“Giải cứu” Nhiệt điện 42.000 tỷ của Petro Vietnam: Cần thêm rất nhiều tiền - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Hai, 22 tháng 7, 2019

“Giải cứu” Nhiệt điện 42.000 tỷ của Petro Vietnam: Cần thêm rất nhiều tiền


Nhiệt điện Thái Bình 2 với tổng vốn đầu tư 41.799 tỷ đồng đang bị chậm tiến độ vì thiếu tiền... Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) vừa có báo cáo về tình hình thực hiện các dự án điện của tập đoàn. Hiện Petro Vietnam đang thực hiện những dự án điện trọng điểm như Nhiệt điện Thái Bình 2, Long Phú 1, Sông Hậu.

Nhiệt điện Thái Bình 2 bị chậm tiến độ vì thiếu tiền.

Trong đó, Nhiệt điện Thái Bình 2 có công suất 1.200 MW, tổng thầu EPC là Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí (PVC). Theo chủ trương đầu tư ban đầu, dự án hoàn thành từ 39 tháng đến 45 tháng cho từng tổ máy. Dự kiến tổ máy thứ nhất sẽ phát điện vào tháng 6/2020 và tổ máy 2 là tháng 10/2020. Tổng mức đầu tư (điều chỉnh lần 2) dự án là 41.799 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến nay, dự án mới đạt 84,14% tiến độ, chạy thử chỉ đạt 3,51% tiến độ. Theo Petro Vietnam, dự án chậm tiến độ bởi vì tổng thầu EPC là PVC trong quá trình triển khai dự án có một số sai phạm đã và đang được các cơ quan chức năng xem xét, xử lý. Việc sử dụng số tiền sai mục đích (khoảng 1.115 tỷ đồng) dẫn đến nhiều hệ lụy cả về chi phí, tiến độ, pháp lý, ảnh hưởng đến nguồn lực trong triển khai dự án. Chi phí quản lý dự án của Tổng thầu PVC tăng cao do dự án đã bị chậm tiến độ.

Hồ sơ, thủ tục pháp lý của dự án còn một số vấn đề không đảm bảo nên có rất nhiều việc hoàn thành nhưng không thể thanh/quyết toán (trong đó có cả yếu tố tâm lý của những cán bộ được cử đến "giải cứu" dự án này.

Ngoài ra, do tiến độ dự án bị kéo dài nên có nhiều khó khăn và rủi ro phát sinh như máy móc thiết bị hết thời hạn bảo hành; không vay thêm được vốn…

Với các khó khăn trên, để dự án được hoàn thành, Petro Vietnam cho rằng còn nhiều vấn đề lớn cần phải giải quyết.

Thứ nhất, Petro Vietnam cần có cơ chế/cách thức nghiệm thu từng phần, giải ngân cho dự án.

Thứ hai, vấn đề thiếu hụt nguồn vốn vay do không được Bộ Tài chính cho giải ngân hơn 327/937 triệu USD vốn vay nước ngoài đã được Chính phủ bảo lãnh và các ngân hàng thương mại trong và ngoài nước chưa cho vay, do đó trước mắt cần phải sử dụng vốn chủ sở hữu để giải ngân mới đáp ứng mục tiêu phát điện.

"Từ tháng 11/2017, Petro Vietnam đã có các báo cáo Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Thủ tướng Chính phủ, tiến độ dự kiến cấp PAC các tổ máy lần lượt là 9/6/2020 và 3/10/2020. Tuy nhiên, với các khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền đã được Petro Vietnam báo cáo tại các công văn số: 7490/DKVN-HĐTV ngày 24/11/2017; số 796/DKVN-BĐ-TCKT ngày 13/2/2019 nhưng chưa được cấp có thẩm quyền hướng dẫn/chấp thuận, nguy cơ dự án tiếp tục bị chậm là ngày càng hiện hữu", Petro Vietnam cho hay.

Tâp đoàn này cũng kiến nghị trong khi nguồn vốn vay bổ sung chưa thu xếp được, đề nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương cho Petro Vietnam được dùng nguồn vốn chủ sở hữu giải ngân cho dự án với điều kiện không vượt tổng mức đầu tư điều chỉnh.

"Petro Vietnam sẽ chịu trách nhiệm về mặt kỹ thuật đảm bảo nhà máy vận hành và phát điện. Khi thu xếp được nguồn vốn vay bổ sung sẽ hoàn trả lại phần vốn chủ sở hữu sử dụng vượt tỷ lệ", Petro Vietnam cho hay.

Petro Vietnam cũng kiến nghị Bộ Công Thương và Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước phối hợp với Bộ Xây dựng, thống nhất các bộ định mức và nguyên tắc áp dụng đối với các định mức đang có sự khác nhau giữa xây dựng và nhà máy điện (định mức 2572).

Trước đó, Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ liên quan đến dự án nhiệt điện Thái Bình 2. Đây là dự án do Petro Vietnam làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư lên tới 42.000 tỷ đồng (tương đương 1,827 tỷ USD) sau nhiều lần điều chỉnh.

Dự án đã giải ngân được trên 31.200 tỷ đồng - đạt khoản 82%. Theo Petro Vietnam, đến năm 2020 dự án này mới có khả năng hoàn thành và mặc dù vậy, với mốc mới này (kế hoạch vận hành tổ máy số 1 vào năm 2017, tổ máy 2 vào năm 2018), dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 đã chậm tiến độ 55-57 tháng.

Báo cáo của Petro Vietnam cho biết, đến giữa tháng 10/2018 tiến độ tổng thể của dự án đạt 82,78%.

Một số tồn tại vướng mắc chính của dự án được chỉ ra như PVC chưa có kinh nghiệm làm tổng thầu EPC nhà máy nhiệt điện than, năng lực tài chính của PVC kém, không đảm bảo khả năng thanh toán cho các công việc đã hoàn thành và tạm ứng cho các hợp đồng đã ký với nhà thầu phụ.

Việc PVC sử dụng tiền tạm ứng của dự án 1.115 tỷ đồng vào mục đích khác đã làm thiếu hụt nguồn tiền thực hiện dự án.

Theo báo cáo của Petro Vietnam, dự kiến đến khi hoàn thành dự án, tổng thầu PVC sẽ bị thiếu hụt khoảng 55,18 triệu USD và 1.095 tỷ đồng so với giá trị Hợp đồng EPC được ký điều chỉnh sau khi tổng mức đầu tư được điều chỉnh lần 2 được duyệt.

Petro Vietnam còn khó khăn trong thu xếp vốn còn thiếu, đến nay nhiều thiết bị chưa đưa vào sử dụng nhưng đã bị quá thời hạn bảo hành của nhà sản xuất/nhà chế tạo. Việc dự án tiếp tục chậm tiến độ sẽ dẫn đến tăng rủi ro liên quan đến chất lượng thiết bị đã quá thời hạn bảo hành của nhà sản xuất/nhà chế tạo.

"Dự án có quy mô lớn, nếu không sớm thực hiện, hoàn thành sẽ dẫn đến phát sinh chi phí và gây thiệt hại lớn về kinh tế, ảnh hưởng tới việc đảm bảo cung cấp điện và tạo dư luận không tốt. Tổng thầu PVC thiếu kinh nghiệm, năng lực tài chính hạn chế, không có đủ vốn lưu động để đảm bảo dòng tiền thực hiện dự án…", Bộ Công Thương nhận định.


Bạch Huệ
VnEconomy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad