Trước Vingroup, truyền thông không… fast - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Năm, 11 tháng 7, 2019

Trước Vingroup, truyền thông không… fast


Fadil, dòng xe đầu tiên của Vinfast xuất xưởng, tại TP HCM hôm 17/6. (Ảnh Vinfast.vn)

VinFast Fadil – dòng xe hơi mà Vingroup vừa sản xuất, đưa vào tiêu thụ tại thị trường Việt Nam - lại có lỗi.

Trong vài ngày gần đây, người sử dụng Internet tại Việt Nam đang chuyển cho nhau thông tin một chiếc VinFast Fadil, chỉ mới lăn bánh được 79 cây số, đột nhiên hàng loạt tín hiệu cảnh báo hiện lên trên bảng điều khiển, rồi bốc khói mù mịt trong khoang chứa máy và “chất lỏng” chảy đầy mặt đất… Do vậy, chủ xe phải ngừng lại giữa đường, gọi cho trung tâm chăm sóc khách hàng của Vinfast để nơi này cẩu xe mang về Hà Đông – Hà Nội sửa chữa!

Khác với mạng xã hội, hệ thống truyền thông chính thức hoặc là im lặng, làm ngơ, hoặc thông tin theo hướng: Vinfast rất có trách nhiệm, dịch vụ chăm sóc khách hàng rất tốt! Xe bốc khói đơn giản vì ổ cắm dẫn điện (jack) cho quạt làm mát két nước bị “tụt”, khiến nước làm mát máy sôi, trào ra ngoài. Nhân viên kỹ thuật đã cắm lại jack, bổ sung nước làm mát máy, thay dầu bôi trơn động cơ cho chủ xe yên tâm.

Những cơ quan truyền thông chính thức tham gia công bố thông tin về sự kiện vừa kể đồng thanh trấn an công chúng, jack bị “tụt” có thể là “do rung lắc mạnh trong quá trình vận hành”, “kết quả kiểm tra kỹ thuật xác định, lỗi phát sinh từ quá trình vận hành” và “VinFast đã xử lý rất nhanh gọn, thể hiện sự chuyên nghiệp của một hãng sản xuất xe”, chứng tỏ dịch vụ hậu mãi của VinFast “khá tốt và nhạy” (1).

***

Nhiều người trong số những người sử dụng mạng xã hội, rành rẽ về lĩnh vực cơ khí của các phương tiện vận tải không tán thành cách mà hệ thống truyền thông chính thức thông tin, lý giải về sự kiện chiếc VinFast Fadil chỉ mới lăn bánh 79 km đã bốc khói, chất lỏng chảy tràn lan trên mặt đường... Chẳng hạn một facebooker tên là Nguyễn Tấn Thành cho rằng, VinFast cần thu hồi tất cả các xe đã bán để thay jack.
Thành nhấn mạnh, các jack trong xe hơi đều có ngàm, muốn tháo phải có phương tiện hỗ trợ, chuyện jack bị “tụt” do rung lắc là không thể tưởng tượng được. Thành lưu ý, chỉ có một khả năng khiến jack “tụt”: Chất lượng các chi tiết bằng đồng trong jack kém, thường là dùng đồng tái sinh, rẻ tiền do Trung Quốc sản xuất, nên nóng lên khi dòng điện đi qua và làm vỏ nhựa biến dạng thì mới xuất hiện trục trặc hi hữu này.

Theo Thành, đây là vấn đề CỰC KỲ NGHIÊM TRỌNG vì: Mỗi xe hơi có tới vài trăm jack, 80% số vụ cháy xe phát xuất từ điện nên khả năng xe bị cháy rất cao, nguy hiểm cho người sử dụng và các phương tiện khác đang lưu thông trên đường. Thành thắc mắc, tại sao những cơ quan chịu trách nhiệm về phương tiện giao thông và an toàn giao thông im lặng. Đồng thời khuyến cáo VinFast cần nghiêm túc tìm hiểu nguyên nhân, rút kinh nghiệm và xử lý nghiêm túc.

Thành còn phân tích cặn kẽ để chứng minh, trục trặc kỹ thuật như đã kể sẽ ảnh hưởng đến độ bền và tuổi thọ của máy. Chủ xe không nên xuề xòa với VinFast mà cần buộc VinFast chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm. Thành nhận định, tuy là lỗi nghiêm trọng, vẫn có thể thông cảm với VinFast như một công ty vừa khởi nghiệp nhưng không thể thông cảm với chuyện “chỉ cắm lại jack”, rồi “hai bên vui vẻ” và hệ thống truyền thông xúm vào khen VinFast “xử lý tốt, nhanh chóng”. Đồng thời cảnh cáo VinFast: Nếu không nghiêm túc, các xe dòng Fadil sẽ còn bốc khói và Vin sẽ dẹp tiệm rất… fast (nhanh) (2)!

Cho dù có không ít người sử dụng mạng xã hội cùng phân tích và bày tỏ sự lo ngại về mức độ an toàn của VinFast Fadil như Thành nhưng tạm thời, nên chờ giới hữu trách Việt Nam lên tiếng. Tuy nhiên không có gì bảo đảm các viên chức hữu trách đối với phương tiện giao thông, an toàn giao thông của Việt Nam sẽ thực thi chức trách của họ. Đó cũng là lý do, với những vấn đề cùng loại tại Việt Nam, hệ thống truyền thông chính thức thường đi trước một bước để gây sức ép, buộc các cơ quan hữu trách, các viên chức hữu trách phải nhập cuộc.

Đáng tiếc là trước nay, riêng với Vingroup, hệ thống truyền thông chính thức thường áp dụng “tam không” (không nghe, không thấy, không nói). Nguyễn Đắc Kiên – một cựu nhà báo, viết trên Facebook: Phải chăng sự kiện VinFast Fadil mới lăn bánh 79 km đã bốc khói, chảy nhớt, dù xôn xao trên mạng xã hội nhưng các cơ quan truyền thông bề thế thuộc hệ thống truyền thông chính thức vẫn im lặng là biểu hiện của “cúi đầu trước... cường tiền”? Các tòa soạn không thể tìm ra phương thức xử lý đúng đắn xung đột lợi ích giữa các hợp đồng truyền thông, quảng cáo (nguồn thu chính) và hoạt động nghiệp vụ?

Kiên bày tỏ hy vọng những cơ quan truyền thông có đông độc giả, hoạt động nghề nghiệp có ảnh hưởng lớn đến công luận, ý thức được trách nhiệm với độc giả - đối tượng tạo ra giá trị và sức sống cho những cơ quan này, mặt khác, ý thức được trách nhiệm lớn hơn đối với cộng đồng xã hội để thông tin chính xác, kịp thời. Làm ngơ hay làm ngược lại đều đáng bị hạch tội, đáng bị nguyền rủa. Với Kiên, Việt Nam không chỉ có Vingroup mà còn nhiều tập đoàn khác bị Kiên xếp vào loại “tư bản hoang dã”. Làm ngơ, để cho “tư bản hoang dã” tàn phá từ di sản, môi trường đến chuẩn mực xã hội, luật pháp là gầy tội với chính mình và con cháu (3).

***

Vingroup tung VinFast Fadil ra thị trường hồi trung tuần tháng trước. Đã có rất nhiều thông tin, ý kiến bình luận về chuyện VinFast Fadil được hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam gắn cho nhiều cặp cánh, kiểu như… “tạo ra chuẩn mực mới, tái định nghĩa về xe đô thị tại thị trường Việt Nam” (4). Đó cũng là lý do công chúng xôn xao trước những thông tin không… chính thống về căn cốt của VinFast Fadil cũng như lý do dòng xe này phải thay tên, đổi họ, chuyển hộ khẩu đến Việt Nam sau khi không tìm được chỗ đứng trên thị trường châu Âu (5).

Khoảng hai tuần sau khi ra mắt, VinFast Fadil đã một lần làm dư luận xôn xao do bửng sau rỉ nước và bùn. Lần đó cũng chỉ có mạng xã hội nêu thắc mắc và cùng nhau lý giải. Giống như nhiều sự kiện, vấn đề liên quan tới Vingroup, các cơ quan truyền thông thuộc hệ thống truyền thông chính thức không im lặng thì khi lên tiếng, cũng chỉ đồng loạt bày tỏ sự nhất trí với Vingroup: Bửng sau của VinFast Fadil rỉ nước và bùn do thiết kế nền theo tiêu chuẩn châu Âu không có ốp chắn bùn sau. Từ phản ánh của khách hàng Việt Nam, Viện Nghiên cứu Công nghệ ô tô VinFast đã nghiên cứu và thiết kế ngay lập tức ốp chắn bùn sau cho Fadil để phù hợp hơn với điều kiện vận hành thực tế tại Việt Nam (6).

Có vẻ như các cơ quan truyền thông thuộc hệ thống truyền thông chính thức đã dành cho Vingroup nói chung và VinFast nói riêng sự tín nhiệm tuyệt đối như các tín đồ dành cho đấng tối cao của mình, thành ra Vin bảo sao thì lập lại giống y như vậy. Cũng vì vậy, những người sử dụng mạng xã hội mới có cơ hội chứng tỏ họ chuyên nghiệp hơn các cơ quan truyền thông thuộc hệ thống truyền thông chính thức.

Chẳng hạn trên một diễn đàn điện tử dành cho những người yêu xe hơi, thành viên có nickname là Tuannph kể rằng, anh đã tìm gặp chủ chiếc xe bị rỉ nước và bùn ở bửng sau, vừa để hỏi han cặn kẽ, vừa chụp hình hốc sau của xe và qua đó chỉ ra cho mọi người thấy, thiết kế nền có dự liệu, dành sẵn chỗ để gắn ốp chắn lồng vè nhưng VinFast không… gắn. Không gắn ốp này không chỉ ảnh hưởng đến “thẩm mỹ” (rỉ nước và bùn ở bửng sau) mà còn dẫn tới rỉ sét gầm xe, hư cảm biến (7)…

Trước Vingroup, truyền thông không… fast!

Trân Văn
Blog VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad