Bãi Tư Chính: Trung Quốc mưu tính chặn đường kiện của Việt Nam ra sao? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Sáu, 2 tháng 8, 2019

Bãi Tư Chính: Trung Quốc mưu tính chặn đường kiện của Việt Nam ra sao?


Rõ ràng là giới chóp bu Bắc Kinh có mối lo ngại về việc chính quyền Việt Nam sẽ kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về ‘đừng lưỡi bò 9 đoạn’ và vụ tàu Hải Dương - 8 của Trung Quốc xâm nhập Bãi Tư Chính, chứ không phải như một số tờ báo của Bắc Kinh luôn cho rằng Trung Quốc không hề sợ Việt Nam hay một quốc gia nào đó kiện cáo.

Trung Quốc chưa hề có ý định rút tàu Hải Dương - 8 khỏi khu vực Bãi Tư Chính.

South China Morning Post - một tờ báo Hồng Kông và cũng là tờ báo đầu tiên đưa tin về vụ Hải Dương - 8, vừa đăng tin phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc là Hoa Xuân Oánh cáo buộc Việt Nam “vi phạm quyền chủ quyền của Trung Quốc đối với Bãi Tư Chính kể từ tháng Năm” trong một cuộc họp báo hôm 26/7: “Trung Quốc đã thể hiện quan điểm của mình và đang liên lạc với phía Việt Nam” và “Chúng tôi kêu gọi phía Việt Nam xử lý phù hợp vụ việc”.

Tuyên bố trên được đưa ra chỉ một ngày sau khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam là Lê Thị Thu Hằng cho biết Hà Nội đã “trao công hàm phản đối cho phía Trung Quốc, yêu cầu rút ngay khỏi vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam” - một cử chỉ can đảm mang tính quá hiếm muộn của giới chóp bu Việt Nam về thế buộc phải đối đầu trước ‘thiên triều’.

Cách thức tuyên bố trên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc là rất tương đồng với chiến thuật lấn dần từng bước vào Biển Đông và biến các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, đặc biệt là những vùng biển có trữ lượng dầu khí lớn mà Việt Nam đang tự khai thác hoặc liên doanh với những đối tác nước ngoài để khai thác, thành vùng ‘tranh chấp chủ quyền’ giữa Trung Quốc và Việt Nam.

Cách tuyên bố mang tính khẳng định về vùng chủ quyền của Trung Quốc tại khu vực Bãi Tư Chính có thể sẽ khiến một số quốc gia trên thế giới - vốn không am hiểu lắm về lịch sử chủ quyền vùng biển của Việt Nam và những mưu tính lắt léo trong ‘đường lưỡi bò 9 đoạn’, tỏ ra dè dặt hơn nếu những nước này có ý muốn ủng hộ Việt Nam tại diễn đàn Liên hiệp quốc, hoặc tại một tòa án quốc tế trong trường hợp Việt Nam dám kiện Trung Quốc ra trước thế giới.

Vào những ngày hè nóng bỏng này, thêm một lần nữa trong nhiều lần, một ít chuyên gia và cũng chỉ một ít tờ báo nhà nước - thật sự sốt ruột trước cảnh ‘trùm mền’ của giới chóp bu Việt Nam - đã phải liệt kê hàng nửa tá cơ sở cho triển vọng ‘Việt Nam sẽ chắc thắng nếu kiện Trung Quốc’.

Hà Nội cũng vì thế một lần nữa phải tính đến việc kiện Trung Quốc, hoặc ít nhất cũng lấp ló khả năng kiện tụng ra trước công luận nhằm xoa dịu phản ứng của dư luận xã hội về một chế độ chỉ biết ‘hèn với giặc, ác với dân’.

Tuyên bố về ‘chủ quyền Bãi Tư Chính’ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn cho thấy một ý định quá đáng sợ của Bắc Kinh mà khiến ‘đảng em’ Việt Nam mất ngủ: Trung Quốc chưa hề có ý định rút tàu Hải Dương - 8 khỏi khu vực Bãi Tư Chính. Thậm chí Trung Quốc còn có thể điều động thêm những tàu thăm dò địa chất và kể cả điều động một giàn khoan khồng lồ - như cái cách của Hải Dương 981 vào năm 2014 - vào khu vực Bãi Tư Chính để khoan dầu, như một cách ăn cướp cực kỳ trắng trợn tài sản ngay trong nhà của người khác.

Vào năm 2014, Hải Dương 981 đã chỉ rút khỏi Biển Đông sau hơn 2 tháng ngự trị và đã ‘làm tình làm tội’ giới chóp bu Việt Nam chưa đánh đã sợ.

Nếu khả năng tàu Trung Quốc kéo dài vụ xâm nhập Bãi Tư Chính xảy ra, mà xác suất của khả năng này đang được giới phân tích chính trị cho là ngày càng lớn, Việt Nam sẽ phải đối phó ra sao? Tiếp tục phát cờ cho ngư dân để ‘thuyền ra biển lớn’ và làm rộ lên câu vè dân gian “Chống giặc bằng cờ, chống ngập bằng lu, đứa nào nói đảng ngu là thằng phản động”? Hay tiếp tục kêu gọi quốc tế mau chóng can thiệp? Liệu hải quân Việt Nam có dám nổ súng nếu tàu Trung Quốc gây hấn? Và nếu nổ súng, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã chuẩn bị ra sao cho những kịch bản đen tối không thể tránh khỏi cho một cuộc xung đột quân sự ở quy mô nhỏ hoặc vừa, hay thậm chí là chiến tranh thực sự với Trung Quốc?


Thường Sơn
Blog VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad