Những bước lùi ngoạn mục - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Bảy, 3 tháng 8, 2019

Những bước lùi ngoạn mục


“Tao vui vì luôn nhìn thấy Đảng loạng choạng lùi trước thằng… Thằng Thời Đại.” (Trần Đĩnh)


Tuy hơi muộn màng nhưng vào ngày 19 Tháng Bảy năm 2019 vừa qua, trên trang Facebook của nhà báo Huynh Ngoc Chenh, độc giả đã đọc được những lời phân ưu vô cùng trang trọng:

Vĩnh biệt giáo sư Hoàng Tụy

Ông là một nhà toán học lỗi lạc, một trí thức yêu nước nhiệt tình. Ông và những người cùng thế hệ của ông hay trước ông như các triết gia, nhà khoa học, văn nghệ sĩ… Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, Phan Khôi, Phùng Quán… vì yêu nước nên hồn nhiên theo đảng, phục vụ đảng, nhưng đảng không cần đến tài năng và trí thức của các ông.

Các ông lần lượt ra đi để lại trong lòng thế hệ chúng tôi sự cảm phục và tiếc nuối…

Tháng trước chia tay nhà giáo Phạm Toàn, hôm nay chia tay ông và nhà thơ Phan Vũ.

Tôi không sinh cùng thời, và sống khác nơi, với tam vị thức giả vừa từ giã cõi trần. Sự hiểu biết của tôi về những công trình biên khảo, hay sáng tác, của họ cũng có phần giới hạn. Tuy thế, chỉ cần đọc những dòng chữ ưu ái mà bạn bè, thân hữu, môn sinh hay độc giả dành cho Giáo Sư Hoàng Tụy, Giáo Sư Phạm Toàn, và Thi Sĩ Phan Vũ (và được xem hình ảnh trang trọng qua tang lễ) cũng đủ khiến kẻ hậu sinh cảm thấy ấm lòng và vô cùng cảm động.

Nghĩ cho cùng thì cả ba ông đều là những người may mắn. Ít nhất thì cũng may mắn hơn nhiều nhân vật khác (cùng thời) cũng chỉ mới lìa đời, không lâu, trước đó.

Tôi đoán chưa chắc đã đúng nhưng có lẽ cũng không sai (lắm) là nhà tThơ Phan Vũ chưa bao giờ vì những câu thơ của mình mà phải “rượu chịu, cá trộm, văn chui” hay phải ngồi tù hằng chục năm trời như hai ông bạn khác: Phùng Quán và Nguyễn Tuân.

Tương tự, tuy không bao giờ giáo sư sư Phạm Toàn được trọng thị (hay ưu đãi) nhưng ông vẫn được sống yên thân, và cũng được nhiều người xung quanh kính mến. Với chế độ hiện hành thì có những ông giáo đã phải lâm vào cảnh tệ bệ rạc hơn, trông cứ “như anh hề làm xiếc” vậy:

“Dễ có đến hai năm tôi không đến khu tập thể Kim Liên. Lần này trở lại, tôi ngạc nhiên thấy cái quán của bà cụ móm dưới gốc xà cừ, mà mười năm trước tôi thường ghé hút thuốc uống nước, vẫn còn nguyên ở đó. Tôi vào quán uống chén rượu thay bữa ăn sáng. Bà cụ đang rôm rả nói chuyện với mấy anh xích lô, chắc là những khách quen…

Con cháu nhà tôi nó vừa sắm được cái ti vi màu nội địa. Tối hôm kia, bắt dây rợ xong, bật lên thấy đang chiếu cảnh tang lễ một ông tên là gì gì Thảo đó. Người ta giới thiệu cái ông Thảo này là nhà triết học nổi tiếng thế giới, làm đến sáu, bảy chức, chức nào cũng dài dài là, chắc là toàn chức to, được tặng Huân chương Độc lập hạng Hai. Ông ta sang tận bên Tây mà chết, cả Tây cả ta đều làm lễ truy điệu. Toàn cán bộ cấp cao, có danh giá đến dự.

Trong khu nhà B6 đằng kia cũng có một ông tên Thảo, nhưng lôi thôi nhếch nhác quá mấy anh công nhân móc cống. Mùa rét thì áo bông sù sụ, mùa nực thì bà ba nâu bạc phếch, quần ống cao ống thấp, chân dép cao su đứt quai, đầu mũ lá sùm sụp, cưỡi cái xe đạp ‘Pơ-giô con vịt’ mà mấy bà đồng nát cũng chê. Thật đúng như anh hề làm xiếc! Mặt cứ vác lên trời, đạp xe thỉnh thoảng lại tủm tỉm cười một mình, một anh dở người…”

Đấy, cũng là Thảo cả đấy, mà Thảo này thì sống cơ cực trần ai – bà cụ chép miệng thương cảm: Một vài năm nay không thấy ông đạp xe ngang qua đây, dễ chết rồi cũng nên… Tôi uống cạn chén rượu, cười góp chuyện: ‘Cái ông Thảo mà bà kể đó chính là cái ông Thảo người ta chiếu tang lễ trên ti-vi…’ Bà già bĩu môi: ‘Ông đừng cho tôi già cả mà nói lỡm tôi!’” (Phùng Quán. “Chuyện Vui Về Triết Gia Trần Đức.”
Ba Phút Sự Thực. NXB Văn Hoá – Văn Nghệ: Việt Nam, 2018).

Với Giáo Sư Hoàng Tụy thì dường như suốt đời không có những chuyện vui (cười ra nước mắt) tương tự. Mọi người đều biết ông là thành viên sáng lập, và là chủ tịch Hội Ðồng của IDS, cũng như chuyện Viện Nghiên Cứu Phát Triển này đã bị Nhà Nước Việt Nam o ép đến độ phải “tự giải thể” ra sao. Điều đáng mừng là giải thể xong thì thôi, chả ai bị đụng tới một sợi lông chân nào cả. Không những thế, nghe nói, Nguyễn Xuân Phúc còn mang hoa hoè và quà tặng đến thăm Giáo Sư Hoàng Tụy – đôi ba lần – nữa.

Tôi có đọc cuốn Un Excommunié – Hanoi 1954-1991: Procès d’un intellectuel (Kẻ Bị Mất Phép Thông Công Hà Nội, 1954-1991: Bản Án Cho Một Trí Thức – translated by Nguyễn Quốc Vỹ) nhưng không thấy Phạm Văn Đồng – trong suốt 32 năm giữ chức thủ tướng – đến viếng thăm Giáo Sư Nguyễn Mạnh Tường một lần nào cả mà chỉ nhớ đến những câu chữ được viết bởi “những dòng nước mắt và một nỗi buồn sâu thẳm” của tác giả thôi: Thảm cảnh đầu tiên mà tôi và gia đình phải chịu: đó là cái đói.

Cả mấy tháng qua, buộc phải mua thực phẩm và những thứ nhu yếu trên chợ đen vì tôi không còn được phát tem phiếu kể từ khi tôi bị loại, mặc dù với tất cả dành dụm có được, số tiền dự trữ ngày càng thu hẹp. Ngay từ lúc đầu, với viễn tượng những ngày khó khăn trước mắt, với dự trữ ít oi, chúng tôi bắt đầu một giai đoạn hạn chế, tiết kiệm… Chúng tôi có một con chó do bạn bè cho. Nó rất khôn và chúng tôi yêu nó lắm. Nhưng nó đã già và chúng tôi không còn khả năng mua cho nó thịt và những thức ăn tăng sức, nó không còn sức đứng lên trong chuồng, ngẩng đầu nhìn tất cả chúng tôi, với một ánh mắt tin yêu của loài vật, chắc chắn với những dòng nước mắt và một nỗi buồn sâu thẳm vì đã đến lúc phải rời chủ. Chúng tôi bật khóc khi nó nấc những hơi thở cuối cùng.

Chung cuộc, Wikipedia (tiếng Việt) cũng có đôi dòng ngắn ngủi: “Ngày 13 Tháng Sáu năm 1997, Luật Sư Nguyễn Mạnh Tường qua đời vì tuổi già tại nhà số 34 phố Tăng Bạt Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, thọ 88 tuổi.”

Chỉ giản dị thế thôi. Không ai phân ưu, cũng chả ai trống kèn gì ráo trọi. Tang ma của G.S Hoàng Tụy thì lại hoàn toàn khác, đình đám hơn thấy rõ:

Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc tiễn biệt người con Quảng Nam

Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc tiễn biệt giáo sư Hoàng Tụy

Thủ tướng viếng giáo sư Hoàng Tụy

Nhiều lãnh đạo cấp cao tiễn biệt giáo sư Hoàng Tụy


Những bản tin trang trọng thượng dẫn khiến tôi thốt nhớ đến cái hôm đưa Phan Khôi đến nơi an nghỉ cuối cùng:

“Quan tài cha tôi đặt trên chiếc xe song mã màu đen. Đó là loại quan tài xấu nhất được mua phân phối giá hai đồng bảy hào năm xu. Sáu mảnh gỗ tạp, bào qua loa, vênh vẹo đóng đinh qua loa, không sơn phết, tấm thiên, tấm địa và bốn góc đều hở. Trên nóc quan tài chỉ có ba nén nhang cắm vào quả trứng luộc để trong chén cơm. Không nến, không hoa. Không có một vòng hoa, một bông hoa nào trong đám tang cha tôi. Ngoài con ngựa già kéo xe, chỉ có 10 người đưa đám, kể cả hai nhân viên dịch vụ mai táng và người đánh xe ngựa. Người bạn, người đồng nghiệp duy nhất của cha tôi là nhà thơ Yến Lan, còn lại là người trong gia đình. Chúng tôi bấu víu vào nhau, đẩy chiếc xe ngựa lăn bánh chậm chạp ra khỏi con hẻm, đi về hướng cửa Đông. Người hàng phố đứng nhìn đám tang vội vã quay đi. Không ai dám tới dự và đưa cha tôi đến nơi an nghỉ cuối cùng…”

Về sự kiện đắng lòng này, nhà phê bình văn học Thụy Khuê có lời bình luận:

“Nếu ngày nay có một sự xám hối nào đó về phía chính quyền, hẳn không phải là những lễ kỷ niệm, với những bài ca tụng vô bổ, mà là việc tìm lại hài cốt Phan Khôi trong đám mộ ở Yên Kỳ, xác định ADN, để dựng lại ngôi mộ Phan Khôi, cho xứng đáng với địa vị của một trong những nhà văn, nhà trí thức và tư tưởng hàng đầu của Việt Nam trong thế kỷ XX.”

Tôi thì e rằng đã quá muộn màng rồi. Thời gian không đứng về phía Đảng Cộng Sản Việt Nam. Thời đại và thời thế cũng vậy nên họ buộc phải có “những bước lùi ngoạn mục” (hay nói theo nhà văn Trần Đĩnh là phải “loạng choạng lùi”) như hiện cảnh.

Họ sẽ ngã trước khi có cơ may “xám hối.”


© Tưởng Năng Tiến

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad