Một hội nghị nôm na - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2019

Một hội nghị nôm na


Hội nghị phát triển kinh tế miền Trung tại tỉnh Bình Định sáng 20-8 Ảnh: QUANG LIÊM/Báo Người Lao Động

Ngày 21.8.2019 báo Người Lao Động đăng bài “Miền Trung phải "đi nhanh mà không ngã"!” của một tập thể tác giả, ghi là “Nhóm phóng viên” (NPV) *. Tôi xin đi thẳng vào bài.

1 NPVCác tỉnh, thành miền Trung cần tránh mâu thuẫn trong lựa chọn ưu tiên chiến lược phát triển kinh tế, nói nôm na là làm sao để "hai chân không giẫm vào nhau", có được bước đi nhanh và không vấp ngã, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh như vậy tại hội nghị phát triển kinh tế miền Trung do Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) phối hợp UBND tỉnh Bình Định tổ chức ngày 20-8, ở Bình Định.

Nhận xét:

  • “Tránh mâu thuẫn trong lựa chọn ưu tiên chiến lược phát triển”, tưởng là ông thôn trưởng, ông bí thư chi bộ ấp, hay đảng viên lão thành trong tổ hưu trí đã bị lẫn nói. Đằng này đích thân ông thủ tướng nói!
  • “Chiến lược” (strategy) là đường lối và phương thức lâu dài mang tính định hướng, trong đó ta vạch ra nhiều mục tiêu, cái nào phải đạt trước, cái nào phải đạt sau. Để từng bước đạt đến các mục tiêu ấy thì mỗi giai đoạn ta lại có những “ sách lược” hay “chiến thuật” khác nhau. Chiến lược không đổi nhưng chiến thuật hay sách lược thì cần linh hoạt ứng biến bởi tình hình luôn biến động, do đó nó có thể thay đổi cương nhu, lùi một bước để rồi nhảy tới hai hay ba bước v.v..
  • Nếu như các quan chức đảng ta thực sự có tầm nhìn, có tư duy chiến lược, làm gì có chuyện “mâu thuẫn trong lựa chọn ưu tiên ”, làm gì có chuyện “quy trình” luôn luôn đúng mà kết quả luôn luôn sai, làm gì có cảnh đụng chuyện gì các quan ta cũng xoa tay vò đầu mở máy nói câu ghi âm sẵn “để rà soát lại”!
  • Nói ví dụ tỉnh Quảng Nam của Thủ tướng. Tỉnh này ngăn sông đắp đập làm thủy điện bậc thang khiến dân Đà Nẵng than trời vì uống nước mặn. Nhưng riêng trong tỉnh Quảng Nam thôi thì thủy điện ở thượng nguồn lại khiến nông dân vùng hạ du thiếu nước ấy lúa mùa hè, lũ lụt mùa mưa. Cái này chẳng phải là “ưu tiên chiến lược” gì đâu mà là là lối làm ăn chụp giật kiểu chợ trời, bọn “lợi ích nhóm” xúi làm đâu là các quan ta phê duyệt tới đó, đám dân ngu khu đen sống chết mặc bay, tiền thầy chia chác.
  • Ôi, Thủ tướng rào đón “nói nôm na là”! Hồi nào tới giờ đã có ai nghe Thủ tướng nói được câu nào cao sang quý phái mà nay nổi hứng rào đón? Giả như thỉnh thoảng Thủ tướng học được hay “vớ” được từ ngữ nào sang sang, ra vẻ kinh viện, Thủ tướng mới cần rào đón là “nói theo giới hàn lâm là…” chứ!
  • Nhưng trong vụ này thì xin vái thủ tướng mấy vái là hãy học cho kỹ, vớ được thuật ngữ nào mới thì cũng cần phải uốn lưỡi bảy lần trước khi… đưa vào diễn văn, kẻo những chuyện tầm bậy và bá láp lại biến thành kiến thức phổ thông của cả nước. Thủ tướng phải rút kinh nghiệm thật sâu sắc cái vụ “cách mạng 4.0” của mình và vụ “xử lý hộp đen” của cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh.

2. NPVHội nghị còn có sự tham dự của các Phó Thủ tướng, lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, đại diện, lãnh đạo 14 tỉnh - thành vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung cùng 2 tỉnh Tây Nguyên, các nhà đầu tư trong và ngoài nước… Với hơn 700 đại biểu, hội nghị được xem là có quy mô lớn nhất từ trước đến nay đối với vùng.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định nhìn vào bản đồ Tổ quốc, miền Trung như xương sống của đất nước và cũng có hình ảnh ví von như chiếc đòn gánh nên "hai đầu quá nặng mà đòn gánh yếu thì sẽ gãy". Do đó, phát triển miền Trung không phải việc riêng của 14 tỉnh.

Nhận xét:

  • Nếu đòn gánh gãy thì phải có điểm tựa, ý Thủ tướng muốn nói rằng tỉnh Quảng Nam của mình ở giữa là điểm tựa chứ gì? Nhưng Thủ tướng hiểu thế nào là khái niệm “nặng” ở đây?
  • Nếu hai đầu Nam - Bắc nặng khiến miền Trung bị gãy, cách hiểu ở đây phải là miền Nam và miền Bắc làm ăn chẳng ra gì, bắt miền Trung phải gồng gánh ra… bao, bao mãi thì đến lúc chịu không thấu! Thí dụ năm nào hai vùng Nam - Bắc cũng thâm thủng ngân sách, trung ương phải lấy tiền thuế của dân miền Trung bù vào? Hay là hai đầu Bắc Nam phát triển nhanh quá, biến miền Trung thành hành lang giao thông, gây kẹt xe, rồi cánh tài xế đi qua mang theo tệ nạn xã hội?
  • Nhưng thực ra thì gánh nặng của miền Trung là gì? Miền Trung không được thiên nhiên ưu đãi, nhưng nếu có chút gì gọi là “tài nguyên” lại bị những bộ óc lãnh đạo thiếu tầm nhìn chiến lược và thiếu cả lương tâm làm nát, làm hỏng cái đó.
  • Nhìn lên Tây Nguyên thì cái gánh nặng bauxit, không chỉ gây lỗ lã triền miên mà còn bức tử môi trường, phá nát đường giao thông. Còn về tác hại về quốc phòng thì ngoài ý nghĩa chiến lược, rồi hậu quả từ bọn “nhân công nằm vùng” đến từ Trung Quốc đang lấy vợ sanh con và lập làng ở đây.
  • Nhìn ra Hà Tĩnh thì đến cả cá tôm dưới đấy biển sâu cũng sợ mấy “đầu óc chiến lược” của đảng ta luôn, sợ từ bầy cá ở Thanh Hóa đến bầy tôm ở Quảng Trị, Thừa Thiên!
  • Bất cứ nơi nào có chút gì gọi là “danh lam thắng cảnh” thì bọn du khách Tàu tới xả rác theo những tour du lịch không đồng.
  • Nói về sông ngòi thì xưa có nhà thơ nào đó ngâm: “Sinh ra ở đâu mà ai cũng anh hùng / Tất cả trả lời bên một dòng sông”. Vì anh hùng quá nhiều nên có thời ta có thành ngữ “Ra ngỏ gặp anh hùng”. Nay thì ra ngỏ gặp thuỷ điện khiến năm nào miền Trung cũng tái diễn cảnh “xả lũ đúng quy trình - người chết, nhà trôi, tài sản trôi”!
  • Từ sông nhìn ra biển thì thấy toàn “tàu lạ” và “tàu bạn” rình rập ăn cướp của ngư dân ta.

3 NPVThủ tướng đặt vấn đề quy mô phát triển kinh tế vùng đạt 1 triệu tỉ đồng. Năm 2018, GDP 28 tỉnh ven biển chiếm 73% cả nước, miền Trung có 14 tỉnh, thành nhưng chỉ chiếm 20% là quá khiêm tốn. Về du lịch, miền Trung có thế mạnh so với các vùng nhưng doanh thu chưa đạt 2% cả nước... Với dân số trên 20 triệu người, chiếm 21% dân số cả nước, đây là tài sản rất quan trọng. Miền Trung phải làm sao để con người miền Trung đóng góp cho quê hương, thu hút được những người tài giỏi đến làm việc.

Nhận xét:

  • À ra thế!
  • Miền Trung kém là do miền Trung Trung ương vô can!
  • Lẽ đời là vậy!
  • Nếu như miền Trung làm được việc gì kha khá thì ấy là nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của trung ương, của Bộ Chính trị, nhờ kịp thời vận dụng tinh thần nghị quyết x, y, z v.v…

4. NPV"Một bác sĩ giỏi phải "bắt" đúng bệnh mới chữa được bệnh cũng như miền Trung cần phải tìm ra đâu là căn bệnh để có giải pháp tháo gỡ... Tôi mong các đại biểu đề xuất cụ thể giải pháp để phát triển miền Trung đúng hướng, để miền Trung đi nhanh mà không bị vấp ngã" - Thủ tướng nêu rõ.

Nhận xét:

  • Trông thủ tướng cũng chẳng khác chi anh chàng đi mua vé số Lotto, tới đại lý vé số bảo: “Này, cô bán cho tôi tấm vé số, mà cô phải bán sao cho trúng độc đắc đấy nhá, tối nay xổ mà không trúng thì mai cô phải trả lại tiền cho tôi”.
  • Thủ tướng là… thủ tướng. Thủ tướng tổ chức hội nghị này là để đại biểu của từng tỉnh nói lên những khó khăn, những thách thức mà họ đang đối mặt để Thủ tướng và các “trợ lý” nghiên cứu rồi đưa ra một đường lối chiến lược chung nhằm thay đổi tình hình. Đằng này Thủ tưởng lại yêu cầu các các đại biểu này làm hết việc cho ông!
  • Tưởng tượng công việc của thủ tướng như việc làm bác sĩ. Bác sĩ lo sao cho bệnh nhân có một thân thể lành lặn, khỏe mạnh; thủ tướng thì lo sao để quốc gia có một nền kinh tế khỏa mạnh, một môi trường sống tinh tươm. Vai trò của thủ tướng là điều tra để nắm chắc tình hình các địa phương để biết rõ họ đang bị bịnh gì để đưa ra phác đồ điều trị.
  • Đằng này thủ tướng chỉ đơn giản bảo họ “ Các anh bị bệnh chi thì hãy đề xuất cụ thể cách trị bệnh!” Làm thủ tướng Anh, Thủ tướng Đức thì mệt thật, phải suy nghĩ bể hai cái đầu; còn làm Thủ tướng như... Thủ tướng Phúc thì khoẻ quá!

5. NPVBộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết miền Trung đang tồn tại rất nhiều điểm nghẽn cản trở sự phát triển. Đó là quy mô kinh tế vùng còn khiêm tốn, động lực tăng trưởng còn yếu. Trong 14 tỉnh, chỉ có Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi và Quảng Nam có dự án động lực quy mô lớn. Các tỉnh còn lại tốc độ tăng trưởng thấp, chưa khai thác được thế mạnh về hệ thống cảng biển, phi trường sẵn có. Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung chưa thể hiện được vai trò là hạt nhân tăng trưởng, đầu tàu dẫn dắt kinh tế vùng. Thu ngân sách chưa bền vững; thu từ tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết chiếm tỉ lệ cao trong tổng số thu nội địa, khoảng 22%-25%. Hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, nội vùng còn yếu và thiếu. Các nhà đầu tư nước ngoài, tập đoàn, doanh nghiệp lớn có tâm lý e ngại khi đầu tư vào vùng thường gặp thiên tai, bão lũ và giao thông chưa thật sự thuận tiện.

Nhận xét:

  • Thêm cái ông bộ này nữa Tưởng ông chỉ ra những điểm nghẽn cụ thể, những lý do cụ thể khiến miền Trung yếu kém. Té ra ông chỉ “đánh giá tình hình chung”!

6. NPV: “Ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, cho rằng quy hoạch phát triển vùng rất quan trọng, đặc biệt chiều dài của miền Trung lên đến 1.400 km nhưng chưa có quy hoạch, thiếu liên kết. Quy hoạch phải đáp ứng được phát triển các lĩnh vực mũi nhọn tạo sự tăng trưởng đột phá cho vùng, nhất là lĩnh vực lọc hóa dầu, phát triển mạnh cơ khí chế tạo và du lịch. Ngoài việc quy hoạch vùng, cần có thể chế hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư, tạo ra những "con sếu đầu đàn" lớn là rất quan trọng.”

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đề nghị Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và các bộ, ngành trung ương sớm chỉ đạo khai triển lập quy hoạch vùng theo Luật Quy hoạch. Ngoài ra, cần chỉ đạo sớm đầu tư hoàn thiện đường cao tốc Bắc - Nam, có đoạn Quảng Ngãi - Bình Định - Phú Yên và tuyến đường ven biển nối các tỉnh miền Trung, đồng thời đầu tư, nâng cấp hệ thống giao thông kết nối các tỉnh Tây Nguyên với các tỉnh duyên hải miền Trung, cũng như phát huy lợi thế là cửa ngõ hướng biển của các nước trong Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng.

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, để miền Trung thực sự phát huy hiệu quả, trước mắt phải hoàn thiện các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi phát triển du lịch ở khu vực. Các địa phương tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, có chiều sâu, chất lượng, giá trị trải nghiệm cao... Đặc biệt, cần đề cao tính liên kết trong phát triển du lịch vùng nhằm giải quyết hiệu quả vấn đề sử dụng tài nguyên, nguồn lực nhằm phát huy lợi thế tổng thể của các địa phương trong vùng.

Nhận xét:

  • Ôi, đây cũng là lý do, là gánh nặng khiến miền Trung nghèo!
  • Muốn phát triển thì ta phải khai thác thế mạnh, phải tạo thế liên kết, phải có cơ sở hạ tầng tốt, phải có hành lang pháp lý thuận lợi, vân vân và vân vân. Nói thật, để “rút” ra những “chân lý” như vậy thì đâu cần phải tổ chức hội nghị 700 đại biểu? Chỉ cần một thằng sinh viên kinh tế năm thứ nhất ngồi xuống chừng nửa tiếng đồng hồ thôi, nó có thể soạn một lô những lý thuyết phát triển chung chung ai cũng biết cả này. Mà gặp sinh viên giỏi, nó soạn còn hay hơn!
  • 700 đại biểu là 700 vé máy bay khứ hồi, 700 phòng khách sạn, hội nghị bao nhiêu ngày thì lấy số đó nhân lên ba suất ăn. Chưa kể mỗi ông tỉnh ủy còn dắt theo trợ lý, cần vụ, chưa kể hộ lý (trường hợp Trịnh Văn Chiến).
  • Dân ta có câu “Đã khó chó cắn thêm”, thật đúng cho tình cảnh nhân dân miền Trung. Nào hạn hán, nào nước mặn, nào trôi nhà do thủy điện, nào đường cao tốc không biết con cháu bao nhiêu đời sau mới trả sạch nợ nhưng chưa gì đã “chờ lún”, đầy ổ trâu và ổ voi v.v.., Thế mà lâu lâu còn phải è cổ ra gánh vác những cái hội nghị và đại hội ruồi bu như thế này!

7. NPV: […] Phát biểu kết thúc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các địa phương quyết tâm, làm sao trong vòng 10-15 năm tới, phải đưa miền Trung phát triển nhanh, bền vững; phải xác định ngay bây giờ để đưa miền Trung "cất cánh"...

"Mỗi một địa phương miền Trung như một đốt sống kinh tế nhưng lại rất rời rạc, lỏng lẻo tựa như bị thoát vị đĩa đệm. Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung chưa thể hiện được vai trò là hạt nhân tăng trưởng, đầu tàu dẫn dắt kinh tế vùng. Miền Trung có đủ điều kiện phát triển nhanh, tốc độ cao và phát triển bền vững hơn. Chính vì thế, tinh thần là ngay bây giờ hay không bao giờ như nhiều đại biểu đã nêu" - Thủ tướng nói.

Nhận xét:

  • Xem ra thủ tướng vẫn sống chết với “chủ nghĩa lãng mạn kinh tế”, nhất định không quay về với “hiện thực phê phán kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.
  • Sau đại thắng mùa xuân 1975 ta đưa ra khẩu hiệu “Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”, bây giờ thì thủ tướng đưa ra mốt mới: “Tiến nhanh, tiến bền vững” nhưng tiến lên cái gì thì chưa biết!
  • Mở miệng là “phát triển nhanh bền vững” mà thủ tướng không hiểu rằng không ai có thể đạt tất cả những điều hoàn hão trên đời cả. Anh đòi bằng được cái “mâu” bằng thép tốt, sắc bén, đâm thứ gì cũng thủng; rồi anh lại đòi phải “sắm” cho anh cái “thuẫn” bằng gỗ bọc da phải chắc, phải bền, “không có thứ gì đâm thủng” được!
  • Lâm Ngữ Đường từng kể câu chuyện vui, ý bảo trên đời này không có gì là hoàn hảo, trọn vẹn cả, nay kể lại, có thêm chút mắm muối, gia vị. Chuyện rằng anh nọ bị Nam Tào chấm sổ lộn, phải xuống địa ngục, Diêm Vương thú nhận là sẽ đền bù nhưng không thể đảo ngược “quy trình”, do đó chỉ có thể đền bù bằng cách cho đầu thai trở lại, muốn làm con nhà nào thì tùy ý chọn. Được thể, anh này làm già, đòi Diêm Vương phải cho anh làm con nhà nào mà vừa giàu, vừa giỏi, từ hồi nào đến giờ chả hề bị xì căng đan nào cả, lại được cả nhân loại ngưỡng mộ; rồi cái nhà họ ở phải là nhà đẹp, sơn thủy hữu tình, hoà mình với thiên nhiên, không hề bị ô nhiễm không khí nhưng cũng phải gần nơi đô hội; nhà phải là nơi giai nhân tài tử nức danh thiên hạ dập dờn nối gót bla, bla, bla. Nghe một hồi, Diêm Vương mất hết kiên nhẫn, cáu tiết ngắt lời, không cho nói nữa: “Ta nói thật với nhà ngươi, nếu trên dương gian mà có một gia đình như thế thì ta đây đã nhào vô đầu thai từ lâu rồi, đâu có phải ngồi đây ngày hôm nay để nghe nhà ngươi nói chuyện hão huyền!”
  • Giả sử có một thủ tướng xứ nào đó bị Nam Tào chấm lộn rồi được Diêm vương đền bù, bày tỏ ước ao được đầu thai làm thủ tướng một nước cho ra… nước, phát triển kinh tế sao cho nhanh để bọn “lợi ích nhóm” cũng hài lòng mà cũng thật là “bền vững” để bọn “activist” lo chuyện trời sập về môi sinh và công bằng xã hội cũng chẳng chút lời ra tiếng vào, có thể Diêm Vương sẽ mĩm cười hiền hậu, bảo muốn thế thì chú mi cứ lên trển nhắm nhà ông Nguyễn Xuân Phúc mà đầu thai làm con, làm cháu nội gì đó v.v... Kiếp này ổng không “phát triển nhanh – bền vững” được thì đợi kiếp sau, kiếp sau nữa không được thì muôn vàn kiếp sau, vấn đề là chú mi có đủ kiên nhẫn để theo cái kiếp luân hồi ấy hay không!
  • Trừ phi Thủ tướng tướng là thiên tài, Trưởng ban kinh tế trung ương Nguyễn Văn Bình là đại thiên tài kinh tế, ba năm liền dzợt luôn ba giải Nobel Kinh tế, rồi nước ta phải có sẵn trong túi một kho dự trữ vàng và đô la khổng lồ, chỉ bằng với hơn với nguồn dự trữ của Trung Quốc chứ không hề thua, lúc đó ta hãy “mơ” chuyện “phát triển nhanh - bền vững”.
  • Còn cái “tinh thần .. ngay bây giờ” nữa.
  • Đại hội đảng sắp sửa diễn ra rồi, từ cấp ủy xã cho đến cấp ủy viên trung ương ai cũng rậm rịch chuyện “nhân sự” cả. Dự hội nghị trên mấy anh tỉnh ủy và chủ tịch phát biểu hăng tiết vịt mấy đi nữa thì câu hỏi lởn vởn và ám ảnh trong đầu cũng là chuyện.. nhân sự. Không biết có đứa nào phá mình, lập hồ sơ đen về mình không cà? Mà cái lũ đàn em kia, hồ sơ đen về thằng Y, thằng Z đã tới đâu rồi, có tìm ra một thông tin nào độc hay không!
  • Đó mới là cái “tinh thần ngay bây giờ hay không bao giờ” của tầng tầng lớp lớp đảng viên trong độ tuổi “cống hiến”.


8. NPVCũng theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ngoài tập trung phát triển ngư nghiệp, nuôi trồng và đánh bắt và chế biến thủy hải sản, miền Trung phải chú trọng phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch biển, đảo. Song song đó phải phát triển các ngành công nghiệp chế tạo, chế biến gắn liền với lợi thế cảng biển. Đặc biệt cần có sự liên kết vùng và thể chế phát triển vùng; xây dựng môi trường kinh doanh có tính cạnh tranh hơn.

Nhận xét:

  • Thủ tướng bảo phải “tập trung phát triển ngư nghiệp, nuôi trồng và đánh bắt và chế biến thủy hải sản”, rồi thủ tưởng bảo “phải chú trọng phát triển du lịch”, lại dặn dò thêm là song song đó phải phát triển các ngành công nghiệp chế tạo, chế biến…Thế thì từ “tập trung” đâu còn nghĩa lý gì nữa?
  • Hình học Euclid cho biết hình tròn chỉ có một tâm điểm, Thủ tướng thì chơi “non-euclidean geometry”, hình tròn có bao nhiêu tâm thì tuỳ người... đọc diễn văn!
  • Nếu ngày xưa thủ tướng chọn nghề y khoa, học thành bác sĩ chuyên khoa, dám thủ tướng cũng là bác sĩ chuyên về tim, chuyên về gan, chuyên về phổi, chuyên về thận, chuyên răng hàm, chuyên da liễu, chuyên về bệnh truyền nhiễm.
  • Vì nếu ai đó là bác sĩ chuyên khoa gan, kẻ đó chỉ “tập trung” học và nghiên cứu sâu vào các bệnh liên quan tới về cái lá gan thôi. Nhưng thủ tướng thì “song song” với việc “tập trung” vào lá gan, thủ tướng còn “tập trung” vào lá phổi, trái cật, quả tim, hàm răng v.v…Coi như chuyên khoa… bá bệnh!


Nguyễn Văn Chiến
viet-studies

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad