Cảnh báo các tôn giáo đừng để bị lợi dụng là “vỏ bọc cho sự đàn áp” - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Ba, 13 tháng 8, 2019

Cảnh báo các tôn giáo đừng để bị lợi dụng là “vỏ bọc cho sự đàn áp”


Các Sư Nhà nước làm lễ cầu siêu cho ông cố chủ tịch Trần Đại Quang

“Nêu cao tinh thần cảnh giác, không để các thế lực lợi dụng chống phá ta về dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo, cản trở Việt Nam trong hội nhập và hợp tác quốc tế” là phát biểu của ông Thủ tướng Việt Nam, Nguyễn Xuân Phúc, sáng ngày 9/8/2019 tại cuộc gặp mặt với chức sắc, chức việc tôn giáo diễn ra ở thành phố Đà Nẵng.

Một số người trong cuộc phản ứng ra sao đối với phát biểu mới nhất đó về tôn giáo của người đứng đầu chính phủ Hà Nội?

“Tôn giáo đóng góp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”?

Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ, hiện là Chánh văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam có mặt tại buổi gặp mặt hôm đó với tư cách là một người đưa tin. Ông thuật lại với phóng viên Đài Á Châu Tự Do:

“ Tôi nghĩ rằng đây là một cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng với các tôn giáo với thông điệp là chính phủ cũng trân trọng sự đóng góp của các tôn giáo trong nhiều lĩnh vực.

Như Giám mục Bùi Chu cũng nói rõ trong buổi gặp là có các lĩnh vực mà nhà nước không thể làm hết được như y tế cộng đồng, môi trường, trợ giúp cho người nghèo… thì Giáo hội Công giáo vẫn đóng góp từ xưa đến nay cũng không cần có biểu dương, nhưng ý của Chính phủ là muốn ghi nhận và lần đầu tiên chính phủ chủ biết được là các tôn giáo đang đóng góp những gì cho quê hương này.”

Còn Chánh trị sự Hứa Phi, Trưởng ban đại diện khối Cao Đài Nhơn Sanh ở Việt Nam cho rằng, tôn giáo quốc doanh thật ra chỉ đóng góp cho đảng Cộng sản là chính.

“Từ trước tới giờ, tất cả những tôn giáo độc lập hoặc tôn giáo chơn truyền thuần túy, không theo nhà nước lúc nào cũng bị chính quyền ngăn cản toàn bộ.

Ngày hôm nay, nói về tôn giáo đóng góp cho xã hội, theo tôi nghĩ cái này là tôn giáo của nhà cầm quyền Việt Nam dựng lên, có mục đích kinh doanh tôn giáo chứ không phải là tôn giáo lo cho tinh thần nhân loại.

Về vấn đề buổi gặp mặt, tôi nghĩ là người ta đưa lên để làm màu mè với dư luận mà thôi. Nếu mà tôn giáo quốc doanh đóng góp thì chỉ đóng góp cho đảng Cộng sản chứ không phải là đóng góp cho dân tộc Việt Nam.”

Khối Nhơn Sanh đạo Cao Đài không được chính phủ Hà Nội công nhận, ông Hứa Phi vào tháng 5 năm 2018 từng bị những người bịt mặt đánh đập, cắt râu ngay tại nhà ở Lâm Đồng để ngăn cản ông gặp phái đoàn Úc nói về tự do tôn giáo. Vào tháng 11 cùng năm, sau khi gặp phái đoàn Mỹ trở về ông phát hiện nhà mình đã bị đập phá, phóng hỏa.

Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ chia sẻ thêm về những đề nghị của Giáo hội Công giáo Việt Nam đưa ra trong buổi gặp mặt với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:

“Mỗi tôn giáo chỉ có một vị đại diện phát biểu thôi. Đối với Giáo hội Công giáo thì Đức cha Bùi Chu trình bày những việc mà Giáo hội Công giáo đã đóng góp từ trước đến nay.

Ngoài ra, ngài có góp ý là Chính phủ nên lưu tâm đến những nhu cầu và khả năng của Giáo hội Công giáo trong vấn đề y tế và giáo dục.

Hai vấn đề này thì Giáo hội Công giáo đã nói nhiều và Nhà nước cũng công nhận đó là hai mảng đóng góp rất quan trọng của Giáo hội Công giáo, còn họ lưu tâm đến mức nào thì còn phải chờ.”

Tuy nhiên, khi được hỏi về phát biểu gây tranh cãi của ông Thủ tướng được báo chí trích lời, vị linh mục này cho biết lúc đó ông đã ra phía ngoài nên không có bình luận gì.

“Nêu cao tinh thn cnh giác, không để các thế lực li dụng chống phá”

Thủ tướng Phúc sau khi ca ngợi sự đóng góp của các tôn giáo ở Việt Nam là to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, đồng thời lưu ý các tổ chức tôn giáo cần nêu cao tinh thần cảnh giác “không để các hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo mê tín dị đoan, trục lợi, gây bức xúc trong xã hội, chia rẽ nhân dân, phá hoại khối đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo.

Nêu cao tinh thần cảnh giác, không để các thế lực lợi dụng chống phá ta về dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo, cản trở Việt Nam trong hội nhập và hợp tác quốc tế.

Đâu đó vẫn còn tình trạng lợi dụng tôn giáo để chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, gây phức tạp về an ninh, trật tự xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trong tiến trình hội nhập.”

Bình luận về phát biểu này của thủ tướng Phúc, một chuyên gia nghiên cứu về tôn giáo từ trong nước không muốn nêu tên nói:

“Phát biểu này thể hiện chính sách thống nhất về tôn giáo của chính quyền Việt Nam. Từ sau năm 1975 đến nay, họ vẫn thường đồng nhất tôn giáo và chính trị.

Các hoạt động tôn giáo đòi hỏi sự liên kết các cá nhân với nhau. Những người này phải chịu sự chèn ép của chính quyền trong rất nhiều năm về nhiều vấn đề như đất đai, tự do tôn giáo và kỳ thị chủng tộc… điển hình như là cộng đồng người Thượng ở Tây Nguyên.

Vì bị chèn ép nên họ thường có xu hướng liên kết lại với nhau. Từ việc người dân liên kết lại với nhau thì Chính quyền lại cho rằng những hoạt động tôn giáo sẽ dễ bị lợi dụng bởi những thế lực thù địch.

Nên tôi nghĩ phát biểu lợi dụng tôn giáo để chống phá chính quyền chỉ là một cái vỏ bọc cho những sự chèn ép của chính quyền đối với các tôn giáo và các chính sách đàn áp của họ trong suốt nhiều năm nay mà thôi.”

Hàng trăm người Thượng theo đạo Tin Lành ở Tây Nguyên đã phải trốn chạy sang 2 nước Thái Lan và Campuchia để xin tị nạn trong những năm vừa qua để tránh việc bị chính quyền đàn áp, yêu cầu bỏ đạo. Chính phủ Việt Nam phủ nhận điều này và cho hay chỉ có những cá nhân vi phạm pháp luật bị xử lý.

Hoà thượng Thích Không Tánh, vị trụ trì chùa Liên Trì bị phá hủy và không thuộc Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, cũng trình bày về quan điểm của giới lãnh đạo đảng cộng sản và chính phủ Hà Nội đối với tôn giáo:

“Từ trước giờ những công chức lãnh đạo của nhà nước này lúc nào cũng nói rằng tôn giáo bị lợi dụng để tuyên truyền chống phá nhà nước, nhưng thực ra chính nhà nước này mới lợi dụng tôn giáo để tuyên truyền chính trị cho chế độ.

Tôn giáo bị chế độ nô lệ hóa, biến thành một phương tiện chính trị trong các vấn đề ban giao quốc tế,” Hòa thượng Thích Không Tánh nói qua điện thoại từ Sài Gòn.

Chùa Liên Trì thuộc Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất có từ trước năm 1975 ở Thủ Thiêm do Hòa Thượng Không Tánh trụ trì đã bị chính quyền Quận 2 cưỡng chế, giải tỏa vào tháng 9 năm 2016. Vị trụ trì đã không đồng ý với phương án đền bù của cơ quan chức năng thành phố Hồ Chí Minh.

Việt Nam vẫn mạnh tay đàn áp tôn giáo trong năm 2019

Chuyên gia nghiên cứu tôn giáo không muốn nêu tên tiết lộ rằng, ông đã tiếp xúc, phỏng vấn rất nhiều nạn nhân tôn giáo, đặc biệt là cộng đồng người Thượng ở Tây Nguyên.

Đồng thời nghiên cứu lại các báo cáo của tổ chức Theo dõi nhân quyền (Human Rights Watch) trong những năm gần đầy thì chuyên gia này nhận thấy rằng việc đàn áp tự do tôn giáo đối với người Thượng đã mang tính hệ thống. Ông giải thích:

“Tình trạng đàn áp cứ lặp đi lặp lại nhiều lần, trong những năm 1990, những năm 2000 và bây giờ đang lặp y như vậy. Các tín đồ Tin Lành bị bắt bớ vẫn kéo dài cho đến nay.

Những người vượt biên sau các cuộc biểu tình những năm 2000 và những người vượt biên mới đây ở Tây Nguyên, họ vẫn kể cùng một câu chuyện, như họ bị bắt bớ, bị giám sát, theo dõi và lục soát nhà cửa.

Về tình hình tự do tôn giáo hiện nay, nếu chính quyền cứ tiếp tục chính sách đàn áp tôn giáo như thế này thì chẳng khác nào là ‘thêm dầu vào lửa’ vì đang có nhiều tôn giáo chứa đầy phẫn nộ về các chính sách khắc nghiệt của chính quyền.”

Chánh trị sự Cao Đài Hứa Phi cho biết một thực tế là các chức sắc thuộc các tôn giáo độc lập, không chịu sự kiểm soát của chính quyền lúc nào cũng bị đàn áp, theo dõi sát sao:

“Bên đạo Cao Đài chơn truyền của chúng tôi mà tôi là trưởng ban đại diện vốn hàng ngày hàng giờ lúc nào cũng công an mật vụ đi theo sau. Ngay cả hiện tại nhà tôi cũng đang công an bám sát liên tục.

Không chỉ riêng đạo Cao Đài mà tất cả những những tôn giáo nằm trong Hội đồng Liên Tôn như Phật giáo Hòa Hảo, Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Công Giáo thì ở Vườn rau Lộc Hưng cũng bị san bằng, bên Mục sư Tin Lành Nguyễn Hoàng Hoa lúc nào cũng bị canh gác.”

Mạng báo Tuổi Trẻ online hôm 10/8 đưa tin về buổi gặp mặt, cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn các tôn giáo ở Việt Nam cùng đoàn kết, hợp tác dưới sự lãnh đạo của đảng  Cộng sản và quản lý của Nhà nước. Ông Phúc khẳng định:

"Có thể nói không một quốc gia đa tôn giáo nào trên thế giới mà các tôn giáo, tín đồ tôn giáo lại sống bình đẳng như ở Việt Nam chúng ta. Một đất nước không có xung đột sắc tộc, xung đột tôn giáo.

Hồi cuối tháng 4 năm nay, phần báo cáo về Việt Nam tại buổi công bố phúc trình thường niên của Ủy Hội Quốc Tế Mỹ Về Tự Do Tôn Giáo Thế Giới (USCIRF) tiếp tục đánh giá Việt Nam vẫn là một đất nước thiếu tự do tôn giáo.

Chi phái Cao Đài 1997, hội Cờ đỏ, tình trạng vô quốc gia của người Tin Lành Tây Nguyên và H’Mong, tù nhân lương tâm cùng với việc chính quyền đàn áp các cuộc biểu tình ôn hòa là những vấn đề lớn tại Việt Nam bị USCIRF nêu ra.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng trong một tuyên bố sau đó đã phản bác phúc trình của USCIRF và cho rằng “Báo cáo của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ ghi nhận những thành tựu và tiến triển trong công tác bảo đảm và thúc đẩy đời sống tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam, nhưng đáng tiếc trong báo cáo vẫn còn một số đánh giá không khách quan, trích dẫn những thông tin sai lệch về Việt Nam.”


RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad