Võ Văn Thưởng, khi 49 ‘lú’ hơn cả 75 - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Năm, 11 tháng 7, 2019

Võ Văn Thưởng, khi 49 ‘lú’ hơn cả 75


Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Trưởng ban Tuyên giáo của Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) đảng CSVN.

Ông Võ Văn Thưởng, 49 tuổi, Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Trưởng ban Tuyên giáo của Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) đảng CSVN vừa chứng minh, ông hơn hẳn ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư, 75 tuổi, về độ… “lú”.

***

Nhiều người đang bày tỏ sự bất bình về những nhận định, tuyên bố của ông Thưởng tại “Hội nghị Báo cáo viên các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc trung ương”, mới diễn ra hôm 5 tháng 7 (1).
Đa số chỉ trích việc ông Thưởng cho rằng: Internet là xa lộ, cho dùng bao nhiêu làn là quyền của đảng, thành ra đảng không cần lo lắng về chuyện tự do Internet sẽ ảnh hưởng tới nhân quyền hay tự do ngôn luận.

Tuy tuyên bố vừa kể bộc lộ sự nghiệt ngã trong nhận thức, sự trịch thượng cả về tâm thế lẫn tư thế của thành viên trẻ nhất trong Bộ Chính trị nhưng với kẻ viết bài này, điều đó vẫn chưa phải là lõi để nhìn ra cốt cách của đại diện một thế hệ sẽ kế thừa quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối Việt Nam trong vài năm tới. Khả năng, tư cách của đồng chí Võ Văn Thưởng thế nào, nằm ở chỗ khác và cần được nhận diện sớm…

***

Nhìn một cách tổng quát, phát biểu của ông Thưởng tại “Hội nghị Báo cáo viên các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc trung ương” có rất nhiều điểm tối và điểm tối nhất là về “nền tảng tư tưởng” của một Ủy viên Bộ Chính trị phụ trách tuyên giáo.

Có đúng đảng ta “đã có sự phát triển lớn về lý luận, chẳng hạn, xác định các đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà chúng ta xây dựng, xác định được những mối quan hệ lớn trong quá trình phát triển mà chúng ta cần phải giải quyết trong quá trình quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, xác định được mô hình tổng thể về kinh tế đó là kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa…”?

Có đúng “Tổng bí thư hiện nay thực sự là nhà lý luận có tầm tư tưởng. Tuy nhiên, đảng ta với tinh thần khiêm tốn, không muốn sùng bái cá nhân, không muốn tuyệt đối hóa vai trò cá nhân mà đề cao vai trò tập thể của đảng cho nên đôi khi không tuyên truyền một cách đầy đủ làm cho chúng ta không thấy đủ, thấy hết hệ thống đầy đủ những thành tựu về mặt lý luận mà chúng ta đã đạt được”?

Thay vì tranh luận với ông Thưởng, tốt nhất, nên sử dụng những nhận định, tuyên bố của chính ông Nguyễn Phú Trọng để xác định… độ “lú” của ông Thưởng hơn xa ông Trọng.

Ngày 24/10/2013, khi tham gia góp ý cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, ông Trọng, Tổng bí thư đảng CSVN, không đồng tình với một số điểm trong “Lời nói đầu” của dự thảo có liên quan đến xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH). Lúc đó, ông Trọng từng thú nhận, chuyện xây dựng CNXH còn dài lắm, hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa (2)…

Từ đó đến nay, không riêng ông Trọng, nhiều viên chức cao cấp mà quá trình cống hiến cho sự nghiệp xây dựng CNXH tại Việt Nam dày hơn, dài hơn ông Thưởng, liên tục đưa ra những thú nhận tương tự. Gần nhất – cách nay chưa đầy hai tháng, tại Hội nghị lần thứ 10 của BCH TƯ đảng CSVN khóa 12 – ông Trọng công khai đề nghị toàn đảng thảo luận về vai trò của kinh tế nhà nước, có thực thi đổi mới chính trị hay không (3)?..

Hai dẫn chứng vừa kể cho thấy, rõ ràng ông Thưởng nói láo. Trong khi chính ông Trọng không giấu diếm sự lúng túng về định hướng, ông Thưởng lại khăng khăng khẳng định: Tổng bí thư hiện nay thực sự là nhà lý luận có tầm tư tưởng. Nếu đồng chí, đồng bào chưa nhận ra “tầm” của ông Trọng và “những thành tựu về lý luận” thì đó là do đảng… khiêm tốn, không muốn sùng bái cá nhân, không muốn tuyệt đối hóa vai trò cá nhân!

Bất chấp thực tế khen lấy được, trâng tráo tới mức như thế ngay trước thềm Đại hội đảng khóa 13, có nên xem ông Thưởng “nịnh” và là một biểu hiện điển hình, đại diện cho những phần tử “cơ hội về chính trị”? Chuyện bất chấp thực tế khen lấy được như ông Thưởng vừa biểu diễn là “biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự nghiệp cách mạng do đảng lãnh đạo” hay là điểm son về “tư tưởng, lập trường”?

***

Trong ba năm vừa qua, tuy là Ủy viên Bộ Chính trị, kiêm Trưởng ban Tuyên giáo của BCH TƯ đảng CSVN, ông Thưởng nói rất ít. Mãi tới gần đây, khi toàn đảng bắt đầu rộn ràng cho Đại hội đảng khóa 13, ông mới “xuất đầu, lộ diện”, lập ngôn qua một số bài viết, phát biểu. Ngoài chuyện khen lấy được như đã dẫn tại hội nghị vừa kể, ông Thưởng còn bộc lộ tâm thế, tư thế của một bạo chúa.

“Đồng chí” Võ Văn Thưởng không giấu diếm hận thù với đám đông dám góp ý “băng rôn sai chính tả, băng rôn sai ngày tháng năm”, khẳng định đó là “đả phá và tấn công vào đội ngũ của chúng ta”. Dường như “đồng chí” cũng là người đầu tiên, công khai xếp cán bộ, đảng viên, kể cả cao cấp, nói khác với chủ trương, đường lối của đảng vào “nhóm thứ ba thuộc thế lực thù địch”.

“Đồng chí” hết sức bất bình khi xử lý cán bộ, đảng viên có ý kiến khác với chủ trương, đường lối quá nhẹ nhàng. Theo “đồng chí”, chuyện một đảng viên, làm việc tại Văn phòng UBND TP.HCM đưa hình ảnh một cựu lãnh đạo đảng, nhà nước lên Internet, tố giác nhân vật này tham nhũng, rồi phê phán cả Trưởng ban Tuyên giáo của BCH TƯ đảng CSVN nhưng chưa xử lý tới nơi, tới chốn là không thể chấp nhận được.

“Đồng chí” còn là người đầu tiên cảnh báo về đội ngũ giảng viên chính trị. Theo “đồng chí”, những câu chuyện tiếu lâm chính trị nguy hại không phát xuất từ vỉa hè mà là từ đội ngũ này, thành ra phải chấn chỉnh ngay lập tức “công tác giáo dục chính trị, tư tưởng”. Ngoài “gia tăng bồi dưỡng, cập nhập kiến thức” còn phải “xây dựng đội ngũ giáo viên lý luận chính trị đạt yêu cầu”.

Với “đồng chí” Võ Văn Thưởng, những hậu quả thảm khốc liên quan tới đặt định chỉ tiêu để xử lý trong “cải cách ruộng đất”, “cải tạo tư sản”,… không đáng bận tậm. Cho nên “đồng chí” yêu cầu, từ nay tới Đại hội đảng thứ 13, mỗi địa phương phải “chắt lọc đối tượng”, “xử lý một vài đảng viên vi phạm, một vài công dân sử dụng Internet, mạng xã hội vi phạm Luật An ninh mạng” nhằm răn đe và mạnh miệng bảo đảm “tình hình sẽ tốt hơn rất nhiều”.

Chưa rõ cảm nhận của “đồng chí” Võ Văn Thưởng về vai trò, vị trí của “đồng chí” trong tương lai thế nào nhưng rõ ràng “đồng chí” đang “nhe nanh, múa vuốt”. “Đồng chí” không hài lòng với việc xử lý sai phạm của báo chí như vừa qua vì giống “gãi ghẻ”. Đó là lý do thời gian gần đây, xử lý báo chí không theo các qui phạm pháp luật hiện hành mà “chủ yếu bằng phương pháp của đảng”.

***

“Đồng chí” Võ Văn Thưởng vừa nhấn mạnh thêm một lần nữa: “Cả thế giới lo lắng trước sự phát triển của mạng xã hội, truyền thông xã hội”! Trên thực tế, mạng xã hội, truyền thông xã hội tạo ra đủ dạng cơ hội cho các giới nhưng giống như xã hội thực, thế giới ảo cũng có nhiều vấn nạn. Lo lắng của thiên hạ là lo lắng về những tác động bất lợi đến trật tự, trị an, văn hóa, giáo dục, y tế,…

Thiên hạ không lo lắng và tổ chức ngăn chặn, xử lý những người chia sẻ thông tin, ý kiến khác với hệ thống chính trị, hệ thống công quyền xứ họ. Dẫn “lo lắng của thế giới” để bịt miệng, trấn áp đồng bào có sự khác biệt với mình về tư tưởng, nhận thức là ngụy biện. Phải hiểu thế nào khi “nâng cao chất lượng hiệu quả quản lý, sử dụng Internet và mạng xã hội” chỉ là chặn, xử những người khác biệt về tư tưởng, nhận thức nhưng làm ngơ, tạo điều kiện cho những khuynh hướng lạc hậu, phản khoa học kiểu như “sinh con thuận tự nhiên” (4), “thực dưỡng” (5),… tràn lan trên mạng xã hội, truyền thông xã hội dù chúng nguy hại cho sức khỏe cộng đồng, đe dọa tính mạng con người?


Khi “nâng cao chất lượng hiệu quả quản lý, sử dụng Internet và mạng xã hội” như “đồng chí” Võ Văn Thưởng và các “đồng chí” lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền chủ trương đang đi theo chiều ngược lại với tiến trình phát triển chung của nhân loại thì chúng ta sẽ đi đến đâu: Thời kỳ đồ… đồng hay thời kỳ đồ… đá? “Đồng chí” Võ Văn Thưởng – ngôi sao vừa lóe sáng trên vòm trời chính trị Việt Nam - trả lời được không?

Trân Văn
Blog VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad