Vậy dự luật này là gì?
Đây không phải lần đầu tiên dự luật này được nhắc đến. Từng được trình trước Quốc hội Mỹ trong năm 2015 và năm 2017 sau sự kiện các chủ nhà sách ở Hong Kong bị bắt giữ, song dự luật này khi đó chưa thể trở thành luật vì không đạt được đủ số ủng hộ cần thiết. Ngay khi được tái đề xuất vào tháng 6 vừa qua, dự luật đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ lưỡng viện Quốc hội.
Dự luật này được đưa ra nhằm tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với nền dân chủ, quyền con người cũng như nền pháp quyền của đặc khu hành chính, kinh tế của Trung Quốc trong bối cảnh các cuộc biểu tình nổ ra liên tiếp tại Hong Kong nhằm chống lại dự luật dẫn độ sang Trung Quốc đại lục. Dự luật đồng thời gửi một thông điệp cảnh báo nghiêm khắc về sự can thiệp gia tăng của chính quyền Bắc Kinh vào đặc khu này.
Trong số hơn 10 nghị sỹ đồng bảo trợ dự luật, có dân biểu Jim McGovern (đảng Dân chủ), Thượng nghị sĩ Marco Rubio (đảng Cộng hoà) – lần lượt là Chủ tịch và đồng chủ tịch Ủy ban Điều hành Quốc hội Mỹ về Trung Quốc (CECC), Thượng nghị sỹ Jim Risch (CH) – Chủ tịch Ủy ban về Quan hệ Đối ngoại Thượng viện Mỹ và Thượng nghị sĩ Jim Risch (CH) – Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, v.v.
“Dự luật này muốn làm rõ rằng Quốc hội Hoa Kỳ sát cánh với người dân Hong Kong khi họ đang nỗ lực bảo vệ quyền con người và luật pháp ở Hong Kong”, dân biểu McGovern nói.
“Tôi tự hào tái đề xuất dự luật này, đặt Hoa Kỳ đứng về phía nhân quyền và dân chủ, chống lại những thế lực làm xói mòn các quyền tự do và quyền tự trị được bảo đảm cho người dân Hong Kong. Các quyền tự do đã biến Hong Kong thành một trung tâm thịnh vượng của nền thương mại toàn cầu, được điều chỉnh bởi các nguyên tắc pháp quyền”, Thượng nghị sỹ Rubio (đảng Cộng hòa) nói.
Mục đích đã nêu của dự luật này, nếu trở thành luật, sẽ là “đổi mới cam kết lịch sử của Hoa Kỳ nhằm bảo vệ tự do và dân chủ tại Hong Kong vào thời điểm quyền tự trị của vùng lãnh thổ này ngày càng bị tấn công”.
Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong sẽ:
- Yêu cầu tổng thống xác định những người chịu trách nhiệm về các vụ bắt cóc các chủ nhà sách, nhà báo và các nhà hoạt động Hong Kong, cũng như những người đồng lõa trong việc đàn áp các quyền tự do căn bản ở Hong Kong. Dự luật yêu cầu tổng thống thiết lập các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức chính phủ Hong Kong hoặc Trung Quốc đại lục, bằng cách đóng băng tài sản ở Hoa Kỳ của những trường hợp này, cũng như từ chối cho họ nhập cảnh vào Hoa Kỳ.
- Yêu cầu tổng thống ban hành chiến lược bảo vệ công dân và doanh nghiệp Hoa Kỳ khỏi những rủi ro về mặt pháp lý, bao gồm cả việc xác định xem có nên sửa đổi thỏa thuận dẫn độ Hoa Kỳ – Hong Kong và thông tin tư vấn cho công dân Mỹ về du lịch Hong Kong hay không.
- Yêu cầu bộ trưởng ngoại giao Mỹ hằng năm phải chứng thực sự tự trị của Hong Kong đối với Trung Quốc đại lục để đảm bảo thành phố này tiếp tục được hưởng những lợi ích thương mại và kinh tế đặc biệt theo Đạo luật Chính sách Mỹ – Hong Kong 1992.
- Yêu cầu bộ trưởng thương mại ban hành một báo cáo thường niên để đánh giá liệu chính phủ Hong Kong có thực thi đầy đủ các quy định xuất khẩu của Hoa Kỳ liên quan đến các mặt hàng nhạy cảm và các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, đặc biệt là đối với Iran và Bắc Triều Tiên hay không.
- Làm rõ rằng người xin thị thực đi Mỹ mà cư trú ở Hong Kong năm 2014 sẽ không bị từ chối thị thực khi liên quan đến việc bị bắt giữ, giam giữ hoặc phải hứng chịu hành động bất lợi khác của chính phủ do họ tham gia vào các hoạt động phản kháng bất bạo động liên quan đến vận động dân chủ, nhân quyền, pháp quyền hoặc quá trình bầu cử ở Hong Kong.
Mối quan hệ hiện tại giữa Mỹ và Hong Kong được đánh giá tích cực. Theo Đạo luật Chính sách Mỹ – Hong Kong 1992, Mỹ công nhận chế độ bán tự trị của Hong Kong và ủng hộ nền dân chủ nơi đây.
Hong Kong vừa chứng kiến đợt biểu tình lớn nhất kể từ khi thành phố này được trao trả cho Trung Quốc năm 1997. Xung đột bạo lực giữa cảnh sát và người biểu tình nổ ra trong suốt nhiều tháng kể từ khi cảnh sát sử dụng hơi cay và đạn cao su để giải tán đám đông.
Phạm Minh Trung
Luật Khoa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét