Tiếng thét trước Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc ngày 10.8.2019 (phụ bản của Mênh mông thế sự để gió cuốn đi, số 76) - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Tư, 14 tháng 8, 2019

Tiếng thét trước Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc ngày 10.8.2019 (phụ bản của Mênh mông thế sự để gió cuốn đi, số 76)


Chúng tôi biểu tỏ lòng yêu nước chống Trung Quốc không được à? Anh mặc sắc phục, đeo quân hàm mà không biết được bọn xâm lược Trung Quốc đang gây hấn trên Biển Đông, ngang ngược cho tàu vào thăm dò để ăn cướp ở Bãi Tư Chính à?


Đẩy xong bài “Mênh mông 76” lên mạng với chủ đề “Biểu tình hay không biểu tình”, tắt đèn đi nằm. Nhưng rồi trằn trọc không ngủ được, hình như bài viết còn thiếu một ý gì đo. Ý gì? Đúng là biểu tình là vì đại nghĩa, “quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”. Nhưng ai đang gánh trách nhiệm trực tiếp nhất đây? Đúng là thiếu chỗ này đây. Không dám dậy bật máy viết vì hơi mạo hiểm cho việc vi phạm lời răn của bác sĩ. Nhưng bật ra được ý rồi thì cũng thấy nhẹ đầu, có thể ngủ được rồi. Sớm dậy, nhấp ngụm cà phê vừa pha thật đặc, viết mấy dòng bổ sung đưa lên facebook và gửi trang “Tiếng Dân” nhờ chèn thêm vào bài vừa lên mạng:

Cần luôn nhớ, mà không chỉ nhớ, phải khắc cốt ghi xương lời thề quyết bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước. Để bảo vệ nguồn tiềm năng dầu khí quý báu của Tổ quốc những người lính biển thân yêu của chúng ta đang ngày đêm đương đầu với kẻ thù bất chấp mọi hiểm nguy.

Chúng ta biểu tình là để nhắn gửi với các anh rằng chúng ta luôn bên cạnh họ, sẻ chia với họ những tình cảm nồng ấm nhất của đất mẹ. Những kỹ sư, công nhân thân yêu của chúng ta trên các giàn khoan đang phơi nắng gội gió can trường giữa trùng khơi để khai thác nguồn tài nguyên quý báu vì cuộc sống của nhân dân. Chúng ta biểu tình là vì họ, vì biết ơn họ và nguyện tiếp sức cho họ. Chúng ta biểu tình còn là để tiếp sức cho những ngư dân đang vật lộn với sóng gió, bão táp ở ngoài khơi đồng thời phải đối phó với tàu của hải quân Trung Quốc hành động như bọn cướp biển. Vì họ, vì những người anh em thân thiết, máu mủ ruột rà đang phải dũng cảm đương đầu với lũ xâm lược Trung Quốc mà chúng ta không thể ngồi yên chờ đợi.

Chính vì thế mà bộ máy bạo lực của chế độ toàn trị của Trọng sẽ không để cho chúng ta biểu thị lòng yêu nước, sát cánh cùng những người con yêu quý của Tổ quốc đang đối diện với kẻ thù trên Bãi Tư Chính và trên lãnh thổ lãnh hải trên biển Đông thuộc chủ quyền đất nước. Nhưng không vì thế mà chúng ta lùi bước. Chúng ta phải thét to lên với công luận quốc tế để họ biết rõ chúng ta đang ngẩng cao đầu trước những hành động khiêu khích, diễu võ giương oai của Trung Quốc, quyết giữ gìn chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc theo đúng luật pháp quốc tế!*

Thở phào, mở cửa xuống bể bơi, để chỉ đi dạo chứ không dám bơi vì trời vừa mưa xong, hơi lạnh. Gặp ông bạn bơi. Ông ghé tai: “Hôm nay ngày gì mà chúng canh ông giữ thế, tôi thấy lố nhố rải rác có đến bảy tám cậu”. Tôi cười xoà, “Ngày gì đâu, chắc ông trông gà hoá cuốc rồi, lâu nay họ tha cho tôi rồi, hữu nghị vui vẻ chào hỏi nhau luôn mà chắc ngày thứ bảy các chàng trai rủ nhau đi cà phê đó thôi, chẳng phải công an công ninh gì đâu. Chắc ông đoán nhầm đấy. Vả lại tôi vừa viết xong bài “Biểu tình hay không biểu tình” để trao đổi với mấy ông bạn quyết không thèm biểu tình theo kêu gọi của nhà nước mà, nghe nói một tờ báo có lượng độc giả nhất nhì cả nước đã giật một cái tít đậm đòi huy động sức dân chống Trung Quốc gây hấn trên Biển Đông cơ mà. Nhưng thôi, nếu có chuyện mà tôi không tin này thì tôi vẫn xử sự như từ trước đến nay: họ làm việc họ, mình làm việc mình, mượn cách nói lấp lửng của ai đó “Tau khoẻ có chi mô”. Thế thôi”.

Nói thế nhưng cũng hơi chột dạ. Chẳng lẽ họ cấm cả một lão già như mình biểu tỏ lòng yêu nước một cách hoà bình, chỉ định rủ nhau đến trước Tổng Lãnh sự quán Tàu đưa một thư gửi Tập Cận Bình, bảo hắn bỉết điều thì đừng diễu võ giương oai ngoài Biển Đông nữa mà Lê Công Giàu đang định viết. Ý tưởng nhen nhúm ban đầu chỉ có thế. Nhưng rồi thấy cách ứng xử thô bạo và hành động sách nhiễu của một lực lượng an ninh nào đó (nói vậy vì xem ra cũng đều là công an, an ninh cả, nhưng cách hành xử mỗi nơi mỗi khác, bộ phận này xoa, bộ phận kia vuốt, trăng chẳng ra trăng, đèn chẳng ra đèn, ai khoe tỏ ai khoe mờ, rồi ai phải nhường đám mây, ai phải ra trước gió để phải tắt đánh phụt một cái, chẳng biết đâu mà lần).

Đã khá muộn, Lê Công Giàu gọi điện: “Mấy anh bạn gặp tôi chất vấn: chúng nó làm trắng trợn ngoài Bãi Tư Chính vậy mà chúng tôi thấy các anh chỉ ngồi yên thôi à? Sao im ắng thế, phải lên tiếng đi chứ để chúng tôi còn biết đường mà tính chớ”. Không ngủ được anh ”.

Cũng như anh, tôi cũng đang tự dằn vặt mình đây. Thế rồi chúng tôi gặp nhau, gọi thêm Hoàng Dũng, trù tính một cuộc “lên tiếng” chớp nhoáng ngay trước cửa Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc trên phố Hai Bà Trưng. Chia nhau ra gặp Mười Thôn, Huỳnh Tấn Mẫm, Huỳnh Kim Báu, cụ linh mục Huỳnh Công Minh, giáo sư Đào Công Tiến... và một số người khác nữa. “Quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Vả lại muốn “đa” cũng không kịp nữa rồi. Chuyện này phải học nhóm trẻ Hà Nội hôm 6.8.2019 “chớp nhoáng” có mặt trước Đại sứ quán Trung Quốc căng khẩu hiệu chống Trung Quốc xâm lược và đòi kiện Trung Quốc ra tòa án Quốc tế. Làm chớp nhoáng xong là rút, mà lượng sức cũng làm được có thế. Vì thế, chỉ cốt để nói cho bọn Tàu biết rằng, trong huyết quản chúng tao vẫn lưu chuyển dòng máu quật cường của cha ông chúng tao, từng đánh tan tác bọn xâm lược chúng mày, để rồi muốn giữ hoà hiếu với một nước quá đông dân ở sát nách, đã tha cho lũ chúng mày về nước, vậy mà ông cha chúng mày “ra đến biển chưa thôi trống ngực, về đến Tàu còn đổ mồ hôi” [Nguyễn Trãi] nên chúng mày biết điều thì đừng đi vào vết xe đổ.

Vậy giờ G được quy định là 12g30 có mặt trước cửa Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc, căng băng rôn “Đả đảo Trung Quốc xâm lược”, khoác khẩu hiệu bằng lụa đỏ vòng qua vai để lộ rõ trước ngực dòng chữ “China go out”, hô to mấy khẩu hiệu chĩa thẳng vào sứ quán Tàu, chụp ảnh để đưa lên mạng, rồi giải tán, ai về nhà nấy. Chỉ có vậy, ôn hoà đến vậy mà hệ thống bạo lực đã hầm hè tìm cách ngăn chặn. Ngoài một số người vì sức khoẻ không gượng đi được phải gọi điện cáo lỗi, mấy vị ở nước ngoài chưa kịp về như cụ Linh mục Huỳnh Công Minh và vài vị khác, còn lại thì không đến được vì bị ngăn chặn quyết liệt.

Lê Công Giàu được chăm sóc chu đáo từ sáng sớm, mấy cháu rất chu đáo: “Hôm nay chú đi đâu thì để chúng cháu đưa đi nhé”. Không hiểu bằng cách nào mà khi tôi đến điểm hẹn đúng giờ G thì anh đã có mặt ở đó. Huỳnh Tấn Mẫm không gọi được taxi phải phóng xe máy tới đang loay hoay tìm chỗ gửi, nhưng rồi cũng dựng đại xe bên vỉa hè để kịp nhập cuộc. Cụ Võ Văn Thôn, cưỡi trên chiếc xe đạp với chai nước trong túi nhựa cầm tay vội vã phóng đến, vẫn cười vui bỏ quên mất phong thái đĩnh đạc của vị giám đốc Sở Tư Pháp dạo nào. PGs Ts Hoàng Dũng đang khoác vai nhà giáo Nguyễn Thanh Văn và PGs.Ts hoá học Hà Thúc Huy đã dạy ở Đại học Khoa học Tự nhiên nhởn nhơ dạo bước cứ như “dửng dưng không một cảm tình chi” trong cái không gian sặc mùi săm soi, rình ngó của ai đó, nói với tôi: “Làm thôi, không chờ Huỳnh Tấn Mẫm nữa”. Tôi hiểu anh đã ngửi thấy được cái gì đó rồi. Vậy là, đứng đối diện với Tổng Lãnh sự Trung Quốc, chúng tôi ở băng rôn, kỹ sư Tô Lê Sơn một đầu, đầu kia là PGS Hà Thúc Huy căng lên hướng thẳng vào nơi chúng tôi sẽ đồng thanh thét lên “Chúng mày cút đi”. Các khẩu hiệu trên lụa đỏ với dòng chữ vàng “China go out” được khoác chéo trước ngực của mỗi người đã kịp có mặt vào giờ G. Những ai đến chậm thôi đành tính sau vậy. Rất may là Huỳnh Tấn Mẫm đến chậm chỉ ba phút. Xin có đôi dòng về dải lụa đó có dòng chữ “China go out” mà chúng tôi quàng trước ngực này. Một nhà hảo tâm thường tâm sự với tôi, mình già lắm rồi nhưng vẫn muốn sống những ngày cuối đời sao cho có ích. Thấy đám trẻ yêu nước đi biểu tình bị chúng hành hung mà lòng sôi lên không chịu được. Phải làm cái gì đó chứ. Và những dải băng lụa đỏ kia trao cho chúng tôi cũng là cách nhà hảo tâm đó cùng chúng tôi thét to lên trước toà lãnh sự Trung Quốc “China go out”, chúng mày cút đi! Chúng tôi đeo dải băng đó trước trái tim của mình để nghe trong đó nhịp đập của một trái tim yêu nước đã vào tuổi 90. Trên đất này còn biết bao những trái tim cháy bỏng lòng yêu nước như vậy. Chúng mày đàn áp sao nổi, ngăn chặn sao hết, lươn lẹo bịp bợm sao xuôi!

Mọi việc tưởng cứ thế là vui vẻ ra về, chẳng có một cớ nhỏ nào để nhà cầm quyền tóm vội lấy đó để sinh sự. Thế nhưng rồi vẫn có kẻ muốn sinh sự. Một cậu trung uý (hay trung tá tôi không chắc vì mắt tôi kèm nhèm) còn trẻ măng từ bên kia đường phía lãnh sự quán bước sang chen vào nhìn chúng tôi với ánh mắt săm soi, sừng sộ. Ai đó trong chúng tôi nói với hắn “Chúng tôi biểu tỏ lòng yêu nước chống Trung Quốc không được à? Anh mặc sắc phục, đeo quân hàm mà không biết được bọn xâm lược Trung Quốc đang gây hấn trên Biển Đông, ngang ngược cho tàu vào thăm dò để ăn cướp ở Bãi Tư Chính à?”. Hắn lúng búng, chuyện ấy chúng tôi biết cả rồi...

Đôi co với bọn này chẳng ích gì khi chúng cố tình sinh sự. Chúng tôi đã tránh cho chúng nón khỏi bị rầy rà với cấp trên và quan thầy của chúng nên đã đứng trên vỉa hè phía đối diện với toà tổng lãnh sự. Nhưng tay trung uý này lại cố tình bước sang để gây chuyện. Sau giây lát chuyện nọ xọ sang chuyện kia, tôi đến đứng sát vào hắn “Nào, chụp cho tôi một tấm ảnh với anh này đi”. Hắn giẫy nẩy: “Không được, không được” rôi lên giọng đe doạ “Các anh đang chống lại nhà nước”. Đến đây thì tôi không nhịn được nữa “Nhà nước nào? Nhà nước nguyện làm chư hầu của Tàu à?”. Hắn bỏ đi. Tôi nhìn theo và hô to tiễn hắn: Chúng tao đến đây để đả đảo bọn Trung Quốc xâm lược. Chúng mày nghe rõ chưa?

Cậu công an này chỉ bằng tuổi con cháu tôi, nếu hắn không mặc sắc phục với chiếc mũ kêpi trên đầu tượng trưng cho quyền lực cái nhà nước của hắn, thì tôi những muốn gõ nhẹ chiếc batoong lên đầu và bảo: Chú mày về hỏi bố hoặc hỏi ông rằng: Bố ơi, ông ơi, dạy lại cho con, cho cháu lòng yêu nước đi. Là nghĩ cho vui thế thôi, chứ chúng được dạy kỹ lắm đấy. Dạy kỹ năng chấp hành mệnh lệnh cấp trên, bảo đánh ai thì cứ thế nện, bảo doạ ai thì cứ thế gào, bảo hầu hạ ai thì cứ thế mà gật. Chẳng trách mà Einstein nói ông không chịu nổi những bộ đồng phục lính với những bước tập đi, tập dừng, tập đứng răm rắp theo lệnh mà không được biểu tỏ một chút cá tính nào. Nhà bác học thiên tài dị ứng với những gì rập khuôn, máy móc hành động theo cái gậy chỉ huy. Ông nói ông buồn nôn khi nhìn Hitler đứng duyệt binh!

Nhưng tại sao hắn phải sang sinh sự với chúng tôi khi chúng tôi đã tự hạn chế tối đa những bùng phát phẫn nộ trong lòng khi đối diện với cái tổng lãnh sự chết tiệt kia. Phải chăng đây là cái trò đời “ăn cơm chúa, múa tối ngày”. Chúng được sinh ra là để sinh sự, không thì còn biết làm gì với cả một bộ máy khổng lồ như vậy? Hơn nữa còn “chấm điểm thi đua” để khen thưởng nữa chứ. Chuyện này thì khi ngồi trên taxi tôi mới biết qua câu chuyện của Tô Lê Sơn: “Các cậu bị tuột mất người được lệnh phải chặn là bị mất điểm thi đua đấy anh ạ. Chúng nó “cú” chúng ta còn vì thế nữa, mất điểm thi đua là mất tiền thưởng, mà anh”.Tôi nghĩ, tay trung uý này chắc đã được huấn luyện kỹ nghiệp vụ chống lại những người biểu tình trước sứ quán. Nghĩ vậy vì nhớ dạo năm 2014 trong cuộc biểu tình ngày 11 tháng 5 chống vụ giàn khoan Hải dương 981 của Trung Quốc, khi cụ linh mục Huỳnh Công Minh và tôi cùng đoàn biểu tình đến trước Toà Tổng lãnh sự Trung Quốc, các bạn thanh niên đã công kênh tôi đặt lên yên một chiếc xe máy để tôi đứng hô khẩu hiệu chĩa vào toà lãnh sự. Một thanh niên giật áo tôi, bác cảnh giác nhé, cái tay đứng che nửa người bên trạm gác kia đang chĩa ống nhòm vào bác đấy, cẩn thận nó có thể làm bậy đấy. nhìn theo hướng đó, tôi thấy đúng như vậy, nhưng cũng trấn an các bạn trẻ đang lo cho tôi: “Chúng không dám làm gì đâu. Chúng ta đông thế này chứ đâu lẻ loi mình tôi. Trông những tay công an đứng sát mép đường kia, tôi nhìn thấy ánh mắt đồng tình của họ. Thôi, việc họ, họ phải làm, mình làm việc của mình, quang minh chính đại, chẳng sợ gì cả. Giỏi lắm thì cái tay lấp mặt chỉ huy kia cũng chỉ dám chụp ảnh để theo dõi thôi. Hắn không làm thế cũng không yên với cấp trên của hắn đâu, vì thế, chẳng dại gì mà hắn làm liều, trừ phi có lệnh từ trên, nhưng lúc này thì chưa đâu”. Cụ linh mục Minh đồng tình với tôi.

Chắc rồi có một điều họ sẽ phải nhận ra cái lẽ đời sinh sự thì sự sinh chưa bây giờ thì sau này. Hôm qua, Hoàng Dũng vừa nói với tôi: “Anh biết không, thấy chúng nó đánh người quá dã man mà mình đành giương mắt nhìn vì hàng rào công an vây chặt quá. Tay đánh người mặc thường phục đánh câu sinh viên kia trước vòng người mặc sắc phục, và bọn này đứng yên. Nhưng chúng không ngờ một ống quay đã ghi được cảnh này và tung lên mạng. Chẳng những thế, tiếp đó là tên tuổi, nơi ở, nơi làm việc của tên sát thủ máu lạnh kia. Anh cứ tưởng tượng, con của tên sát thủ máu lạnh kia đến trường với những ánh mắt của bạn bè cùng lớp, rồi cùng trường sẽ cảm thấy thế nào? Vợ của hắn sẽ nhìn chồng của mình thế nào? Rồi cha mẹ, ông bà, họ hàng của hắn sẽ nghĩ thế nào về đứa con, đứa cháu?”.

Sức mạnh của truyền thông trong thời đại kỹ thuật số và Internet nối mạng toàn cầu sẽ là khủng khiếp với những kẻ gieo tội ác, những tên độc tài trong bộ máy toàn trị phản dân chủ, phản nhân dân và nhưng công cụ được sử dụng như những rô bốt vô hồn kia. Tôi tin chắc rằng, rồi có lúc hiểu ra, tay trung uý đáng tuổi cháu tôi kia sẽ không khỏi tự xấu hổ, vì nhìn vẻ mặt của hắn, tôi nghĩ hắn cũng là kẻ có học. Mà đã không phải là một tên vô học, thì thế nào cũng ấp ủ đâu đó trong lòng những đốm lửa của lương tri. Lớp tro lạnh của những lời rao giảng, răn dạy bịp bợm tuy phủ lấp não trạng của cả một lớp người, nhưng vùi kín trong họ vẫn chưa tắt hẳn những đốm lửa của cái thiện. Tôi vẫn tin thế.

Hơn nữa, đừng quên rằng, sức mạnh của truyền thông trong thời đại chúng ta đang sống sẽ nhân lên gấp vạn lần, triệu lần những hành động cao cả và lòng nhân ái có khi chỉ khởi nguồn từ một sự kiện đơn lẻ. Chỉ cần đó là chính nghĩa, là lòng nhân ái, là tinh thần yêu nước, là ý chí quật khởi không chịu cúi đầu trước cường quyền, thì dù nhất thời có thể là cô đơn, nhưng cuối cùng sẽ gọi dậy sức mạnh của chân lý. Và lúc ấy, từ đơn lẻ sẽ trở thành phổ biến, tầng tầng lớp lớp như sóng biển trào dâng. Khi những kẻ độc tài và bọn thao túng quyền lực để duy trì một thể chế chính trị lỗi thời, cũ nát và đã thối rữa thì chúng phải che dấu sự thật. Mà vì che giấu sự thật cho nên chúng rất sợ sức mạnh của truyền thông. Còn ngược lại, truyền thông trong chức năng đích thực của nó thì gắn liền với sự thật. Mà sự thật sẽ là chân lý, vì chân lý không trừu tượng, xa vời, chân lý là cụ thể. Những gì là sự thật, là chân lý, là cụ thể sẽ có sức lan toả rất nhanh. Truyền thông sẽ ngay lập tức làm cho sức lan toả ấy tăng lên không chỉ với cấp số nhân như trước đây khi chưa có kỹ thuật số và mạng Internet. Thì đó, cách đây ba tiếng đồng hồ, ông bạn tôi ở Đan Mạch đã nhắn tin cho tôi qua Viber sau khi Hoàng Dũng đưa tin về cuộc “gào thét” của mấy anh em chúng tôi trước toà lãnh sự Tàu! Chính vì thế, chúng tôi tin chắc vào việc làm của mình hôm nay sẽ không hề đơn độc, hành động của các bạn ở Hà Nội hôm rồi và hôm qua cũng không đơn độc, dù đếm số người chỉ đủ trên mấy ngón tay. Vì, sau chúng tôi là cả một biển người. Một biển người đang chăm chú dõi theo, lẳng lặng kiểm nhận, âm thầm cổ vũ, để rồi đến một lúc nào đó, biển người ấy sẽ không thầm lặng nữa.

Khi biển cả đã gầm thét, trong âm vang bão táp của những đợt sóng thần giận dữ của lòng dân, mọi công cụ bạo lực và lừa mị của chế độ toàn trị phản dân chủ sẽ tan theo bọt biển. Một bộ phận trong thế lực cầm quyền chóp bu ngoan cố bám vào quan thầy Bắc Kinh để cứu vãn sự sụp đổ rồi sẽ là những bọt biển ấy mà thôi.

Chúng tôi tin chắc vào điều đó. Trong dầu tôi bỗng gợi lại một tứ thơ rất hay của một nhà thơ Ý - Nobel văn chương 1959 - Salvatore Quasimodo, khi ông nói về một người “đứng bơ vơ trên trái tim quả đất” nhưng lòng lại “xuyên qua một tia nắng mặt trời”. Vậy thì sao còn bơ vơ?


Chúng tôi đang ấm áp với tia nắng mặt trời.


© Tương Lai

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad