Việt Nam có thể buộc phải cứng rắn hơn với Trung Quốc sau vụ đối đầu ở bãi Tư Chính - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Sáu, 19 tháng 7, 2019

Việt Nam có thể buộc phải cứng rắn hơn với Trung Quốc sau vụ đối đầu ở bãi Tư Chính


Tàu cảnh sát biển Trung Quốc (phía trên) và Việt Nam ở Biển Đông vào 5/2014. Ảnh: Reuters.

Do tranh chấp lãnh thổ, việc thăm dò năng lượng ở Biển Đông là nguyên nhân chính gây ra xung đột giữa Trung Quốc và các quốc gia khác trong khu vực. Bắc Kinh đã ra sức hạn chế hoặc ngăn chặn các quốc gia khác theo đuổi các dự án khoan thăm dò nằm trong khu vực mà họ cho là đang tranh chấp. Một số quốc gia như Philippines chọn cách phản ứng nhẹ nhàng là làm việc với Bắc Kinh. Nhưng những nước khác, chẳng hạn như Việt Nam, đã quyết định tăng cường quan hệ đối tác trong lĩnh vực năng lượng với các nước khác.

Chuyện gì đã xảy ra?

Theo báo cáo, các lực lượng bảo vệ bờ biển của Trung Quốc và Việt Nam đã tham gia vào một cuộc đối đầu kéo dài một tuần quanh bãi Tư Chính ở khu vực phía Nam Biển Đông.

Cuộc đối đầu được châm ngòi khi tàu khảo sát của Trung Quốc Haiyang Dizhi 8 tiến vào khu vực bãi Tư Chính vào ngày 3/7 để thực hiện nhiệm vụ lập bản đồ. Con tàu này được hộ tống bởi một số tàu cảnh sát biển Trung Quốc, đội tàu dân quân hàng hải cùng hàng chục tàu thương mại thuộc các công ty khổng lồ về năng lượng của nhà nước Trung Quốc, bao gồm Tập đoàn Xăng dầu Quốc gia Trung Quốc (CNPC) và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNOOC).

Trong khi đó, các tàu cảnh sát biển Trung Quốc mới đây đã bị phát hiện tại Lô 06.1 ngoài khơi bãi Tư Chính của Việt Nam. Đây cũng là nơi giàn khoan dầu Hakuryu 5 của Nhật Bản đã bắt đầu hoạt động khoan vào ngày 12/5 theo hợp đồng với hãng Rosneft Vietnam B.V.

Ngày 16/7, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết sẽ kiên quyết “chống vi phạm” tại Biển Đông.

Tại sao sự kiện này quan trọng?

Tình hình vẫn chưa rõ ràng vì thông tin còn ít ỏi. Khu vực bãi Tư Chính giàu năng lượng vẫn thường là tâm điểm của các vụ căng thẳng hàng hải giữa Trung Quốc và Việt Nam lâu nay vì Bắc Kinh luôn cố gắng hạn chế hoặc ngăn chặn Hà Nội hoạt động thăm dò trong khu vực mà Trung Quốc coi là đang tranh chấp này. Trong sự kiện lần này, Trung Quốc dường như đã đi quá đà tới mức đe dọa tấn công vào các tiền đồn của Việt Nam. Đây có khả năng là nguyên do khiến cho Hà Nội phải tạm dừng hai dự án khoan thăm dò khí đốt vốn đang hợp tác với công ty Repsol của Tây Ban Nha vào năm 2017 và 2018.

Việc cả Bắc Kinh lẫn Hà Nội đều không lên tiếng xác nhận về cuộc đối đầu cho thấy mức độ kiềm chế chính trị ở cả hai bên. Hiện nay, vẫn còn một số dấu hiệu về khả năng leo thang căng thẳng nếu cả hai nước không rút lực lượng khỏi khu vực này, hoặc tiến hành các hành động nguy hiểm hơn, chẳng hạn như bắn vào hoặc đâm vào tàu đối phương.

Tuy vậy, thực tế rằng Việt Nam vẫn tiếp tục theo đuổi quan hệ đối tác trong lĩnh vực năng lượng với nhiều công ty nước ngoài tại các khu vực tranh chấp cho thấy Hà Nội đang sẵn sàng mạo hiểm với các mối đe dọa từ Trung Quốc. Lô 06.1 của Việt Nam nằm trong vùng biển đường chín đoạn do Trung Quốc vạch ra. Do đó, hoạt động khoan thăm dò mới đây do Nhật Bản thực hiện có khả năng trở thành mục tiêu quấy rối của đội dân quân hàng hải Bắc Kinh. Nhật Bản rất tích cực trong việc đẩy lùi sự hiện diện ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở Biển Đông, cũng như mối quan hệ ngày càng tốt đẹp giữa Bắc Kinh với Nga. Đó có thể là nhân tố khiến Việt Nam vẫn để cho Tokyo tiếp tục khoan thăm dò trong khu vực này.

Đáng nói, cuộc đối đầu mới nhất này là vụ đụng độ hàng hải lớn nhất giữa Việt Nam và Trung Quốc kể từ năm 2014, khi Bắc Kinh kéo giàn khoan dầu vào vùng tranh chấp gần quần đảo Hoàng Sa. Cuộc xung đột năm 2014 đã gây tổn hại đáng kể mối quan hệ hai nước và làm dấy lên nhiều cuộc biểu tình ở Việt Nam. Đó là lý do tại sao trong 5 năm qua, các chính sách của Hà Nội ủng hộ mối quan hệ ổn định hơn với Bắc Kinh. Kể từ đó, Việt Nam đã theo đuổi lợi ích hàng hải của mình một cách kín đáo hơn và quan hệ đối tác về an ninh cũng khéo léo hơn. Tuy nhiên, sự bùng nổ căng thẳng gần đây có thể sẽ khuyến khích hoặc thậm chí là buộc Việt Nam phải chọn cách tiếp cận đối đầu trực tiếp hơn với Trung Quốc.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao cho thấy Việt Nam có thể đã chuyển sang một cách tiếp cận cứng rắn hơn. Quan điểm chính trị của cả Bắc Kinh và Hà Nội đều không muốn mối quan hệ của hai nước xấu đi. Nhưng khả năng để giảm bớt căng thẳng sẽ tiếp tục nhỏ dần cho đến khi một trong hai nước quyết định lùi lại một bước.


Nguyễn Thảo Chi
Luật Khoa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad