Một quốc gia, hai thể chế, ổn không? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Tư, 17 tháng 7, 2019

Một quốc gia, hai thể chế, ổn không?


Biểu tình chống dự luật dẫn độ ở Hong Kong, 14 tháng Bảy, 2019.

Dự luật dẫn độ, như tên gọi ngắn gọn của nó để dễ nhớ, tuy là mối đe dọa đối với các quyền tự do căn bản của người Hồng Kông, nhưng cũng là cơ hội quý hiếm để phần lớn họ đồng lòng xuống đường bày tỏ ý kiến và đấu tranh để bảo vệ những nguyên tắc và giá trị sống của mỗi người và mọi người trên mảnh đất này. Cuộc đấu tranh của người Hồng Kông trong thời gian qua đã tạo niềm cảm hứng cho những ai khát vọng tự do, nhân phẩm và tiến bộ trên toàn cầu, trong đó có người dân Việt Nam, đặc biệt các thế hệ trẻ đang được tiếp cận với các nguồn thông tin ngoài luồng và những tư duy độc lập cấp và tiến hiện nay. Bài nhạc “Sea of Black” của nhạc sĩ Trúc Hồ chỉ một thời gian ngắn đã được vài trăm ngàn người xem, và nhiều người Hồng Kông đã xúc động bày tỏ ý kiến khi nghe bài hát này. Chế độ độc tài luôn lo sợ ảnh hưởng của văn nghệ sĩ tự do, như ca sĩ và nhà hoạt động Denise Ho của Hồng Kông, khi cô lên diễn đàn Liên Hiệp Quốc tố cáo Bắc Kinh ngăn cản dân chủ tại Hồng Kông bằng mọi giá.

Các cuộc biểu tình rầm rộ tại Hồng Kông, và các cuộc vận động của họ trên nhiều diễn đàn khắp thế giới trong những tuần qua, đã làm điên đầu giới lãnh đạo Bắc Kinh. Đối với Hồng Kông, còn đến 28 năm nữa, tức năm 2047, thì Bắc Kinh mới có toàn quyền quyết định trực tiếp thể chế và cung cách điều hành chính trị tại đây. Nếu chế độ “xã hội chủ nghĩa với tính cách đặc trưng của Trung Quốc” này vẫn còn tồn tại đến lúc đó, nghĩa là một năm trước khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ăn mừng kỷ niệm 100 thành lập năm 1948, thì “Cuộc chạy đua một trăm năm” mà tiến sĩ Michael Pillsbury phân tích, có khả năng đưa Trung Quốc trở thành bá chủ toàn cầu, hay ít ra ngang ngửa quyền lực với Hoa Kỳ. Cán cân quyền lực vào lúc đó sẽ thay đổi sâu sắc nền chính trị quốc tế.

Nhưng từ đây đến đó vẫn còn quá lâu, và quá xa, để phân tích và phỏng đoán được điều gì chắc chắn. Những bí ẩn, trí trá và bất định trong những tháng ngày tới, hay vài năm tới, cũng không thể nhận diện và đối phó, đối với mọi bên, huống chi gần ba thập niên nữa. Cuộc chạy đua khoa học kỹ thuật, nhất là trí tuệ nhân tạo/AI, hay nói chung là cuộc Cách mạng Công nghệ Bốn, mang tính cách quyết định đối với cán cân quyền lực này. Điều quan trọng nhất, qua các bài học lịch sử xưa nay, là rằng những gì chúng ta làm, hoặc không làm, ngày hôm nay, sẽ tác động sâu xa đến tương lai của chúng ta, và các thế hệ mai sau. Đó cũng là cốt lõi của triết lý nhân quả của Phật giáo.

Các thế hệ trẻ Hồng Kông nói riêng (tiêu biểu như Hoàng Chi Phong/Joshua Wong), và người dân nói chung, hiểu rõ điều này, do đó họ không chấp nhận bất cứ mọi sự áp đặt, hay can thiệp nào, từ những người đại diện của họ trong Hội đồng Lập pháp, hay từ Bắc Kinh. Cũng như Phong trào Ngũ Tứ cách đây 100 năm, hay biến cố Thiên An Môn cách đây 30 năm, Phong trào Dù vàng 1.0 cách đây năm năm, và Phong trào Dù vàng 2.0 trong những tuần qua, phong trào dân chủ Hồng Kông đã tính toán kỹ lưỡng để khai dụng những vấn đề thời sự và biến cố lịch sử để đánh vào tâm thức và tiềm thức người dân. Ngoài dự luật dẫn độ (một vấn đề thời sự liên quan trực tiếp đến quyền tự do, nhất là quyền được xét xử công bằng và minh bạch bởi một nền tư pháp độc lập không bị chính trị hóa hay có bất cứ thế lực đen tối nào đàng sau), tháng Sáu và tháng Bảy nhắc nhở họ hai biến cố lịch sử: cuộc tàn sát sinh viên nói riêng và người dân Trung Quốc nói chung vào tối ngày 3 tháng Sáu năm 1989 cách đây 30 năm; và sự trao trả Hồng Kông về Trung Quốc vào ngày 1 tháng Bảy năm 1997 cách đây 22 năm.

Cũng cần nhắc lại rằng khi Đặng Tiểu Bình ký kết với Margaret Thatcher của Anh chấp nhận “một quốc gia, hai hệ thống” (hay thể chế), cũng như ký với Bồ Đào Nha về tương lai của Macau (có hiệu lực đến ngày 20 tháng Mười Hai năm 2049), ông Đặng thực hiện vì ông là người có cái nhìn thực tiễn và không quá giáo điều. Ông Đặng từng có những quan niệm rằng mèo đen mèo trắng mèo nào cũng được, miễn sao bắt được chuộc, hoặc kinh tế thị trường mang đặc tính xã hội chủ nghĩa, hay sau này đổi thành mang đặc tính Trung Quốc. Tương tự, ông Đặng tuy nhìn thấy mâu thuẫn về ý thức hệ đối với chủ trương một quốc gia hai thể chế, nhưng ông chấp nhận, một phần vì tư duy thực tiễn của ông, một phần khác vì Trung Quốc không đủ mạnh để đòi hỏi nhiều trên chính trường quốc tế vào lúc đó. Giờ đây, các lãnh đạo Bắc Kinh có tham vọng hơn ông Đặng và các lãnh đạo thời đó vì quyền lực cứng, mềm và bén của họ đã khác xưa rất nhiều. Ông Tập lại không chủ trương dấu tham vọng đó như ông Đặng, và vì thế nên thế giới đã phần nào hiểu rõ hơn được bản chất của chế độ cầm quyền Bắc Kinh hơn.

Trong chuyến thăm Hồng Kông năm 2017 kỷ niệm 20 năm được trả về Trung Quốc, Tập Cận Bình (Xi Jinping) từng răn đe, rằng “bất kỳ nỗ lực nào nhằm gây nguy hiểm cho chủ quyền và an ninh của Trung Quốc”, hoặc thách thức quyền lực của Bắc Kinh, sẽ vượt qua đường ranh giới đỏ (red line). Tuy thế, ông Tập cũng khen ngợi nức nở chính sách một quốc gia, hai hệ thống trong bài phát biểu này. Tất nhiên ông Tập không muốn Hồng Kông trở nên một nền dân chủ cấp tiến hoàn chỉnh. Mọi cuộc biểu tình có dính líu đến dân chủ hay chính trị, nhất là liên quan đến Bắc Kinh, đều có khả năng thách thức sự cai trị bởi một nhà nước độc đảng của Trung Quốc. Nhưng trong bài phát biểu này, ông Tập khen ngợi chủ trương và viễn kiến của ông Đặng.

Hai năm sau bài phát biểu này, ngay bây giờ ông Tập có còn suy nghĩ như thế không là một dấu hỏi lớn!

Các quyết định của ông Đặng thời thập niên 1980, nhất là một quốc gia hai hệ thống ký với Anh năm 1984, giờ đây trở lại gây khó khăn cho lãnh đạo Bắc Kinh. Cuộc đấu tranh của người Hồng Kông đã làm cho lãnh đạo Bắc Kinh quan ngại sâu sắc. Chủ yếu vì tầm quan trọng mà Bắc Kinh đã đặt ra đối với vấn đề thống nhất của Trung Quốc, đặc biệt là các vùng/khu tự trị. Thống nhất ở đây không chỉ là về lãnh thổ, mà còn là văn hóa, chính trị/thể chế, ngôn ngữ chung (Hán ngữ), và nhất là một tâm thức chung, vào một ngày nào đó trong tương lai. Nhưng hiện tại nó đang bị thách thức mà trong đó khả năng kiểm soát và ảnh hưởng trực tiếp, như tại Hồng Kông, chẳng hạn, bị giới hạn rất nhiều. Nếu không khéo léo quản lý, nó có khả năng lan rộng và thách thức các vùng tự trị còn lại, vốn đã và đang diễn ra. Từ Tây Tạng, Tân Cương, Mông Cổ, Ma Câu đến Đài Loan.

Cũng cần nên nhớ rằng mặc dầu đa số người dân Hồng Kông vẫn tiếp tục ủng hộ cơ chế này hiện nay (71.2 phần trăm ủng hộ một quốc gia hai hệ thống hiện nay, 14.7 phần trăm ủng hộ sự điều hành trực tiếp từ Bắc Kinh, và 11.4 phần trăm muốn Hồng Kông độc lập hoàn toàn), những người quan tâm nhìn thấy rõ nỗ lực xâm nhập và ảnh hưởng từ Bắc Kinh lên nền chính trị tại đây. Xa hơn nữa, chưa ai biết rõ Bắc Kinh chủ trương quản lý Hồng Kông ra sao từ năm 2047 trở đi. Những người biểu tình tại Hồng Kông hiểu rất rõ rằng nếu không khai dụng cơ hội này để đấu tranh, hoặc nếu không đấu tranh mạnh mẽ và dứt khoát lúc này, thì sẽ không còn cơ hội như thế trong tương lai.

Ngoài lãnh đạo tại Bắc Kinh quan tâm sâu sắc đến các diễn biến tại Hồng Kông, lãnh đạo và người dân Đài Loan cũng theo dõi từng diễn biến tại nơi này, bởi nó trực tiếp ảnh hưởng lên họ. Trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ năm 1979, Đặng Tiểu Bình chính thức lên tiếng lần đầu tiên rằng Bắc Kinh “sẽ tôn trọng thực trạng và hệ thống hiện tại đó miễn sao Đài Loan trở về với Tổ quốc”. Ba năm sau, ông Đặng đề nghị giải quyết vấn đề Đài Loan bằng giải pháp hai hệ thống khác nhau có thể cùng tồn tại, và điều này không chỉ áp dụng cho Đài Loan mà còn cho Hồng Kông. Tuy nhiên Đài Loan vẫn từ chối giải pháp này cho đến nay, trong khi nó lại được dùng cho Hồng Kông trước. Quan sát kỹ lưỡng các cuộc biểu tình tại Hồng Kông vừa qua, Tổng thống Đài Loan bà Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) viết trên Twitter rằng: “Chúng tôi sát cánh với tất cả những người yêu chuộng tự do của Hồng Kông. Trong khuôn mặt của họ, chúng ta thấy khao khát tự do, và được nhắc nhở rằng nền dân chủ khó khăn để đoạt được của Đài Loan phải được bảo vệ và đổi mới bởi mọi thế hệ. Khi nào tôi vẫn còn là tổng thống, một quốc gia hai hệ thống sẽ không bao giờ là sự lựa chọn.”

Cuộc khảo sát vào tháng Ba năm nay tại Đài Loan cho biết 79 phần trăm dân số bác bỏ một quốc gia hai hệ thống, và 87,7 phần trăm công chúng tin rằng tương lai của Đài Loan phải do chính 23 triệu dân của họ quyết định lấy.

Người dân Hồng Kông đã cho biết rõ quan điểm và lựa chọn của họ. Người dân Đài Loan, và lãnh đạo của họ, cũng khẳng định dứt khoát như thế. Khẳng khái từ chối, phủ nhận con đường Bắc Kinh định hướng, là một sỉ nhục lớn lao đối với Bắc Kinh. Vì biết thế nên nhiều năm qua Bắc Kinh đã bỏ ra hàng chục tỷ đô la hàng năm để đánh bóng tuyên truyền cho chế độ này, khai dụng các chính sách quyền lực mềm và bén của họ. Nhưng tất cả các nỗ lực của họ trong thời gian qua cũng không thể thay đổi sự thật rằng nếu có đầy đủ thông tin đa chiều, đa số người dân khắp nơi vẫn khát khao tự do và từ chối áp bức.


Phạm Phú Khải
(Úc Châu, 11/07/2019)
Blog VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad