Hồng-Kông: Biểu tình bạo động là hạ sách! - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Năm, 29 tháng 8, 2019

Hồng-Kông: Biểu tình bạo động là hạ sách!


Trong mấy tuần qua, cuộc xuống đường biểu tình ở Hồng-Kông đã chuyển hướng. Lòng căm phẩn cao độ đã dẫn đến hình thức bạo động bằng các vũ khí tự chế như gạch đá, bom xăng, gậy cây, thanh sắt, v.v… Máu đã bắt đầu đổ. Cường độ bạo động đang tăng nhanh.


Rất khó để biết đây là chuỗi sự kiện tự phát, là chủ trương “ngầm” của phong trào, hay là một kế hoạch thâm độc có tính toán của Bắc Kinh. Tuy nhiên chuyển biến mang tính bạo lực này là lý do tốt nhất để Trung Cộng có cớ thuận lợi nhằm thẳng tay đàn áp dã man ở một thời điểm cần thiết nào đó. Và cuối cùng, phong trào biểu tình ôn hòa sẽ bị thất bại vì một số hành động bất ôn hòa.

Hơn ba tháng kiên nhẫn xuống đường biểu tình chống dự luật dẫn độ, phong trào đấu tranh bất bạo động đã phát triển tốt đẹp và được cả thế giới quan tâm, ủng hộ; đang có nhiều hy vọng trở thành sức mạnh đủ lớn giữ thế chủ động tự trị cần có.

Nhưng sự kiện bạo động gần đây đã làm cho nhiều người lo âu và hoài nghi về khả năng tồn tại của phong trào. Bên cạnh nỗi lo về phản ứng thô bạo phải có của Bắc Kinh, hình thức bạo động cao độ và kéo dài – dù là với lý do chính đáng nào đó – sẽ có thể gây mâu thuẫn và làm rạn nứt hàng ngũ triệu người đấu tranh đồng chủng, khi đa số vẫn tin rằng phương thức bất bạo động là vũ khí duy nhất có được sự hậu thuẫn của cả thế giới.

Cuộc xuống đường biểu tình chống sự cưỡng chế pháp lý của nhà cầm quyền Trung Cộng qua dự luật dẫn độ từ tháng 3/2019 là một cuộc đấu tranh mang tính đặc thù, khác hẳn những cuộc đối kháng đòi công lý, tự do, dân chủ đã xảy ra trên thế giới. Nó đòi quyền tự quản độc lập theo Hiệp ước 1997 , và đòi Bắc Kinh phải tôn trọng. Theo đó Hồng-Kông “được giữ lại các luật lệ của mình và một mức độ tự trị cao trong 50 năm sau khi chuyển giao”, chứ không phải nhằm lật đổ chính quyền hiện có ở Hồng-Kông -- điều hoàn toàn bất khả thi trong bối cảnh chính trị đặc thù đang có.


Một khi mục tiêu đấu tranh KHÔNG phải là nhằm lật đổ chính quyền, và chính quyền Hồng-Kông lại là bộ phận được “sắp xếp” và lãnh đạo bởi Trung Cộng, thì bạo động KHÔNG phải là sách lược đấu tranh thích hợp.

Chính quyền Hồng-Kông lúng túng với hàng triệu người xuống đường biểu tình trong tinh thần ôn hòa nhưng nó sẽ không thể tiếp tục bó tay nhượng bộ phong trào khi Bắc Kinh nhận thấy đã đến lúc phải giải quyết.

Hơn ai hết, ông Tập Cận Bình thừa hiểu rằng những gì đã, đang và sẽ xảy ra ở Hồng-Kông đã, đang và sẽ ảnh hưởng sâu đậm đến quan điểm, sách lược của các phong trào, tổ chức chống Trung Cộng ở Trung Hoa. Do vậy, nhà cầm quyền Trung Cộng phải bằng mọi cách đẩy lệch hướng phong trào xuống đường biểu tình ở Hong-Kong. Thậm chí, tìm cách “bạo-động-hóa” nó: cố tình dàn dựng hoàn cảnh và điều kiện để bạo động xảy ra, thúc đẩy cho nó tăng cường độ nhanh chóng... Có bạo động nghiêm trọng thì Bắc Kinh mới có cớ tốt nhất để dùng quân đội “giải tỏa”.

Nếu tình trạng bạo động tăng cao, Cảnh sát Hồng-Kông sẽ được lệnh dùng các biện pháp chống trả, đàn áp mạnh hơn để đối phó, hay cũng nhằm mục tiêu khiêu khích. Khi các nhóm bạo động phản ứng bằng hành động dũng mãnh hơn, thì sự chống trả, đàn áp của Cảnh sát bắt buộc sẽ phải thô bạo hơn nữa. Sự leo thang bạo động đến một mức độ nào đó sẽ đến mức thích hợp để Trung Cộng có đủ lý do chính đáng sử dụng lực lượng quân đội với lý do nhằm “vãn hồi an ninh, trật tự”. Và sau đó, sự hiện diện, kiểm soát của quân đội Trung Cộng ở Hồng-Kông sẽ là sự kiện được mặc nhiên xem như là cần thiết, bình thường.

Nếu không may như vậy, người dân Hồng-Kông sẽ mất đi điều kiện phát triển và củng cố tinh thần, lực lượng dân chủ để chờ thời cơ độc lập hóa: một khi Trung Cộng gặp biến động chính trị có khả năng dẫn đến sự thay đổi thể chế đang có.

Sự kiện Hồng-Kông đang là thước đo tinh thần yêu Dân Chủ, Tự Do của người dân Hồng-Kông và cũng là chuỗi kinh nghiệm đấu tranh đặc thù rất xứng đáng để người dân ở các nước bị trị học hỏi và chuyển dụng.

Việt Nam và Hồng-Kông là hai quốc gia hoàn toàn khác biệt trong hầu hết lãnh vực quan trọng, ngoại trừ sự chi phối nặng nề của nhà cầm quyền Trung Cộng.

Nhiều người chán ghét độc tài, tham ô và bất công ở nước ta ước mơ có một phong trào tương tự như ở Hồng-Kông được xảy ra ở Việt Nam. Đó là ước mơ đáng trân trọng nhưng rõ ràng không có khả năng trở thành hiện thực.

Hoàn cảnh và điều kiện chính trị ở HK và VN hòan toàn khác nhau. Môi trường, điều kiện và kinh nghiệm đấu tranh bất bạo động ở hai nước cũng khác biệt hoàn toàn. Và hơn cả, Việt Nam chưa thấy xuất hiện những người trẻ có tầm vóc, tinh thần, bản lãnh như những người lãnh đạo trẻ Hồng-Kông.

Nói cách khác, phong trào xuống đường đấu tranh ở Hồng-Kông phát động và phát triển được là do Hồng-Kông có điều kiện và hoàn cảnh thích hợp để thực hiện. Những yếu tố thuận lợi mà Hồng-Kông có được hiện vẫn chưa xuất hiện ở Việt Nam. Và bất lợi hơn cả là nhà cầm quyền CSVN luôn có thừa tính tàn nhẫn để đàn áp thô bạo, như đã từng làm một cách công khai trong những năm qua.

Hoàng Chí Phong và những người đồng tâm lãnh đạo với anh đang được giới trẻ và đa số người dân Hồng-Kông tín phục. Phong trào đấu tranh ôn hòa với hàng triệu người tham gia, và sự ủng hộ của cả thế giới, cần được duy trì và phát triển theo chiều hướng ôn hòa đã có. Hy vọng rằng những người lãnh đạo trực tiếp và gián tiếp ở Hồng-Kông có được những quyết định đúng đắn và tốt đẹp để tình trạng bạo động hiện nay sớm chấm dứt, để phong trào không bị đàn áp đến mức phải bị thất bại thảm hại.

Sự tiếp nối và phát triển nhịp nhàng, hiệu quả của phong trào biểu tình ôn hòa ở Hồng-Kông đang ở một giai đoạn thử thách vô cùng quan trọng. Hy vọng sao ước mơ và nỗ lực của hàng triệu người dân chủ ở Hồng-Kông có được ngày thành công.


* Bài phản ánh văn phong và quan điểm riêng của tác giả. Tác giả gửi tới Người Đưa Tin

© Lâm Thế Nguyên
    (ĐVDVN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad