Án tham nhũng khó xử…
Trước đó hôm 3/9 đại biểu Dương Trọng Nghĩa phát biểu tại một phiên thảo luận đặc vấn đề cho rằng, báo cáo của chính phủ chưa đánh giá đúng tình hình về tham nhũng, một số vụ án rất to nhưng khi xét xử chỉ là tội cố ý làm trái, lạm dụng chức vụ quyền hạn và vắng bóng tội tham nhũng, rất ít vụ án mà bị cáo bị kết tội tham nhũng.
Ông Nghĩa bày tỏ “Chỉ có vụ báo đài đăng và nhân dân đang chờ đợi là MobiFone mua cổ phần AVG thì thấy có dấu hiệu tham nhũng, còn nhiều vụ nằm trong diện Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo nhưng thấy rất ít hành vi tham nhũng. Kể cả vụ đánh bạc qua mạng cũng không có yếu tố tham nhũng. Thực sự là tình hình thực tế tham nhũng chỉ như vậy hay khó quá không điều tra ra?” (trích từ báo Người Lao Động đăng 4/9/2019)
Tại phiên họp toàn thể lần thứ 13 của Ủy ban Tư pháp Quốc hội hôm 4/9 khi nói về đấu tranh chống tham nhũng, ông Lê Minh Trí lãnh đạo viện kiểm sát nhân dân tối cao giải thích vụ việc MobiFone mua 95% cổ phần AVG, là việc đưa nhận hối lộ chỉ có hai người biết nên đấu tranh để họ thừa nhận đã nhận hối lộ là điều không đơn giản mà ngay từ đầu sờ vào là đã khó khăn rồi, riêng việc “mời” mấy ông Bộ trưởng, ủy viên Trung ương vào trong trại giam cũng là một điều khó khăn hơn nhiều. Theo ông Trí, án ma túy dễ hơn vì có địch có ta còn án tham nhũng thì trong nội bộ khó hơn nhiều…
Trong khi đó, ông Nguyễn Túc, ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khi trao đổi với báo Đất Việt hôm 4/9/2019 cho rằng, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật dù có là nguyên ủy viên Trung ương nhưng phạm tội thì trước pháp luật cũng như người bình thường “Làm sao đã phạm tội rồi còn phân biệt đối xử? Nguyên tắc của Đảng , nguyên tắc pháp luật đã có, cứ thế mà làm” (trích từ Báo Đất Việt hôm 4/9/2019)
Luật sư Hà Huy Sơn từ Hà Nội giải thích về “cái khó” mà ông Viện trưởng viện KSND tối cao nêu ra, là:
“Theo tôi ông Viện trưởng nói lên cái thực trạng thực tế đúng ở hai góc độ. Nếu nhìn theo văn bản pháp luật thì nói rằng mọi người đều là bình đẳng với nhau, nếu theo góc đối chiếu pháp luật thì theo hiến pháp quy định là đảng lãnh đạo theo điều 4 của Hiến pháp thì việc ông Ủy viên Trung ương Đảng thông thường 1 bí thư một tỉnh sẽ lãnh đạo hết các cơ quan tư pháp, điều tra kiểm soát tòa án…thì việc đưa vào trại hay bắt tạm giam khó khăn cũng xuất phát từ những thực tế như vậy.”
Nhà báo Võ Văn Tạo từ Nha Trang, từng giữ vị trí Hội thẩm Nhân dân thành phố nhiều năm nhận định rằng, phát biểu của Viện trưởng không làm ông ngạc nhiên, nhưng từ phát biểu đó ông thấy sự việc phản ánh đúng thực tế hiện nay.
“Có một chỉ thị tôi nhớ không lầm thì số 115 có quy định là khi muốn tiến hành xử lý trách nhiệm hình sự thì khâu đầu tiên là khởi tố bị can đối với Đảng viên thì phải thông qua cấp ủy đảng phụ trách Đảng viên đó nếu đồng ý mới được làm nên nhiều khi công an làm thì lỡ thời cơ hết, bởi vì chậm chạp và không thật sự khách quan. Nếu như đảng ủy cấp trên họ bao che nhau, đảng viên tiêu cực tham nhũng nhưng cúng nạp lo lót cho cấp trên thì khó lòng cho công an xử lý. Phát biểu của ông Viện trưởng cũng không làm cho tôi ngạc nhiên và đối với những người dân lâu nay quan tâm đến tình hình chính trị thì họ thấy điều đó cũng bình thường.”
Ngoài ra, nhà báo Tạo còn phân tích thêm, đối với các nước tiên tiến như Mỹ, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc… thì dù là Tổng thống nếu vi phạm thì cũng bị xử lý theo pháp luật và không có bất kỳ một đảng phái chính trị nào có thể làm méo luật được nhưng tại Việt Nam thì nó hoàn toàn khác vì là một quốc gia độc đảng cai trị đất nước và không cho bất kỳ lực lượng chính trị khác có thể chia sẻ quyền lực nên phát biểu của ông Viện trưởng là điều thật lòng.
…cũng phải xử
“…tham nhũng thường hay lẩn vào các vụ án kinh tế, có vi phạm kinh tế mới ra tham nhũng được do đó tội phạm kinh tế và tham nhũng thường gắn với nhau”, đó là kết luận của thượng tướng Lê Quý Vương, thứ trưởng Bộ Công An.
Với trường hợp trên, nhà báo Võ Văn Tạo cho hay, theo quan sát tình hình chính trị Việt Nam vài thập kỷ trở lại đây của ông thì việc một Ủy viên Bộ Chính trị bị xử lý hình sự, khởi tố bắt giam rồi ra tòa là điều rất hiếm xảy ra.
“Mặc dù tôi là nhà báo có nhiều nguồn thông tin rất chuẩn thì tôi biết có một số đảng viên cũng phạm sai lầm ở cấp Bộ Chính trị nhưng chỉ xử lý nội bộ là xong chứ không đưa ra pháp luật, chỉ riêng trường hợp ông Đinh La Thăng thì rất là lạ. Ông Thăng không phải là về chính trị mà nói về chính trị để xử lý thì phải nói đến ông Hoàng Văn Hoan Ủy viên Bộ Chính trị chạy sang TQ bị tử hình vắng mặt, Ông Nguyễn Hà Phan phó chủ tịch quốc hội, ông Trần Xuân Bách… thì hầu như còn lại các ủy viên Bộ Chính trị mà có sai lầm về kinh tế thì chỉ xử lý âm thầm thôi chứ không làm công khai rùm beng.”
Ngoài ra nhà báo Tạo còn giải thích thêm về quy định nội bộ đảng viên:
“Ở trong quy định của ĐCS Việt Nam có quy định rất là chặt chẽ trong nội bộ đảng, đảng viên cấp nào thì do cấp nào phụ trách quản lý, ví dụ như quy hoạch, đề bạt, thăng thưởng….thì đều có thứ tự. Như anh là Ủy viên TW thì xử lý anh vụ việc này thì Bộ Chính trị họp thậm chí đưa ra hội nghị ban chấp hành TW để có ý kiến. Trường hợp ông Nguyễn Bắc Sơn đã về hưu và không còn trong TW nữa thì cấp quản lý sẽ hạ xuống 1 cấp, nếu còn đương chức chắc chắn sẽ thông qua Bộ Chính trị.”
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, phó chủ tịch hội luật gia thành phố Hồ Chí Minh nhận định rằng, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật cho dù người đó là ai.
“Ở đây không có vùng cấm, một ủy viên TW, một Bộ trưởng họ tiêu cực, tham nhũng thì phải đưa vào trại giam vì họ vi phạm pháp luật, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, vi phạm là xử và cách ly với xã hội thì nó mới bình đẳng với mọi người khác, chức vụ càng cao thì trách nhiệm càng lớn. Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng từng nói là không có vùng cấm, nếu nói như vậy thì có vùng cấm rồi.”
Ngoài ra, luật sư Hậu còn cho biết thêm, một trong những nguyên tắc của người Đảng viên là sẽ bị xử rất nghiêm nếu vi phạm, trước hết xử lý kỷ luật về mặt đảng sau đó mới xử lý về mặt pháp luật và không có việc xử lý nội bộ.
Còn theo luật sư Hà Huy Sơn theo quy định 102, chỉ thị 10 năm của Ban chấp hành Trung ương có quy định trước khi khởi tố đảng viên phải khai trừ đảng hay tạm đình chỉ sinh hoạt đảng trước rồi mới tiến hành khởi tố bắt giam, qua đó có thể hiểu được rằng mọi quy trình tố tụng đối với đảng viên đều có sự chỉ đạo hay can thiệp của đảng, còn trình tự xử lý nặng-nhẹ ra sao lại là chuyện hạ hồi phân giải!
RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét