào thời điểm Bắc Kinh tuyên bố áp thuế 60 tỉ USD lên hàng hóa Mỹ, cổ phiếu của Apple đã sụt giảm 5,4%. Điều này buộc Foxconn phải tính đến việc lập nhà máy ở Việt Nam để đa dạng hóa sản xuất bên ngoài Trung Quốc.

CEO hãng nước giải khát Suntory quyết bám trụ Việt Nam

Hồi cuối tháng 6, CNBC từng dẫn lời ông Takeshi Niinami, Tổng giám đốc hãng nước giải khát Suntory, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Đại Liên, Trung Quốc.

Theo đó, ông Niinami cho biết Suntory sẽ ngừng đầu tư vào nhà máy ở Trung Quốc vì ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Mối lo ngại của ông phản ánh suy nghĩ của các doanh nghiệp nước ngoài về cuộc chiến thuế quan giữa Washington và Bắc Kinh, hiện đang làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, Suntory sẽ bám trụ lại Việt Nam, Thái Lan và Indonesia.

Cũng trong danh sách của Nikkei, có 4 công ty đang cân nhắc khả năng chuyển sản xuất sang Việt Nam, gồm Pegatron (thiết bị viễn thông), Sketcher USD (giày thể thao), Hewlett-Packard (máy tính cá nhân) và Dell (máy tính cá nhân).

Ngoài ra, công ty Mitsuba, chuyên sản xuất phụ tùng ô tô, đã chuyển sản xuất đến Việt Nam từ trước.
Nhìn chung, các doanh nghiệp nước ngoài này chủ yếu đến từ ngành may mặc hoặc lĩnh vực công nghệ.

Những bất lợi khiến Việt Nam dễ dàng "hụt hơi" trong chặng đua dài

Doanh nghiệp nước ngoài "chạy" sang Việt Nam vì chi phí sản xuất rẻ, lương công nhân thấp, chuỗi cung ứng tương đối hoàn thiện so với các nước Đông Nam Á khác và vị trí địa lí gần gũi với Trung Quốc.

Mặc dù vậy, theo South China Morning Post, Việt Nam là nền kinh tế phát triển theo hướng xuất khẩu, tuy nhiên vẫn nhập khẩu hàng hóa với khối lượng lớn. Lạm phát nhập khẩu tăng sẽ gây áp lực khiến lương công nhân tăng theo.

Hơn nữa, chi phí tăng, phát triển tắc nghẽn, năng suất lao động kém và liên kết chuỗi cung ứng yếu có thể trở nên rõ nét ở Việt Nam trong vài năm tới, khiến Việt Nam rơi vào hoàn cảnh tương tự Trung Quốc như hiện tại.

Ngoài ra, chi phí đất đai tăng cao mà không có dấu hiệu hạ nhiệt cũng là điều đáng lưu tâm.
Việt Nam cũng đang nằm trong tầm ngắm của Washington do thặng dư thương mại với Mỹ tăng 43% trong quí I/2019, chỉ xếp sau Trung Quốc, Mexico, Nhật Bản và Đức, theo Bộ Tài chính Mỹ.

Loạt doanh nghiệp may mặc "bỏ của chạy lấy người"

Nikkei từng đưa tin, Makalot Industrial, hãng sản xuất quần áo cho GAP, Walmart, Zara và H&M, sẽ làm chậm lại kế hoạch mở rộng sản xuất ở Việt Nam.

Chủ tịch kiêm CEO Frank Chou của Makalot nhận định, trong tương lai gần, tình trạng thiếu hụt lao động và cạnh tranh về nhân lực tại Việt Nam sẽ trở nên rõ rệt hơn.

Gần đây, Bloomberg đã đưa tin về trường hợp của nhà cung ứng trang phục thể thao cho Nike - Eclat Textile, cảm thấy bị đe dọa và cần rời khỏi Việt Nam. Năm 2016, Eclat Textile "tháo chạy" khỏi Trung Quốc vì cho rằng điều kiện sản xuất không còn lí tưởng.

Tuy nhiên, sau thời gian hoạt động tại Việt Nam cùng "sức nóng" của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Eclat đang tìm cách xây dựng nhiều cơ sở sản xuất nhỏ trong khu vực Đông Nam Á và không xem xét mở thêm nhà máy hoặc mở rộng tại Việt Nam trong ba năm tới.

Hãng cung ứng hàng tiêu dùng lớn nhất thế giới Li & Fung còn nhận định, năng suất ở Việt Nam đã được tận dụng tối đa khi nhiều nhà sản xuất Mỹ vội vã chạy đến các quốc gia châu Á khác để né tránh ảnh hưởng của thuế quan.

Theo South China Mosrning Post, một số nhà sản xuất Trung Quốc đang thúc giục các doanh nghiệp đồng hương cân nhắc kĩ trước khi di dời hoạt động sang Việt Nam, trong đó một chủ hãng giày dép đã từ bỏ nhà máy trị giá 5 triệu nhân dân tệ ở Việt Nam chỉ sau một năm.

Ông Zhou Ping từng điều hành một nhà máy sản xuất giày dép ở Đông Quan, thuộc tỉnh Quảng Đông từ những năm 2000.

Tuy nhiên, vào tháng 5/2017, ông và một chủ nhà máy khác đã kí hợp đồng hai năm tại một cơ rộng 1.200 m2 tại Bình Dương, với dự định sản xuất phụ kiện cho một nhãn hiệu thời trang Mỹ.

"Chúng tôi nghĩ rằng đó là ý tưởng hay vì xét trên bề mặt vào thời điểm đó, đất đai và lao động ở nhà máy tại Việt Nam rẻ hơn nhiều so với Đông Quan và công ty cũng nhận thấy càng có nhiều đơn hàng từ khách hàng châu Âu và Mỹ ở đây", ông Zhou nói.

Tuy nhiên, vào tháng 10/2018, ông Zhou đã phải chịu thua lỗ vì chi phí gia tăng và "khác biệt văn hóa".

"Hiệu quả của người lao động Việt Nam và Trung Quốc là vấn đề lớn nhất. Công nhân Việt Nam không làm ngoài giờ và phần lớn đều không có tay nghề, từ đó dẫn đến lợi suất thấp và thời gian giao hàng thường xuyên bị trì hoãn".

Ông Zhou cho rằng công ty sẽ phải tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc để đào tạo công nhân lành nghề tại Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhỏ như của ông không có khả năng chi trả bỏ ra khoản chi phí này.


Yên Khê
Theo Kinh tế & Tiêu dùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad